Thứ Tư, 9 tháng 1, 2019

KÝ GIẢ MẶC LÂM (RFA) TRÒ CHUYỆN VỚI THI SĨ NGUYỄN TRỌNG TẠO


Nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo 

Chương trình Văn Học-Nghệ Thuật tuần này mời quý vị theo dõi cuộc nói chuyện với nhạc sĩ - nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo cùng những quan niệm sáng tác của ông. Bài phỏng vấn do Mặc Lâm thực hiện.
 
Mặc Lâm, phóng viên đài RFA  
RFA 
2009-06-05
Nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo sinh năm 1947 trong một gia đình nho học ở làng Trường Khê, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 1969 ông tham gia quân đội, đến năm 1976 được về Hà Nội tham dự trại viết văn quân đội rồi vào học Đại Học Viết Văn Nguyễn Du. Năm 1982 ông làm trưởng ban biên tập Nhà Văn Hóa - Quân Khu Bốn.

Ngoài sáng tác thơ và nhạc, Nguyễn Trọng Tạo còn là họa sĩ minh họa và trình bày mỹ thuật cho nhiều tạp chí. Ông nổi tiếng với những ca khúc, là hội viên Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, và cũng là hội viên Hội Nhà Báo Việt Nam.

Tính cho đến năm 2008, ông đã xuất bản gần 20 đầu sách gồm thơ, văn, nhạc, phê bình tiểu luận và ông cũng đoạt nhiều giải thưởng văn học nghệ thuật. 

Thơ và nhạc

Trong câu chuyện trao đổi với chúng tôi sau đây, khi được hỏi giữa thơ và nhạc thì bộ môn nào là ông say mê hơn, nhạc sỹ Nguyễn Trong Tạo cho biết:

NS Nguyễn Trọng Tạo: Trong đời tôi, chỉ quan niệm có cái việc lớn nhất của đời tôi là thơ thôi, làm thơ, nhưng mà trong đấy tôi có làm âm nhạc. Nói chung, như là ông Văn Cao, ông là một nhạc sĩ mà lại làm thơ, cũng bắt đầu bằng âm nhạc và sau đó ông làm thơ và cũng trở thành một nhà thơ rất là hay, tôi rất là quý. Nói chung, phải nói là rất là mới mẻ trong thơ ca Việt Nam, từ những năm 1940 trở về sau này tính cách tân của ông rất lớn trong thơ.
Thật ra tôi làm thơ, tôi làm nhạc, một thứ chẳng phải tay trái vì mình làm cái gì nó cũng là tay phải thôi, vì nó là trái tim của mình. Phải nói gần đây có một số bài người ta rất là thích, điều đấy tôi không hiểu tại sao. Mình làm âm nhạc thì nó cũng từ trái tim thế thôi.
NS Nguyễn Trọng Tạo
Trịnh Công Sơn là một nhạc sĩ nhưng mà anh làm thơ, viết văn rất là thú vị, mặc dù thơ của anh làm không nhiều, nhưng mà tôi nghĩ tất cả các bài ca của Trịnh Công Sơn lại chính là thơ mà nó là thơ rất là đích thực. Một thứ thơ nó ảo, nó xa xăm, cho nên khi nó trở thành âm nhạc thì nghe nó ma mị, và chính vì thế mà nó tồn tại được lâu.

Thật ra tôi làm thơ, tôi làm nhạc, một thứ chẳng phải tay trái vì mình làm cái gì nó cũng là tay phải thôi, vì nó là trái tim của mình. Phải nói gần đây có một số bài người ta rất là thích, điều đấy tôi không hiểu tại sao. Mình làm âm nhạc thì nó cũng từ trái tim thế thôi. 

Khuynh hướng cách tân thơ ca

Mặc Lâm: Thưa anh, trong nhiều bài thơ của anh hồi gần đây tôi thấy có khuynh hướng làm mới thơ rất nhiều. Trong bài "Ngày mỏng dần" tôi phát hiện ra ngôn ngữ cũng như cách chuyển đổi câu chữ rất khác các bài thơ trước đây của anh. Những chữ trong bài thơ này làm tôi ngỡ ngàng như "tôi rơi tôi về em" hay "tết vừa chạm ngõ và chân trời sóng nắng"...Anh tự làm mới thơ mình một cách triệt để như vậy từ bao giờ?

NS Nguyễn Trọng Tạo: Vâng. Tôi nghĩ là khi tôi đã làm thơ thì bao giờ cũng hướng về sự cách tân, mà trong những thế hệ của chúng tôi như là tôi với Thanh Thảo cũng phải nói là hai nhà thơ chú trọng sự cách tân thơ ca, nhưng mà Thanh Thảo thì có vẻ hướng về Phương Tây mạnh hơn. Tôi cũng đã từng hướng về Phương Tây nhưng sau đấy thì tôi cũng có một lựa chọn, cuối cùng tôi lại hướng về Phương Đông. Trong sự cách tân đối với thơ ca Việt Nam mà hướng về Phương Tây nói chung là tốt thôi vì Phương Tây bao giờ cũng lạ đối với Phương Đông mà. Nhưng cách tân theo kiểu là anh cách tân từ phía Phương Đông thì có lẽ đấy là cuộc đi, tức là đi qua Tây rồi lại trở về để mà cách tân.
Nhưng mà tôi nghĩ thời này người ta ít sản xuất những loại giá trị thật sự bền vững, mà những cái tức thì lại rất là nhiều.
NS Nguyễn Trọng Tạo
Cũng có một số người họ cũng nhận xét tôi như một thứ biệt thự của Phương Đông, nhưng mà cũng có những người nhầm tưởng thơ tôi là cổ điển. Nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến có một nhận xét về tôi rất thú vị: thơ của tôi là thơ hiện đại mà lại phảng phất cổ điển. Ông nói rằng nếu mà chỉ toàn hiện đại thì người ta cũng rất là khó đọc, khó vào, nhưng mà chỉ toàn cổ điển thì người ta lại thấy quá quen. Cho nên sự hiện đại phảng phất cổ điển thì đấy là một cái xu hướng cách tân thơ ca mà ông cho có lẽ là phù hợp nhất và chín chắn nhất.

Mặc Lâm: Chung quanh anh, giới làm thơ trẻ cũng đang có khuynh hướng từ chối hẳn dòng thơ cổ điển để lao vào những thế giới mà nhiều người cho là không có thật hay nói khác đi là ảo tưởng, hoặc nặng nề hơn như là làm dáng chẳng hạn. Anh chia sẻ gì về các hiện tượng này?

NS Nguyễn Trọng Tạo: Tôi là một người rất là cổ vỏ các nhà thơ trẻ từ khi họ xuất hiện, ví dụ như là Vi Thuỳ Linh, Phan Huyền Thư, Phan Trọng Hải, vân vân. Tôi thấy một đặc điểm ở họ là họ có cá tính. Những người mà tôi ủng hộ thì đấy là những người có cá tính, thậm chí hơi điên điên một chút. Chính vì thế mà những sự ủng hộ đó thường bị sự ngăn trở của dư luận chung. Nói chung về thơ thì nó là một cái gì rất là siêu phàm, cho nên không phải ai đọc cũng nhận ra những gì mới mẻ ngay. Chính tôi, tôi cũng ngại cái sự đó, mình không biết là mình có đúng không, nhưng mà tôi thấy cái gì rất mới lạ, cái gì có cá tính riêng, thậm chí nó hơi điên một chút thì tôi nghĩ là tôi thiên về cái đó đối với những người trẻ, những người mới xuất hiện. Như thế thì đến khi họ chín dần là nó vừa, nó đẹp, chớ còn lại những người nhợt nhạt họ xuất hiện rất là khôn khéo, những thứ nghệ thuật họ làm rất là khôn khéo, rất là tinh vi, thì nói chung là tôi không thích. Bởi vì họ khôn quá, mà những người khôn quá thì đối với nghệ thuật có khi họ không đi dài được. Nhưng mà những người xuất hiện dài dại một chút thì chính cái đấy là những dấu hiệu của những cuộc đi lớn hơn. 

Âm nhạc VN thiếu ấn tượng

Mặc Lâm: Có nhiều ý kiến cho rằng nền âm nhạc Việt Nam từ nhiều chục năm nay không có nhạc phẩm ấn tượng đúng nghĩa. Anh có đồng ý với những nhận định như thế hay không?

NS Nguyễn Trọng Tạo: Nói chung cho đến bây giờ thì tôi thấy cái tinh thần của bát đĩa giấy rất là mạnh, tức là ăn liền, một cái thứ mà Việt Nam mình hay gọi ba chữ từ trong nháy là "mì ăn liền", thì khi ăn xong bát điã giấy người ta cũng vất đi thôi. Thế thì cái đấy cũng nhiều, mà nó xuất hiện cũng vì nhu cầu thị trường thôi. Còn lại những thứ âm nhạc đi được dài, sống được lâu, nó là bát đĩa sứ, thậm chí là bát đĩa cổ, thì nó đã từng có. Nhưng mà tôi nghĩ thời này người ta ít sản xuất những loại giá trị thật sự bền vững, mà những cái tức thì lại rất là nhiều. Chính vì thế người ta thấy âm nhạc ở Việt Nam có hơi loạn, có một sự loạn, ngay cả các chương trình "Bài Hát Việt", rồi là những chương trình "Sao Mai", hay là chương trình "Tác Phẩm Mới" trên các đài truyền hình Việt Nam, hay đài tiếng nói Việt Nam thì họ cũng cố gắng để giới thiệu những cái gì mới, nhưng mà thực chất thì những tác phẩm gây ấn tượng mạnh thì rất là hiếm, nhưng mà tôi nghĩ không phải là không có.

Mặc Lâm: Nhân nhắc tới chuyện âm nhạc, cũng xin phép anh để phát một đoạn trong ca khúc của anh mà nhiều người yêu thích, đó là bài "Khúc Hát Sông Quê" được Phạm Phương Thảo và Tạ Đức Hiên trình bày sau đây.

Quay lại với các ca khúc Việt Nam, thưa anh, trong thời gian gần đây nhà nước đã cho phép nhiều tác giả có tác phẩm bị cấm trước đây được phổ biến lại tác phẩm của mình, chẳng hạn như nhạc sĩ Phạm Duy. Anh có ý kiến gì về những quyết định mang tính văn hóa tư tưởng như vậy?

NS Nguyễn Trọng Tạo: Tôi nghĩ về sự cho phép hay không cho phép của nhà nước thì thực ra là quyền của họ, nhưng mà tôi thấy nó cũng vô bổ, nó chả có ý nghĩa gì cả đối với âm nhạc. Anh không cho phép nhưng tôi thích thì tôi cứ hát. Thực chất không cho phép người ta hát cái này cái kia thì nó làm ảnh hưởng đến tư duy tự nhiên của công chúng âm nhạc. Nó cũng có nhiều lúc nó cũng làm cho người ta quên đi nhiều, người ta không được hát thì người ta quên thôi, bởi vì bài hát, âm nhạc mang tính thời gian. Bây giờ được hát lại thì tôi thấy không khí người ta đón nhận cũng không lấy gì làm hứng thú lắm.
Tôi nghĩ về sự cho phép hay không cho phép của nhà nước thì thực ra là quyền của họ, nhưng mà tôi thấy nó cũng vô bổ, nó chả có ý nghĩa gì cả đối với âm nhạc. Anh không cho phép nhưng tôi thích thì tôi cứ hát.
NS Nguyễn Trọng Tạo
Anh Phạm Duy thì cũng chơi với tôi cũng rất thân thiết, kể cả trước khi anh ấy về nước. Nhưng mà đĩa nhạc của anh trở lại tôi thấy cũng không ảnh hưởng gì lớn lắm trong âm nhạc Việt Nam, trong công chúng Việt Nam. Có thể là chỉ có những người kháng chiến từ thời chống Pháp, thời trước 75 ở Miền Nam là người ta biết thì người ta nhớ lại thôi. Còn đối với Miền Bắc thì tôi thấy họ chỉ biết là có ông Phạm Duy là lớn nhưng mà âm nhạc của ổng thì người ta không biết nhiều.

Mặc Lâm: Xin cám ơn nhạc sĩ Nguyễn Trọng Tạo về thời gian anh dành cho chúng tôi trong chương trình ngày hôm nay.

 

1 nhận xét :

  1. Trực Ngôn 2014lúc 10:50 9 tháng 1, 2019

    Cầu mong nhạc sĩ, nhà thơ, họa sĩ Nguyễn Trọng Tạo an nghỉ chốn vĩnh hằng.
    Nếu đước, Chú Tễu có thể đăng lại bải này của ông để mọi người hiểu thêm về con người ông, người lính Cụ Hồ đã đi qua chiến tranh.
    ĐỪNG THÊM NHỮNG THÁNG TƯ
    Link: https://nhathonguyentrongtao.wordpress.com/2010/04/28/d%E1%BB%ABng-them-nh%E1%BB%AFng-thang-t%C6%B0/

    Trả lờiXóa