Thứ Tư, 12 tháng 12, 2018

Võ Xuân Sơn: Ở ĐÂU YÊU BÓNG ĐÁ NHƯ Ở VIỆT NAM?

Trên đường Tôn Đức Thắng, chàng trai giơ cao bảng quảng cáo tạo sự nổi bật 
giữa đám đông. Ảnh: VNEThứ tư, 12/12/2018, 02:10 (GMT+7)
 
Ở đâu trên thế giới người ta yêu bóng đá 
như ở Việt Nam?

Võ Xuân Sơn
12-12-2018

Cứ mỗi trận bóng đá mà đội tuyển Việt nam thắng trận, thậm chí là hòa thôi, là người hâm mộ lại đổ xuống đường, được gọi là “đi bão”.

Khi đội tuyển Việt nam lọt vào vòng chung kết AFF cúp 2018, một cuộc “đi bão” hoành tráng nhất, rầm rộ nhất đã diễn ra. Và, có tới mấy chục người chết do tai nạn giao thông, và rác tràn ngập các ngả đường. Nhiều người kêu gọi không “đi bão”. Thậm chí còn qui kết mọi tội lỗi cho những người “đi bão”.

Riêng về vấn đề xả rác, thì có lẽ chúng ta đã thuộc về một đất nước dơ bẩn rồi. Khi đi qua các khu du lịch, khu chợ, ga tàu diện ngầm… đông nườm nượp ở Đài Loan, hoặc ở Nhật, gần như chúng ta không thấy rác. Có người đặt câu hỏi với tôi, tại sao họ sạch thế mà chúng ta lại dơ. Tôi chợt nhận ra, chúng ta không chỉ có đường phố dơ, không chỉ đầy rác sau mỗi lễ hội, mà ngay từ những thể chế cao nhất cũng dơ bẩn, cũng đầy rác rưởi trong đó, thì làm sao mà đường phố chúng ta sạch được.

Trở lại với những cái chết trong đêm “đi bão”. Có phải mấy chục cái chết kia là do người hâm mộ bóng đá gây ra hay không? Chẳng cần có bóng đá, chỉ cần thứ Bảy, Chủ nhật là có hàng bao nhiêu người chết vì tai nạn giao thông. Mỗi ngày, trung bình có hơn 20 người chết tại chỗ do tai nạn giao thông (không kể số người chết trong bệnh viện) ở đất nước chúng ta. Vậy thì mấy chục người chết trong các đêm “đi bão” kia có phải là do “đi bão” gây ra không?

Tôi không nghĩ vậy. Không có bóng đá, không có “đi bão”, họ vẫn cứ gây tai nạn, vẫn cứ chết. Họ chết vì đua xe, họ chết vì ăn nhậu xong rồi chạy xe. Với những người đó, không có bóng đá, không có “đi bão”, thì họ cũng sẽ kiếm cớ ăn nhậu, kiếm cớ đua xe. Nếu đổ cho “đi bão” là nguyên nhân cái chết của họ thì có vẻ hơi gượng ép quá.

Không biết có ở đâu trên thế giới người ta yêu bóng đá như ở Việt nam không? Ở Việt nam, người ta xông vào chiếm giữ văn phòng VFF, để mua vé xem bóng đá, và còn bày ra nhậu tại đó. Có thật đó là người hâm mộ bóng đá không? Hay họ chỉ lợi dụng tình yêu bóng đá mà thôi?

Mỗi khi ủng hộ đội tuyển hoặc “đi bão”, người ta mang cờ đỏ sao vàng, vẽ cờ đỏ sao vàng lên mặt, đeo băng đỏ có ngôi sao vàng năm cánh… Điều đó hoàn toàn tự nhiên và hợp lí. Dù muốn dù không, dù yêu dù ghét lá cờ đỏ sao vàng, thì hiện nay, đó vẫn là lá cờ đại diện chính thức duy nhất cho nước ta.

Ngay cả việc mang lá cờ Hàn Quốc cũng có thể coi là phù hợp, vì ít nhất thì cũng có một người Hàn Quốc đã đóng góp công lao không nhỏ cho chiến thắng của chúng ta.

Thế nhưng, lại có những người mang những lá cờ khác đi ủng hộ đội tuyển quốc gia, “đi bão”. Và đặc biệt, cứ bóng đá là lại mang hình của những người chẳng dính dáng gì đến bóng đá ra, cứ như đó là huấn luyện viên, hay cầu thủ xuất sắc không bằng.

Họ có phải là người hâm mộ thật sự không, hay họ chỉ lợi dụng bóng đá để đề cao hình ảnh của ai đó? Nếu họ thực sự yêu bóng đá, họ đã phải mang hình của huấn luyện viên, hoặc hình Bầu Đức, hoặc hinh của các cầu thủ… những người thực sự có công với bóng đá Việt nam chứ.

Hãy phân biệt người yêu bóng đá và người lợi dụng tình yêu bóng đá. Đừng gộp chung họ lại với nhau, để rồi làm tổn thương họ.

3 nhận xét :

  1. Hãy phân biệt người yêu bóng đá và người lợi dụng tình yêu bóng đá.
    -----------------
    'Yêu bóng đá', chắc chắn không.
    Nhưng 'lợi dụng tình yêu bóng đá' cũng không.

    Vậy là gì, có thể lí giải được.

    Trả lờiXóa
  2. Đúng quá :"ngay từ những thể chế cao nhất cũng dơ bẩn, cũng đầy rác rưởi trong đó, thì làm sao mà đường phố chúng ta sạch được."

    Trả lờiXóa
  3. Tôi phát chán với các ông BLV (có cả cựu cầu thủ ĐPN) cứ khoái ăn ốc nói mò: "VN sẽ thắng 2-1, 3-1!" (cuối cùng kết quả là 2-2).

    Trả lờiXóa