Thứ Năm, 22 tháng 11, 2018

MỘT CUỐN SÁCH HAY CỦA NXB TRI THỨC VỪA XUẤT BẢN


NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC VÀ TS. CHU HẢO
VỪA XUẤT BẢN CUỐN SÁCH HAY


Phạm Khiêm Ích

Sách có tựa đề Tôn giáo học, từ nhiều cách tiếp cận do dịch giả Chu Tiến Ánh dich từ tiếng Anh Approaches to the Study of Religion, xuất bản tại London và New York năm 1999, nhà nghiên cứu Phạm Khiêm Ich viết lời giới thiệu. Cuốn sách được quyết định xuất bản ngày 09-10-2018, chính thức phát hành ngày 12-11-2018, hiện dang được bán rộng rải ở nhiều cửa hàng sách tại Hà Nội. Có lẽ đây là cuốn sách cuối cùng của NXB Tri Thức doTS. Chu Hảo làm Giám đốc, Tổng biên tập. Cách đây 13 năm, NXB Tri Thức được thành lập do TS. Chu Hảo làm Giám đốc,Tổng biên tập. Cuốn sách đầu tiên được xuất bản là cuốn Thế giới như tôi thấy của Albert Einstein, do các dịch giả Đinh Bá Anh, Nguyễn Vũ Hào, TrầnTiễn Cao Đăng dịch từ tiếng Đức và tiếng Anh, nhà nghiên cứu triết học Bùi Văn Nam Sơn hiệu đính. Sách in xong và nộp lưu chiểu tháng 12-2005. 13 năm đã trôi qua. Hàng trăm cuốn sách, nhiều trăm cuốn sách đã ra đời ở NXB Tri Thức trong chương trình xuất bản 500 cuốn. Sách khá phong phú và đa dạng. nhưng hầu hết đều hướng vào mục tiêu:”Góp phần nâng cao dân trí và khai minh xã hội”- Tiêu chí của Sách Hay đương thời, được đông đảo công nhận.

Sách Tôn giáo học, từ nhiều cách tiếp cận là cuốn Sách Hay như thế. Đây là sách giáo khoa tôn giáo học ở bậc đại học, được gọi là”sách giáo khoa đầu tiên” (the first textbook) của môn học ở thế giới Anh ngữ.

Như chúng ta đều biết, nghiên cứu tôn giáo đã có từ lâu ở phương Đông, cũng như phương Tây. Nhiều công trình nổi tiếng thế giới đã được công bố. Tiêu biểu là cuốn sách của nhà xã hội học lớn người Pháp Émile Durkheim “Những hình thức sơ đẳng của đời sống tôn giáo”(Les formes élémentaires de la vie religieuse) xuất bản ở Paris năm 1912. Tuy nhiên, nghiên cứu tôn giáo (religious studies) không phải là tôn giáo học (study of religion, science of religion). Tôn giáo học với tính cách là môn học, được giảng dạy ở các trường đại học chỉ mới được hình thành vào những năm 1960 tại thế giới Anh ngữ. Thời gian này nhiều giáo trình tôn giáo học (courses on religion) ở các trường đại học đã được biên soạn. Nhưng phải đến năm cuối cùng của thế kỉ XX cuốn sách giáo khoa đầu tiên này mới ra đời, đánh dấu bước phát triển mới của tôn giáo học:“Sách này là sách giáo khoa đầu tiên dành cho sinh viên, nhằm cung cấp những cơ sở chủ yếu về phương pháp của bộ môn khoa học chính liên quan tới tôn giáo học”.

Đặc điểm nổi bật của sách này là nó nghiên cứu tôn giáo học như một môn học liên ngành (liên bộ môn), đa phương pháp tiếp cận. Vì vậy, sinh viên và người nghiên cứu phải làm quen với những cách tiếp cận của các bộ môn khoa học chủ yếu quan tâm tới việc nhận biết bản chất của tôn giáo.

Trong 7 chương sách, các tác giả đã trình bày 7 bộ môn khoa học chủ yếu, cùng những cách tiếp cận của chúng: những cách tiếp cận nhân học, những cách tiếp cận nữ quyền, những cách tiếp cận hiện tượng luận, những cách tiếp cận triết học, những cách tiếp cận tâm lý học, những cách tiếp cận xã hội học, và những cách tiếp cận thần học. Cần nhấn mạnh rằng 7 bộ môn khoa học trên đây, cùng những cách tiếp cận của chúng không phải là 7 củ khoai riêng biệt được đặt cạnh nhau trong một rổ khoai, mà là một thể thống nhất hữu cơ – thống nhất trong đa dạng, đa dạng trong thống nhất.

Các tác giả sách này là các nhà nghiên cứu và giảng dạy tôn giáo học tại nhiều trường đại học Anh quốc, dưới sự chủ biên của Peter Connolly, giảng viên cao cấp về tôn giáo học tại Viện Cao học Chichester Anh quốc. Người chủ biên đã biết liên kết sự nỗ lực sáng tạo của các đồng nghiệp để xây dựng một quan niệm chung về tôn giáo làm cơ sở vững chắc cho sự thống nhất của công trình:
“Tôn giáo là bất cứ niềm tin nào thừa nhận một lĩnh vực thiêng liêng, siêu - thể nghiệm và bất cứ hành vi ứng xử nào nhằm thể hiện mối quan hệ giữa con người với lĩnh vực ấy. Thuật ngữ thích hợp nhất để quy dần vào những hành vi ứng xử ấy có lẽ là chữ “tính tâm linh” (spirituality)”. Cái cốt lõi của tôn giáo “đó là niềm tin vào cái thiêng liêng, vào cái siêu nghiệm, hay siêu- thể nghiệm (the belief in the sacred, the transcendent or trans- empirical realm). Nếu hiện hữu thành phần này thì đúng là tôn giáo; khi thiếu vắng, thì không phải là tôn giáo nữa.”(Xem tr. 32)
Sách cho ta thấy rõ quan niệm về tính chất nhiều chiều cạnh của tôn giáo. Điều đó làm nảy sinh nhu cầu tự nhiên là phải sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để làm rõ đầy đủ bản chất của tôn giáo.

Mỗi cách tiếp cận được trình bày thành cả một chương sách lớn, với 3 nội dung vừa rộng vừa sâu: 1/ Lịch sử phát triển của cách tiếp cận; 2/ Những đặc điểm của mỗi cách tiếp cận; 3/ Các giải pháp và tranh cãi.

Rõ ràng, cuốn sách thể hiện sự tìm tòi mới mẻ, độc đáo. Nó không khép lại, mà mở ra cho sự tranh luận, sự tiếp tục tìm tòi của sinh viên và người nghiên cứu. Nó không chỉ là sách giáo khoa theo nghĩa thông thường.

Đánh giá chung về cuốn sách, giáo sư Ninian Smart (1927 – 2001), học giả nổi tiếng về tôn giáo học viết: “Một quyển sách như quyển này đưa chúng ta đến chân dung đích thực của tôn giáo học. Nó cho ta biết về những bộ môn khoa học, hay những truyền thống khảo sát hàn lâm mà tiêu điểm hội tụ là cung cấp cho ta một bức tranh toàn vẹn về tôn giáo.”(Xem tr.15)

Tôn giáo học có vai trò ngày càng quan trọng trong đời sống xã hội, đặc biệt trong nền giáo dục đại học. Nó chú trọng nghiên cứu quan hệ sâu rộng giữa tôn giáo với các lĩnh vực xã hội. Việc hoạch định và thực hiện chính sách tôn giáo phải lấy tôn giáo học làm chỗ dựa vững chắc. Chăm lo phát triển tôn giáo học là công việc trọng yếu của giới đại học. Nó đóng vai trò hỗ trợ như bà đỡ cho các công trình nghiên cứu văn hóa. Ngày nay “tôn giáo học đã trở thành một bộ phận cấu thành thiết yếu của nền giáo dục đại học, mang lại cho việc nghiên cứu thế giới quan một vai trò ngang hàng với các môn học khác về xã hội và nhân văn.”(tr.22)

Ở nước ta hiện chưa có tôn giáo học, mặc dù đã có nhiều công trình nghiên cứu tôn giáo và chính sách tôn giáo. Một quan niệm đúng đắn, mới mẻ về tôn giáo cũng đang cần được xây dựng. Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã giải thích: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động, bao gồm đối tượng tôn giáo, giáo lý, giáo luật, lễ nghi va tổ chức”. Đây là sự giải thích miêu tả, liệt kê không đầy đủ về tôn giáo, đặc biệt không chỉ ra được đặc trưng của tôn giáo. Niềm tin không phải là đặc điểm riêng của tôn giáo. Niềm tin cần có ở mọi lĩnh vực, từ sản xuất, kinh doanh, đến hoạt động văn hóa, xã hội, chính trị … Ngay cả mấy vị chuyên rao giảng “chủ nghĩa vô thần khoa học” cũng có niềm tin của họ. Khác với tất cả những niềm tin ấy, niềm tin tôn giáo là niềm tin vào những cái thiêng liêng, vào đời sống tâm linh của con người. Không hiểu được tôn giáo, làm sao có thể “tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mọi người” như Luật tín ngưỡng, tôn giáo hiện hành quy định?

Chương trình Dịch thuật, Thông tin Khoa học xã hội và nhân văn (gọi tắt là Chương trình Tầm nhìn UNESCO) thuộc Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam phối hợp với NXB Tri Thức dịch và xuất bản sách này mong chia sẻ với bạn đọc, nhất là bạn đọc giới sinh viên, những nhận thức và suy nghĩ mới về tôn giáo. Chúng tôi cũng hi vọng là sách có thể góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển tôn giáo học ở Việt Nam, một công việc cần nhiều thời gian và hợp sức của nhiều người.

Trân trọng cảm ơn quý bạn đọc!
PHẠM KHIÊM ÍCH
Phó Chủ nhiệm Chương trình Tầm nhìn UNESCO

Nguồn: VietStudies.

1 nhận xét :

  1. Nếu không có niềm tin tâm linh, niềm tin vào những gì thiêng liêng nhất trong đời sống tinh thần thì con người rất đáng sợ. Mong sao Tôn Giáo Học được hình thành và phát triển. Xin cảm ơn tác giả.

    Trả lờiXóa