Chủ Nhật, 18 tháng 11, 2018

NGÀNH GIÁO DỤC VN NÊN KẾ THỪA DI SẢN GIÁO DỤC VNCH


“Ngành giáo dục Việt Nam nên kế thừa di sản giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa”

Hòa Ái, phóng viên RFA  
2018-11-06 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lại nhắc đến ‘triết lý giáo dục’ của Việt Nam trong phiên trả lời chất chất vấn Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11, cũng như ông kêu gọi Đại biểu Quốc hội góp ý cho Luật Giáo dục sửa đổi. 

Đài RFA ghi nhận ý kiến của giới chuyên gia giáo dục liên quan vấn đề vừa nêu. 

“Giáo dục Việt Nam có triết lý của mình” 

Cách nay tròn hai năm, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trong vai trò phụ trách khối văn hóa xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo, đã đăng đàn trước Quốc hội để chia sẻ ý kiến của ông về vấn đề giáo dục với lời khẳng định, và được truyền thông quốc nội trích dẫn nguyên văn “Triết lý giáo dục của Việt Nam trước hết là triết lý xây dựng đất nước dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đó là xây dựng con người Việt Nam toàn diện, đức trí, thể mỹ, có tinh thần dân tộc, có lòng yêu nước và có trách nhiệm quốc tế”. 

Đài RFA ghi nhận trong buổi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội vào sáng ngày 1 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhắc lại những gì ông đã nói trước đó và cho biết thêm Việt Nam cũng nói đầy đủ 5 trụ cột giáo dục của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) bao gồm học để biết, học để làm việc, học để chung sống, học để khẳng định mình, học để thay đổi bản thân và thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.
Thật sự mà nói, nếu tóm gọn lại thì chắc là Việt Nam không có triết lý giáo dục. Và nếu như có thì triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục

-Giáo sư Phạm Minh Hoàng
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Mạc Văn Trang, cựu viên chức làm việc hơn 30 năm ở Viện Khoa học Giáo dục lên tiếng với RFA sau khi nghe phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vào sáng ngày 1 tháng 11 vừa qua: 
“Triết lý giáo dục của Việt Nam hiện nay không rõ ràng gì cả. Ông Vũ Đức Đam nói như thế, tức là ông ấy rất bối rối. Ông ấy cũng chẳng có một quan điểm rõ ràng. Ông nhặt được cái gì thì ông nói cái đó. Hiện tại người ta cứ nói linh tinh hết cả, chưa có một cái gì xác định.” 

Giáo sư Phạm Minh Hoàng, một giảng viên từng giảng dạy ở Việt Nam và bị Chính quyền Hà Nội cưỡng bức đi Pháp hồi hạ tuần tháng 6 năm 2017 nói với RFA rằng: 

“Thật sự mà nói, nếu tóm gọn lại thì chắc là Việt Nam không có triết lý giáo dục. Và nếu như có thì triết lý giáo dục được cô đọng trong Bộ luật Giáo dục năm 2005 cũng như cương lĩnh của Đảng Cộng sản Việt Nam về giáo dục.” 

“Nền giáo dục bị lạc hậu và lạc đường” 

Căn cứ theo Luật Giáo Dục năm 2005 và các đề cương phát triển giáo dục của Việt Nam thì nền giáo dục hiện tại của Việt Nam chủ yếu lấy Chủ nghĩa Marx-Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng, đào tạo con người toàn diện về đạo đức lẫn trí tuệ; nhưng phải trung thành với lý tưởng xã hội chủ nghĩa.

Vào tháng 11 năm 2017, dư luận trong nước dậy sóng khi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đăng đàn phát biểu về triết lý giáo dục của Việt Nam. Trong đó, không ít chuyên gia giáo dục cho rằng triết lý giáo dục của Việt Nam mà Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đưa ra không phải là triết lý giáo dục.

Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Đăng Hưng nêu lên quan điểm của ông về nền giáo dục Việt Nam là một “nền giáo dục không chỉ lạc hậu mà còn lạc đường” vì: 

“Cái lạc đường của Việt Nam là chúng ta không đánh giá đúng triết lý giáo dục phù hợp với con người. Giáo dục Việt Nam không phục vụ con người theo cái nghĩa con người tự do, con người nhân văn, con người có hiểu biết, con người có tinh thần phê phán và sáng tạo.” 

Tại buổi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào ngày 1 tháng 11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Đại biểu Quốc hội quan tâm đến giáo dục thì nên tham gia các hội thảo để đóng góp vào Luật Giáo dục sửa đổi.

Giáo sư Phạm Minh Hoàng khẳng định với RFA rằng “những điều mà Nhà nước dự tính thay đổi trong giáo dục thì đều vô bổ, một khi họ vẫn giữ những ràng buộc quá nặng nề về chính trị, trung thành với Chủ nghĩa Marx-Lenin. Điều này làm cản trở bước tiến của nhân loại và bước tiến của học sinh sinh viên tại Việt Nam.” 

Còn Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng tuyên bố:

Nền giáo dục Việt Nam không có lối ra vì bị lạc đường. Sai thì còn có thể sửa, chứ đi lạc đường mà lại tin tưởng con đường đó đúng thì không bao giờ thoát ra khỏi cái hệ lụy đó được.” 

Giải pháp nào cho nền giáo dục Việt Nam? 

Đài RFA nêu vấn đề với một số chuyên gia giáo dục, là những người có tâm huyết với nền giáo dục Việt Nam và chúng tôi ghi nhận hầu hết họ cùng đồng quan điểm là Bộ Giáo Dục nên sử dụng chương trình giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa, đó là chương trình giáo dục của Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, được xây dựng từ thời Chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945.

Tiến sĩ Mạc Văn Trang chia sẻ: 

“Tôi từng viết một bài nói rằng triết lý giáo dục của Việt Nam nên kế thừa triết lý giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa trước đây, cũng như tinh thần triết lý về văn hóa của Việt Nam là nên đưa ra triết lý dân tộc, nhân bản, khai phóng thì mới đúng bản chất của giáo dục.” 

Trong năm 2018, qua các trang mạng xã hội, rất nhiều ý kiến của phụ huynh cũng cho biết họ sẽ tìm kiếm bộ sách giáo khoa thời Việt Nam Cộng Hòa trên mạng internet và sẽ tự dạy cho con em mình học theo theo bộ sách này, khi làn sóng phản đối bộ sách Tiếng Việt Lớp 1 Công nghệ Giáo dục rộ lên hồi đầu năm học mới, niên học 2018-2019. Không ít phụ huynh lên tiếng với RFA rằng tiếng mẹ đẻ mà còn không dạy đúng thì họ không thể nào tin tưởng con em của mình sẽ được học những điều hay lẽ phải để làm người.

Vào chiều ngày 3 tháng 11, Tổng Bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong buổi gặp mặt 55 học sinh tiêu biểu ngành giáo dục năm học 2017-2018, đã tuyên bố “Mặc dù nền giáo dục vẫn còn những hạn chế, xã hội còn nhiều mong muốn nhưng nhìn tổng thể giáo dục của chúng ta chưa bao giờ được như bây giờ”.

Qua lời phát biểu vừa nêu, một số trí thức và các chuyên gia giáo dục mà Đài RFA có dịp trao đổi cùng nhận định Luật Giáo dục sửa đổi dù như thế nào thì giáo dục của Việt Nam vẫn mãi tụt hậu với tư tưởng quá lạc quan của ông của ông Nguyễn Phú Trọng.

3 nhận xét :

  1. Từ trước đến nay, từ đông sang tây chưa qua khỏi mấy chữ này về triết lý giáo dục: Cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Những cái khác đều là phương sách phương lược. Sao cứ đẩy mãi vào cánh cửa đã mở. Có những định đề là chân lý rồi thì đừng tạo thêm những định kiến mà làm gì. Rứa đo!

    Trả lờiXóa
  2. Bụng em cả nghĩ vụng suy như sau nè:
    1. Cách vật: tiếp xúc hiểu rõ vạn vật, cũng là khách quan hóa vạn vật.
    2. Trí tri: Trí tri tại cách vật, vật cách chi hậu trí chi. Tìm rồi hiểu. Cắm vững cái hiểu đó vào tư duy. Tiến đến tư duy trừu tượng để hiểu bản chất sự vật, bản chất xã hội.
    3. Thành ý: Lấy cái ý trong dạy và học, biết thì nói biết, không biết nói không biết. Lấy cái ý hướng thiện đối đãi với nhau. Lấy cái ý của mình để rõ mình được hay chưa, sai hay đúng mà hành động...Đó là thành ý đấy.
    4. Chính tâm: Thẳng thắn với mình, thẳng thắn với người, thượng tôn pháp luật, không thiên vị, không ngả nghiêng...là chính tâm.
    Người cách vật, trí tri, thành ý, chính tâm thì người đó tự khắc TỰ DO bất kỳ sống thời nào, nơi đâu, chế độ xã hội nào.
    5. Tu thân: cách vật thường xuyên, trí tri thường xuyên, thành ý thường xuyên, chính tâm thường xuyên là tu thân vậy. Thấy sai thì sửa, đừng vòng vo lươn lẹo, thấy lời ngay thì quý hơn vàng mà học, đừng kỷ luật người ta là tu thân vậy. Học, học nữa, học mãi là tu thân.
    6. Tề gia: Mỗi nhà dạy con cháu mình cho tốt. Đừng con đi ăn cắp, con nghiện lòi ra mà đi dạy đời. Ai nghe? Thuận vợ thuận chồng tát bể đông cũng cạn thì phát triển. Trên kinh dưới nhường thì đạo đức trường tồn. Cái gia đình mình mà không sống cho bình đẳng, tôn trọng thì nói chi ra việc xã hội. Cha tham nhũng, con đốt sạch cơ nghiệp thì bây giờ nhiều lắm đó.
    7. Trị quốc: Cái "quốc" nó tồn tại lâu lắm nhé. Lý tưởng "đại đồng" nó viễn vông lắm nhé. Thế giới phẳng là một chiêu trò làm cho thế giới gồ ghề lên thôi. Chả phẳng đâu nhá. Làm cho quốc gia bình trị là việc của mọi người. ai không thích sống thuần hậu, yên lành.
    8. Bình thiên hạ: Phải bằng người ta cái đã. Trí tuệ được thế giới nể cũng là bình thiên hạ, nghệ thuật làm thế giới yêu cũng là bình thiên hạ, thể thao làm thế giới chịu cũng là bình thiên hạ, nhân phẩm làm thế giới phục cũng là bình thiên hạ...Đâu phải là thiếu chính tâm, đi hiếp nước người, ăn cắp công nghệ bất chấp luật pháp rồi khoe tăng trưởng mới là bình thiên hạ.
    Triết lý nằm đó chứ đâu. Ai hay ta thành ý chính tâm mà học lấy. Cãi nhau làm gì.

    Trả lờiXóa
  3. Ngay việc tồn tại một chức danh Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực tôi đã thấy "sến" rồi. Lẽ ra chịu trách nhiệm trước dân, trước Quốc hội chỉ ông Bộ trưởng là đủ. Chuyện gì xảy ra thì cứ tróc ông bộ trưởng.
    Những năm 80 thế kỷ trước có lúc có đến 9 ông Phó thủ tướng, đến thời ông Kiệt chính phủ chỉ có 3 Phó thủ tướng. Rồi múa thế nào lại 5 00ng Phó thủ tướng. Thêm bên Đảng mỗi lĩnh vực một ông có khi còn to hơn ông Phó thủ tướng. Thành ra bộ máy vướng trên vướng dưới mà việc của dân bê trễ, đất nước khó phát triển, cú bùng nhùng.

    Trả lờiXóa