Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua luật tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV.
Quốc hội “chốt” không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức
Người đưa tin
Thứ 2, 19/11/2018 | 19:33
Quốc hội nhất trí không phân biệt giá trị văn bằng đại học chính quy và tại chức khi bấm nút thông qua luật Giáo dục đại học (sửa đổi) chiều 19/11 với 84,12% tổng số ĐBQH tán thành.
Không phân biệt bằng chính quy, tại chức
Luật Giáo dục đại học (sửa đổi) gồm 69 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019.
Trước khi thông qua luật, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình trình bày báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo luật Giáo dục đại học (sửa đổi) cho biết, một số ý kiến đại biểu đề nghị quy định các hình thức đào tạo gồm chính quy tập trung và không tập trung; giao cơ sở giáo dục đại học tự chủ quyết định hình thức đào tạo; làm rõ nguyên tắc liên thông giữa các hình thức đào tạo; phân biệt văn bằng các trình độ đào tạo tương ứng với hình thức đào tạo; bổ sung trình độ tương đương hoặc trình độ, văn bằng chuyên gia ở một số lĩnh vực đào tạo chuyên sâu đặc thù.
UBTVQH nhận thấy loại hình đào tạo chính quy được quy định trong Dự thảo Luật chính là loại hình đào tạo tập trung toàn thời gian, còn các hình thức đào tạo vừa làm vừa học, học từ xa là loại hình không tập trung.
Căn cứ vào các loại hình đào tạo này, cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định hình thức, phương thức tổ chức và quản lý đào tạo phù hợp với từng loại hình và trình độ đào tạo của giáo dục đại học.
Tất cả các yêu cầu về nội dung chương trình, phương pháp giảng dạy, chuẩn kiến thức kỹ năng, kiểm tra đánh giá, chuẩn đầu ra… của các chương trình đào tạo cho dù được thực hiện theo loại hình nào đều phải đảm bảo chất lượng như nhau. Khác biệt giữa các loại hình đào tạo chỉ là về thời gian đào tạo và kỹ thuật tổ chức, quản lý đào tạo.
Bởi vậy, dự thảo Luật quy định không phân biệt về giá trị văn bằng do có các hình thức đào tạo khác nhau. Ngoài ra, kết quả học tập tích lũy được trong quá trình đào tạo sẽ được công nhận theo nguyên tắc liên thông, sinh viên không phải học lại phần khối lượng kiến thức đã tích lũy khi chuyển đổi từ hình thức đào tạo này sang hình thức đào tạo khác theo quy chế đào tạo.
Mở rộng quyền tự chủ
Về cơ sở giáo dục đại học, có ý kiến đại biểu đề nghị chỉ quy định một mô hình cơ sở giáo dục đại học là trường đại học; xóa bỏ mô hình đại học tổ chức theo 2 cấp hành chính hoặc sắp xếp lại các đại học theo hướng trường thành viên trong đại học chịu sự quản lý trực tiếp, toàn diện của đại học.
Luật không quy định cứng mô hình quản lý hai cấp, mà quy định cơ sở giáo dục đại học tự xác định mô hình phát triển phù hợp với mục tiêu và sứ mệnh; tự quyết định mô hình tổ chức và cấu trúc của mình. Mối quan hệ giữa đại học và các trường thành viên tuân thủ theo quy định của pháp luật và theo quy chế tổ chức và hoạt động của từng đại học do cơ sở giáo dục xây dựng. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị xin được giữ quy định như trong dự thảo Luật.
Một vấn đề khác thu hút sự quan tâm là vấn đề đào tạo tiến sĩ. Theo đó, có ý kiến đại biểu đề nghị quy định viện nghiên cứu phải phối hợp với cơ sở giáo dục đại học để thực hiện tuyển sinh, đào tạo trình độ tiến sĩ.
Trên thế giới, việc đào tạo tiến sĩ ở các viện nghiên cứu phổ biến ở các nước Đông Âu. UBTVQH nhận thấy, ở Việt Nam hiện nay có hai viện hàn lâm khoa học, những viện nghiên cứu khoa học uy tín với các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành trên nhiều lĩnh vực và có kinh nghiệm, truyền thống đào tạo tiến sĩ.
Vì vậy, để tận dụng tiềm lực của đội ngũ tri thức có trình độ cao hiện đang công tác trong các viện nghiên cứu này, Dự thảo Luật quy định cho phép các viện nghiên cứu đã được phép đào tạo trình độ tiến sĩ vẫn được tiếp tục thực hiện tuyển sinh và đào tạo theo quy định của Luật này.
Về tự chủ đại học, UBTVQH chỉ rõ, dự thảo Luật đã quy định rõ điều kiện, yêu cầu thực hiện quyền tự chủ tại khoản 2, Điều 32. Theo đó, mức độ tự chủ của cơ sở giáo dục đại học phụ thuộc vào việc đáp ứng đủ điều kiện tự chủ, những cơ sở chưa đáp ứng điều kiện tự chủ thì tiếp tục chịu sự quản lý chặt chẽ theo các quy định của Luật, đồng thời quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước trong quy hoạch và xác nhận tiêu chí các cơ sở giáo dục đại học. Do đó sẽ giới hạn việc các trường đồng loạt tự chủ dẫn đến mất cân bằng cung – cầu nhân lực.
Dự thảo cũng quy định rõ nội hàm của các quyền tự chủ về học thuật trong hoạt động chuyên môn, tổ chức - nhân sự và tài chính - tài sản tại các khoản 3, 4, 5, Điều 32 và cụ thể hóa các nội dung này tại các điều, khoản tương ứng trong Luật. Hầu hết các nội dung liên quan đến chuyên môn (như về xác định chỉ tiêu tuyển sinh, nội dung, chương trình đào tạo, tổ chức và quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học…) đã được giao cho các trường tự chủ quyết định theo quy định của Luật hiện hành, trừ việc mở ngành đào tạo.
Dự thảo Luật lần này mở rộng quyền tự chủ, cho phép các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng đủ điều kiện bảo đảm chất lượng và phù hợp nhu cầu thì được tự mở ngành đào tạo ở tất cả các trình độ của giáo dục đại học, chỉ trừ các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đào tạo giáo viên và an ninh, quốc phòng.
Cũng trong chiều nay, Quốc hội đã thông qua luật Chăn nuôi, luật Trồng trọt, luật Cảnh sát biển Việt Nam và luật Đặc xá sửa đổi với tỷ lệ tán thành cao.
D.Thu
Những năm 85 thế kỷ 20 trở về trước, chúng tôi thường có câu: Dốt như Chuyên tu, Ngu nhu Tại chức. Nhưng lũ chuyên tư và tại chưc lại lên chức rât nhanh. Anh em chinh quy ngoài mấy người con ông cháu cha thì lẹt đẹt. Xã hội nát từ lâu rồi.
Trả lờiXóaDốt như Chuyên tu, Ngu nhu Tại chức.
Trả lờiXóaChuyên tu, tại chức lên chức rất nhanh. Chính quy ngoài mấy người con ông cháu cha thì lẹt đẹt.
Tỉ lệ có việc ngay sau khi ra trường thì Dân lập cao hơn rất nhiều so với Công lập.
THPT Am Hà Nội xưa nổi tiếng giỏi vì là Chuyên, từ khi chuyển về Mĩ Đình vẫn là Chuyên đấy nhưng cũng làng nhàng như các trường làng nhàng khác thôi.
Xã hội nát từ lâu rồi.
Cháu tui kiếm thêm bằng cách đi " học hộ " các ông sinh viên theo học lớp tại chức ( hầu hết là cán bộ lãnh đạo ) . Nếu đến chỉ cần điểm danh rồi chạy " sô " được trả 50k một lần , hoặc 100k một buổi học có chép hộ bài vở ... Cũng nhờ cách kiếm tiền này mà cháu trang trải được sinh hoạt phí những năm học đại học . Cám ơn các bác học chuyên tu tại chức tạo " công ăn việc làm " cho sinh viên nghèo .
Trả lờiXóaChuyên tu, tại chức "rất giỏi", một năm vài lớp. Năm 1989, tôi có chuyến công tác tại Vĩnh Phú được biết có vị BHH tốt nghiệp trung cấp, công tác liên tục mà kỳ họp sau đã thấy tốt ngiệp đại học. Đại biểu hội đồng nhân dân thắc mác. Ngoảnh đi ngoảnh lại, ông này lên chức cao chót vót.
Trả lờiXóaĐọc cái title Quốc hội “chốt” không phân biệt bằng đại học chính quy và tại chức mình đã bất mãn rồi. Thời kỳ nghèo đói, chiến tranh loạn lạc, giao thông đi lại khó khăn, không có đủ điều kiện học hành có thể tạm thời thông cảm vì nhu cầu học và tự học của mỗi người. Thế kỷ XXI đã gần 20 năm rồi mà tư duy vẫn cũ rich, cũ rác. Với tư cách cá nhân , mình phản đối và hoàn toàn phản đối.
Trả lờiXóaHình thức đào tạo không có lỗi, mà lỗi là ở người dậy và người học.
Trả lờiXóaHọc miệt mài hệ chính quy còn " chẳng ăn ai " huống chi học đại khái chuyên tu , tại chức . Sở dĩ nó tồn tại , được các quan nhiệt tình ủng hộ vì nó là cái nôi đẻ ra văn bằng chứng chỉ ( dù là hạ cấp nhưng được đánh đồng giá trị như bằng chính quy ) giúp các quan bổ sung hồ sơ cho đủ theo quy định .
Trả lờiXóaTất cả , cùng nhau sống trong giả dối ! Phải chăng , giả dối , lừa gạt đã thành " lẽ sống " trong thể chế này ?.