Thứ Năm, 4 tháng 10, 2018

Huy Đức: TANG CHẾ, LỄ NGHĨA & CHI PHÍ XÃ HỘI


Huy Đức

TANG CHẾ, LỄ NGHĨA & CHI PHÍ XÃ HỘI

Để tránh quốc tang Chủ tịch nước, một doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam đã dời lễ tri ân khách hàng của họ sang thứ Bảy tuần này và lại phải vừa thông báo huỷ. Một sự kiện được chờ đợi nhất trong năm, chương trình biểu diễn của dàn nhạc giao hưởng London - dự kiến diễn ra vào tối thứ Sáu tuần này ở Hà Nội - đến giờ vẫn chưa ai dám cho thực hiện.

Nếu như việc tang thường xảy ra bất ngờ thì một buổi hoà nhạc mời những dàn nhạc tên tuổi lại phải có kế hoạch hàng năm. Cho dù có diễn ra hay không, khoản chi phí lên tới hàng triệu USD là không thể nào rút lại. Có nên băn khoăn để huỷ bỏ một chương trình hoà nhạc đã lên kế hoạch từ lâu, diễn ra trước ngày quốc tang [Đại truyền hình quốc gia vẫn thường sử dụng nhạc cổ điển để thay thế các chương trình văn nghệ khác trong các quốc tang].

Bày tỏ lòng tôn kính khi quốc có tang là cần. Nhưng, ngay cả tang chế với ông bà tổ tiên sinh ra chúng ta cũng đã được điều chỉnh rất nhiều so với truyền thống.

Tang chế quá nghiêm cẩn cũng là chưa tính hết các chi phí xã hội: bồi thường hợp đồng, mất doanh thu từ các hoạt động giải trí... Lẽ ra, trong những ngày chính thức quốc tang, chỉ nên cấm các hoạt động ca hát ngoài trời. Các hoạt động trong nhà như chiếu phim, diễn kịch... thì cứ để lẳng lặng cho dân thực hiện.

Có thể cũng không lâu nữa sẽ có thêm một quốc tang, sau TBT Đỗ Mười có thể là Đại tướng Lê Đức Anh... hai nguyên thủ theo Đảng từ thời "tiền khởi nghĩa". Việc Chế độ dành những nghi lễ cao nhất để tiễn đưa các bậc công thần của mình là điều có thể chia sẻ.

Tuy nhiên, Chế độ cũng cần chia sẻ với những vấn đề mà dân chúng đang phải đối diện trong các lễ quốc tang. Đặc biệt, cũng cần phải chia sẻ với những cảm xúc khi nghe tin quốc tang của dân chúng. Nếu tổ chức quốc tang cho một người mà cái chết của người đó không thật sự làm nhân dân thương tiếc thì chỉ có áo đen mà không nước mắt.

Sau khi tiễn đưa thế hệ "công thần khai chế độ", quốc tang chỉ nên dành cho một người: Nguyên thủ, mất khi tại vị. Các trường hợp khác, do chính phủ, các đoàn thể đề nghị và UBTV QH quyết định. Các vị lãnh đạo từng là tứ trụ, tam trụ nên áp dụng tang lễ cấp nhà nước, treo cờ rủ ở các công sở và tang lễ được tổ chức trang trọng.

Tang chế càng giản dị, thì không những bạn bè quốc tế càng tôn trọng mà dân chúng cũng sẽ ghi nhận sự lắng nghe. Nếu người ra đi không đến mức tiếc thương thì người dân cũng không nỡ nào bàn ra tán vào những lời không phải.
 

4 nhận xét :

  1. Tác giả như nói thay suy nghĩ , tâm tư của nhiều người .

    Trả lờiXóa
  2. Những người gây ra sai lầm làm mất mạng cả triệu người, lại kéo lùi cả Dân Tộc trở lại thời kì đồ đá . Liệu có đáng được quốc tang không ?

    Trả lờiXóa
  3. Các cụ "nguyên thủ" đã hồi hưu êm thấm đến mấy chục năm như cụ Đỗ Mười là may phúc lắm rồi! Hà cớ gì mà phải ra bộ thảm sầu cả nước? Lễ nghĩa xưa nay cũng có ba bảy đường. Mong nhà nước và nhân dân ta chọn lấy được đường hay, tránh những đường mòn lạc hậu!

    Trả lờiXóa
  4. Bài phong, bao máu xương rơi
    Bây giờ nhiều thứ quá hồi ngày xưa.

    Trả lờiXóa