Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2018

PGS.TS ĐINH KHẮC THUÂN LÊN TIẾNG VỀ BIA "MỘ TRẠNG TRÌNH"


Lời dẫn: Ngày 31.8.2018, tại Hội nghị Nghiên cứu Hán Nôm thường niên do Viện Nghiên cứu Hán Nôm tổ chức, PGS.TS Đinh Khắc Thuân đã trình bày tham luận về 2 tấm bia mới được phát hiện tại Hải Phòng được một số người cho là "có liên quan đến mộ Trạng Trình". Bài tham luận đã gây chú ý tại Hội nghị. Dưới đây là tóm tắt bài tham luận nói trên của PGS. TS Đinh Khắc Thuân, chuyên gia hàng đầu về văn bia và lịch sử triều Mạc. 
.
NHÂN BÀN VỀ HAI VĂN BIA MỚI PHÁT HIỆN
Ở HẢI PHÒNG

 
Đinh Khắc Thuân

Đặt vấn đề

Những ngày đầu tháng 5 năm 2018 vừa qua, nhóm nghiên cứu do TS. Nguyễn Văn Vịnh, Trưởng Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội phát hiện hai bia đá tại bờ sông thuộc thôn Thanh Trì, xã Kiến Thiết, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng. Hai văn bia này được giới thiệu là liên quan đến mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Vì thế đã có nhiều bài viết về hai bia đá và bài văn bia khắc trên bia này. Do năm trước Hải Phòng phải rất vất vả mới làm lắng xuống vụ việc xung quanh thẻ tre tương truyền liên quan đến mộ của Nguyễn Bình Khiêm, nên năm nay Hải Phòng quyết định thu giữa hai bia này và không cho nghiên cứu, không cho bàn luận gì thêm, như quyết định (ngày 22/5/2018) của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng về hai bia đá này: “Không tiếp tục nghiên cứu về 02 hiện vật nêu trên vì là hiện vật trôi nổi, không rõ nguồn gốc”.

Bàn luận về hai bia này có nhiều ý kiến trái chiều. Tôi chưa được tiếp xúc với hiện vật, nhưng có ảnh chụp khá rõ trên các trang mạng về hai bia trên . Tôi là người nghiên cứu bia Mạc, không thể không quan tâm đến vấn đề này. Do vậy, ở đây, bài viết nhằm làm rõ niên đại bia, niên đại và văn bản khắc trên bia, mục đích tạo tác văn bia. Trên cơ sở đó đặt ra một số suy nghĩ về phương pháp tiếp cận văn bản văn bia, cũng như thái độ ứng xử với tri thức dân gian.

1. Hình thức và loại hình bia
 
Hai bia này được cho là hai bia mộ, một dựng ở phía đầu, một chôn ở dưới chân mộ. Thực tế, không bao giờ một ngôi mộ lại được cắm ở đầu một bia và chân một bia cả.

Xét về hình thức, nếu là bia dựng thì phải có chân. Bia có thể bị mất chân, mất bệ sau đó, nhưng thân bia phải còn ngõng bia, chỗ nối với đế bia. Nhưng cả hai bia này đều không có ngõng bia, phần chân bia được cắt phẳng, như hình dưới đây.

.
Chân bia được cưa nhẵn, không có ngõng để cắm lên bệ bia

Có nghĩa là mục đích ban đầu làm ra bia này không phải để dựng. Trường hợp này gặp nhiều ở bia mộ. Thực tế, bia mộ thì không cần đế bia, nhưng phải có hai tấm để úp vào nhau. Hai mặt úp lên nhau thì khắc nhẵn, có thể khắc chữ ở một mặt bia, có thể khắc chữ cả hai mặt bia phía trong. Còn hai mặt sau thì có thể để thô cả, có thể được vạt nhẵn đi. 

Như vậy, hai bia này có thể là hai mặt của một bia mộ, úp vào nhau được chôn xuống dưới đất khu vực phần mộ. Bia mộ này còn bảo lưu được hình thức hoa văn và kỹ thuật chạm khắc ban đầu tương tự các bia thời Mạc khác. Niên đại bia là niên đại Mạc thế kỷ XVI. Song lẽ, vì lí do nào đó mà bia bị phát lộ, lâu ngày bị phong hóa, rồi được người đời sau sử dụng và gia cố thêm nội dung văn bia với mục đích khác.

2. Niên đại và văn bản khắc trên bia

Trong hai mặt bia, thì mặt bia thứ hai, hay mặt bia có tiêu đề “Di ngôn chí”, có lẽ là nắp đậy của bia mộ hai mặt khi đầu tạo tác, chỉ có hoa văn, còn mặt bia để trống, không có chữ.

Phía sau vốn dĩ để nguyên thô, nhưng sau đó bị bào nhẵn một ô ở giữa để khắc thêm hai dòng chữ Hán: 

去 干平 丁 還 誣 護 國 Khứ can bình Đinh hoàn vu hộ quốc
來 創 世 越 伯 号 安 邦 Lai sáng thế Việt bá hiệu an bang

Mặt sau (bia 2) vốn để thô, sau bị bào nhẵn ô giữa để khắc thêm hai dòng chữ. Còn ở mặt trước thì còn nguyện hoa văn trang trí ban đầu có đặc trưng trang trí bia mạc thế kỷ XVI.

Mặt trước bia (bia 2)

Nội dung văn bản chữ Hán, có tiêu đề ba chữ được khắc theo hàng ngang từ phải qua trái ở trên trán bia. Nội dung văn bia khắc theo chiều dọc, gồm 10 cột. Tám cột đầu là 8 câu thơ thất ngôn bát cú. Hai cột sau, mỗi cột 9 chữ như dạng câu đối. Phía dưới chân gồm 13 chữ được khắc thành hai hàng theo hàng ngang từ phải qua trái, hàng trên 7 chữ, hàng dưới 6 chữ, trong đó có câu:

Di ngôn chí:
Bạch Vân hoàn thủy tứ bách niên
Tuyết Giang tùy hứng hóa tả điền…

3. Bàn luận và kiến nghị

Hai bia phát hiện ở Hải Phòng này, là một bia mộ thời Mạc có hai mặt úp vào nhau chôn dưới đất. Vì lý do nào đó mà bia bị phát lộ, bị lưu lạc trong dân gian, sau được khắc lên nội dung gắn với những câu sấm và câu thần bí về mộ của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. 

Việc khắc lại, hoặc văn bản hóa lời truyền trong dân gian là chuyện thường gặp trong văn bản Hán Nôm. Bia Hải Phòng này cũng vậy, có giá trị nhất định và hoàn toàn không phải là bia giả. 

Vấn đề ở chỗ là phải có chuyên môn nhận diện và chắt lọc từ tri thức dân gian đó như thế nào cho đúng.

Kiến nghị:

Với Hải Phòng, tôi nghĩ, cần đưa hai bia này về bảo quản tại Bảo tàng Hải Phòng như những hiện vật bảo tàng khác, bởi bia vốn được tạo tác vào thời Mạc, thời đại gắn với Hải Phòng. Dù trên bia có khắc các nội dung khác thì đó cũng là sự phản ánh thực trạng tư liệu và nhận thức của con người trong mỗi thời điểm cụ thể. Đồng thời tổ chức nghiên cứu, tọa đàm trao đổi cho rõ về học thuật.


Với Viện Nghiên cứu Hán Nôm, cần chủ động hơn trong việc nắm bắt thông tin và thể hiện chức năng tư vấn chính sách với nhà nước và xã hội. Chúng ta không thể thờ ơ trước những sự kiện xảy ra trong xã hội thuộc chuyên môn sâu của mình.

Với trách nhiệm nghề nghiệp, tôi cố gắng nêu ra những vấn đề như vậy để tiếp tục đi sâu nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề liên quan đến nội dung văn bản khắc trên hai bia này.



Đinh Khắc Thuân

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét