Thứ Ba, 1 tháng 8, 2023

Lật chồng báo cũ: ÔNG VÕ VĂN KIỆT & HÀ NỘI



Ông Võ Văn Kiệt và Hà Nội

Huy Đức
1-8-2018


Ngày 5-5-2008, đúng ngày Quốc hội họp bàn việc mở rộng Thủ Đô, ông Võ Văn Kiệt cho công bố trên báo Tuổi Trẻ một bài viết dưới đây. Ông cho rằng: “Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều…”. Ông đề nghị Quốc hội nghiên cứu: “Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám”.

Giữa tháng 5-2008, ông Võ Văn Kiệt ra Hà Nội vừa để phản đối việc bắt giữ 2 nhà báo (Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến) vừa để vận động QH. Quan điểm của ông cũng là suy nghĩ của nhiều người lúc bấy giờ. Kết quả thăm dò trong Quốc hội cho thấy: chỉ có 226 đại biểu đồng ý, ngang với số không đồng ý, 226 đại biểu.

Ngày 18-5-2008, khi đang ở HN, ông Võ Văn Kiệt đột ngột bị bệnh, phải cắt ngắn chuyến đi. Ngày 24-5-2008 ông nhập Viện để rồi mất chỉ hơn hai tuần sau đó.

Do số đại biểu Quốc hội muốn mở rộng Hà Nội chỉ chiếm tỉ lệ 45% (trên tổng số đại biểu) nên Quốc hội đã phải hoãn lịch bỏ phiếu thông qua nghị quyết đã được xếp vào ngày 23-5-2008. Nhưng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã hết sức kiên quyết để dự án sáp nhập thủ đô thành hiện thực.

Sau khi “quán triệt” nhiều lần ở Đảng – Đoàn Quốc hội, ngày 29-5-2008, Thủ tướng lên Hội trường tha thiết đề nghị: “Nếu việc mở rộng địa giới hành chính Hà Nội để chậm lại thì các dự án này hoặc sẽ phải chờ đợi tiếp, hoặc nếu cho phép tiếp tục triển khai theo thẩm quyền của địa phương thì có thể sẽ không phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển Thủ đô trong tương lai, sau này phải điều chỉnh lại sẽ gây lãng phí lớn cho xã hội”.

Ngay trong chiều hôm ấy, tỉ lệ biểu quyết mở rộng Hà Nội lên tới 458/475, chỉ có bốn đại biểu Quốc hội bỏ phiếu chống.

Đầu cơ đất đai diễn ra sôi động phía sau những quyết định này: Các dự án mua đất ở vùng Hà Tây cũ không dừng lại ở mức 300 như ông Dũng nói trước Quốc hội. Từ khi Quốc hội biểu quyết cho đến ngày 1-8-2008, ngày Quyết định mở rộng Hà Nội có hiệu lực, con số dự án được duyệt lên tới 772 với diện tích đất được duyệt là 75.695ha; trong khi tổng diện tích đất của toàn Hà Nội mở rộng cũng chỉ có 145.770ha, bao gồm cả Hà Nội và các thành phố cũ.
_____________


Trên báo VNExpress
Thứ hai, 5/5/2008, 11:32 (GMT+7)

Ông Võ Văn Kiệt:
'Không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm' 

"Thay vì chứng minh bằng đồ án, Bộ Xây dựng chỉ mới trình bày với Thủ tướng một ý tưởng. Một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính", nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có bài viết bày tỏ quan điểm về đề án mở rộng thủ đô Hà Nội.

Theo tôi biết, mở rộng Hà Nội từ 921 km2 lên 3.324 km2 chỉ là một ý tưởng vừa mới nảy sinh trong quá trình thực hiện đồ án "Quy hoạch vùng thủ đô". Ý tưởng đó, nếu được ủng hộ, cũng chỉ có giá trị làm tiền đề cho một công trình khoa học

Thế nhưng, Bộ Xây dựng đã trình lên Thủ tướng phương án như là đã được nghiên cứu thấu đáo rồi.

Lẽ ra trước một việc cực kỳ hệ trọng như vậy, Bộ Xây dựng phải giải trình, dựa trên những cơ sở dữ liệu, cho thấy sự cần thiết phải mở rộng thủ đô: trong quá trình phát triển, Hà Nội đang ách tắc ở khâu nào? Hà Nội thiếu đất? Thiếu bao nhiêu? Cho cái gì? Trong hơn 921 km2 Hà Nội đang quản lý, đất đai đã sử dụng hết bao nhiêu? Vào những việc gì? Còn lại bao nhiêu, cần thêm bao nhiêu để làm gì? Tại sao? Lợi? Hại? Lộ trình? Ngay cả thời gian lượng định cho dự báo: 20 năm, 30 năm hay 50 năm? Căn cứ vào đâu? Chuẩn mực nào? Tiêu chí nào? Tất cả những câu hỏi phải được giải trình bằng một đồ án quy hoạch nghiêm túc với nhiều công phu, có chất lượng.

Thay vì chứng minh bằng đồ án, Bộ Xây dựng chỉ mới trình bày với Thủ tướng một ý tưởng. Một ý tưởng đưa ra ở mức độ cảm tính, giống như trước đây bộ đề xuất phá bỏ hội trường Ba Đình.

Quy hoạch đô thị là một lĩnh vực đa ngành, tiếp cận và xử lý nhiều phạm trù tri thức, tác động nhiều chiều đến nhiều mặt của cuộc sống và ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình phát triển chung của đất nước. Vì vậy, mở rộng đến đâu, mở rộng như thế nào, mở rộng để làm gì, rất cần được nghiên cứu với sự phối hợp của nhiều ngành, tham khảo và sử dụng một cách nghiêm túc những kết quả nghiên cứu lâu nay của các ngành khoa học khác, thì mới mong có được một dự báo đủ căn cứ, đáng tin cậy, có tầm nhìn lâu dài. Thế nhưng việc đó cho đến nay đã không được tiến hành đầy đủ.

Thực tế xây dựng và phát triển đô thị ở nước ta trong thời gian qua cho thấy lĩnh vực "quy hoạch đô thị” đã vượt khỏi tầm của Bộ Xây dựng. Mở rộng thủ đô là một việc lớn, trọng đại, của toàn Đảng, toàn dân, một bước đi lịch sử có quan hệ nhiều mặt trong quá trình phát triển đất nước.

Thủ đô mở rộng ảnh hưởng sâu sắc đến cuộc sống không chỉ riêng Hà Nội, mà còn tác động mạnh, nhiều mặt, đến nhiều địa phương liên quan và đến cả nước. Cách thức mở rộng thủ đô sẽ là một mẫu mực, một điển hình về cách nghĩ, cách làm về tiến trình đô thị hóa ở nước ta. Mở rộng thủ đô phải là kết quả của một công trình khoa học được khảo sát nhiều mặt, nhiều chiều, được tính toán kỹ, có phương án so sánh để có thể chọn ra một phương án khả thi.

Do đó, việc công khai trước công luận để thu thập ý kiến rộng rãi là một cách nên làm trong tiến trình dân chủ (nên chăng, cần có một website riêng, trước cho chủ trương, sau cho đồ án để các chuyên gia, kể cả người dân - đối tượng tham gia thực hiện - có diễn đàn trao đổi, qua đó chắc chắn có nhiều ý kiến thông minh giúp các nhà chuyên môn tìm ra giải pháp đúng đắn).

Kể từ khi Đảng chủ trương đổi mới, đất nước đã vượt qua khủng hoảng, nhiều lĩnh vực đã đạt được tốc độ phát triển tốt. Nhưng về xây dựng lại chưa tạo ra được cho đất nước một bức tranh đẹp.

Có thể nước ta có nhiều đặc điểm không giống các nước khi khởi đầu tiến trình đô thị hóa. Thực tế việc sao chép những mô hình đô thị hiện đại của các nước tiên tiến đang bộc lộ những độ vênh nhất định. Đặc biệt, thực tiễn phát triển đô thị khá "nóng" ở nước ta thời gian qua đang bộc lộ những khiếm khuyết, báo trước khả năng có thể xảy ra "khủng hoảng đô thị”.

Bộ Xây dựng, cơ quan chuyên ngành được giao trách nhiệm, đã tỏ ra "đuối sức" trước nhiều vấn đề thực tiễn cuộc sống đặt ra trong cơn lốc xây dựng và phát triển đô thị hiện thời.

Ai cũng biết đô thị hóa là quá trình tất yếu của công nghiệp hóa. Ở những quốc gia khác nhau, trình độ kinh tế - xã hội khác nhau, tiến trình đô thị hóa cũng khác nhau. Lựa chọn loại hình đô thị thích hợp cần xuất phát từ thực tế đời sống của các cộng đồng dân tộc Việt Nam, trình độ kinh tế - văn hóa, căn cứ vào điều kiện tự nhiên, lịch sử và xã hội Việt Nam.

Theo tôi, Thăng Long - Hà Nội với nghìn năm lịch sử phong phú, hào hùng, với văn hóa được tích lũy nhiều đời, không phải thủ đô nào trên thế giới cũng có được. Hà Nội không nhất thiết phải lựa chọn mô hình đầu tàu kinh tế, việc mà nhiều địa phương có nhiều thuận lợi và có khả năng làm tốt hơn Hà Nội nhiều.

Mặt khác, mô hình đô thị cực lớn với động lực công nghiệp là một mô hình đô thị đã cũ, nhiều sai lầm mà phương Tây đang phải từ bỏ. Chính những thành phố có hàm lượng văn hóa cao, có đời sống đô thị giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, có nhịp sống hợp lý, làm giàu bằng kinh tế tri thức mới là mô hình mà các nước đi trước chúng ta đang tìm kiếm.

Thủ đô Thăng Long - Hà Nội có đủ những yếu tố đủ để xây dựng cho mình một thành phố như thế. Thay vì chọn một mô hình đô thị khổng lồ với vô vàn vấn nạn, từ tắc nghẽn giao thông đến ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thị trường đất đai rối loạn cản trở phát triển kinh tế như nhiều đô thị lớn trên thế giới đang gặp, Hà Nội nên chọn cho mình mô hình một thành phố lịch sử, văn hóa, đầu tàu về khoa học - kỹ thuật tiên tiến, có quy mô vừa phải, hợp lý, có môi trường đô thị trong lành, văn minh, công bằng, dân chủ, đủ năng lực khai thác, ứng dụng những thành tựu khoa học tiên tiến của thời đại trong xây dựng, quản lý vận hành, ngõ hầu tạo dựng một môi trường sống lý tưởng.

Một mô hình đô thị không cần nhiều đất đai mà cần nhiều hơn những giá trị đạo đức, nhân văn, nhân tài và chất xám. Đấy mới chính là "hướng nhìn - tầm nhìn" của nghìn năm Thăng Long và của thời đại.

Lối thoát cho những bế tắc của thủ đô hiện nay, theo tôi, không phải và không chỉ nằm ở yếu tố diện tích. Dù nhỏ hơn nhiều lần, nhưng có được sự đồng thuận của toàn dân nhờ những lợi ích cụ thể mà người dân có thể đong đếm được, một số thành phố - thị xã như: Hội An (Quảng Nam), Tuy Hòa (Phú Yên), thành phố Ninh Bình... đang phát triển tốt với những bước khá vững chắc. Lẽ ra Hà Nội phải là nơi làm gương cho cả nước trong việc quy hoạch và xây dựng một thành phố nhân ái, văn minh mà vẫn giàu có, năng động; sẵn sàng thích ứng với mọi đổi thay của thời cuộc và tạo ra cho chính mình bản sắc của thủ đô Việt Nam.

Muốn làm được như vậy, Chính phủ cần thành lập một "Ủy ban nghiên cứu phát triển Hà Nội" với đầy đủ thành phần, tập trung chuyên gia ưu tú từ các ngành hữu quan, khảo sát đánh giá thực trạng để có đủ cơ sở khoa học giải đáp tất cả các câu hỏi.

Thủ đô của cả nước, của cả dân tộc và cả của lịch sử. Không nên và không được phép đưa thủ đô làm nơi thí nghiệm cho bất cứ mục đích gì.

Quốc hội sẽ họp vào tháng này và sẽ bàn "Mở rộng thủ đô". Xin xem đây là một ý kiến đóng góp từ trách nhiệm và từ dư luận.

TP HCM 30/4/2008
Võ Văn Kiệt


1 nhận xét :

  1. Không thể không nhớ lại ám ảnh một thời gian dài. Cho tới hôm nay và có lẽ lâu nữa. Ấy là ông Võ Văn Kiệt cũng bị ám hại, khi dám chống lại mưu mô làm tiền của những kẻ đang cầm quyền...Như cụ Dương Bạch Mai, tướng Hoàng Văn Thái, cựu bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh...

    Trả lờiXóa