Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

CHUYẾN XE ĐỊNH MỆNH VÀ ĐÁM TANG GIA ĐÌNH LƯU QUANG VŨ



Chuyến xe định mệnh và đám tang kỳ lạ 
của gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh

Một Thế giới
25/08/2018 20:22 

"Đêm hôm đó, chiếc xe đưa 3 cái quan tài bằng gỗ thông về bệnh viện Việt Đức. Tôi bế Vũ trong trạng thái người Vũ cứng nhưng hơi ấm vẫn còn", NSƯT Lê Đại Chức nhớ lại.

NSƯT Lê Đại Chức là một trong những người bạn rất thân với gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh. Ông hiện là Phó Chủ tịch thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, là người mà 3 tài nữ điện ảnh - sân khấu Việt Nam: Lê Vân, Lê Khanh, Lê Vi gọi bằng cậu ruột.


Trong cuộc gặp mới đây cùng ông tại Hà Nội, NSƯT Lê Đại Chức đã dành cho tôi những chia sẻ đáng quý trước đêm thơ nhạc kịch kỷ niệm 30 năm ngày mất gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh (29.8.1988).

Vũ - Quỳnh đợi nhau trong định số sau lần tan vỡ thứ nhất!

Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh là cặp vợ chồng nghệ sĩ duy nhất ở Việt Nam cho đến lúc này cùng được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh. Và sắp tới, cùng lúc, tại Hà Nội sẽ xuất hiện hai đường phố mang tên họ.

Người ta bàn rất hay về câu chuyện này. Hay là tên phố sẽ là "Lưu Quang Vũ – Xuân Quỳnh". Tôi nói, cái đó cũng thật tốt đẹp nhưng nếu ta tìm được phố nào đó gặp nhau ở đầu phố rồi tỏa ra thì chúng ta vẫn có được hai phố mang tên họ.

Xuân Quỳnh – Lưu Quang Vũ đều để lại phía sau mình chuyện riêng của mỗi người. Khi còn là diễn viên múa của Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, Xuân Quỳnh tươi tắn, xinh đẹp.

Tại đó, Xuân Quỳnh làm quen rồi trở thành vợ của một nhạc công là anh Tuấn. Xuân Quỳnh có một bài thơ rất hay về chuyện tình này và mối tình ấy cho chúng ta một người con là Tuấn Anh. 
.

Lưu Quang Vũ - Tố Uyên là mối tình thơ mộng giữa một anh lính phòng không không quân đầy tài năng và một cô học sinh trường múa, cô ấy từng đóng phim "Con chim vành khuyên".

Lúc đó họ trẻ và mơ mộng nên Vũ bị một phần kỷ luật, trưa nắng phải đi quét lá ở sân bay, vì bỏ sân bay về tìm gặp người con gái xinh đẹp của mình.

Ai cũng hiểu đó là những mối tình đẹp và dường như họ sinh ra là để cho nhau nhưng cho nhau không lâu, vì định mệnh có thể có những sự chuyển đổi. Vũ - Quỳnh đợi nhau trong định số sau lần tan vỡ thứ nhất. Họ bên nhau cho đến tận cùng của cái chết và cái sống.

Chuyến xe đó là chuyến xe định mệnh kỳ lạ!

Tại sao lại nói vậy? Trước đó, Quỳnh bị tai nạn, phải vào viện và chuyến đi đó đã hoãn đi hoãn lại nhiều lần nhưng ai xui để hai gia đình đó quyết định đi Hải Phòng?

Khi ấy, Đoàn kịch Hải Phòng đang cần một kịch bản của Vũ. Vũ hứa đi hứa lại và ngày hôm đó quyết định xuống Hải Phòng. Xong việc, mọi người đi ra Đồ Sơn rồi từ Đồ Sơn về Hà Nội.

Trên đường về, họ đi bằng xe com-măng-ca ngày ấy (giống như xe lam bây giờ, có hai băng ghế dọc ở thùng xe phía sau – PV). Hai gia đình có 6 người: Gia đình Doãn Châu, Bích Thu và cậu con trai tên Vinh. Gia đình bên này có Vũ, Quỳnh và Thơ.

Hai bà mẹ ngồi với hai đứa con và gối đầu chéo. Thơ gối đầu lên mẹ Thu. Vinh gối đầu lên mẹ Quỳnh. Hai ông chồng nằm dưới sàn xe. Về gần đến Hải Dương thì mấy đứa nhỏ buồn ngủ. Mọi người bảo nhau, ai về nhà nấy. Vinh về gối đầu lên mẹ Thu. Thơ gối đầu lên mẹ Quỳnh. 

.

Đúng lúc đó, tình huống xảy ra. Xe phía trước phanh gấp, xe này thúc vào đuôi xe. Một chiếc xe khác, ép xe này vào tiếp bằng một cú thúc rất mạnh vì đang xuống cầu khá dốc. Cả gia đình Vũ bật ra khỏi xe, cả gia đình Châu không sao.

Tình huống ấy chỉ có thể lý giải rằng có sự can thiệp của siêu nhiên. Khi Châu nhảy xuống, Vũ nói được một câu nữa "thằng Thơ có sao không"? Đưa vào bệnh viện là cả 3 người ra đi

Ngày đó chưa có di động nên thông tin rất lâu mới về Hà Nội. Đêm hôm đó, chiếc xe đưa 3 cái quan tài bằng gỗ thông về bệnh viện Việt Đức. Tôi, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Ngọc Thụ, anh Văn Toản và vài anh em nữa khiêng ba chiếc quan tài đặt vào nhà tang lễ bệnh viện.

Ông thầy Đình Quang lúc đó là Thứ trưởng chạy vào bảo "tôi vừa trao đổi được với giám đốc bệnh viện Việt Xô, chúng ta chuyển về đấy. Bệnh viện Việt Xô có khay lạnh để bảo quản xác".

Vậy là chúng tôi lại khiêng ba quan tài chạy về Việt Xô, tìm búa mở quan tài, bế họ để vào khay lạnh. Tôi bế Vũ trong trạng thái người Vũ cứng nhưng hơi ấm vẫn còn.

Tôi có một cái quần rất đẹp, màu caramen phải nhờ chị Lê Mai tìm mua. Chị Mai lại nhờ một người bạn là vợ Đại sứ Hunggary mua được trong cửa hàng quốc tế. Quần hôm đó tôi mặc lần đầu.

Đang ngồi ăn cơm thì Ngọc Thụ đến nhà, đứng dưới nói vọng lên "Chức ơi, cả gia đình thằng Vũ chết rồi". Tôi đi ngay đêm đó, tới sáng mới về. 

.

Trong lúc bế gia đình Vũ ra khỏi quan tài đưa vào khay lạnh, tôi đặt tạm Thơ nằm lên đùi mình. Về nhà, nhận ra máu của Thơ trên quần, tôi gấp quần đó cất đi, không mặc nữa. Sau vài lần chuyển nhà, cái quần thất lạc hoặc nằm đâu đó mà mình không tìm được.

Đám tang của Vũ Quỳnh là một đám tang kỳ lạ. Có một người đàn bà bay từ nước ngoài về, kịp đến và nói mấy lời rất lớn. Có một anh em hơi chếnh choáng, cứ đi sau quan tài và khóc thét lên "Vũ ơi, chúng nó giết mày rồi", "Vũ ơi, chúng nó giết mày rồi"!

Sau khi Vũ - Quỳnh mất, cũng nhiều lời bàn ra tán vào. Liệu đây có phải là một vụ án hay định số của họ là vậy?

Người ta gọi Xuân Quỳnh là "nữ chúa thơ tình" còn Lưu Quang Vũ là "hiện tượng sân khấu Lưu Quang Vũ".

Vũ chỉ có 10 năm viết nhưng để lại hơn 50 kịch bản, tất cả các kịch bản ấy đều được dàn dựng và nhân lên làm nhiều bản. 30 năm sau, những kịch bản đó vẫn có đất sống vì đặt ra vấn đề có tính thời đại, nhân văn chứ không dừng lại ở tính thời sự.

30 năm trước, Vũ viết "Người trong cõi nhớ", chúng ta vẫn nhớ Vũ. Vũ viết cả "Điều không thể mất", chúng ta không mất Vũ. Tức là Vũ vẫn ở trong chúng ta, hay nói cách khác, Vũ vẫn cùng chúng ta trong cuộc đời này.

Trong chuyện Vũ – Quỳnh, tôi là ai?

Tôi quá thân thiết với vợ chồng Vũ - Quỳnh. Chúng tôi cùng sống cùng làm việc, cùng nuôi nhau và chia nhau cái nghèo. Lúc đó chúng tôi chưa có gì của sự giàu sang, danh giá, chưa ai thành danh.

Có những ngày, 7, 8 anh em chúng tôi dồn tiền lại để xem trưa nay ăn cái gì. Không đủ tiền để mua thịt chó thì xuống chợ mua 1 cái đầu chó, rồi người mang mì tới, người lấy trộm gạo ở nhà đi, người lấy trộm mấy quả cà chua mang đến... trong căn phòng nhỏ của Lê Hùng, chúng tôi ngồi ăn với nhau ở đấy, rồi lại tập.

Quãng từ 5 đến 7 giờ mỗi người lại đi thu đài để có tiền nuôi nhau. Tới 7 rưỡi quay lại tập cho các chương trình quân đội, cảnh giác, phát thanh... gần như bao thầu hết. 

.

Có những ngày chủ nhật, tôi lúng túng vì đang ở nhờ bên nhà vợ. Điều kiện ăn ở, sinh hoạt cực kỳ khó nhưng vẫn phải nhờ vì có con gái. Tôi và con gái dắt díu nhau đi tới nhà Vũ, cách đó chừng 500 mét.

Quỳnh ngồi giặt trên phần nhô ra từ ban công tầng 4. Tôi bảo "hai bố con tôi đến xin ăn đây". Quỳnh hỏi "muốn ăn gì"? Tôi bảo "xin một món thôi, cà bát nấu bung nhưng đầy đủ, có sườn có đậu, tía tô, lá hành". Quỳnh bảo "được thôi, hai bố con đi đâu thì đi, đến giờ ăn thì về".

Và không phải một lần mà nhiều lần như thế. Có lần Quỳnh gợi ý "con gái anh rất hay, hay là mình thông gia đi". Tôi cười, không biết Quỳnh tính cho ai trong ba cậu con trai đang ngồi đó: Tuấn Anh, Minh Vũ, Quỳnh Thơ! Đó là những kỷ niệm không bao giờ tôi quên ở kiếp này"!. 

.
Nghệ sĩ ưu tú Lê Đại Chức nói chuyện tại buổi họp báo đêm Thơ nhạc kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh nhân kỷ niệm 30 năm ngày mất của họ.
Cao Thanh Hương
Trí Thức Trẻ

2 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 11:25 28 tháng 8, 2018

    Đã 30 năm Xuân Quỳnh , Lưu Quang Vũ và bé Quỳnh Thơ đi xa. Nhưng những người yêu mến vẫn cảm như thấy họ đang sống và cống hiến những vần thơ , những vở kịch hay cho dân tộc này . Xin thắp một nén nhang thơm tưởng nhớ đến họ.

    Trả lờiXóa
  2. Cảm ơn bác Lê Đại Chức rất nhiều. Bác đã giải đáp cảm động băn khoăn của nhiều người: trong hoàn cảnh ngặt nghèo đến vậy, Xuân Quỳnh và đặc biệt Lưu Quang Vũ làm sao để không lụn bại, để sống nhân nghĩa và nhả hết cho Nhân Dân những sợi tơ lòng có lẽ còn lâu mới có lại được. Tình người nuôi tình người, tình người nhân tình người lên gấp bội...Chúc bác và gia đình sức khỏe và an vui...

    Trả lờiXóa