Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Mac Văn Trang: SỬA SAI TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT


Mac Văn Trang
17 - 6 - 2018

SỬA SAI TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT

Có bạn hỏi, Cụ Hồ đã nhận lỗi, xin lỗi Dân, nhưng “CHUỘC LỖI” thế nào sau CCRĐ? (Xin nói những trải nghiệm thực tế, tùy mọi người suy luận).

Tôi nghĩ “chuộc lỗi” ít nhất có 2 mặt, về TINH THẦN là: Xử nghiêm những người gây ra lỗi; xin tha thứ, khôi phục nhân phẩm, danh dự của người bị hại; về mặt VẬT CHẤT, đền bù những thiệt hại do sai lầm gây ra. Trong sửa sai CCRĐ hình như ngân sách nhà nước không bỏ ra đền bù, chỉ có dân tự khắc phục với nhau. Tôi thấy “chuộc lỗi”, thực tế có những việc sau:

1. Cụ Hồ với tư cách Chủ tịch nước đã thành thực trình bầy những sai lầm về CCRĐ trước QH và nhận lỗi, xin lỗi quốc dân đồng bào, vì chính Cụ ký ban hành Luật CCRĐ. Tôi tin là Cụ hối hận, đau xót, khóc thực lòng...

2. Trong Đảng xử lý kỷ luật một loạt CB cao cấp phụ trách CCRĐ: Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Lê văn Lương, Hồ Viết Thắng...

3. TT Phạm Văn Đồng ban hành văn bản hướng dẫn các cấp chính quyền tiến hành 3 bước sửa sai, chủ yếu là ở cấp xã, thôn.

4. Đảng và “toàn hệ thống chính trị đồng loạt ra quân sửa sai”...

Xin kể vài chuyện thực tế, vui vui.

a/ Nhà tôi đông “lao động”, nên tuy có 3 mẫu ruộng, nhưng cũng chỉ vào diện Trung nông lớp trên. Nhưng bố tôi lại làm lý trưởng, đúng đến CM 8/1945 thì bàn giao sổ sách cho CM. Nên CCRĐ bị quy là CƯỜNG HÀO. Nhưng phúc đức làm sao, “Đội” phát động mãi, dân cũng không tìm ra “tội ác” nào của bố tôi, nên không bị đấu tố. Nhưng gia đình Cường hào, thì được xếp vào nhóm “TRí, Phú, Địa, Hào”, tước bỏ hết chức vụ trước đó, bị dân quân dẫn đi, ngồi vào một góc, xem bần cố nông đấu địa chủ, cường hào ác bá... Nông dân có hô “Đả đảo địa chủ”... hay “HCT muôn năm”... mình cũng không được hô theo!

Tất cả các “đối tượng” của CCRĐ như cá nằm trên thớt, không biết qua đêm nay, ngày mai ai sẽ bị đấu tố, bắt bớ, tù tội... CCRĐ bao trùm lên làng quê vốn thanh bình, tình làng nghĩa xóm, một bộ máy ngu dốt, dối trá, lại có quyền sinh quyền sát trong tay, vô pháp, vô đạo... Nên ai ai cũng sợ hãi, nghi ngờ lẫn nhau...

Khi bắt đầu sửa sai, Cụ Hồ đã chỉ đạo đúng, là khôi phục chính quyền của dân, những người hiểu biết, tử tế ra làm việc. Anh cả tôi trở lại làm Chủ tịch nông hội xã; mấy anh chị em tôi và những cán bộ đoàn thể trước đó, được mời trở lại sinh hoạt đoàn thể, phụ trách các hoạt động... Những cán bộ đang bị giam giữ, nghi là “phản động”, “liên quan”... được trả về tham gia chính quyền để sửa sai... KHÔNG THỂ SỬA SAI BẰNG NHỮNG KẺ NGU DỐT ĐÃ GÂY RA SAI LẦM! Chính đội ngũ CÁN BỘ MỚI được phục hồi, đã vượt qua thù hận, mới sửa sai được, nhờ hiểu biết, thu phục nhân tâm.

b/ Họp dân để “quán triệt” chủ trương sửa sai. Dân liên hệ phát biểu. Rất nhiều người nhận sai, “tố điêu”, xin tha thứ... Dân bình xét xem ai oan nhiều, oan ít và cách khắc phục....

c/ Họp riêng những “đối tượng của CCRĐ” để “quán triệt”, họ nói lên những oan ức và nguyện vọng... Bao nỗi niềm uất ức được giãi bầy...

d/ Chính quyền chưa kịp làm gì, trong làng quê bỗng rộn lên một không khí bí mật, âm thầm “chuộc lỗi” giữa những người dân. Thường đêm tối, những người đã trót nghe “đội” xui dại, tố điêu, nay đến xin tha thứ. Con rể đến tạ lỗi bố mẹ vợ; con dâu xin lỗi bố mẹ chồng; cháu xin lỗi bác; em xin lỗi anh... Nhiều cảnh khóc lóc cảm động. Có người quỳ lạy xin tha thứ. Nhưng cũng nhiều “ca” rất căng, bị xua đuổi, không nhìn mặt... Nhiều người đem “quả thực” được chia, trả lại cho chủ cũ, nhưng thường không nhận... Thực ra trong làng, họ hàng, hang hốc liên quan với nhau hết cả, tình làng nghĩa xóm bao đời rất sâu nặng. Rồi bọn trẻ trong làng lại lấy nhau; lại giỗ họ, hội làng, làm ăn chung đụng, vui vẻ cả. Cái cách phát động “CĂM THÙ GIAI CẤP” đấu tố nhau, hoàn toàn là giả tạo, khiên cưỡng, nó trái với văn hóa làng xã ngàn đời của dân ta. Dân ta thật dễ tha thứ, mọi mâu thuẫn, xung đột trong dân, nếu được giải quyết thấu lý, đạt tình, đều êm đẹp. Thậm chí, họ còn đem nỗi đau ra đùa bỡn, có “ông địa chủ” ra giữa chợ túm được “bà tố điêu” liền kêu lên, bà con chứng giám, tôi chỉ “ấy” cô ta có ba lần, mà tố 6 lần, nay tôi đòi nốt 3 lần nhé! Nhiều chuyện cười ra nước mắt, thành truyện cười, có tác dụng giáo dục.

e/ Gay go nhất là những người bị chết oan. Chính quyền và các đoàn thể đến “thăm hỏi động viên” và TỔ CHỨC LỄ TRUY ĐIỆU MINH OAN. Rất cảm động. Nhiều tiếng khóc nấc nghẹn ngào...Tôi có biết 2 người bạn cùng có bố làm cán bộ Việt Minh của huyện, cùng gia đình địa chủ kháng chiến, cùng bị chết oan trong CCRĐ. Một người sau đó được truy tặng Liệt sĩ, con được đi Liên Xô học; còn người kia không được Liệt sĩ, nhưng con được vào học ĐH Bách Khoa Hà Nội...

Tuy nhiên, sau đó, do cái chủ nghĩa “đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội” nó ngự trị trong đầu óc các nhà lãnh đạo, nên “chủ nghĩa thành phần” phá hỏng hết chiến lược trọng dụng hiền tài!

Những sai lầm dẫn đến mất mát không gì bù đắp đươc, nhưng THÁI ĐỘ NHẬN LỖI, XIN LỖI, CHUỘC LỖI THÀNH THẬT CỦA CHÍNH QUYỀN SẼ ĐƯỢC NGƯỜI DÂN GHI NHẬN, THA THỨ. 

CÒN CHÍNH QUYỀN DỐI TRÁ, LƯU MANH, TRANH CÔNG, ĐỔ LỖI, LỪA GẠT DÂN, CHỈ CÀNG LÀM DÂN KHINH GHÉT, CĂM PHẪN!

17/6/2018
MVT

3 nhận xét :

  1. Mạc Văn Trang viết đúng. Nhưng sau sửa sai, Hồ Chí Minh bị cô lập giữa đám đàn em sắt máu từ đầy tới cuối đời. Chúng tiếp tục chủ nghĩa lý lịch và đấu tranh giai cấp.
    Nay có hai bên cực đoan ngang nhau: Bên coi HCM như thánh, beeb kia chửi HCM để giải thiêng. Chán phè cả hai bên.

    Trả lờiXóa
  2. Bố tôi bị quy sai, nên tôi không được vào ĐH Quân y (năm 1977). Cũng bởi: "Đấu tranh giai cấp là đông lực thúc đẩy xã hội"
    Họ nói 1 đàng, làm 1 nẻo. Trước đến giờ vẫn vậy, chắc sau này cũng thế. Thậm chí còn trầm trọng hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Xin trân trọng cảm ơn tác giả Mạc Văn Trang !
    Anh Mạc Văn Trang viết rất đúng, khách quan và chuẩn mực về SỬA SAI TRONG CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT ở miền Bắc Việt Nam !
    Đến khi chấn chỉnh công tác tổ chức lại tiếp tục bị sai tiếp ở ngay các địa phương, có nơi không dám sửa sai, minh oan cho những người bị quần chúng tố điêu vì sợ người được minh oan sẽ trả thù ! Mô hình CCRĐ của Trung Cộng và Tấn bi kịch trong lịch sử cách mạng Việt Nam ! Chủ tịch Hồ Chí Minh và những đồng chí thân thiết của Người luôn luôn là thiểu số chân chính giữa đa số những người giáo điều, duy ý chí ...trong nội bộ ĐLĐVN !

    Trả lờiXóa