Chủ Nhật, 17 tháng 6, 2018

Nguyễn Đăng Hưng: TÔI ĐI VIẾNG MỘ ALEXANDRE DE RHODES (Bài 1)


2 - 6 - 2018

TÔI ĐI VIẾNG MỘ ALEXANDRE DE RHODES
TẠI ISFAHAN, IRAN VÀ TẠO ĐIỀU KIỆN LẬP BIA TRI ÂN


Lời dẫn: Bài này tôi viết ngay đêm hôm 27/5/2 018 sau khi dâng hoa trên phần mộ ngài ADR. Không may WIFI khách sạn chập chờn, Facebook bị chặn, tôi dùng ephone đăng bài lên mạng nửa chừng bị kẹt cứng ngắc, chỉ thấy bóng nhưng không thấy hình trên FB!?. 

Tôi neo lại dó, không đụng đến, chờ về Bỉ giải quyết. Đến sân bay Bruxelles tối 31/5 mở máy ra còn thấy bóng, tôi bấm thử lại! Chẳng dè toi công, phí sức, bài biến mất trên không gian ảo? 

Tôi đành ngồi lại viết bài hôm nay sau gần một tuần mới đến tay bạn đọc!

______

Như đã nói trong « THÔNG BÁO VỀ CÁC HOẠT ĐỘNG VINH DANH CHỮ QUỐC NGỮ » đăng tải trên trang phây này ngày 15/3.2018 vừa qua, nhân dịp có mặt tại Bỉ trong tháng 5/2018, tôi sẽ tự mình thực hiện chuyến đi tiền trạm sang Isfahan, cố đô của nước Ba Tư (Iran ngày nay) tìm hiểu những thủ tục cần thiết cho cho giai đoạn đầu của công cuộc thực thi dự án « VINH DANH CHỮ QUỐC NGỮ » : Dựng bia tri ân trên phần mộ của Cha Alexandre de Rhodes (ADR), người đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh mà người Việt chúng ta xử dụng ngày nay trên toàn cõi Việt Nam và trên thế giới.

***

Ngày 21/5/2018 chúng tôi đáp máy bay Bruxelles-Tehran-Shiraz lấy xe con theo đường bộ ngang qua các thành phố Yazd, Persepolis, Naein, để ngày thứ 6 là phải có mặt tại Isfahan. Nơi đây chúng tôi đã có hẹn trước với Giám đốc nghĩa địa ngưởi Armenian, Ban Giao dịch công chúng thuộc nhà thờ VANK. Ngày cuối cùng 31/5/2018 trên đường về chúng tôi cũng có đi ngang qua các thành phố Kashan, Qom. Nơi nào chúng tôi cũng tranh thủ thăm viếng các đền đài, thành quách, thánh đường, di tích lịch sử, bảo tàng viện, thưởng thức danh lam thăng cảnh của xứ Ba Tư 4000 năm văn hiến. 

Tôi sẽ ghi lại trong một bài bút ký khác, những điều mắt thấy tai nghe, những bài học thâu thập được trong chuyến đi này.

Ở đây xin tập trung nói về mục đích chính: viếng mộ, dâng hoa và dựng bia tri ân ngài ADR.

Iran tháng năm khí hậu đã khá nóng. Đường dài, xuyên qua những vùng sa mạc cằn cỗi, nắng nôi gió cát, đến Isfahan là đã tối. Ngày mai là phải nhập cuộc giải quyết các thủ tục cần thiết. Cả đêm thao thức tuy tôi đã chuẩn bị khá kỹ, thảo luận với nhóm chủ trương những điều cần thiết. Điều lạ là chợp mắt được một lát là thấy cha cố ADR hiện ra. Những hình ảnh về ngài mà tôi tham khảo gần đây như có gì đã thấm trong tôi!

Sáng thức dậy sau điểm tâm là phải tìm mua một cụm hoa trên đường đến khu nghĩa địa. Cũng may người tài xế cũng là hướng dẫn viên du lịch, đang sinh sống và biết rõ thành phố Isphahan nên những mong muốn của tôi được giải quyết nhanh chóng với hiệu quả khá cao.

Như trên hình ảnh đính kèm theo bài, bó hoa chúng tôi định viếng dâng có ba màu rõ nét: Vàng, Xanh, Đỏ... Tôi yêu màu vàng vì màu này này thể hiện tính truyền thống dân tộc, màu xanh biển hiện lòng yêu chuộng tự do tinh thần dân chủ và màu đỏ nói lên khát vọng ngàn đời công bằng, bác ái của dân Việt.

Khu nghĩa địa của người Armenia tại Isfahan rộng gần 300.000 m2 được xây dựng đã 500 năm nay tại vùng Jolfa khu ngoại ô của thành phố. Ông Rostam Gharibian, người quản gia khu mộ đang chờ chúng tôi! Nhắc đến tên cha ADR là ông dẫn ngay đến phần mộ của ngài, được chôn cất tại đây đã gần 400 năm (5/11/1660)!

Mộ ngài nằm, song song với hai mộ khác, nhỏ hơn!

Tôi không nhìn thấy tên ngài trên bia hiện hữu, tấm đá dày đậy trên quan tài. Một lớp bụi thời gian đang che khuất. Tôi nhờ ông Gharibian cho gọi nhân viên mang một thùng nước và tấm khăn chùi rửa sách sẽ. Quan sát kỹ tên Alexandre de Rhodes hiện ra bên dưới có ghi rõ năm tháng ngài mất!

Tôi lại cho gọi tài xế cho xe chở bó hoa vào bên mộ ngài ADR. Khu mộ khá rộng rãi, khoáng đảng, xe hơi có thể thoải mái đến thẳng gần chân mộ. Tôi tự mình mang cụm hoa ba màu, trân trọng đặt trên tấm bia trước khi bắt đầu hành lễ tưởng niệm tri ân.

Điều lạ là dưới ánh nắng trưa, sau khi tẩm nước, tấm bia cổ đã đổi thành hai cung bậc trắng đen, tự nhiên xuất hiện một đoàn người đang kéo nhau đi... Người đi đầu còn đội chiếc nón lá truyền thống Việt Nam!

Tôi trân trọng đặt bó hoa lên phần mộ và bắt đầu làm lễ tri ân. Tôi khấn vái ngài ADR phù hộ cho một nước Việt Nam hòa bình, dân chủ, cho người Việt Nam ấm no, độc lập, tự do, hạnh phúc!

Sau khi hành lễ và chụp hình lưu niệm, chúng tôi được ông Arman Simonian, giám đốc khu nghĩa địa mời về văn phòng uống trà đàm đạo. Sau khi nghe tự giới thiệu về mình và trình bày mục đích thăm viếng mộ, ông Simonian xem xét rất kỷ nội dung văn bia đã soạn sẳn dùng 4 thứ tiếng Việt-Pháp-Anh-Ba Tư:
_________________________________________________
 
Tri ân Cha Alexandre de Rhodes đã đóng góp to lớn trong việc tạo tác Chữ Quốc Ngữ - chữ Việt viết theo ký tự Latinh.
***
Nous sommes très reconnaissants envers le Père Alexandre de Rhodes qui a contribué grandement à la création de Chữ Quốc Ngữ, écriture du vietnamien utilisant l’alphabet latin.
________
 
Người Việt Nam vinh danh chữ Quốc ngữ,
Isfahan, 5/11/2018!
_________________________________________________
 
We are very grateful to Father Alexandre de Rhodes who contributed greatly to the creation of Chữ Quốc Ngữ, Vietnamese script using the Latin alphabet.
***
ما از پدر "الکساندر دِ رُد س" بسیار سپاسگزاریم که به شیوه ای توانمند برای ایجاد
Chữ Quốc Ngữ (نوشتن زبان ویتنامی با حروف لاتین) اقدام کرده است.
______
A group of Vietnamese, devoting to honor “Chữ Quốc Ngữ”
Isfahan, 5/11/2018
_________________________________________________

Ông gật gù thích thú là văn bia có cả tiếng Ba Tư với dòng chữ rất đúng chính tả! 

Ông nói ngay là với một tinh thần vô tư và nhân văn như vậy, có lẽ sẽ không có vấn đề gì về thủ tục!

Nghe ông nói tôi như cởi tấm lòng rồi theo ông đi xem các mẫu bia đã đặt trước đây tại nghĩa địa. Ông bảo vì là mộ cổ, chúng tôi không được phép dụng bia thẳng đứng như hiện nay mà phải tuân thủ chuẩn đang áp dụng. Bia phải thấp, dựa lưng vào mộ, ngay trước đầu mộ hay nằm theo sường mộ. Vì nội dung đã soạn có đến 4 thứ tiếng nên giải pháp thứ hai (với kích thước 160x50x3 cm) là hợp lý nhất (xem sơ đồ tôi phát họa ngay sau buổi bàn thảo với giám độc khu nghĩa trang). Vì đá là vật liệu giòn dễ vỡ, tôi quyết định thuê thợ thực hiện tấm bia dài 1,6 mét ngay tại Isfahan. Còn tâm nguyện mang đá từ Quảng Nam sang Iran, tôi sẽ giành cho tấm bia nhỏ hơn (60x50x3 cm) mà nội dung ngắn sẽ xác định sau.

Chúng tôi từ giã ông, cám ơn ông và hẹn gặp lại sau khi bàn thảo với Ban Giao dịch công chúng của nhà nhà thờ Vank...

Trên đường về khách sạn, ngồi trên xa nhìn đường phố Isfahan nhộn nhịp dưới những tàng cây sum sê tỏa mát, lòng tôi rạo rực một tinh thần lạc quan khác với cách đây mấy hôm. Thật vậy, khi đợi máy bay tại Istanbul trên đường đến Tehran, cậu tiếp viên người Iran Hojat Emad, người tôi nhờ liên lạc với nhà thờ Vank, đã nhắn cho tôi một tin không chính xác làm tôi rất đỗi băn khoăn : Việc đặt bia tại phần mộ ngài ADR sẽ gặp khó khăn vì phải xin phép nhiều nơi...

Tôi như lấy lại lòng tin vì vừa làm một điều hữu ích, phù hợp với lương tri. Dự
án do tôi đề ra đang trên đường thực hiện...

Rồi tôi miên man nhớ lại bốn câu thơ cuối cùng của bài thất ngôn bát cú tôi đã làm mới đây ngày 1/5/2018 khi lên đỉnh đèo Hải Vân nhìn chung quanh mây núi biển trời:

Vời Nam một thuở lòng đau đáu,
Ngóng Bắc ngàn năm dạ sắt son
Vẳng nghe gió réo lời sông núi
Tiếng Việt ta còn, nước ta còn!


Ta còn lòng tin là thành công sẽ còn trước mặt vậy...

Còn tiếp, NĐH, Liège 2/6/2018















5 nhận xét :

  1. Cám ơn ông đã thay mặt người Việt Nam chân chính tri ân Đức Cha.

    Trả lờiXóa
  2. Rất cảm kích tấm lòng của ông NĐH, người dân chúng tôi ko có điều kiện để thăm, viếng ngài Alexandre de Rhodes. Chính ngài đã mang đến cho dân tộc Việt một nền văn hóa. Đáng lẽ tên tuổi, công trạng của người phải có một khu di tích hoành tráng ở Việt Nam để muôn đời con cháu nước Việt tri ân. Trong khi đó những kẻ mang đến cho dân tộc Việt Nam chiến tranh và nghèo đói lại được thờ phụng ngay cả trong các chùa.
    Việt Nam đã có cơ hội thoát tàu, kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt nhưng những người lãnh đạo đất nước họ ko làm. Cũng may cho dân tộc Việt thoát được chữ hán nhờ có ngài Alexandre de Rhodes.
    Hy vọng việc làm của ông NĐH động lòng những người lãnh đạo đất nước mà tôi cho là đã vô ơn bạc nghĩa, mồ cha ko khóc, khóc đống mối.
    Tôi chỉ là người nông dân biết chữ Quốc ngữ rất cảm ơn ông Nguyễn Đăng Hưng.
    Alexandre de Rhodes Muôn năm!

    Trả lờiXóa
  3. Thầy đã làm một việc đầy ý nghĩa mà các thế hệ người Việt Nam từ đó đến nay và các chính phủ Việt Nam từ thời nhà Nguyễn cho đến hiện tại chưa làm được.
    Cảm ơn thầy!

    Trả lờiXóa
  4. Việc thầy Nguyễn Đăng Hưng đang làm khiến tôi xúc động. Rất nhân văn thầy ạ. Thầy đang làm thay cho biết bao tấm lòng của nhiều thế hệ người Việt, từ lúc bập bẹ ê a đánh vần cho đến khi chạm đỉnh khôn ngoan cuối đời, đã mang ơn cha Alexandre de Rhodes mà chưa biết cách nào bày tỏ. Cảm tạ tấm lòng thầy Nguyễn Đăng Hưng, vị giáo sư chưa từng quen biết nhưng rất kính mến.

    Trả lờiXóa
  5. Chắc chắn công lao to lớn của Đức Cha sẽ được người Việt Nam ghi nhận và truyền tụng muôn đời!

    Trả lờiXóa