Nguyễn Công Trứ
- Nhà khẩn hoang kiệt xuất qua tài liệu cổ
Báo Lao động
Báo Lao động
08/04/2018
Danh nhân Nguyễn Công Trứ (1778 - 1858) quê ở làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh là một nhân vật kiệt xuất trong lịch sử Việt Nam.
Là một người đa tài (thậm chí là tài hoa) nhưng trong cuộc đời ông, sự nghiệp lừng lẫy nhất chính là việc lãnh đạo tổ chức khai hoang, lập ra hai huyện Tiền Hải và Kim Sơn. Có thể nói, dưới thời Nguyễn, Nguyễn Công Trứ là người hoạt động tích cực nhất cho sự nghiệp biến những khu đất hoang thành ruộng đồng phì nhiêu.
1. Sau khi dẹp tan nhiều cuộc nổi loạn, Nguyễn Công Trứ nhận thấy nhu cầu bức thiết của dân nghèo là cần có ruộng đất để sinh nhai, đồng thời quan sát thấy bãi biển Tiền Châu của huyện Chân Định, Nam Định ruộng đất mênh mông lại hoang hóa, Nguyễn Công Trứ dâng sớ trình bày sự cần thiết của việc vỡ ruộng hoang cho dân nghèo.
Theo “Đại Nam thực lục”, bản sớ có đoạn: “Đời làm ăn xưa chia ruộng định của, dân có nghiệp thường cho nên ở yên nơi làng mạc không có gian tà. Ngày nay những dân nghèo túng, ăn dưng chơi không, khi cùng thì họp nhau trộm cướp, cái tệ không ngăn cấm được. Trước thần đến Nam Định thấy ruộng bỏ hoang ở các huyện Giao Thuỷ, Chân Định mênh mông bát ngát.
Ngoài ra còn không biết mấy nghìn trăm mẫu, hỏi ra thì dân địa phương muốn khai khẩn, nhưng phí tổn nhiều, không đủ sức làm. Nếu cấp cho tiền công thì có thể nhóm họp dân nghèo mà khai khẩn, nhà nước phí tổn không mấy mà mối lợi tự nhiên sẽ đến vô cùng. Vả lại bãi Tiền Châu ở huyện Chân Định hoang rậm, trộm cướp thường tụ họp ở đấy làm sào huyệt, nay khai phá ra, không những có thể cho dân nghèo làm ăn, lại còn dứt được đảng ác”.
Có thể nói, Nguyễn Công Trứ không phải là người ưa nói suông, sau khi nhìn ra sự cần thiết và lợi ích của việc khẩn hoang, ông cũng đề xuất cách thức triển khai việc khẩn hoang: “Xin sai trấn thần khám xét, phàm những đất hoang có thể khai khẩn được, cho những người địa phương giàu có chia nhau trông coi công làm, mộ những dân nghèo các hạt đến khai khẩn, như mộ được 50 người thì lập làm một làng, cho làm lý trưởng, mộ được 30 người thì lập làm một ấp, cho làm ấp trưởng; đều tính đất chia cho.
Cấp cho tiền công để làm cửa nhà, mua trâu bò nông cụ; lại lượng cấp tiền gạo lương tháng trong hạn 6 tháng, ngoài hạn ấy thì làm lấy mà ăn, 3 năm thành ruộng, đến chiếu lệ tư điền mà đánh thuế. Quan phủ huyện sở tại lập kho chứa thóc để phòng năm mất mùa cho dân vay. Những làng ấp mới lập gọi là “quân Lực bản”.
Phàm các hạt xét thấy những dân du đãng không bấu víu vào đâu, đều đưa cả về đấy. Như thế thì đất không bỏ hoang, dân đều làm ruộng, phong tục kiêu bạc lại thành thuần hậu”. Nhận được lời tâu của ông, Vua [Minh Mạng] dụ rằng: “Nay các hạt Bắc Thành dần yên, nhân dân hơi biết hướng theo giáo hoá có thể nhân cơ hội này, đưa dân về ruộng đất, khiến yên nghiệp làm ăn, dân có của thường thì có lòng thường, bọn trộm cướp tất phải tan đi mà ngầm hoá.
Vả lại triều đình khai hoá không cái gì trước việc dạy dân chăm nghề gốc. Nay việc dinh điền đã giao cho khanh phàm việc có thể làm lợi trừ hại cho dân, cho tuỳ tiện mà làm, nên hết lòng xếp đặt sớm báo thành công, để yên ủi lòng Trẫm mong đợi”. Bên cạnh đó, ông còn quan tâm đến câu chuyện mấu chốt của việc khẩn hoang là tập hợp nhân lực.
Về vấn đề này, Nguyễn Công Trứ chủ trương thu hút tất cả những người có thể điều động được vào công cuộc khẩn hoang, trong đó hầu hết là nông dân lưu tán và những người trước vì giặc bức bách mà đi theo, nếu hoàn lương thì sẽ cấp ruộng cho làm: “Bình dân Bắc Thành, trước vì giặc bắt hiếp đi theo có đến hàng nghìn sợ hãi trốn biệt không có đường về, không khỏi đi theo những tướng giặc còn trốn. Xin phàm kẻ nào hối quá hoàn lương, thì cho đến sở Dinh điền thú tội, theo sức mà cấp ruộng cho làm”. Vua [Minh Mạng] đều y cho. Tháng 3 năm Mậu Tý (1828), vua Minh Mạng lệnh cho Nguyễn Công Trứ lĩnh chức Dinh điền sứ.
2. Đến Tiền Châu (Nam Định), Nguyễn Công Trứ nhanh chóng bắt tay tổ chức việc khai hoang, đem đất Tiền Châu cùng đất đối ngạn bên tả bên hữu đo đạc đất hoang chia cấp cho dân nghèo, thành 14 lý, 27 ấp, 20 trại, 10 giáp, số đinh được hơn 2.350 người, số ruộng được hơn 18.960 mẫu (Lý 600 mẫu, ấp 400 mẫu, trại 200 mẫu, giáp 120 mẫu.
Cứ 100 mẫu trừ đình chùa thổ trạch đất mạ, đất già 30 mẫu, còn thành điền 70 mẫu. Trong số 15 mẫu thì định làm nhất đẳng một mẫu, nhị đẳng 2 mẫu, tam đẳng 12 mẫu). Đến tháng 10 năm Mậu Tý (1828), ông đã thành lập một huyện mới có tên là Tiền Hải, thuộc phủ Kiến Xương, tỉnh Nam Định.
“Đại Nam thực lục chép”: “Một dải Tiền Châu liên tiếp bãi biển. Trước kia cây cỏ rậm rạp, bọn cướp hay tụ họp ở đấy, không ai dám đến gần. Đã có câu nói “ai dám đến đùa quấy ổ giặc mà chơi”. Lãnh Dinh điền sứ Nguyễn Công Trứ đến nơi, chiêu tập phủ dụ lòng người mới yên”.
Sau khi tổ chức khai khẩn vùng đất Tiền Châu thành công, nhận thấy vùng đất bồi ven biển Ninh Bình đã thành thổ màu mỡ phì nhiêu có thể cấy được lúa, Nguyễn Công Trứ lại tâu lên vua Minh Mạng xin khai khẩn: “Thần trộm thấy ở các huyện Yên Khánh, Yên Mô thuộc Ninh Bình, cùng chỗ đối ngạn với huyện Nam Chân thuộc Nam Định, một dải bãi biển còn nhiều đất hoang rậm, đất cấy lúa được chẳng kém gì Tiền Hải. Xin cho đến đo đạc để lập thành ấp lý”.
Đến tháng 3 năm Kỷ Sửu (1829), bắt đầu đặt huyện Kim Sơn, lệ vào phủ Yên Khánh, Ninh Bình. Lãnh Dinh điền sứ là Nguyễn Công Trứ, ở phía ngoài đê Hồng Lĩnh đo được số ruộng hoang là 14.620 mẫu, chia cấp cho dân nghèo hơn 1.260 người. Lập thành 3 làng, 22 ấp, 24 trại và 4 giáp chia làm 5 tổng, tâu xin đặt riêng một huyện gọi là Kim Sơn, chọn người hợp với địa phương làm Tri huyện để phủ dụ khuyên bảo. Nhà ở, lương tháng, trâu cày và điền khí của dân thì do quan cấp cũng như lệ huyện Tiền Hải.
Ruộng thực canh và ruộng khẩn thành điền thì bắt đầu từ năm này đánh thuế; ruộng lưu hoang thì năm Minh Mạng thứ 13 (1832) bắt đầu thu thuế. Vua cho là được. Bèn sai chọn đặt Tri huyện, chế ấn triện cấp cho, dựng huyện lỵ ở làng Quy Hậu, mộ lập lại và lệ đủ số (Đề lại 2 người, Thông lại 8 người, thuộc lệ 50), hằng năm cấp tiền công nhu 50 quan. Việc này được phản ánh trong bản Tấu của đình thần trình lên vua Minh Mạng, còn lưu lại trong tài liệu Châu bản triều Nguyễn như sau:
“Đình thần kính tâu: ngày tháng 3 năm nay, căn cứ tập tâu của Nguyễn Công Trứ trình về việc xem xét cấp ruộng hoang ở các xã ven biển cho hạng dân nghèo khó, chia lập làng xóm riêng thành một huyện tên là huyện Kim Sơn. Xin ban sắc cho phái một viên làm Tri huyện huyện đó. Vâng chỉ “Đình thần chọn cử người rồi bổ nhậm chức đó” Kính tuân thánh ý, chúng thần chọn Tri huyện huyện Thụy Anh Nguyễn Hữu Thái điều bổ làm Tri huyện huyện Kim Sơn...”.
Khuôn viên đền thờ Nguyễn Công Trứ tại Kim Sơn – Ninh Bình (nguồn: mapio.net).
3. Cũng theo tài liệu Châu bản triều Nguyễn, Nguyễn Công Trứ cho rằng những làng ấp mới lập của các huyện Tiền Hải, Kim Sơn đều là nhóm họp dân phiêu tán nên ông dâng sớ xin định quy ước để kiểm tra và đưa vào khuôn phép, lâu dần sẽ thành phong tục với các nội dung:
Đặt nhà học (mỗi ấp, mỗi làng đều dựng nhà học, đón một thầy học, miễn đánh thuế); Đặt xã thương (ấp và làng đều đặt xã thương - kho thóc ở xã và chọn người tin cẩn để giữ); Siêng dạy bảo (các Ấp trưởng, Lý trưởng, Tư trưởng phải cai quản, nghiêm ngặt, răn cấm những kẻ bất hiếu, bất đễ, bất thuận, bất kính cùng là du thủ du thực, giao kết với côn đồ); Cẩn phòng thư (trong tổng chỗ nào có giặc cướp, thì Lý trưởng cùng Tư trưởng đem dân phu theo Tổng trưởng, đến cứu gấp); Chăm khuyên răn (nơi nào phong tục thuần hậu, ruộng đồng mở mang, nhà không có người ăn chơi, đất không có nơi bỏ hoang thì được thưởng và ngược lại thì đều bị chiểu luật trừng trị) .
Ngoài nông dân lưu tán, Nguyễn Công Trứ còn chú trọng huy động cả quân lính vào công cuộc khẩn hoang. Theo “Đại Nam thực lục”, tháng 9 năm Nhâm Thìn, Minh Mạng năm thứ 13 (1832), Thự Tổng đốc Hải Yên là Nguyễn Công Trứ tâu rằng: “Tỉnh Quảng Yên nhiều đất bỏ hoang, những chỗ có thể khai khẩn được hàng nghìn mẫu, duy có điều, dân ở đấy quen nghề đánh cá đi buôn, không thích làm ruộng.
Vậy xin phỏng theo cách làm đồn điền xưa liệu phái lính thú, do nhà nước cấp cho lương ăn đồ dùng, sai đi khai khẩn cày cấy, chỗ nào nên phải đắp đê thì cho đắp lên. Đến lúc thu hoạch cứ số thóc làm được chia làm 3 phần, lấy 2 phần để vào kho, còn 1 phần cấp cho người vỡ ruộng. Sau khi thành ruộng, mộ dân lĩnh cấy, đánh thuế theo lệ công điền”.
Vua Minh Mạng dụ sai Nguyễn Công Trứ phải thân đến tận nơi xem xét. Công Trứ liền hội đồng với thự Tuần phủ là Lê Đạo Quảng chọn chỗ đất khoảng khoát có thể cày cấy được ở ba xã Lưu Khê, Vị Dương (thuộc huyện Yên Hưng) và An Phong (thuộc huyện Hoa Phong) cộng 3.500 mẫu. Nghĩ xin đắp đê chống nước mặn, dài hơn 2.740 trượng, lấy lính thú tỉnh Quảng Yên và phái thêm lính cơ Hải Dương góp sức cùng làm. Khi đê đắp xong liệu cho lưu lại khai khẩn. Vua ưng thuận.
4. Việc huy động binh lính vào công cuộc khẩn hoang còn được Nguyễn Công Trứ phát huy tối đa trong mọi trường hợp: Năm 1838, trong khi dẹp giặc biển ngoài khơi tỉnh Quảng Yên, Nguyễn Công Trứ tổ chức lính thú khai hoang ở đảo Chàng Sơn, chiêu dụ dư đảng giặc được 180 tên, cho họ cày cấy đất đó, lập thành làng Hướng Hóa (thuộc châu Vân Đồn).
Sách “Đại Nam nhất thống chí” chép: “Khi ở Hải Dương vây đánh bọn giặc ở Chàng Sơn, bắt được đầu sỏ giặc đem chém, chiêu dụ dư đảng giặc được 180 tên, cấp cho chúng trâu cày ruộng đất, khai khẩn nơi đó, lập nên ấp Hướng Hóa, thành mối lợi lâu dài”. Sau đó vài năm, đến năm 1842, khi Thất Sơn đã dẹp yên. Người Thanh, người Thổ ra hàng. Vua sai ông cùng Phùng Nghĩa Phương thay nhau sắp đặt, lựa chia lập ấp, thôn, đặt người trông coi, giúp đỡ sự khai khẩn ruộng đất cho cày và ở, để việc làm và chỗ ở được yên.
Nguyễn Công Trứ làm quan trải ba đời vua triều Nguyễn (Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức) và lập được nhiều công lao, trong đó di sản khẩn hoang của ông đã được lịch sử ghi nhận. Chính Nguyễn Công Trứ, với tâm hồn thi nhân của mình, đã từng hoan hỉ viết về sự nghiệp khẩn hoang mà ông tham gia, đồng thời bày tỏ lòng biết ơn Vua trong bài hát nói “Công khai thác”:
Nhi kim thỉ hữu Dinh Điền sứ,
Phụng chỉ khai sơn hải chi nhàn điền.
Sơn giai kim nhi hải giai tiền,
Ngưỡng Thánh đức như sơn như hải.
Bể bạc vờn lên tay ngũ bái,
Non vàng đứng dậy chúc tam hô.
Quân ân triêm bái hải trường lưu,
Thần tiết kiên trinh sơn tự tại.
Khai tự cổ bất khai chi Tiền Hải,
Tịch dĩ lai vị tịch chỉ Kim Sơn.
Phương tri ngã quốc hữu nhân.
Ghi nhận công lao khẩn hoang của Nguyễn Công Trứ, theo bản Tấu của Phủ Phụ chính năm Duy Tân 7 (1913) được lưu trong tư liệu Châu bản triều Nguyễn, nhân có đơn của người con út Nguyễn Công Trứ là Nguyễn Xuân Lai xin nhà nước tư giúp để sửa sang lăng miếu và nhờ Nguyễn Công Trứ có công khai phá đất hoang cho dân, sau khi ông qua đời, tra xét gia cảnh quê quán khó khăn, con cháu chỉ còn 4, 5 người, nhà thờ chỉ vài gian lợp rạ, khói hương lạnh lẽo, quan đại thần Thống sứ Bắc Kỳ đã gửi giao số tiền là 725 đồng 2 hào, 2 xu do huyện Kim Sơn quyên góp để cấp cho con cháu Nguyễn Công Trứ lo việc tu bổ từ đường và mua chút ruộng tự điền để chi phí việc đèn hương, còn nghi thức của việc phong tước cho Nguyễn Công Trứ, xin do sở có liên quan chiếu lệ tuân theo thực hiện. Bản Tấu đã được vua Duy Tân phê duyệt .
5. Cũng theo Châu bản triều Nguyễn, để ghi nhớ công ơn của Nguyễn Công Trứ, năm Bảo Đại 18 (1943) Bộ Quốc dân Giáo dục đã trình lên vua Bảo Đại bản Tấu về việc đặt tên cho trường Trung học Vinh và Quy Nhơn với nội dung như sau:
Cố vấn của Bộ Quốc gia Giáo dục trình chúng tôi dự định chọn cho mỗi trường Trung học Vinh và Quy Nhơn một cái tên nổi tiếng của địa phương để đặt tên cho xứng đáng là “Trung học Nguyễn Du” và “Trung học Võ Tánh”. Theo chúng tôi, ở vùng Nghệ Tĩnh có một vĩ nhân khác là Nguyễn Công Trứ có thể so sánh được với tác giả “Kim Vân Kiều”. Đề nghị Hoàng thượng xem xét và lấy tên Nguyễn Công Trứ cho trường Trung học Vinh và Võ Tánh cho trường Trung học Quy Nhơn, đợi chỉ lục tuân. Châu phê: Chuẩn y. Ngự ký: BD.
Biến những khu đất hoang thành ruộng đồng phì nhiêu, mở rộng diện tích canh tác, đem lại nguồn tô thuế cho nhà nước, góp phần ổn định đời sống nhân dân, ổn định tình hình chính trị xã hội... đó là những thành quả có được từ công cuộc khẩn hoang và là bằng chứng cho thấy sự đa tài của Nguyễn Công Trứ. Có thể nói, ông không những là nhà thơ nổi tiếng, nhà quân sự lập được nhiều công lao mà còn thực sự là nhà khẩn hoang tài ba của thế XIX, những di sản của sự nghiệp khẩn hoang do ông để lại còn in dấu đến tận bây giờ và mãi mãi về sau.
Nguyễn Hồng Nhung (Trung tâm Lưu trữ quốc gia I)
Cụ Nguyễn Công Trứ làm sặc máu mới khai khẩn được hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải. Nay mấy bác nhà mình đem cho Hoàng Sa, một vài đảo ở Trường Sa như là người ta cho bó rau, con cá vậy! Hào phóng gớm!
Trả lờiXóaNguyễn công Trứ một nhà nho tiêu biểu . Ngày nay không thể kiếm được người nào chân chính , tài đức như Ông . ND nhắc tới Ông luôn với lòng kính trọng, khâm phục . ND hai Huyện Kim Sơn và Tiền Hải thờ Ông là người khai sáng . Ông xuất thân là nhà nho nghèo, là một kẻ sĩ hiên ngang, đầy dũng khí . Làm quan to không kiêu ngạo, bị kỉ luật xuống làm lính không oán hờn , xấu hổ , nản chí . Không những ông là tấm gương cho những học trò nghèo , 42 tuổi mới đâu Tiến Sĩ , là tấm gương cho các bậc quan lại. Còn hơn thế nữa Ông là Con Người Cao Cả . Một điều lạ lùng và thú vị là hầu hết cư dân hai Huyện Kim Sơn , Ninh Bình và Tiền Hải , Thái Bình là Dân theo đạo CG . Vậy mà họ vẫn thờ phụng Ông là vị đại ân nhân của họ . Gọi Ông là Bồ Tát cũng không sai . Nhưng lại là con người hào hoa nhất mực, đa tình lãng mạn, rất mực thanh liêm , chẳng tham của cải . Nắm trong tay bao nhiêu ruộng đất, bao nhiêu con người mà bản thân, gia đình chẳng có sào đất nào làm của riêng, cũng chẳng có nhà cao cửa rộng ! Nguyễn công Trứ , con người và sự nghiệp của Ông ít ai sánh bằng ! Mãi mãi nhớ ơn Ông !
Trả lờiXóaThơ văn và con người Nguyễn công Trứ là nguồn cảm hứng cho nhiều thế hê HSSV miền Nam trước 1975 . Nhiều người thuộc lòng thơ Ông , nhất là những bài như Chí Làm Trai , Chí Nam Nhi, Kẻ Sĩ, Hàn Nho Phong Vị Phú và lấy đó làm Kim chỉ nam cho cuộc đời .
Trả lờiXóaNhiều thành phố phía Nam lấy tên Ông đặt cho đường phố . Riêng Saigon , đường Nguyễn công Trứ quận 1, trước 1975 được gọi là phố Wall vì có nhiều Ngân Hàng đặt trụ sở ở đó .
Tên ông cũng được đặt cho nhiều trường học làm tấm gương cho các lớp trẻ noi theo . tp HCM hiện có Trường Nguyễn công Trứ ở quận Gò Vấp !
Nguyễn văn Thọai , quê Quảng Nam được lệnh vua khai mở đất vùng tứ giác Long Xuyên. Ông được phép dùng tù nhân đào kinh từ Châu Đốc đến Hà Tiên . Xong được lấy tên vợ là Vĩnh Tế đặt cho dòng kinh mới đào, Nguyễn văn Thoại được ban tước hầu : Thoại Ngọc Hầu . Lại được lấy tên đặt cho một ngọn núi là Thoại Sơn , cho một con sông đào từ tp Long Xuyên đi Thoại Sơn gọi là Thoại giang , lại cả một Huyện đặt tên là Huyện Thoại Sơn . Người đời sau lại lấy tên Thọai Ngọc Hầu đặt cho một trưòng Trung Học Công Lập lớn nhất tỉnh An giang . Khi chết, vợ chống Nguyễn văn Thoại được chôn cất và xây lăng ngay dưới chân núi Sam, Châu Đốc , nhìn xuống dòng Kinh Vĩnh Tề .
Trả lờiXóaCòn Nguyễn công Trứ được gì ? Chẳng tước hầu, tước bá . Mồ mả ở đâu mấy người biết tới . Có phải là bất công với Nguyễn công Trứ ?