Thứ Hai, 9 tháng 4, 2018

CẢ LÒ BÍ THƯ HUYỆN ỦY QUẢNG TRẠCH LÀM QUAN Ở HUYỆN

Ông Đậu Minh Ngọc, bí thư huyện ủy Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình.

Nhiều con cháu Bí thư huyện ở Quảng Bình 

làm quan

VietNamnet
09/04/2018 13:33 GMT+7


Con rể, cháu ruột, cháu bên vợ, em vợ… của Bí thư Huyện ủy Quảng Trạch đều làm cán bộ huyện gây dư luận xôn xao. Người trong cuộc lại cho rằng tất cả đều đúng quy trình.

Ông Đậu Minh Ngọc (SN 1960), quê ở thôn Thanh Bình, xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình từng giữ chức vụ Chủ tịch UBND huyện Quảng Trạch trong 10 năm, từ 2005 đến 2015.

Ông được điều động giữ chức Bí thư Huyện ủy nhiệm kỳ 2015-2020.


 
 Huyện ủy Quảng Trạch, Quảng Bình

Dư luận địa phương đang xôn xao việc có nhiều người thân, họ hàng của ông Ngọc làm việc tại các phòng ban, đơn vị quan trọng trong bộ máy huyện nhà.

Phòng GD-ĐT huyện Quảng Trạch có 10 biên chế, 4 lãnh đạo thì 3 phó phòng đều là người nhà, liên quan người nhà ông Ngọc.

Các phó trưởng phòng gồm: Bà Nguyễn Thị Bình lấy con chú ruột vợ ông Ngọc; ông Trần Hiếu Nghĩa có vợ là bà Nguyễn Thị Thúy Hằng - Hiệu trưởng trường Tiểu học xã Phù Hóa (gọi ông Ngọc bằng cậu); ông Dương Ngọc Tú, cũng là bà con bên vợ ông Ngọc.

Vừa qua, con rể ông Ngọc là Phạm Thanh Hải được điều chuyển từ một doanh nghiệp về làm công chức tại UB Kiểm tra huyện ủy; bà Dương Thị Nhung (em vợ ông Ngọc) từ kế toán trường chuyển về làm chuyên viên Phòng Tài chính huyện, chồng bà Nhung là ông Phạm Trọng Hòa là cán bộ tại Ban quản lý ODA huyện Quảng Trạch.

Ngoài ra, ông Dương Thanh Hải (con chú ruột vợ ông Ngọc) được bổ nhiệm làm Giám đốc BQL các công trình công cộng huyện; bà Võ Thị Phương Như (cháu gọi ông Ngọc bằng cậu ruột) được chuyển từ doanh nghiệp về làm kế toán huyện.

Bà Như có chồng là ông Phạm Minh Hùng đang giữ chức Bí thư Đảng ủy xã Phù Hóa, ông Hùng nằm trong diện luân chuyển cán bộ khi chưa là Huyện ủy viên.

'Người nhà Bí thư mà không đạt, chúng tôi loại ngay'

Trao đổi với VietNamNet, ông Đậu Minh Ngọc cho biết, ông là con trai độc nhất trong gia đình nên không có anh chị em ruột, còn những người nói trên chỉ là anh em “sơ sơ”.

“Những người nêu trên vào công chức đều đúng quy trình, trong thời gian giữ chức vụ Chủ tịch và Bí thư huyện ủy tôi đều làm đúng chứ không áp đặt ai cả. Sáng nay Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Bình cũng đã vào cuộc để xác minh sự việc này”, ông Ngọc nói.

Nói về con rể Phạm Thanh Hải được chuyển từ doanh nghiệp về làm cán bộ UB Kiểm tra huyện ủy, ông Ngọc cho biết, đã xem xét qua nhiều ban ngành, xét tuyển theo đúng quy trình chứ không hề lách luật như dư luận xôn xao.

Ông Ngọc cũng giải thích thêm, quy trình bổ nhiệm những trường hợp trên đang công tác thì cơ quan, đơn vị đó có yêu cầu đề bạt mới làm công văn gửi đến Ban Tổ chức huyện ủy. Sau đó sẽ tổng hợp lại xem xét mới cho chủ trương rồi phối hợp với Phòng Nội vụ, đơn vị công tác trình xem xét. Tiếp đến, trình Ban Thường vụ huyện xem hồ sơ thủ tục đúng thẩm quyền mới bổ nhiệm.

Theo ông Trương Ngọc Linh, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Quảng Trạch, những trường hợp được nhắc đều “có năng lực và phẩm chất tốt”.

Cũng theo ông Linh, các trường hợp trên đều cùng làng, cùng xã với Bí thư huyện nói chung và có bà con nói riêng thì cũng phải tuân thủ theo quy chế và giới thiệu cán bộ rồi bổ nhiệm theo từng bước một.“Dù người nhà Bí thư mà không đạt thì chúng tôi cũng loại ngay”, ông Linh nói.


Hải Sâm

11 nhận xét :

  1. Giỏi hơn cả Bắc Hàn, vì Bắc Hàn chỉ có "cha truyền con nối", riêng ông Ngọc thì "con rể nối, cháu nối, em vợ nối"!

    Trả lờiXóa
  2. Cái này thì chắc là phải trách ông Nguyễn Trọng Tạo vì đã sáng tác ra bài "Làng quan họ quê tôi" để bây giờ,tay "đảng và nhà nước" nào cũng học tập và làm theo.
    Nhìn cái cảnh đó thì chẳng còn ai muốn "ăn học thành tài" nữa.

    Trả lờiXóa
  3. Sự tham lam và trơ trẽn này chỉ có ở Việt Nam.

    Trả lờiXóa
  4. Điều này cũng dễ hiểu thôi. Người này thích người kia, yêu người kia, muốn người kia, vậy thì giới thiệu, kèm cặp nhau vào đảng, rồi từ đảng kéo nhau vào chính quyền. Chính quyền của một đảng là thế! Từ đây thì thấy vấn đề đánh tham nhũng cũng theo một quy trình tương tự: phe này đánh phe kia, đánh thắng, đem bỏ tù, rồi phe thắng cầm trịch, lúc đó thì "dọc ngang nào biết trên đầu có ai!", thế thì lại ăn, lại bốc, lại hốt của đem về nhà! Thế thôi! Dân há mồm thì bóp mồm, quẳng vào Hỏa Lò như các nhà hoạt động xã hội đấy! Hết chuyện!

    Trả lờiXóa
  5. Tác giả bài này cũng giỏi truy tìm, bởi những người được nêu trên không có ai mang họ Đậu ngoài ông Ngọc. Oan cho ông quá!

    Trả lờiXóa
  6. Gần như huyện nào cũng có chuyện " cả lò bí thư, chủ tịch" làm quan. Thế nên ông Trọng ông Vượng có đốt lò kiểu này cả mấy đời cũng không xuể!

    Trả lờiXóa
  7. Ôi cả nước Nam nói chung và Quảng Bình giờ đây"hồng phúc"ngút Thái Sơn rồi

    Trả lờiXóa
  8. Không hiểu sao bây giờ nói đến 2 từ "cán bộ" là thấy tởm lợm?

    Trả lờiXóa
  9. Quy trình ta viết rất hay
    Mà sao thực tế vẫn sai quá nhiều
    Dân đen rất khó vượt qua
    Con cháu cán bộ đi qua dễ dàng
    Hay là nòi giống khác thường
    Thông minh thì chỉ như phường thất phu
    Thế mà chức sắc ai bì
    ......

    Trả lờiXóa
  10. Thật là đúng quy trình - Lại thêm chuyện hay ho nữa.

    Trả lờiXóa
  11. Ông này làm đúng châm ngôn: "MỘT NGƯỜI LÀM QUAN CẢ HỌ ĐƯỢC NHỜ"!

    Trả lờiXóa