Thứ Tư, 21 tháng 3, 2018

Mạc Văn Trang: VÌ SAO "TRÊN BẢO DƯỚI KHÔNG NGHE"?


Vì sao “Trên bảo dưới không nghe”?

Mạc Văn Trang
20-3-2018

Ông Phan Văn Khải biểu hiện là người chất phác, thật thà, vụng về ít nhất ở hai sự kiện: ông loay hoay cầm tờ giấy khi gặp, hội kiến với tổng thống George W. Bush và khi ông phát biểu tại hội nghị, rằng tình trạng “Trên bảo, dưới không nghe” đang cản trở đổi mới… Vấn đề muốn bàn ở đây, là tại sao lại có tình trạng: “Trên bảo dưới không nghe”?

Phải chăng đó chính là cơ chế: Đảng lãnh đạo tập thể, Nhà nước quản lý, đã khiến các thủ trưởng cơ quan khó thực hiện được ý nguyện cá nhân. Ông Phạm Văn Đồng có lần nói chuyện ở Bộ Đại học (thời Bộ trưởng Tạ Quang Bửu), rằng tôi có hai kỷ lục: Một là thủ tướng lâu nhất, hai là thủ tướng bất lực nhất (chắc là so với thế giới); tôi muốn cách chức một thằng thứ trưởng mà cũng không được! Rồi ông giơ hai tay chỉ lên trời, lắc đầu, một động tác tỏ rõ sự bực bội và bất lực..

Ông Võ Văn Kiệt khi làm thủ tướng cũng nhiều lần than thở, về những cản trở vô lối…

Còn ông Phan Văn Khải thì thốt ra: “Trên bảo, dưới không nghe”! Ông không muốn trụ sở các cơ quan công quyền rõ hoành tráng, mà trường học, bệnh viện nhếch nhác… Nhưng dưới có nghe đâu!

Vì sao các Bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh, thậm chí chủ tịch huyện không nghe, không sợ Thủ tướng? Đó chính là vì mỗi Bộ đều có “tập thể Ban cán sự” và “tập thể đảng ủy cơ quan Bộ”, mỗi tỉnh đều có “Tỉnh đảng bộ”, là chỗ dựa cho bộ trưởng hay chủ tịch tỉnh. Chính quyền muốn kỷ luật một lãnh đạo Bộ hay tỉnh phải báo cáo các cơ quan Đảng; các cơ quan này lại họp thảo luận tập thể, báo cáo “theo ngành dọc của Đảng”… Tình trạng đó dẫn đến chỗ, các thủ trưởng có sai phạm, nhưng đó là chủ trương tập thể Ban cán sự hay tập thể đảng ủy… Nên cuối cùng bên Đảng kỷ luật với hình thức “khiển trách”, “cảnh cáo” “tập thể đảng ủy và cá nhân đồng chí”… Vậy là hòa cả làng…

Nhưng phải nói thời ông Nông Đức Mạnh làm TBT, thì TT Nguyễn Tấn Dũng quyền uy nhất, ông bảo gì bên dưới nghe răm rắp và còn triển khai mọi việc rất nhanh, vượt cả yêu cầu của trên. Ví dụ ông có chủ trương cho các tỉnh được ký dự án với nước ngoài, lập tức hơn 10 tỉnh cho nước ngoài thuê rừng 50 năm; tỉnh nào cũng đồng loạt ra quân “giải phóng mặt bằng”, cưỡng chế đất đai cho các dự án sân golf, các khu resort; cho các loại nhà máy đường, xi măng, sắt thép; đặc biệt như Hà Tĩnh còn dám cho Forrmosa thuê đất, thuê biển 70 năm với giá bèo.

Tích cực hơn nữa, là các “quả đấm thép” như các tập đoàn Vianshin, Vinaline, Than khoáng sản VN… luôn ngoan ngoãn quán triệt chỉ đạo của TT, tăng tốc lớn nhanh vượt bậc như thổi bong bóng! Thủ tướng rất ưu ái các tỉnh. Trong số 63 tỉnh thành, chỉ hơn 10 đơn vị là thu ngân sách đủ chi và có đóng góp cho trung ương; còn lại toàn “bóc ngắn, cắn dài”, nhưng anh Ba tốt bụng: “Tôi chưa kỷ luật đồng chí nào”, lại rất chịu khó vay tiền về cung cấp cho đàn em xây trụ sở, tượng đài, cổng chào… thật hoành tráng và tiêu xài xả láng…, không cần biết cục nợ lớn cỡ nào!

Đến khi “giang sơn gấm vóc” tan hoang, nợ công đầm đìa, dân đi khiếu kiện khắp nơi, Quốc hội đòi TT từ chức, thì ông Dũng nói ráo hoảnh trước QH rằng: Tôi không từ chức, vì đây là nhiệm vụ Đảng giao cho tôi và tôi làm gì đều có sự chỉ đạo của Đảng… Vậy là QH ngồi ngớ ra gật gật!

Như vậy cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, hẳn có vấn đề?

Giờ đây thấy TBT Nguyễn Phú Trọng trở thành “Người đốt lò vĩ đại”, xử lý một loạt vụ tham nhũng sinh ra từ thời ông Dũng, dân tình lại phấn khởi. Nhưng đó cũng chỉ là giải quyết cái ngọn, có tính duy ý chí, vì tại sao khi ông Dũng vẫn làm TT, ông Trọng không làm gì được? Cũng tại cơ chế lùng nhùng của Đảng, nên QH không thể cách chức ông Dũng, mà đợi đến Đại hội XII của Đảng với nhiều mưu mẹo mới hạ bệ được ông Dũng.

Nay mai ông Trọng nghỉ, một ông khác giống ông Nông Đức Mạnh lên làm TBT, thì lại xuất hiện một ông TT Dũng khác. Vẫn cứ lùng nhùng!

Chỉ có nhà nước pháp quyền, ba cơ quan Lập pháp, Hành pháp, Tư pháp độc lập với nhau, kiểm soát lẫn nhau thường xuyên, dựa trên cơ sở Hiến pháp, hệ thống pháp luật; xử lý ngay những người, những việc tiêu cực vừa mới xuất hiện, thì mới là cơ chế khách quan, hữu hiệu, vững bền cho sự tồn tại của một nhà nước của dân, do dân, vì dân.
 

8 nhận xét :

  1. Trên bảo dưới không nghe,
    Trên quá lầy thì dưới cũng lầy!
    Ngân sách thì to đùng, có người chỉ đạo thì phải có người dưới khuân vác về nhà, nặng nề lắm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời ông Khải làm Thủ tướng cũng chẳng sung sướng gì. Cả 2 nhiệm kỳ đều bị mấy ông cô vấn o ép. Sang nhiệm kỳ 2, các Thái thượng hoành định hạ bệ ông bằng vụ Lã Thị Kim Oanh. Nhưng phúc ông còn lớn và dung hòa được các phe nhóm. Nên mới trụ được hết nhiệm kỳ. Nhưng ông có một dai lầm cuối đời là giới thiệu Lê Thanh Hải vào Bộ chính trị- làm bí thư thành ủy TP HCM. Sau 2 nhiệm kỳ làm bí thư. Ông này đã phá nát hòn ngọc Viễn Đông thế nào thì ai cũng biết.

      Xóa
    2. Đâu phải sai lầm. Giá cả nó phải thế! Ông Trần Văn Truyền và mấy ông nữa, trước khi về hưu ký hàng giấy bổ nhiệm. Tiền cả đấy!

      Xóa
  2. Ô. PVK ở trong cơ chế mà ra . Tất nhiên hơn ai hết, ông phải hiểu căn bệnh trên bảo dưới không nghe . Và trên cương vị UVBCT, Thtg CP ông phải trị được căn bệnh này tận gốc . Nhưng ông PVK sau cùng phải bó tay vì căn bệnh này . Vì thế sau khi nghỉ hưu, ông rất ít lên tiếng về những việc làm của CP kế tiếp mà chỉ chăm chú giúp cho quê nhà, nhất là xã Tân Thông Hội , và H. Củ Chi, nơi ông sinh ra và là nơi ông nghỉ hưu và sẽ yên nghì tại đây . Căn bệnh trên bảo dưới không nghe vẫn còn trầm kha , chưa có Bác sĩ nào cao tay chữa trị được nó !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Học các nước văn minh .dân đoàn kết phản ứng

      Xóa
  3. Phải XD một XH pháp quyền , dân bầu CQ các cấp... thì chẳng phải ai "bảo" dưới cũng phải "nghe". "Trên bảo dưới không nghe" là hậu quả của bản chất thể chế !
    CCB

    Trả lờiXóa
  4. Trần Thị Thảolúc 14:17 21 tháng 3, 2018

    " Nói thật mất lòng ", nói cho ngắn gọn & dễ hiểu rằng : Còn chế độ Cs thì còn " Trên bảo dưới không nghe " . Riêng thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng thì ông ấy nói cấp dưới nghe răm rắp vì cả trên và dưới thời đó cùng PHÁ .

    Trả lờiXóa
  5. Trong lễ an táng nguyên Thủ tướng PVK, các đ/c lãnh đạo cấp cao đã thắp nhang, bỏ nắm đất (cát) xuống huyệt vĩnh biệt nguyên Thủ tướng. Nhìn trên TV thấy có đ/c rất trịnh trọng, chỉn chu trong từng động tác cắm nhang và bỏ đất xuống huyệt. Như thím Tòng Thị Phóng chẳng hạn. Dù thím không phải người kinh, nhưng thím làm rất chuẩn. Ngược lại, thím Kim Ngân thì vẫn phong cách hất thức ăn cho cá trong dịp TT Obama thăm ao cá Bác Hồ. Thím không quên chuẩn bị sẵn khăn giây để chùi tay sau khi làm nghĩa vụ quảng đất xuống huyệt, hất cát xong, thím Ngân vội vàng lau, phủi tay. Cứ so sánh hành vi của hai thím thì biết thím Phóng phó chủ tịch đàng hoàng, chỉn chu, trịnh trọng, kính cẩn hơn hành vi của thím Ngân chủ tịch rất nhiều.

    Trả lờiXóa