Thứ Năm, 22 tháng 2, 2018

SINH VIÊN VIỆT NAM TỤT HẬU VÌ NHỮNG MÔN HỌC VÔ BỔ


Sinh viên Việt Nam tụt hậu vì những môn học vô bổ

Ngọc Quang (Thực hiện)
Báo Giáo dục
07:39 20/02/16


(GDVN) - PGS.TS Nguyễn Văn Nhã cho biết, ở nhiều nước đào tạo đại học 4 năm, nhưng sinh viên được học rất sâu về ngành, chứ không học nhiều môn vô bổ như ở Việt Nam. 

Vào tháng 1/2016, Bộ Giáo dục đã có tờ trình đề nghị rút ngắn thời gian đào tạo đại học từ 3 – 4 năm. Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Văn Nhã – nguyên Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, rút ngắn thời gian đào tạo mà cắt thời gian học ngành thì chẳng khác nào trong bữa ăn để lại toàn món phụ, cắt đi món chính.

Thưa Phó Giáo sư, ông có ủng hộ việc rút ngắn thời gian đào tạo đại học không? Và theo ông, khi rút ngắn thời gian đào tạo thì phải cấu trúc lại thế nào? 

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Tôi ủng hộ quan điểm rút ngắn thời gian đào tạo đại học. Chúng ta biết rằng có 4 khối kiến thức, bao gồm: Kiến thức chung (Chính trị, tư tưởng, ngoại ngữ, toán đại cương…) có tổng cộng vào khoảng 30 tín chỉ. Gần như tất cả các trường đều học khối kiến thức chung này. 30 tín chỉ ấy chiếm mất khoảng 1 năm học. Như vậy thực chất hiện nay đào tạo đại học 4 năm thì học vào chuyên ngành và chuẩn bị cho tốt nghiệp chỉ có 3 năm.

Ở châu Âu, nhiều trường áp dụng chương trình đào tạo 3 năm, nghĩa là họ không có khối kiến thức chung như Việt Nam. Khối kiến thức chung với một số môn học bắt buộc đều được đẩy ra khỏi chương trình đào tạo chính thức, trở thành điều kiện cần cho các sinh viên tốt nghiệp. Thí dụ như ngoại ngữ chẳng hạn, sinh viên có thể học ở đâu cũng được, miễn là cuối cùng phải có được chứng chỉ đúng theo yêu cầu là đảm bảo yêu cầu.

Trong chương trình chính khóa thì bao giờ cũng học từ kiến thức cơ sở, sau đó vào kiến thức ngành, rồi đi sâu vào chuyên ngành. Ở bậc đại học vẫn là kiến thức ngành chứ chưa thể gọi là chuyên ngành, còn đến sau đại học thì mới đi vào chuyên ngành.

Thí dụ như Vật lý rất rộng, phải học cơ, điện, nhiệt, quang… gọi là đại cương; rồi sau đó mới đi theo phương pháp giảng dạy, hay theo Vật lý lý thuyết hoặc một lĩnh vực khác chuyên sâu.

Bây giờ chúng ta đào tạo 3 năm thì có nghĩa là thời gian đào tạo ngành không thể rút đi được, lý thuyết có thể điều chỉnh ngắn đi, nhưng phải tăng thời gian thực hành, đây cũng điểm còn yếu với đa phần sinh viên Việt Nam hiện nay.

Vậy khối kiến thức chung kia phải làm thế nào? Rõ ràng chúng ta cũng chỉ còn cách là đẩy nó ra khỏi chương trình chính khóa, trở thành các lớp học ngoại khóa, và cách dạy cũng phải đổi mới, không thể tiếp diễn tình trạng nhồi sọ những môn học tư tưởng như hiện nay. Thầy cứ đọc, trò cứ chép, rồi thi xong thì chữ thầy trả lại cho thầy. 

Cũng có người nói rằng, nếu đào tạo rút gọn, lược bớt đi những phần nội dung chính trị, tư tưởng thì sinh viên được đào tạo ra liệu có còn là người Việt Nam yêu nước không?  

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đấy là suy nghĩ sai lầm, bởi vì bản thân mỗi chúng ta khi sinh ra là người Việt Nam thì đã có dòng máu yêu nước rồi.

Trong cả cuộc hành trình nhiều năm tháng học từ Tiểu học cho tới Trung học cơ sở, rồi vào phổ thông, các em cũng liên tục được gia đình và nhà trường dạy dỗ truyền thống của dân tộc. Cho nên sẽ là một sai lầm nếu cứ duy trì cách dạy cũ, tức là nhồi cho các em những môn học mang tính tư tưởng một cách khô cứng ngay từ khi bước chân vào giảng đường đại học.

Tôi lấy thí dụ các em học những ngành về nghệ thuật thì ngay từ ban đầu đã phải dạy cho các em những môn học cảm nhận được cái hay, cái thú vị của ngành ấy. Hay những em nào học về Toán thì rõ ràng đam mê của các em sẽ là Toán, vậy phải học những môn có tính gợi mở của Toán, chứ không thể nào vào học là dạy Triết, nào là quan niệm phương Đông, quan niệm phương Tây… những kiến thức đó đều hay cả. Nhưng thiết kế kiểu ấy không phù hợp và nó dễ gây ra tâm lý chán nản cho sinh viên.

Nếu rút ngắn thời gian đào tạo mà lại giữ khối kiến thức chung, cắt vào kiến thức ngành thì có khác nào trong một bữa ăn cắt đi món chính và để lại toàn món phụ. Thế thì nguy hiểm quá. 

Vì sao trình độ cử nhân của Việt Nam quá yếu? 

Cũng là thời lượng đào tạo 4 năm, nhưng vì sao trình độ của cử nhân Việt Nam với nhiều nước có sự chênh lệch rất lớn? 

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Tôi lấy một thí dụ điển hình là ở nước Mỹ, cũng đào tạo đại học 4 năm, nhưng 4 năm của họ là làm việc thật, làm việc cật lực, chứ không chia thời gian cho những môn học như ở ta, để rồi không dùng được vào ngành học.

Tiêu chí đào tạo của Mỹ rất khoa học, nó được thể hiện rất rõ ràng qua việc sinh viên phải hoàn thành được một bài tập cụ thể, và phải tham gia được vào một nghiên cứu ngay từ năm thứ nhất.

Tới năm thứ hai, sinh viên phải xuống thực tế tại các nhà máy, các cơ sở lao động và phải có được một bài tham luận.

Tới năm thứ ba, sinh viên phải tham gia được vào các công trình nghiên cứu khoa học của thầy cô, để được trực tiếp làm một số việc đơn giản, qua đó hiểu về quy trình, cách thức làm một đề tài khoa học.

Tới năm thứ tư, sinh viên phải có một khóa luận thức sự, phải có được công trình nghiên cứu của riêng mình.

Qua cả một quá trình học tập, làm việc thực tế như vậy cho nên sinh viên của Mỹ nắm rất chắc cả lý thuyết với kỹ năng.

Như vậy, vấn đề đặt ra cho nền giáo dục Việt Nam là khi rút ngắn thời lượng đào tạo thì cấu trúc phải thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì cho tới nay cũng chưa rõ. Tôi mong rằng, Bộ Giáo dục sẽ có tính toán cẩn trọng, lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học, ý kiến của các nhà chuyên môn tâm huyết với giáo dục để đưa ra được cấu trúc khoa học, phù hợp với mong muốn đổi mới của giáo dục Việt Nam. 

Cùng với việc tính toán lại thời gian đào tạo đại học, ở bậc phổ thông cũng đồng thời phải cấu trúc lại để phù hợp với sự đổi mới? 

PGS.TS Nguyễn Văn Nhã: Đúng như vậy! Tính hệ thống phải được đảm bảo, và cách tốt nhất là làm đồng bộ thì sẽ nhìn thấy cả một chặng đường định hướng nghề nghiệp từ phổ thông.

Theo như đề xuất của Bộ Giáo dục thì bậc Trung học phổ thông có 3 luồng, gồm: Định hướng chung (có tính hàn lâm/khoa học như hiện nay); Định hướng kỹ thuật/công nghệ; Định hướng năng khiếu (nghệ thuật, thể thao). Với sự phân chia 3 luồng rõ rệt như vậy, đào tạo sẽ đi vào chuyên sâu rõ rệt hơn.

Điều tôi muốn nhấn mạnh là với khoảng thời gian 3 năm hoàn toàn có thể xây dựng cho các em một nền kiến thức cơ bản, đảm bảo cho quá trình vào ngành ở đại học. Thí dụ, ngoại ngữ sau khi tốt nghiệp phổ thông, các em đạt được trình độ gì? Đừng để phí 6 năm trời từ trung học cho tới hết phổ thông rồi không đạt được gì.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau cho nên có thể triển khai ở bậc đại học trước, vì đây là nơi đưa sản phẩm trực tiếp ra thị trường. Việc cơ cấu lại thời gian đào tạo hay giảm bớt số lượng đào tạo với từng ngành, từng trường cũng mới chỉ là một biện pháp cơ bản có tính mở đầu. Cái mà xã hội quan tâm là chất lượng đào tạo, đây là vấn đề tự các trường phải vận động nếu không muốn bị tụt hậu, bị mất sinh viên.

Trân trọng cảm ơn ông! 

Ngọc Quang (Thực hiện)

10 nhận xét :

  1. "SINH VIÊN VIỆT NAM TỤT HẬU VÌ NHỮNG MÔN HỌC VÔ BỔ" - ra trường lớ ngớ lóng ngóng ngu ngơ như bò đội nón-chẳng biết làm cái gì, kể cả chuyên môn chính được đào tạo- bởi khi họ còn là sinh viên, thời lượng dành cho học chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ thì ít mà nhồi nhét những môn học về tư tưởng như Triết học Mác-Lê, kinh tế chính trị, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Lịch sử đảng csVN... nhiều trường cho học đến mất đến non nửa thời lượng thì còn đâu thời gian thực hành dành cho chuyên môn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi là sinh viên đại học bách khoa . Mất 1/3 thời gian cho những môn học vô bổ , nghe tai này ra tai kia ; Tốt nghiệp ,ra trường chả còn đọng lại chút kiến thức vô bổ ấy .

      Xóa
  2. Nếu các lãnh đạo ngành GD cũng có tư duy như TS Nhã thì phụ huynh chúng tôi đâu có gần mà gửi con đi học trời Tây cho tốn kém , Chúng tôi đâu muốn cho con cháu mình chỉ học những cái vô bổ!

    Trả lờiXóa
  3. Bỏ môn học nào cũng được nhưng tuyệt đối không được bỏ môn Mác Lê. Nó không bổ bề ngang nhưng chắc chắn bổ bề dọc. Con người sẽ không mập ra (bề ngang) mà sẽ chỉ như cây sậy (bề dọc)

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đồng tình với PGS Nhã! "SINH VIÊN VIỆT NAM TỤT HẬU VÌ NHỮNG MÔN HỌC VÔ BỔ"
    Đã 20 năm rồi qua hằng trăm bài báo bài phỏng vấn, tôi đã góp ý là không nên nhầm lẫn giữa giáo dục và tuyên truyền! Nhưng than ôi tôi nói như nưỡc đổ đầu vịt!

    Trả lờiXóa
  5. Rất đồng tình với tác giả.
    Học nhiều, kiến thức chẳng được bao nhiêu.
    Đơn cử như Đại Học Y Hà nội đào tạo BS là 6 năm, 2 năm đầu giành cho Ngoại ngữ, văn hóa, chính trị, Triết Học Mác - Lê nin và tư tưởng HCM, Quốc phòng (Quân sự).
    Còn 4 năm học chuyên môn với 200 môn học thử hỏi kiến thức SV tiếp thu được cái gì?

    Trả lờiXóa
  6. Lãnh đạo các cấp VN tụt hậu dẫn tới đất nước tụt hậu vì ông/bà nào muốn lên chức đều phải qua lò "Học viện chính trị quốc gia HCM" với các môn học CN Mác-Lê, tư tưởng HCM, nhồi nhét quan điểm "đất đai là sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý" v.v...

    Trả lờiXóa
  7. Thời phong kiến các sĩ tử đi thi có học các môn lịch sử đảng cộng sản Việt nam, triết học của Mac , tư tưởng đạo đức Hồ chí Minh đâu thế mà lòng yêu nước của người dân cótừ thời Bà Trưng Bà Triệu. Còn bây giờ mà nói sinh viên không học các môn đó thì không có tinh thần yêu nước là ngụy biện của đảng cộng sản Việt nam. Thực tế sản xuất ra hơn hai mươi bốn ngàn tiến sĩ, vừa rồi mới cho ra lò hơn ngàn giáo sư phó giáo sư thì đủ biết trong số đó mấy người có khả năng kiến thức học thật

    Trả lờiXóa
  8. Một người sinh ra lớn lên bắt đầu đi học là 7 tuổi học tập từ mầm non đến hết đại học là 18 năm + 7 tuổi là 25 tuổi, xong đại học phải học trên đại học 2 - 3 năm vậy chi là 27 tuổi, mới hi vọng có được việc làm. Nếu là Phó TS hoặc Tiến sỹ còn phải học dài hơn nữa, (55 tuổi với nữ, 58-60 với nam nghỉ hưu) như vậy là thời gian học chiếm mất gần nửa đời người. Quá lãng phí và tốn kém tiền của nhà nước và nhân dân. Bỏ phí một nguồn nhân lực trẻ khỏe, để người già phải nai lưng làm việc nuôi người trẻ khỏe "ăn hoc"
    Nhà nước nên giảm chương trình dạy và học:
    Bậc mẫu giáo còn 1 năm (gọi là vỡ lòng)
    Bậc Tiểu học 4 năm(lớp 1 - 2 -3 - 4 còn gọi là cấp 1)
    Bậc Trung học cơ sở 3 năm (lớp 5 - 6 - 7 còn gọi là cấp 2)
    Bậc Trung học Phổ thông(lớp 8 - 9 -10 còn gọi là cấp 3)
    Tất cả kiến thức về văn hóa, chính trị, Quốc phòng an ninh Thể thao thể dục Mỹ thuật âm nhạc v v... gói gọn ở các bậc học Phổ thông.
    Trung cấp nghề và công nhân kỹ thuật 2 năm
    Cao đẳng 3 năm
    Đại học 4 năm (Chương trình tập trung cho dạy và học theo chuyên ngành).

    Trả lờiXóa
  9. Những môm nhu lí thuyết Mác-Lê , Lịch sử, Địa Lí VN đã học nhão ra ở các cấp THCS và THPT , chẳng cần phải nhồi nhét thêm ở Đại Học . Chỉ cần bài thi tốt nghiệp cho ít câu hỏi nếu vướng điểm liệt thì khỏi tốt nghiệp . Như thế cũng đủ cho các học viên tìm học muốn chết !

    Trả lờiXóa