Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

Tiếng Dân: ĐIỂM TIN NGÀY 01.07.2017

Bản tin ngày 1/7/2017

Tiếng Dân
01/07/2017

Tin trong nước

1. Tin chủ quyền biển đảo


Không giống như lời người phát ngôn Bộ ngoại giao Việt Nam nói hôm 29/6, rằng lý do ông Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc cắt ngắn chuyến thăm Việt Nam “vì công việc đột xuất trong nước“, một bài phân tích chi tiết được báo Tiếng Dân dịch, cho biết lý do “rằng Long bỏ về sau khi quan chức Việt Nam từ chối đòi hỏi ngưng tất cả các cuộc thăm dò dầu khí trong đường 9 đoạn“. Và Hà Nội cho rằng “các lô 118 và 136 không những không có cơ sở mà còn xúc phạm“.



 
TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương 
Trung Quốc. Nguồn: Trí Dũng/TTXVN


Nếu thông tin trên là đúng, thì đây là một tín hiếu cứng rắn hiếm hoi mà Việt Nam thể hiện với đại diện cấp cao Trung Quốc, trong bối cảnh được cho là Việt Nam đang có quan hệ mật thiết hơn với Hoa Kỳ và nhật Bản. 

Theo dịch giả Song Phan, một người chuyên theo dõi về tình hình Biển Đông, thì Trung Quốc đang ngăn cản và phá rối Việt Nam khai thác một số lô hoàn toàn thuộc chủ quyền Việt Nam.


Trước sự ngang ngược của Bắc Kinh về vùng lãnh hải Biển Đông, hôm 27/6 công dân và một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam ra tuyên bốPhản bác và lên án các hành vi xâm lược lãnh hải, lãnh thổ Việt Nam của nhà cầm quyền Bắc Kinh


Trong chuyến thăm Liên bang Nga của Chủ tịch Trần Đại Quang, hai bên cũng ra tuyên bố chung, nêu rõ “Nga và Việt Nam ủng hộ thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông“.


Một bài trên báo Diplomat, Những điểm yếu của quân đội Việt Nam đã được Tiếng Dân dịch, thì “Mặc dù có những khoản đầu tư quốc phòng đáng kể nhưng Tàu quét mìn, xe thiết giáp và pháo binh bị xao lãng của Quân đội Việt Nam lại dễ bị Trung Quốc tấn công“. Theo tác giả, để khỏa lấp những điểm yếu trên, quân đội Việt Nam phải có những lựa chọn, một trong số đó là “Xây dựng thêm đồng minh để lấp đi những thiếu sót“.


Thông tin trên đài RFI cũng lo ngại không kém, đó là “Trung Quốc gần hoàn tất ba tiền đồn quân sự tại Trường Sa” để “sẵn sàng cho việc triển khai tên lửa“. Theo bài báo, “thông tin do Sáng Kiến Minh Bạch Hàng Hải Á Châu (AMTI) theo dõi chặt chẽ trong gần hai năm qua”.


2. Về môi trường biển miền Trung bị tàn phá


Môi trường biển bị tàn phá tiếp tục được sự quan tâm của báo chí. Báo Pháp luật Thành phố dẫn lời TS Nguyễn Tác An, một nhà Khoa học kỹ thuật biển Việt Nam cho rằng, việc đổ cả triệu mét khối chất thải xuống biển sẽ có “Tác hại mãi mãi” đến “cả một vùng biển rộng lớn” và “họ phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình“.


Ngoài ra, Báo Người Lao Động còn dẫn lời UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, tỉnh sẽ họp tham vấn các bên vì “Bộ Tài – Môi”, chỉ cho thực hiện việc đổ chất thải từ tháng 7 đến hết tháng 10-2017, là quá gấp.


Cũng theo thông tin trên Báo Người Lao Động, trả lời câu hỏi “Vì sao không đổ trên đất liền” mà phải đổ ra biển, thì Bộ Tài – Môi nói rằng “cần phải có diện tích lớn”.


Còn nhớ, vào tháng 11/2016 Bộ trưởng Tài – Môi Trần Hồng Hà đã khẳng định, “Không thể đổ chất thải xuống biển“. Nếu những ai chưa biết thế nào là nói xạo thì xin mời vào đây đọc.


3. Vụ xử cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Blogger Mẹ Nấm


Ngay sau khi tòa án Việt Nam tuyên phạt cô Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức blogger Mẹ Nấm, 10 năm tù giam, Mạng lưới blogger Việt Nam ra tuyên bố lên án bản án là “nặng nề nhất“, và tố cáo chính quyền “vô nhân“, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục con đường của Mẹ Nấm.


Cũng trong ngày 29/6 Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã nhanh chóng ra tuyên bốkêu gọi Việt Nam thả Mẹ Nấm và tất cả các tù nhân lương tâm ngay lập tức“.


Liên minh châu Âu tại Việt Nam, Chính phủ Đức, Chính phủ Hà Lan đều ra tuyên bố kêu gọi Việt Nam tôn trọng quyền con người và yêu cầu thả bà Quỳnh. Mẹ cô Quỳnh, bà Nguyễn Tuyết Lan nói rằng, gia đình bà đã biết trước bản án, và rằng “sẽ tiếp tục kháng án“.


Cộng đồng mạng cũng có những phản ứng về phiên tòa này. Cựu nhà báo GDVN Nguyễn Đắc Kiên, một người từng gây chấn động người đọc với bài “Vài lời với ông Nguyễn Phú Trọng“, hôm 30/6 cho rằng “Bản án chỉ làm tôi thêm kinh tởm chế độ này và những kẻ ủng hộ, dung dưỡng cho nó, cũng như khiến tôi càng thêm cương quyết tiến bước trên con đường mình đã chọn“.


Còn cựu nhà báo Thanh Niên Huỳnh Ngọc Chênh trên trang Facebook của mình cho rằng, “Đất nước không của riêng ai, suy nghĩ mỗi người mỗi khác, không ai có quyền bắt người khác phải suy nghĩ, hành động theo cách của mình“.

PGS Mạc Văn Trang, người đồng sáng lập Quỹ lương tâm cho rằng, Chính phủ Việt Nam coi thường các giá trị nhân quyền.


Hội nghị bàn tròn giữa ba nhà báo hải ngoại, do đài BBC tổ chức, các nhà báo đều nhận định rằng: Vụ xử Mẹ Nấm ra bản án ‘quá nặng nề’


Nhà nghiên cứu Trương Nhân Tuấn có nhận định, sở dĩ Blogger Mẹ Nấm bị kết án lên đến 10 năm tù, chính là “bản cáo trạng” (mà bà Quỳnh cùng nhiều người khác) lập ra để tố cáo tội ác của ngành công an VN“.


Xin mời độc giả xem một clip có dẫn lời của một số luật sư, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo tại Washington (CPJ) và Bộ ngoại giao Hoa Kỳ về phiên tòa này.


4. Quan chức – Tài sản 


Hôm 29/6 sau câu “hỏi ngỏ” của báo Tiếng Dân, rằng ông Phạm Sỹ Quý lấy gì mà thế chấp để được ngân hàng cho vay 20 tỷ đồng, hôm nay 30/6 Báo Đất Việt dẫn lời một chuyên gia ngân hàng cho rằng, “để vay được ngân hàng 20 tỷ đồng, người vay phải có tài sản thế chấp tầm 28 tỷ đồng“. Thế nhưng theo theo bản kê khai tài sản mà Báo Đất Việt thông tin, thì “tài sản và thu nhập (năm 2016) của ông Phạm Sỹ Quý có ngót nghét 8 tỷ đồng“. Nếu ông vẫn khẳng định là vay được số tiền 20 tỷ, lúc này có lẽ phải hỏi bên ngân hàng.


Độc giả cũng không nên thắc mắc tại sao “Yên Bái thuộc 10 tỉnh nghèo nhất nước, phải xin cấp gạo cứu đói hàng năm” lại có lắm quan chức giàu sụ thế. Nên biết rằng, họ phải lao động vất vả từ nhỏ (tuy không đến nỗi thối cả móng tay), thậm chí “Từ ngày xửa xưa làm men nấu rượu, chả thiếu nghề gì trên đời“. Hy vọng các quan Yên Bái không nấu rượu lậu hay buôn ma túy, để được giàu có như vậy! À, mà sao các quan không đi gánh củi thuê biết đâu giờ này đã thành Đế vương?


Họa sỹ Lê Anh Phong, được biết đến nhiều với tên LAP trên Báo Tuổi Trẻ Cười, vừa có một biếm họa về sự kiện trên, mời độc giả xem:




5. Quân đội – Kinh tế


Đừng thấy ông Thượng tướng Lê Chiêm nói “Quân đội có chủ trương không làm kinh tế nữa” mà vội mừng. Hãy nghe ông Phạm Văn Trà, cựu Bộ trưởng quốc phòng nói nè “Bác (Hồ) dạy quân đội ta ngoài chức năng chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu còn phải tham gia lao động sản xuất“.


Chuyện chủ trương quân đội làm kinh tế đã gây ra hàng loạt scandal, như sân golf Tân Sơn Nhất; moi cát ở những đoạn bờ biển xung yếu để bán cho Singapore; lấy đất của dân Đồng Tâm giao cho một công ty của Bộ Quốc phòng là Viettel, làm cho dân chúng nổi loạn, phá núi đá vôi ven vịnh Hạ Long… Nhân chuyến thăm Nhật đầu tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhờ Nhật giúp bồi dưỡng cho cán bộ lãnh đạo VN, rồi chuyện bà Bộ trưởng Quốc phòng Nhật, Tomomi Inanda bị kêu gọi từ chức, nhà báo Trân Văn lạc quan, đặt câu hỏi: Tướng Ngô Xuân Lịch sẽ học Nhật và sẽ xin lỗi?


Chà, đòi hỏi Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ quốc phòng xin lỗi vì đã để cho quân đội làm kinh tế, gây ra những vụ scandal, coi bộ khó à, bởi trong một bài viết đăng trên Tạp chí Công nghiệp Quốc phòng mới đây, ông Lịch nhấn mạnh: “Tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc đường lối phát triển kinh tế gắn với củng cố, tăng cường quốc phòng-an ninh…“. Tóm lại, “phẩm chất Bộ đội cụ Hồ” là phải biết làm kinh tế!


6. Cập nhật sự kiện Đồng tâm


Mắc kẹt giữa Cam kết của Chủ tịch TP Hà Nội Nguyễn Đức Trung “không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với toàn thể nhân dân xã Đồng Tâm” và Tuyên bố của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc “Xử quan trước, phạt dân sau“, tác giả Nguyễn Trọng Bình có bài viết trên trang Viet-studies cho rằng, chính quyền cần “đối thoại, thông qua hệ thống pháp luật minh bạch”. Nhưng mà sợ nhất là bóng ma “đạo đức cách mạng” sau lưng đây này.


7. Công tác cán bộ miền Tây


Không phải miền Viễn Tây nước Mỹ xa xôi đâu, mà ở miền Tây Nam bộ chúng ta. Ông “Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang vào tháng 6.2015 cho ban hành 41 quyết định thì đúng 2 năm sau, UBND tỉnh phải thu hồi toàn bộ 41 quyết định này vì có 39 quyết định sai hoàn toàn, 2 quyết định chỉ đúng một phần…“. Haiza!


Còn tại Kiên Giang, thanh tra tỉnh này phát hiện ông Nguyễn Đức Hiền, nguyên Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang đã bổ nhiệm nhiều cán bộ khi “đã hết hạn giữ các chức vụ của UBND tỉnh Kiên Giang giao và chờ nghỉ hưu“.


8. Chất lượng các công trình của Trung Quốc 


Là điều thực sự gây lo ngại. Theo tin từ Báo Tuổi Trẻ, “cây cầu trị giá 10 triệu USD do Trung Quốc xây dựng ở Kenya bị sập, làm ít nhất 27 công nhân xây dựng bị thương“. Sự việc xảy ra “chỉ hai tuần sau khi tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta đến thị sát”. Cũng theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, rất may là cây cầu chưa được đưa vào sử dụng.


Đây không phải là sự cố hiếm hoi có yếu tố Trung Quốc, các công trình do Trung Quốc đầu tư xây dựng ở những nước có thể chế kém minh bạch, tệ tham nhũng tràn lan…được cho là hay xảy ra bê bối.


9. Vụ nhà báo Lê Duy Phong – Công an


Thêm tình tiết mới, báo Tiền Phong đăng bài: Giám đốc Sở Tài nguyên Yên Bái có hẹn Lê Duy Phong, thế nhưng bài viết này lên mạng chẳng được bao lâu thì bị gỡ bỏ, các tờ báo khác đăng lại cũng không còn, có lẽ để “tiêu hủy chứng cứ”, à quên “phục vụ công tác điều tra”? Thêm tình tiết khác là hôm qua, công an TP Yên Bái cho triệu tập thêm một số phóng viên liên quan.


 
Ông Phạm Sỹ Quý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Yên Bái. Ảnh: báo TP


10. Đại biểu quốc hội ba đầu sáu tay


Vẫn mang tư tưởng “không quản được thì cấm“, và “chỉ biết nhòm vào ngân sách“, ĐBQH Dương Trung Quốc bị TS Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) giảng cho một bài học.


TS Nguyễn Đức Thành viết trên Facebook: “Bác Quốc đánh đông dẹp bắc kinh nhỉ. Không ở đâu là không có mặt. Giờ lại đánh sang cả Uber, Grab. Giá mà các bác chỉ nói những gì các bác biết thì có phải là hay không. Nhưng mà thế thì lại chẳng được nhóm lợi ích nào ủng hộ”.


11. An toàn giao thông – Công an


Một clip trên mạng được báo chí dẫn đăng cho thấy, một CSGT cố bám vào gương chiếu hậu ô tô container đang chạy trên Quốc Lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh và bị xe này hất xuống đường.


Cập nhật lúc 7h20′, từ blogger Nguyễn Văn Đề, dẫn nguồn từ otofun: viên CSGT đó là thượng úy Nguyễn Anh Đức đã tử vong. “Tình trạng sức khỏe của thượng úy Đức tiên lượng xấu. Sau khi cấp cứu tại BV đa khoa Hồng Lĩnh, chuyển ra điều trị tại BV đa khoa Nghệ An nhưng do tụ máu não, đa chấn thương nên phải chuyển ra BV Việt Đức, Hà Nội để điều trị.
  Do vết thương quá nặng, thượng úy Đức đã hi sinh trong đêm 30/6“.


12. Vụ chạy thận nhân tạo gây chết người – Công An


Trước những đề nghị cho bác sỹ Hoàng Công Lương (SN 1986) được tại ngoại, hôm 30/6 Công an tỉnh Hòa Bình nói chưa nhận được đơn, và hứa sẽ xem xét.


13. Thống kê của Công an Hà Nội


UBND TP Hà Nội “nghe” Công an Hà Nội nói “có từ 84% đến trên 90% người dân đồng ý việc cấm xe máy vào năm 2030“. Nhưng có người thắc mắc con số 90% kia mọc ở đâu ra?, một vị đại diện cho “nhóm soạn thảo đề án quản lý xe máy” tên Lê Đỗ Mười khẳng định “Chúng tôi không khai man, không “bốc thuốc”. Đừng để mọi người gọi ông bằng cái tên Lê Đỗ 10% nhá!


14. Vụ xét xử cựu hoa hậu Phương Nga


Vụ “chia tay anh xin lại quà” giữa ông Cao Toàn Mỹ và bà cựu hoa hậu Trương Hồ Phương Nga tạm kết thúc với hai hình ảnh trái ngược. Trong khi “người ngoài cười nụ” thì “người trong khóc thầm“.


Tin quốc tế


1. Mỹ – Triều Tiên – Nga


Trong cuộc gặp gỡ Tổng thống Nam Hàn tại Nhà Trắng hôm nay, Tổng thống Trump tuyên bố, ông không còn kiên nhẫn với Bắc Hàn. Ông nói, “Thời đại của sự kiên nhẫn chiến lược với chế độ Bắc Triều Tiên đã thất bại. Nhiều năm đã trôi qua và nó đã thất bại, và nói thẳng là sự kiên nhẫn đó đã hết“. Hai nhà lãnh đạo đã tỏ lập trường thống nhất chống lại Bắc Triều Tiên.


 
Tổng thống Nam Hà Moon Jae-in (trái) và TT Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters


Cũng tin Bắc Hàn, theo tiết lộ của báo Nga, thì các “đồng chí” Bắc Hàn “hoàn toàn phụ thuộc vào Nga trong lĩnh vực cung cấp nhiên liệu“. Như vậy, để Bắc Hàn từ bỏ chương trình hạt nhân và tên lửa, Mỹ sẽ phải gây sức ép với Nga. Nhưng chuyện này khó cho Trump vì nếu Nga không làm theo, chẳng lẽ Trump lại gây sự với thần tượng Putin của mình?


2. Hồng Kông – Trung Quốc 


Trong ngày thứ hai thăm đặc khu, ông Tập Cận Bình dự lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Hồng Kông được trao trả về Trung Quốc trong điều kiện an ninh được siết chặt. Hai thủ lĩnh của đảng Vì Dân là Nathan Law và Joshua Wong và hơn chục nhà hoạt động tham gia tọa kháng tại tượng Golden Bauhinia, của Bắc Kinh tặng cho thành phố, đã bị bắt giữ và được thả ra sau 30 tiếng, theo báo SCMP.


3. Mỹ – Trung – Đài 


Theo tin từ đài VOA, Hoa Kỳ đã chấp thuận bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,4 tỷ USD. Ngay lập tức, Trung Quốc đã phản ứng đòi hủy bỏ hợp đồng này và gọi thương vụ là “hành động sai lầm“.


Vào năm 2015 Mỹ cũng bán vũ khí cho Đài Loan trị giá 1,8 tỷ USD và Bắc Kinh cũng phản ứng gay gắt.


4. Trung Quốc – Venezuela


Quan hệ kinh tế giữa Trung Quốc và Venezuela đang ở trong tình trạng dở khóc dở cười. Theo bài phân tích được dịch đăng trên trang Việt Nam Thời Báovới dự trữ ngoại hối khổng lồ, Trung Quốc muốn dùng tiền của mình để “khuếch trương ảnh hưởng trên toàn cầu“, lần này là quốc gia Nam Mỹ nhiều dầu mỏ. Tuy nhiên với tình hình kinh tế và chính trị hết sức bất ổn của Venezuela hiện nay, thì với “những khoản nợ cao như núi” làm sao Trung Quốc đòi nổi?


5. Trung Quốc – Philippines


Theo BBC, phát biểu nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Philippines đến Trung Quốc, ngoại trưởng Vương Nghị cho rằng “quan hệ của hai nước đã bước vào thời kỳ vàng son của sự phát triển nhanh“.


Còn đối với Tổng thống Philippines, vẫn theo BBC thì “ông Duterte bị chỉ trích trong nước về điều mà một số người xem là ông quá mềm yếu trước Trung Quốc trước tranh chấp lãnh thổ kéo dài“.


2 nhận xét :

  1. Giang sơn VN không bao giờ bị mất vào tay bất kì kẻ xâm lược nào mạnh đến mấy, trừ khi bị bán.

    Trả lờiXóa
  2. Nhà cầm quyền không dựa vào dân mà dựa vào Tàu để tồn tại. Khó mà họ dám cãi lệnh Tàu. Để xem họ chống lại sự cưỡng ép của Tàu như thế nào. Vài tuần, vài tháng sau mới biết.

    Trả lờiXóa