Thứ Sáu, 12 tháng 5, 2017

CÁC THÓI HƯ TẬT XẤU SINH RA NGAY TỪ MÔ HÌNH HTX CẤP CAO


Mac Văn Trang

CÁC THÓI HƯ TẬT XẤU ĐƯỢC SINH RA NGAY TỪ MÔ HÌNH HTX CẤP CAO 

(Thấy nhiều bạn hào hứng về phản ứng của Lão Am với mô hình HTX cao cấp, 
nên bọ viết tiếp)

“HTX Nông nghiệp cấp cao” là mô hình công hữu hóa hoàn toàn tư liệu sản xuất (ruộng đất, trâu bò, nông cụ), người nông dân thành vô sản, lao động theo nguyên tắc: “Làm theo năng lực, hưởng theo kết quả lao động”. Cán bộ giải thích: “Bây giờ mới là XHCN, quá độ lên CNCS. Bao giờ lên CNCS thì tha hồ sướng, vì “Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu”! Rồi HTX cấp cao sẽ tiến lên Công xã Nhân dân như Trung Quốc, lúa của CXND tốt đến mức “Mấy cô gái nhảy múa được trên những bông lúa ken dầy”!; rồi tiến lên Nông trang tập thể như Liên Xô.


Ối giờ ôi, đám thanh niên mê mẩn, khi xem những phim đời sống của nhân dân ở CXND hay NTTTT, thấy máy cày, máy gặt cuồn cuộn; nông dân ngồi trên ô tô chở ra đồng, các chàng trai, cô gái trên xe bá vai nhau ca hát đến nơi làm việc… Ôi Nông trang, những vườn cây táo, lê trĩu trịt; những trại bò, trại lợn, trại gà mênh mông, lúc nhúc; Những buổi chiều về, những ngày chủ nhật, thanh niên nam nữ ca hát, chơi thể thao, khiêu vũ tưng bừng… Ông bí thư tỉnh bảo: “Gian khổ 3 năm, hạnh phúc muôn đời”! Thanh niên rạo rực như lửa cháy trong lòng!...

Lão Am (trong đời thực) thì lạnh lùng, quan sát, trầm ngâm... Lão điên tiết, chửi toáng lên, khi quy Lão vào “diện ăn theo”! (Trẻ em và người già không lao động cho HTX gọi là “diện ăn theo”, chỉ được chia lúa bằng ½ của lao động chính). Lão bảo, không có người già làm quần quật cả đời, khai phá đất đai, làm nên những cánh đồng “bờ xôi, ruộng mật”, thì chúng nó lấy gì mà hưởng. Vậy mà coi người già là “Diện ăn theo”! Lão bảo, thôi bây giờ tao làm cái niêu đất, ăn riêng. Ăn theo, ăn chung với lao động chính sao được! Trong cái HTX cấp cao, mọi xã viên đều khổ, nhưng tủi nhục nhất là người già, vì có nguyên tắc ai cũng hiểu, nhưng không nói trắng ra: “Làm nhiều hưởng nhiều, làm ít hưởng ít, không làm đừng hưởng”! (Tất nhiên là chỉ với người lao động, chứ lãnh đạo là thứ lao động cao cấp, đặc biệt rồi)!

Một hôm Lão bảo: Mấy thằng chủ nhiệm, phó chủ nhiệm có biết làm ruộng là gì đâu mà lên lãnh đạo được HTX? Thằng P. ngày xưa đi ở cho ông Bá, nó chỉ biết điếu đóm, hầu hạ, mồm mép đỡ chân tay, có biết con trâu, cái cày là gì đâu mà giờ làm chủ nhiêm? Thằng B. thuở bé đi ở, lớn lên phiêu bạt, rồi vào bộ đội, phục viên về, được chia ruộng, chia trâu; nó còn chưa biết cày bừa; cày thì sá cày ngoằn nghèo như rắn bò; đi bừa còn vác bừa ngược, mà giờ làm Phó chủ nhiệm HTX phụ trách sản xuất… Hỏng!

Làm ruộng thì phải nửa đêm, gà gáy, theo con nước, đi tát nước mà làm; phải chăm lo ruộng đồng đầu tắt, mặt tối, chứ xã viên cứ dựa dẫm, suy bì nhau, làm việc chấm chơ thế kia rồi cám không có mà ăn! 

Tình trạng đó, như trong bài ca dao (Bạn Trí Dũng gửi cho tôi):

7 giờ kẻng đánh mõ loa.
8 giờ đủng đỉnh mới ra tới đồng.
9 giờ Đội trưởng phân công.
10 giờ báo cáo chấm công rồi về. ....


Tình trạng “Rong công, phóng điểm”, “Làm láo, báo cáo hay”; người chăm chỉ, chịu khó thì ít điểm, đứa mồm mép đỡ chân tay thì điểm nhiều… dẫn đến lãn công. Đội ngũ “Cán bộ gián tiếp”(phần nhiều là đảng viên và con em), chỉ đi họp hành lăng xăng cũng điểm đầy sổ (vì người của HTX, đại diện HTX đi họp mà). Có lần đám các bà đang cấy dưới ruộng, thấy mấy cô mặc áo hoa, đi xe đạp lên huyện họp phụ nữ, có bà chửi: Cha bố chúng nó, các bà đi cấy, bán mặt cho đất, bán lưng cho giời; mồ hôi cổ đổ mồ hôi L. may ra mới được 10 điểm, mà mấy con đĩ vác L. đi họp, tối về đứa nào cũng 10 điểm cho mà xem!

Nhớ có lần xe Comangca của Bí thư tỉnh ủy về HTX, bị tụt xuống hố, chủ nhiệm HTX gọi mấy thanh niên ra “giải cứu”. Họ liền mặc cả: 150 điểm thì làm, không thì thôi! Tình trạng con cái cán bộ, đảng viên chọn việc “gián tiếp”, tự nghĩ ra việc, tự ghi điểm cho nhau, khiến nông dân càn bất mãn, chả dại gì, thằng còng lưng nuôi đứa ngay lưng “Mưa không đến mặt, nắng không đến đầu”! Thế là thói ganh tị, lãn công, lười nhác, gian dối, làm láo, báo cáo hay... có đất nẩy nở. Đặc biết thói ăn cắp của công vô tội vạ. Thứ nhất trong khi đi làm, ăn được cái gì thì tranh thủ ăn: ăn mía, ăn cà chua, ăn khoai sống, ăn dưa…; thứ 2, lấy được cái gì thì lấy, người thì đem theo cái rổ, cái sảo, đôi quang gánh đi làm “kết hợp” kiếm rau, cỏ về cho lợn, nhưng bên dưới giấu ngô, khoai, đỗ, thóc lấy trộm của HTX; có người đi làm mặc 2 quần: quần trong thắt giải rút cho chắc, bên dưới ống buộc túm lại cho chặt, bên ngoài mặc quần rộng… Quần bên trong tuồn vào đủ thư: Lúa, ngô, đỗ… Nghĩa là phong trào lấy cắp của công, coi như không có tội. HTX phải lập ra Đội kiểm tra “Thanh niên xung kích” để rình bắt, vạch mặt, chỉ tên nhưng kẻ “phá hoại HTX”. Đội Kiểm tra cũng là con em trong HTX lại đi săn bắt bá, dì, cậu, mợ, chị em trong họ, trong làng... Nhiều tình huống bi hài đã xảy ra. ..

Thế là, từ những người nông dân thật thà, chất phác, khi bị vô sản hóa và rơi vào cảnh bần cùng, bất công, họ bị lưu manh hóa lúc nào không biết! Đói ăn vụng, túng làm liều là một quy luật xã hội, mà!

Về phía cán bộ, độc quyền, tự tung, tự tác, có ông nghe tin đồn, mà dám đi mua giống lúa “cao sản”về gieo mạ triển khai 100% diện thích HTX, cuối cùng mất trắng hết, vì lúa đó cấy vụ Hè – Thu, chứ không phải vụ Đông – Xuân. Cả HTX mất trắng, nhưng cũng chỉ “phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm sâu sắc”, chứ biết làm gì! Chi bộ đưa ra những quyết định khủng khiếp: Phá hết Đình, Chùa, Đền, Miếu, vừa đề tiêu diệt “tàn dư phong kiến”, vừa có gỗ, gạch xây trụ sở HTX, trại chăn nuôi, nhà trẻ, nhà kho; những bia đá, cột đá thì đem nung vôi. Tượng và những gì bằng gỗ thì đem làm củi đốt lò vôi, lò gạch... Một số cán bộ cũng tranh thủ kiếm chác, lấy ít gỗ về sửa nhà; lấy mấy cái bát hương về muối dưa cà hay làm chậu cho lợn ăn; lấy cái hoành phi, câu đối về ngăn chuồng lợn... Đặc biệt là cơ chế độc quyền, bao che nhau, cán bộ ngày càng tha hóa, tranh thủ chia chác, tham nhũng “Ăn không từ cái gì”!

Dân đã có thơ ca, hò vè:
 
Mỗi người làm việc bằng hai
Để cho chủ nhiệm mua đài, mua xe;
Mỗi người làm việc bằng ba,
Để cho cán bộ xây nhà, xây sân…


Dân cũng không vừa, nhiều nơi yêu cầu cán bộ HTX báo cáo kinh nghiệm, xem làm cách gì mà kinh tế gia đình khá giả, trong khi các xã viên làm hết sức cũng cứ nghèo? Nhưng nói quá tí nữa là “nói xấu cán bộ” bị bắt giam, ghi lý lịch, con cái bị ảnh hưởng...

HTX Nam Đồng quê mình, điển hình, nổi tiếng trước, nên lụi tàn trước. Nhân tố mới nổi là HTX Định Công Thanh Hóa, được tuyên truyền là mô hình tuyệt vời. Các nơi tìm đến, mong học được phép màu để cứu nguy… 

Nhưng: 

Chưa đi, chưa biết Đinh Công/
Đi rồi mới biết rằng ông bị lừa!

(Và “Cái đêm hôm ấy, đêm gì? Là hiện thực sinh động của ngày tàn HTX cấp cao Thanh Hóa, đấy)!

Cán bộ đã tham nhũng và gian dối như thế, nên “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Một bộ mặt nông thôn xơ xác, tiều tùy; những con người gầy guộc chỉ suốt ngày đêm nghĩ đến kiếm miếng ăn, cái mặc; một đời sống văn hóa, đạo đức tinh thần nghèo nàn, thực dụng, thô bạo, những nét đẹp của “Văn hóa Làng” bị mai một…

HTX cao cấp đã tan rã trong bối cảnh đó, nhưng những thói hư, tật xấu do nó sinh ra, vẫn còn di họa đến ngày nay!

HTX nông nghiệp cao cấp, chỉ là một mô hình Con, phản ánh sinh động, cái mô hình Mẹ xã hội mà thôi.

12/5/2017
MVT

2 nhận xét :

  1. Khốn nạn kinh khủng cái thời 12h trưa phải nghe cái vè HTX cấp cao.

    Trả lờiXóa
  2. Bây giờ tôi nhớ lại thời đó đả đẻ ra các đơn vị gió Đại phong(HTXNN ở Quảng bình), sóng Duyên hải(nhà máy cơ khí DH, Hải phòng), trường Bắc lý(Hà nam). Sau này cò Định công(HTXNN Định công, Thanh hóa), huyện Quỳnh lưu(Nghệ an) với khẩu hiệu "Sắp xếp lại giang sơn, một mo cơm 1 quả cà, 1 tấm lòng cộng sản để đua nhau phá hết làng mạc nhà cửa kéo nhau lên đồi ở không có nước không có rau... sống như chết. Phong trào lan tõa vào các trường học ở ĐH Bách khoa sinh viên khoa cơ khí chế tạo máy quay thủ công sản xuất than quả bàng, trường đại học nông nghiệp thấy bên tàu có thảm lúa dày mấy đứa trẻ lớn tuổi đứng lên trên không bị thủng. Sinh viên trường đại học nông nghiệp học tập trung quốc thắp sáng đèn điện, cả đêm kéo nhau ra đồng quạt cho lúa ở ngay phía nam Hà nội khoảng 6,7km...Ở trường PT cấp 3 Hà nội 82 Lý thường Kiệt có xưởng sản xuất thuốc trừ sâu DĐT rất độc hại với các em học sinh....
    Rất khâm phục nhà thi sỉ lại được cử làm PTT và QTT lảnh đạo kinh tế mặc dầu kinh tế bi bét nhưng trước khi chết ông đả kịp nhận 1 tòa nhà phố Hồ Xuân Hương thay cho tòa nhà có cây táo ông Lành...

    Trả lờiXóa