Thứ Tư, 22 tháng 2, 2017

Vụ mộ cổ Hải Phòng: NGỤY TẠO HIỆN VẬT



Vụ tìm mộ cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm bằng 'ngoại cảm':
Có việc ngụy tạo hiện vật?

VTC
Thứ ba, 21/02/2017, 07:20 AM

(VTC News) - "Các ông ấy tự bịa ra thôi, nhìn ra cả tiểu sử của Trạng Trình trên cái thẻ ấy thì đến thánh cũng phải chào thua”, nhà sử học Ngô Đăng Lợi phẫn nộ.

Kỳ 2: Chiếc thẻ tre không hề có chữ


Theo thông tin xôn xao dư luận, sự xuất hiện chiếc thẻ tre (được ông Lê Thiên Lý cùng một số người khác khẳng định có chữ Mạc triều trạng nguyên, và lấy làm căn cứ nghi vấn về việc đã tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở xã Cộng Hiền, Vĩnh Bảo, Hải Phòng), xuất phát từ đợt nghiên cứu hồi cuối tháng 12/2016, ở Bảo tàng Hải Phòng, lúc chiếc quách đã được bàn giao từ Hà Nội về.

Nhân chứng trong đợt nghiên cứu ấy có PGS.TS Nguyễn Lân Cường, lãnh đạo Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, lãnh đạo Bảo tàng Hải Phòng, cùng các chuyên gia, các nhà sử học, Hán Nôm…

Kể lại câu chuyện, ông Đỗ Xuân Trung, Phó Giám đốc bảo tàng Hải Phòng cho hay: “Ông Nguyễn Văn Quyn, Bí thư huyện ủy Vĩnh Bảo có gọi điện ngay cho tôi chất vấn rằng trong biên bản giao nhận sao không có ghi thẻ tre? Thực sự tôi cũng không hề biết trong ấy có thẻ, vì khi đưa ra thì cái quách vẫn nguyên vẹn như thế, chỉ là do nhà ngoại cảm Trần Lệ Giang ở Hà Nội khẳng định là có.

Hôm đó, có tới mấy chục người chứng kiến, khi chiếc thẻ được rút ra, ai nấy đều xúm vào xem, chụp ảnh, và khẳng định không hề có chữ. Đến khi báo chí đăng ầm lên là trên thẻ có ghi chữ như Mạc triều trạng nguyên, Cù Xuyên… tôi mới vào mạng đọc thì giật mình. Hình như thấy họ bắn được cả chữ lên cái thẻ tre ấy, rõ đét đèn đẹt luôn, tôi mới nghĩ trong bụng: quái lạ, sao có thể làm ăn như thế được?”. 
.
TS. Cung Khắc Lược và PGS.TS. Nguyễn Lân Cường đang nghiên cứu các chữ qua ảnh chiếc thẻ tre. Ảnh lấy từ bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Cường đăng trên báo Công an nhân dân ngày 17/2/2017.

Khi tổ chức nghiên cứu chiếc quách, bên Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người có gọi điện kết nối với một nhà ngoại cảm tên Giang đang ở Hà Nội. Ông Nguyễn Ngọc Lâm còn cắm điện thoại vào cái loa to để mọi người nghe thấy. Bà Giang nói trên điện thoại rằng, cụ Trạng Trình hiện lên và “chỉ bảo” trong hiện vật này có cả thẻ tre, và trên thẻ tre có ghi rõ tên tuổi, lai lịch của chủ nhân chiếc quách ấy.

Sau một thời gian mày mò, từ 9h sáng cho đến 1h chiều hôm đó, PGS.TS Nguyễn Lân Cường rút được một thanh tre từ trong cái quách đó ra.

“Tất cả mọi người xem xét kỹ cái thanh tre thì rõ ràng trống trơn. Nhà thư pháp Lê Thiên Lý cũng chả nói gì được lúc đó, thế mà không hiểu tại sao mấy hôm sau lại cứ lên báo và phán rằng đọc được chữ như các bạn đã biết, làm ông Lê Đức Đôn (anh trai ông Lý, cũng là 1 nhân chứng) chủ nhiệm câu lạc bộ Hán Nôm Hải Phòng phải mắng cho em mình là tào lao. Tôi khẳng định lại một lần nữa, trên thanh tre đó chả có gì cả. Bảo có chữ là điều tôi không thể chấp nhận được. Các ông ấy tự bịa ra thôi. Nhìn ra cả tiểu sử của Trạng Trình trên cái thẻ ấy thì đến thánh cũng phải chào thua”, nhà sử học Ngô Đăng Lợi phẫn nộ. 

.
Nhà sử học Ngô Đăng Lợi bên các công trình nghiên cứu về Trạng Trình.

“Đến giờ phút này, với tư cách là những người đang nắm giữ hiện vật, và tiếp cận với “công trình nghiên cứu” của mấy ông đấy, tôi thấy hoàn toàn chưa có gì đảm bảo, mà có thể nói là bịa đặt, ngụy tạo. Khi lấy ra thẻ tre chả có gì, nhưng khi ầm ỹ trên mạng là có chữ, thì không ai là không nghi ngờ.

Cái thẻ tre ngay sau buổi nghiên cứu đó đã được Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người “mượn” về tìm hiểu. Sau đó PGS.TS. Nguyễn Công Việt của Viện nghiên cứu Hán Nôm có gọi điện cho tôi, kể rằng có nhận được đề nghị của Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người, bảo đọc cái chữ trên thẻ tre đó, rồi giám định với tư cách là cơ quan khoa học của Nhà nước. Ông Việt nói rằng chả nhìn thấy gì mà cứ bảo đọc, thì không biết đọc thế nào? Tôi mới khuyên, thứ nhất anh phải xem kỹ cái thẻ tre ấy, thứ 2 là mời anh về Hải Phòng tiếp cận hiện vật, tiếp cận dư luận cũng như thông tin mà mọi người đã đến xem và chứng kiến, thì mới rõ được. Ông Việt bảo không có cơ sở để thực hiện việc ấy.

Còn về cảm nhận chủ quan của tôi, sự việc thẻ tre có chữ là hoàn toàn không có thật”, Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Bảo tàng Hải Phòng cho biết thêm. 

.
Ông Nguyễn Văn Phương (bên trái), giám đốc bảo tàng Hải Phòng 
trong một buổi hội thảo. Ảnh tư liệu

Ông Đỗ Xuân Trung chia sẻ, ảnh chụp của bảo tàng hôm nghiên cứu thì rõ ràng chỉ có thanh tre trống trơn, thế mà ảnh chụp trên mạng lại có chữ, và được dịch ra là Mạc triều trạng nguyên, điều đó khiến mọi người nghi ngờ là tấm ảnh chụp đã được Photoshop. Hôm diễn ra buổi nghiên cứu, ông Trung có mượn thêm một số người vào để giám sát và có thêm nhân chứng khách quan, thì đến lúc xong việc những người này có ra và bảo lại: "Chú ơi, khả năng là có yếu tố trục lợi ở đây".

Nhóm PV VTC News đặt ra nghi vấn, hiện tại một số cán bộ của Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người đang “mượn” cái thẻ tre, thì đến lúc trả lại, liệu họ có thể đưa lại một cái thẻ khác có chữ thì sao? Các cán bộ bảo tàng Hải Phòng khẳng định, không thể xảy ra việc đó, vì bản thân họ đều là những nhà nghiên cứu. Hơn nữa, tất cả sự việc đều có ảnh chụp và biên bản làm bằng chứng.

.
Ảnh thanh tre do Bảo tàng Hải Phòng chụp trong đợt nghiên cứu và phát hiện .
.
Đây là ảnh chiếc thẻ tre có chữ như thông tin lan truyền trên mạng

Được biết, ngày 15/2/2017, đoàn bao gồm PGS.TS Nguyễn Lân Cường (Tổng thư ký Hội khảo cổ học), Thiếu tướng Ngô Tiến Quý (Viện trưởng Viện nghiên cứu, ứng dụng tiềm năng con người), cùng một số cán bộ đã về Hải Phòng thực hiện việc ráp lại cái quách ở bảo tàng. Trong buổi làm việc hôm ấy, bà Nguyễn Thị Ngọc Quyên đã yêu cầu ông Nguyễn Văn Phương ký vào biên bản có 2 nội dung: Thứ nhất là gắn và phục dựng nguyên trạng ban đầu của chiếc quách, thứ 2 là việc đọc và xác nhận nội dung các chữ được ghi trên thẻ tre, trên một màn hình máy tính xách tay mang từ Hà Nội về.

“Tôi không ký. Với hình ảnh chiếc thẻ tre, nội dung họ yêu cầu là mấy chữ "Mạc triều trạng nguyên, táng tại Ao Dương", những chữ đó được đọc và dịch ra từ màn hình máy tính, chứ không phải đọc từ thẻ tre. Hỏi chiếc thẻ đang ở đâu thì ông Ngô Tiến Quý xác nhận đang cầm và để ở Hà Nội”, ông Nguyễn Văn Phương cho biết.

Đó là những thông tin trung thực quanh câu chuyện đồn thổi tìm thấy mộ Trạng trong nhà bà Hiền ở xã Cộng Hiền (Vĩnh Bảo, Hải Phòng), được những người trong cuộc kể lại cho nhóm PV VTC News. Chúng tôi không nhận xét hay bình luận, mà phản ánh một cách khách quan để độc giả tự đánh giá.

Cũng phải nói thêm rằng, khi mới khởi đăng bài đầu tiên trong loạt bài điều tra: Đi tìm sự thật chuyện tìm thấy mộ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ở Hải Phòng, khẳng định sự việc xảy ra ở nhà bà Bùi Thị Hiền là hoàn toàn không có căn cứ, thì PV Minh Khang của Báo điện tử VTC News đã bị ông Lê Thiên Lý cùng một số người khác gọi điện “khủng bố” bằng những lời lẽ rất trịch thượng. Chúng tôi có ghi âm đầy đủ làm bằng chứng.



Hải Minh – Minh Khang

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét