Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2017

GS. Nguyễn Đăng Hưng: HOÀI NIỆM VỀ THƯỞ ẤU THƠ


HOÀI NIỆM VỀ THƯỞ ẤU THƠ

Nguyễn Đăng Hưng

Tiết xuân tháng Giêng tôi về quê nhà thắp hương trên phần mộ song thân và gia tộc, tại làng Bồ Mưng, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay thuộc xã Điện Thắng Bắc.

Không khí xuân mát mẻ, vùng nghĩa địa gia tộc khô ráo, tôi được dịp thong thả thăm viếng tường tận từng nấm mộ với sự hướng dẫn của người anh họ hiếm hoi may mắn còn sống sót và hiện đang sinh sống trên phần đất của gia tộc dòng họ Nguyễn Đăng. Con cháu đông đảo phần lớn nằm xuống vì bom đạn của nhiều phía. Phần còn lại lưu lạc khắp nơi : Sài Gòn, Hà Nội, Pháp, Bỉ, Đức, Phần Lan, Hoa Kỳ… nay còn lại mình tôi.


Ký ức ùa về như một đoạn phim quay chậm sau 68 năm… Ngậm ngùi tôi nhớ lại khu vườn xưa cao ráo, rộng rãi của ông nội tôi vốn đầy cây cối um tùm tươi mát nay không còn dấu vết nào nữa ngoài con đường cong uốn khúc với lũy tre xanh trước ngõ.

Tôi đã lìa xa vùng đất của tổ tiên này khi mới lên tám, năm 1949. Theo ba tôi lưu lạc ở vùng “tự do” Tam Kỳ, Tiên Phước 3 năm, ra Đà Nẵng ở 1 năm, vào Sài Gòn học tiểu học rồi trung học 8 năm, đi du học và định cư ở Bỉ từ năm 1960 cho đến ngày chính thức hồi hương về lại Sài Gòn năm 2006 cho đến nay. Tôi lẩm bẩm tính nhẩm : ngót 68 năm đăng đẵng đã trôi qua !






Hình ảnh quê cha đất tổ còn đọng lại gì trong tôi, một cậu nhóc mới lên tám? Khu vườn ông nội tôi khá rộng, bao bọc bởi những lũy tre gai góc có hào chắn, không để rễ tre ăn sâu vào vườn cây ăn trái: nào mít, nào xoài, nào ổi, nào mận, nào thơm, nào sắn, nào khoai… Nhà ông nội tôi và nhà ba má tôi là hai căn nhà dài song song, phân cách bởi một sân gạch rộng thênh thang đầy ắp lúa đang phơi mỗi độ mùa gặt về. Ông cố tôi là một phú nông ăn nên làm ra nên mua được vùng đất cao này tránh được nước dâng trong mùa mưa lũ. Ba tôi theo lời kêu gọi «không hợp tác với Pháp», bỏ công ăn việc làm ở Sài Gòn về quê xây căn nhà phong cách Châu Âu trên khuôn viên đất tổ, trở lại với cuộc sống nhà nông. Nhà ông bà nội tôi và nhà ba má tôi được khép lại theo hình chữ U bằng một căn nhà thờ cổ kính với mái cong trang trí bởi hoa văn rồng phượng, hoành phi câu đối đầy màu sắc trang trọng… Đây là những ấn tượng, những hình ảnh mà tôi còn ghi lại từ thuở ấu thơ…

Thuở ấy khu nhà vườn tôi ở sao yên bình êm ả đến thế !


Tôi thường tung tăng rình chim, đá dế, bắt bướm, ngắm hoa, nhin ong bay lượn trong khu vườn…

Những ngày giỗ lớn, cả họ tụ tập về sân nhà đầy ắp các mâm cỗ được đặt trên những chiếc nong tre to tròn sắp đặt theo một trật tự nghiêm chỉnh hướng về phia nhà thờ họ. Ông tôi là người phải đứng ra tổ chức việc cúng giỗ vì được thụ hưởng chăm lo thu hoạch đất hương hỏa của gia tộc.

Có dịp tụ tập bọn nhóc chúng tôi vui như ngày Tết, kéo nhau tung tăng chạy rượt trong khu vườn. Một hình ảnh tôi còn nhớ như ngày hôm qua… Chúng tôi vui đùa chung quanh cây mít «bà» không biết được trồng từ thời nào mà có cái thân cao to sừng sững đến kinh ngạc. Dang tay nối thành vòng phải ba bốn đứa mới bao được chung quanh cây mít ấy!

Hai người anh tôi qua đời sớm, tôi là cháu đích tôn nên đươc ông chăm sóc đặc biệt. Thấy tôi ốm yếu, ông ân cần khuyên con dâu lo đầy đủ thức ăn cho tôi. Ông còn tự tay bắt con cóc làm thịt, ướp muối sả, nhóm lửa nướng riêng cho cháu. Rồi ông nhẹ nhàng nói: «Ăn đi con cho mau lớn».

Còn nhớ những đêm trăng sáng, ông nắm tay dắt tôi trên con đường lát gạch đỏ rêu phong, nối từ ngõ vào vườn dẫn đến sân nhà, hai bên là hai hàng cây cau cao vút, bóng ngả dài trên lối đi. Ông kể cho tôi nghe nhiều chuyện đời xưa. Khi cao hứng ông đọc lên và ngâm vang những bài thơ mà ông thuộc: «Chiều hôm nhớ nhà», «Thăng Long thành hoài cổ» của bà Huyện Thanh Quan, Truyện Kiều của Nguyễn Du… Tôi vẫn còn nhớ một như in khi ông đọc cho tôi nghe bài thơ thất ngôn bát cú «Qua đèo Ngang» của bà Huyện Thanh Quan hai lần rồi bảo tôi hãy đọc lại :

Bước tới Đèo Ngang, bóng xế tà,
Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.
Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà.
Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.
Dừng chân đứng lại trời, non, nước,
Một mảnh tình riêng, ta với ta.


Tôi đã đọc lại toàn bài, không thiếu một chữ. Cho đến thời điểm ấy, đó là bài thơ đầu tiên trong đời mà tôi thuộc lòng.

Ông vui lắm, dắt tôi đến chỗ má tôi đang ngồi ẵm em gái út và nói: «Thằng này sáng dạ, có trí nhớ rất tốt sẽ không làm hổ danh gia đình ta… ».

Thuở ấy khu nhà vườn tôi ở sao yên bình êm ả đến thế! Những hình ảnh, cảm xúc này đã nuôi dưỡng tình yêu quê hương suốt những tháng năm dài sống ở nước ngoài… Phải chăng đó là lý do thôi thúc tôi trở về đất mẹ !!!

Đà Nẵng ngày 24/2/2017
N.Đ.H

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét