(GDVN) - Ý kiến của Thượng tướng Võ Tiến Trung đặt ra vấn đề ông
Obama nên xin lỗi Việt Nam, thì cũng nên đặt ra với cả ông Tập
Cận Bình.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, ảnh do tác giả cung cấp.
LTS: Sau khi chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng
thống Hoa Kỳ Barack Obama kết thúc, trong dư luận vẫn có những
đánh giá khác nhau về triển vọng hợp tác song phương cũng như
ảnh hưởng của quan hệ Việt - Mỹ tới các quan hệ đối ngoại khác
của Việt Nam như quan hệ Việt - Trung, Việt - Nga.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, gửi
tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài chia sẻ góc nhìn của
ông xung quanh vấn đề này. Xin trân trọng gửi đến quý bạn đọc
bài viết của Giáo sư. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện
quan điểm của tác giả.
Tổng thống Hoa Kỳ đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính
thức Việt Nam, một sự kiện đối ngoại quan trọng mà theo phản ánh
của báo chí trong nước và nước ngoài, đã để lại những dấu ấn sâu
đậm khó phai trong lòng người dân Việt Nam cũng như Tổng thống
Obama và phái đoàn cấp cao Hoa Kỳ.
Sau các cuộc hội đàm, tiếp xúc giữa lãnh đạo hai nước, các bài phát
biểu, các văn bản được ký kết và những hình ảnh đẹp của chuyến thăm,
vấn đề đặt ra là quan hệ Việt - Mỹ sẽ phát triển ra sao.
Có những ý kiến cho rằng, sau chuyến thăm này sẽ có những
bước phát triển đột phá, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế
và an ninh hàng hải, bảo vệ tự do hàng hải hàng không và luật
pháp quốc tế ở Biển Đông.
Nhưng cũng có người băn khoăn, liệu tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn
lệnh cấm vận vũ khí sát thương với Việt Nam có trở thành
hiện thực, hay chỉ là động tác xã giao.
Những băn khoăn, trăn trở ấy phản ánh nhận thức của xã hội
Việt Nam chúng ta về quan hệ Việt - Mỹ sau chiến tranh. Dù về
mặt chính sách đối ngoại và quan hệ song phương, chúng ta đã
bình thường hóa quan hệ hơn 20 năm, nhưng sâu thẳm trong tiềm
thức không phải không còn những rào cản.
Nhận diện được những rào cản này và nguyên nhân do đâu, hai
nước mới có thể viết tiếp câu Kiều mà ông Obama đã gửi gắm
trong bài phát biểu tại Việt Nam, góp phần bảo vệ hòa bình, ổn
định cho khu vực, phát triển cường thịnh và củng cố vững chắc
độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ cho dân tộc.
Có cần đặt vấn đề Tổng thống Obama nói lời xin lỗi Việt Nam vì chiến tranh?
Vấn đề này được Thượng tướng Võ Tiến Trung, nguyên Giám đốc
Học viện Quốc phòng nêu ra khi trả lời báo điện tử VTC News.
Cá nhân người viết cho rằng, đó cũng là câu hỏi của nhiều
người, nhất là những ai từng chứng kiến hy sinh, mất mát của người
thân, đồng đội, đồng bào vì bom đạn Mỹ trong chiến tranh.
Tướng Trung đánh giá cao kết quả chuyến thăm cũng như những
phát biểu của Tổng thống Obama tại Việt Nam. Ông cho biết, nếu
Tổng thống Obama nói lời xin lỗi nhân dân Việt Nam vì cuộc
chiến hơn 40 năm trước, ông sẽ đánh giá ông Obama là một Tổng
thống xuất sắc nhất, anh dũng nhất và vĩ đại nhất của Hoa Kỳ.
Tôi hiểu đó là một giả thiết của ông Võ Tiến Trung. Tuy nhiên,
cá nhân tôi nghĩ rằng, nếu giả thiết của ông Trung xảy ra thì
có thể đánh giá Tổng thống Obama trong trường hợp này rất dũng
cảm.
Còn việc ông Obama có phải một Tổng thống xuất sắc nhất hay vĩ
đại nhất nước Mỹ không thì điều đó phải do người dân Mỹ đánh giá,
căn cứ vào công trạng của ông đối với đất nước mình.
Quay trở lại với câu chuyện có nên đặt vấn đề ông Obama xin
lỗi Việt Nam hay không. Từ trước khi Việt Nam với Mỹ bình
thường hóa quan hệ năm 1995 cho đến nay, các nhà lãnh đạo Việt
Nam đã nhiều lần khẳng định chúng ta không quên quá khứ, nhưng sẵn
sàng gác lại quá khứ để hướng tới tương lai.
Đây là chính sách nhất quán không phải chỉ đối với Hoa Kỳ mà còn
đối với tất cả các nước từng đem quân xâm lược Việt Nam. Chính
sách đó cũng phù hợp với truyền thống hòa hiếu, lấy xây đắp hòa
bình vững bền cho dân tộc, hợp tác chung sống hòa bình với
các dân tộc khác của cha ông ta trong công cuộc dựng nước, giữ
nước hàng ngàn năm qua làm trọng.
Do đó theo tôi, một khi ông Obama và Chính phủ Mỹ đã chủ động dỡ bỏ
rào cản cuối cùng trong việc bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, đóng
góp vào công cuộc khắc phục hậu quả của chiến tranh, tích cực hợp tác
với Việt Nam trong phát triển kinh tế và trong đấu tranh giữ gìn luật
pháp quốc tế, an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông, chúng ta cũng
không nên khoét sâu thêm hố ngăn cách giữa hai nước.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã tỏ rõ sự chân thành, thiện chí, thân thiện và lịch duyệt khi đến thăm Việt Nam, ảnh: Reuters. |
Về phần mình, thực tình tôi nghĩ rằng không nên khoét sâu ngăn cách
bởi những chuyện đã qua, vì nó sẽ là rào cản của tương lai
đang tới.
Nhưng đã nói cũng cần nói cho hết lẽ. Ý kiến của Thượng tướng
Võ Tiến Trung đặt ra vấn đề ông Obama nên xin lỗi Việt Nam, thì
cũng nên đặt ra với cả ông Tập Cận Bình khi ông ấy đến Việt Nam,
bởi 3 lý do.
Một là cho đến nay, Trung Quốc vẫn chiếm giữ quần đảo Hoàng Sa và
một số đảo ở Trường Sa của Việt Nam, quân sự hóa các đảo họ đã chiếm
giữ, bất chấp luật pháp quốc tế và đạo lý, liên tục đe dọa, xâm hại
tính mạng và tài sản ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trên Biển
Đông.
Hai là chúng ta phải nghĩ đến máu xương của đồng bào, chiến
sĩ đã đổ xuống để bảo vệ biên cương Tổ quốc trong cuộc kháng
chiến chống quân Trung Quốc xâm lược toàn tuyến biên giới phía
Bắc suốt 10 năm 1979-1989, bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Gạc Ma năm
1988 cũng như tình cảm, nỗi niềm của các cựu chiến binh và
những nạn nhân may mắn sống sót.
Ứng xử nhất bên trọng, nhất bên khinh có lẽ sẽ khiến nhiều
gia đình có người ngã xuống vì súng đạn Trung Quốc, nhiều cựu
chiến binh từng cầm súng bảo vệ biên cương, bảo vệ chủ quyền
ở Hoàng Sa, Trường Sa cảm thấy chạnh lòng.
Ba là cho đến nay, Trung Quốc vẫn duy trì lập trường Nhật
Bản phải xin lỗi họ vì những gì lực lượng quân phiệt Nhật
Bản đã gây ra cho dân tộc Trung Hoa trong chiến tranh thì quan hệ
giữa hai nước mới có thể bình thường hóa hoàn toàn.
Trung Quốc vẫn coi việc tuyên truyền về "thế kỷ bị sỉ nhục"
là công việc thường xuyên, quan trọng để làm nền tảng cho việc
theo đuổi yêu sách chủ quyền của họ ở Hoa Đông.
Nhưng Trung Quốc quên mất trách nhiệm của chính họ vì những
gì tương tự họ đã gây ra cho các dân tộc khác, trong đó có
Việt Nam.
Biết sai và sửa sai là quan trọng, xin lỗi có nhiều cách
Xin lỗi thể hiện nhận thức về lỗi, biết mình sai và thay
đổi, sửa sai. Trên thực tế, trong quan hệ giữa quốc gia với quốc
gia, hay giữa nhà nước với nhân dân, không phải cứ nói thành
lời mới thể hiện được thái độ biết lỗi và xin lỗi.
Thay đổi chính sách, thay đổi cách tiếp cận sai lầm cũng là
cách xin lỗi và mang lại giá trị thiết thực hơn những lời có
cánh nhưng chỉ là chót lưỡi đầu môi.
Ngay cả các chính phủ có lỗi với dân, do khóa trước để lại
hay bộ máy đương nhiệm mắc phải, mặc dù có thể là lỗi lầm
rất lớn nhưng có nhà lãnh đạo chọn cách xin lỗi công khai, có nhà
lãnh đạo lựa chọn cách thay đổi chính sách, và không ít trường hợp,
người dân cũng có thể chấp nhận như là một sự hối lỗi.
Ông Obama đã thể hiện rõ trách nhiệm của người đứng đầu Hoa
Kỳ về cuộc chiến và bom đạn Mỹ gây ra những thảm họa cho
Việt Nam bằng hành động rất cụ thể, thiết thực được nêu ra
trong chuyến thăm này. Đó là điều rất đáng hoan nghênh.
Nếu Nhật Bản sau Chiến tranh Thế giới II cứ đặt điều kiện
Mỹ phải xin lỗi vì thả 2 quả bom nguyên tử xuống Hiroshima và
Nagasaki thì mới chấp nhận bắt tay hợp tác, có lẽ nước Nhật
không có được ngày hôm nay.
Chính hoạt động giúp đỡ Nhật Bản tái thiết và phục hồi
sau chiến tranh là lựa chọn sáng suốt, có trách nhiệm và hiệu
quả nhất của Hoa Kỳ.
Việt Nam và Hoa Kỳ cũng đã từng bỏ lỡ cơ hội bình thường
hóa sớm hơn, phát triển quan hệ song phương sớm hơn thay vì phải
đợi mãi đến năm 1995. Vì khi đó ảnh hưởng của cuộc chiến đối
với cả hai phía còn nặng nề, một bên dứt khoát đòi bồi
thường chiến tranh mới bình thường hóa quan hệ, một bên chỉ
chấp nhận viện trợ chứ không phải bồi thường.
Chính điều đó đã khiến 2 dân tộc mất đi cơ hội quý báu thực
hiện hòa giải, tăng cường hợp tác, tạo dựng lòng tin và những
giá trị tốt đẹp, nhân văn cho chính mình và cho nhân loại.
Cũng trong dịp VTC News đăng bài phỏng vấn Thượng tướng Võ Tiến
Trung, người viết có đọc một bài trên một trang báo khác đặt vấn
đề, có nên để cựu Thượng nghị sĩ Mỹ Bob Kerrey làm Chủ tịch HĐQT
Đại học Fullbright hay không, vì lý do ông Bob Kerrey từng tham
chiến tại Việt Nam và tham gia một cuộc thảm sát ở Bến Tre
trong chiến tranh.
Theo bài báo này, mặc dù ông Bob Kerrey đã công khai xin lỗi và
nhắc lại lời xin lỗi người dân Việt Nam một cách rất chân
thành và cầu thị, ông vẫn bị ám ảnh bởi ký ức cuộc chiến,
tuy ông nói rằng mình không trực tiếp giết ai trong cuộc thảm
sát năm xưa.
Với ông, chỉ có cách làm điều gì đó có ích cho Việt Nam
mới khiến ông nguôi ngoai ám ảnh của chiến tranh. Cũng giống như
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, Bộ trưởng Quốc phòng Ash Carter,
Thượng nghị sĩ John McCain, ông Bob Kerrey đang làm tất cả những
gì có thể để tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt - Mỹ.
Ông Bob Kerrey lựa chọn lĩnh vực giáo dục, giúp đỡ Việt Nam
xây dựng và phát triển nguồn nhân lực là điều cực kỳ đáng
quý, đáng trân trọng. Huống hồ, Đại học Fullbright là một dự
án 100% vốn nước ngoài, Chủ tịch HĐQT do phía Mỹ chứ không phải
Việt Nam bổ nhiệm.
Việc bổ nhiệm một cựu Thượng nghị sĩ làm Chủ tịch HĐQT chứng tỏ
phía Mỹ rất coi trọng vai trò của cơ sở giáo dục đại học này.
Do đó theo tôi, những định kiến đối với cá nhân ông Bob Kerry hay
bất kỳ cựu binh Mỹ nào muốn đóng góp cho Việt Nam và cho quan
hệ Việt - Mỹ là không phù hợp với chủ trương đối ngoại của Đảng,
Nhà nước ta cũng như lợi ích lâu dài của hai nước, hai dân tộc.
Đành rằng trong xã hội mỗi người có quan điểm khác nhau và
chúng ta cần tôn trọng sự khác biệt, nhưng khoét sâu vào vết
thương chiến tranh thiết nghĩ không phải cách ứng xử nhân văn.
Tôi chắc rằng, đối với một xã hội coi trọng các ý kiến khác biệt
như Hoa Kỳ, những ý kiến này có thể không làm Chính phủ và người
dân Hoa Kỳ phân tâm.
Nhưng những ý kiến này có thể gây chia rẽ trong chính nội
bộ dư luận Việt Nam về quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Hoa
Kỳ, vô hình trung có thể trở thành lực cản không cần thiết.
Người Mỹ ngày nay khác người Mỹ ngày trước. Họ đã bỏ gánh
nặng cuộc chiến xuống để hướng về Việt Nam, hợp tác cùng
phát triển phồn vinh. Chúng ta cũng không nên mãi mặc cảm với
quá khứ.
Hiểu, ghi nhớ và trân trọng quá khứ, trân trọng lịch sử
nhưng đừng để quá khứ trở thành rào cản tương lai tốt đẹp.
Triển vọng hợp tác Việt - Mỹ sau chuyến thăm và bên thứ 3
Triển vọng hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đến đâu sau
chuyến thăm của ông Obama phụ thuộc vào nhận thức cũng như nỗ
lực chung của hai bên. Tuy nhiên, người viết cho rằng, điều đó
chủ yếu được quyết định bởi lợi ích chiến lược của hai nước.
Nếu lợi ích chiến lược trùng hợp thì lời ước “trăm năm” của ông Obama sẽ trở thành hiện thực, dù cho ở Mỹ đảng nào nắm quyền.
Những băn khoăn lo ngại rằng, động thái dỡ bỏ hoàn toàn cấm
vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ với Việt Nam chỉ là "ngoại
giao" hay khó có tiến triển nào thực tế vì Mỹ chưa chắc thật
lòng, hay Việt Nam chưa hoàn toàn tin tưởng thiện chí của Mỹ
theo tôi là không có cơ sở.
Chuyện hợp tác giữa hai quốc gia là đại sự, không phải
chuyện ngẫu hứng nhất thời hay chuyện có thể nói một đằng, làm
một nẻo. Việc hợp tác trong lĩnh vực quân sự, an ninh hàng hải
được dư luận quan tâm sau dỡ bỏ lệnh cấm chỉ còn lại những
vấn đề mang tính chất kỹ thuật, phụ thuộc vào tính toán mỗi
bên.
Cũng có người đặt vấn đề, Trung Quốc rất lo ngại khi Việt
Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ hợp tác chặt chẽ, đặc biệt
là trên Biển Đông. Tôi nghĩ rằng, người Việt Nam hiểu mình,
hiểu người.
Việt Nam là một nước nhỏ nằm trong vùng cạnh tranh ảnh
hưởng gay gắt giữa các nước lớn. Chúng ta không theo nước này
chống nước kia, không liên minh liên kết với nước nào để chống
lại nước thứ 3. Nhưng một khi độc lập dân tộc, chủ quyền và
toàn vẹn lãnh thổ bị đe dọa hoặc xâm hại, thì liên minh tự vệ
sẽ tự nó hình thành.
Việc Việt Nam phát triển quan hệ với Hoa Kỳ hay bất kỳ quốc
gia nào không nhằm chống lại Trung Quốc. Các hoạt động bảo vệ
tự do hàng hải, hàng không và luật pháp quốc tế, hòa bình
ổn định ở Biển Đông không thể xem là "chống Trung Quốc".
Các hoạt động hợp tác bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng
của Việt Nam trên Biển Đông trước các hành vi leo thang, phiêu
lưu quân sự, xâm phạm lợi ích hợp pháp của Việt Nam từ phía
Trung Quốc như vụ giàn khoan 981 không thể gọi là "chống Trung
Quốc".
Trung Quốc thường hay nhấn mạnh đến phương châm 16 chữ “vàng”
trong quan hệ Việt - Trung: "Sơn thủy tương liên, lý tưởng tương
thông, văn hóa tương đồng, vận mệnh tương quan", trong đó vấn đề "lý
tưởng tương thông" hay quan hệ anh em, đồng chí được họ khai
thác tối đa trong quan hệ với Việt Nam.
Nhưng “vàng” của nước láng giềng có phải vàng thật không? Nếu họ ứng
xử đúng theo tinh thần "bốn phương vô sản đều là anh em" thì đã
không có Chiến tranh Biên giới 1979-1989, xâm lược Hoàng Sa 1974
và Gạc Ma 1988.
Chúng ta luôn mong muốn vun đắp cho tình hữu nghị Việt - Trung,
nhưng phải trên cơ sở luật pháp quốc tế và lợi ích quốc gia
dân tộc.
Do đó, tinh thần 16 chữ và 4 tốt trong quan hệ Việt - Trung
cần được chúng ta vun bồi và khai thác tối đa theo hướng đưa hai
nước vào bàn đối thoại, giải quyết bất đồng trên cơ sở luật
pháp quốc tế một cách khách quan, cầu thị, khoa học và hợp
pháp.
Lập trường chính trị, quan hệ chính trị tạo môi trường cho
đối thoại, không phải căn cứ để giải quyết tranh chấp bất
đồng.
Tôi tin rằng điều này hoàn toàn không ảnh hưởng hay phương
hại gì đến quan hệ Việt - Mỹ nếu cả hai bên thực hiện đúng
bản chất của phương châm, tinh thần ấy.
Tổng thống Obama cũng đã khẳng định, ông ủng hộ Việt Nam -
Trung Quốc đối thoại giải quyết vấn đề và Mỹ không can thiệp
trong các tranh chấp chủ quyền giữa hai nước.
Có thể thấy Trung Quốc có lẽ cũng bất ngờ trước quyết
định dỡ bỏ cấm vận vũ khí sát thương của Hoa Kỳ và cảm thấy
lo lắng.
Chúng ta sẽ làm yên lòng các nước liên quan bằng hành động thực tế
của mình, chứ không cần giải thích là Việt Nam có mua hay không mua
vũ khí Mỹ.
Vũ khí hiện đại là yếu tố quan trọng, nhưng người sử dụng vũ khí mới
là yếu tố quyết định thắng lợi của công cuộc bảo vệ độc lập chủ
quyền, toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.
Trên tinh thần độc lập tự chủ, công khai minh bạch, yêu chuộng
hòa bình và công lý, chúng ta hoàn toàn có thể nâng tầm quan
hệ Việt Nam - Hoa Kỳ cũng như giữa Việt Nam với các nước khác
để duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, giải quyết các
tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc
tế, đấu tranh chống bá quyền và chống các âm mưu lợi dụng
nước này chống lại nước kia.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
Có thể tướng Trung lo ngại việc Việt Nam và Hoa Kỳ bình thường hóa giống như người Trung Quốc lo ngại vậy.
Trả lờiXóaBài viết của GS Thuyết thật có tầm chiến lược đối ngoại, công tâm, nếu các lãnh đạo VN cũng có tầm nhận thức chung thế này thì VN sẽ cất cánh ngang tầm thế giới !!!
Trả lờiXóaTôi đồng tình với GS Nguyễn Minh Thuyết. Chúng ta cần gác lại quá khứ, hướng về tương lai. Cần rút kinh nghiệm những sai lầm trong công tác đối ngoại. Khi tổ chức kỷ niệm những sự kiện chống Pháp, chống Mỹ thì hoành tráng. Nhưng khi nhân dân tưởng niệm các liệt sỹ hy sinh tháng 2/1979; Hoàng Sa; Gạc Ma... thì ngăn cấm, đàn áp. Là một cựu chiến binh đã cầm súng bảo vệ tổ quốc, tôi hiểu những tâm tư của tướng trung, nhưng không đồng tình với ông.
Trả lờiXóaMột vị thượng tướng quân đội mà đến giờ vẫn có quan điểm như vậy thì thật là thất vọng.
Trả lờiXóaKẻ phải xin lỗi nhân dân VN không phải là HK mà là bọn bành trướng BK vì BK mới là kẻ xâm lược, khi đã dùng vũ lực xâm lược HS và một phần TS của VN. Còn HK chỉ có mục đích bảo vệ nền dân chủ, văn minh của chính quyền VNCH.
Một số chính khách của đảng CSVN luôn tìm cách khoét sâu những hiềm khích đã thuộc về quá khứ giữa HK và VN. Ngay cả đối với những người đã phải bỏ đất nước ra đi sau 1975, một mặt CSVN kêu gọi hòa hợp, hòa giả nhưng mặt khác lại luôn tìm cách khơi dậy nỗi đau của bên "thua cuộc" bằng cách hằng năm vẫn tổ chức rùm beng ngày "giải phóng MN" 30.4.
Tóm lại, kẻ phải xin lỗi nhân dân VN phải là Tập Cận Bình.
Cái nhìn của ông Trung thật thiển cận nông cạn!
Trả lờiXóamột thượng tướng, đào tạo ra các tướng lĩnh mà suy nghĩ và ăn nói như một tiểu đội trưởng HỒNG VỆ BINH TUNG CẨU
Trả lờiXóaTướng mà "hữu dũng vô mưu" của VN.thì nhiều lắm,chỉ
Trả lờiXóakể điển hình sơ sơ thôi là 2 tướng cao nhất PQThanh
và VTTrung thì đủ biết...thừa ra rồi !
Bài viết của GS Nguyễn Minh Thuyết rất sâu sắc, đúng đắn, đó cũng là quan điểm tiến bộ tất yếu của đa số nhân dân Việt Nam.
Trả lờiXóaQuan điểm của tướng Trung là ấu trĩ. Tôi cũng xin hỏi tướng Trung: sao không bắt tên giặc Tập cận Bình xin lỗi? Sao lại để cho giặc TCB nghênh ngang giữa quốc hội Việt Nam?
Tôi thách ông Vũ Tiến Trung yêu cầu ông Tập Cận Bình xin lỗi nhân dân VN đẻ chứng tỏ ông Trung là người chân chính ( Thấp nhất là người công bằng). Ít nhất cung dám nói như ông Nguyễn Minh Thuyết.
Trả lờiXóaĐến ông thày của ông Trung là ông Trọng có cho bạc tỉ cũng chả dám kiện Tập, nó mới e hèm cái đã ướt đũng quần! Ấy vậy mà cũng leo đc đến Thượng tướng đấy! Quân đội này dứt khoát không phải là quân đội nhân dân từ lâu rồi!
XóaCCB đánh Tàu.
Trời! Trình độ, nhận thức của ông "nguyên" gíam đốc học viện quốc phòng thiệt giống của anh tuyên huấn, chính trị viên đại đội. Mất 20 năm sau chiến tranh, VN mới bình thường hóa quan hệ với Hoa kỳ, bỏ lỡ nhiều cơ hội tiếp cận thị trường quan trọng nhất thế giới, cơ hội tiếp cận khoa học kỹ thuật, giáo dục bậc nhất. Một phần cũng do một số lãnh đạo VN có tầm nhìn chiến lược như ông Trung, đặt điều kiện Hoa kỳ phải bồi thường chiến tranh. Trong 20 năm đó TQ từ một quốc gia lạc hậu, yếu kém đã tiếp thu, ăn cắp công nghệ, chiếm lĩnh thị trường, nhập siêu vào HK và trở thành cường quốc thứ nhì. Phải nghĩ mình được gì, mất gì, trong mấy mươi năm ông Trung ơi.
Trả lờiXóaNhững lập luận có phần thiên lệch, thiếu sót của ông đã được GS Thuyết chỉ dùm. Người chỉ cho ta cái sai của ta là thầy ta. Ông nên cảm ơn họ.
Ông võ tiến trung CẦN ĐÁNH GIÁ LẠI bản thân ông, VÀ ông nguyễn phú trọng CỦA ông. Ông không có đủ TÂM VÀ ĐỦ TẦM ĐỂ ĐÁNH GIÁ TỔNG THỐNG NƯỚC MỸ. Tầm nhận thức của ông thấp kém lắm.
Trả lờiXóaTầm tướng mà tư duy kém anh binh nhì...
Trả lờiXóaTrong một bài viết " Sung sướng vì 'được' lừa" nói về bị Trung Quốc lừa,có một đoạn GS Nguyễn Đinh Cống viết:
Trả lờiXóa''...Từ năm 1941 đến 1946 Hồ Chí Minh rất muốn kết bạn với Mỹ. Chuyện này nhiều người đã biết, nay kể thêm: Ngày 2 /9/1945, tại quảng trường Ba Đình, sau khi Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập thì trong diễn văn tiếp theo Võ Nguyên Giáp đã khẳng định: “Mỹ là nước dân chủ, không có tham vọng về đất đai mà lại có công nhất trong việc đánh bại kẻ thù của ta nên ta coi Mỹ như một người bạn tốt”. Nhưng rồi từ 1949 CS VN bị Mao Trạch Đông lừa, cho rằng đế quốc Mỹ là kẻ thù của giai cấp vô sản toàn thế giới, kẻ thù số 1 của phe XHCN. Việt Nam có vinh dự là tiền đồn phe XHCN, là người lính xung kích chống đế quốc. Trung cộng sẽ giúp Việt Nam đánh Mỹ đến người Việt cuối cùng. Và rồi Lê Duẩn sung sướng công nhận VN đánh Mỹ là đánh cho cả Liên xô và Trung quốc. Bây giờ mới tỉnh ngộ ra là Mỹ chỉ muốn ngăn chặn làn sóng cộng sản từ Liên xô và Trung quốc chứ không hề có ý đồ xâm lược nước nào. Biết ra thì đã quá muộn nhưng vẫn không dám công nhận, vẫn tuyên bố là rất tự hào đã làm người lính xung kích chống đế quốc...."