Thứ Ba, 28 tháng 6, 2016

Quảng Ninh: 7 NGƯỜI PHỤ NỮ BẢO VỆ VĂN HÓA BỊ KẾT ÁN TÙ

Từ trái sang: Bà Hà Thị Tuyết, Nguyễn Thị Phấn, Bùi Thị Chung và Lê Thị Mừng 
đang trình bày vụ việc. Ảnh: HẢI ĐƯỜNG

7 phụ nữ bị tội vì cản hát hầu đồng ở đình

Hải Đường
Pháp luật TP HCM
Thứ Ba, ngày 7/6/2016 - 02:30

Tễu Blog: Đáng lẽ 7 người phụ nữ này chỉ bị phê bình nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính là đủ; kèm theo là phải có hình thức khen ngợi, tuyên dương vì chính họ bảo vệ phong tục, văn hóa và di sản của làng quê mình. Đình làng xưa nay không bao giờ cho phép hầu đồng (lên đồng, hầu bóng). Đình thờ Thành hoàng là các vị thần có công với dân với nước, hàng năm có tế lễ vào ngày sinh hoặc ngày hóa của thần. Một đoàn khách, lại là khách nước ngoài đến thăm đình Cốc, một di tích kiến trúc điêu khắc vô cùng quý giá, đó là một diễm phúc. Vậy mà đoàn khách này còn bày đặt chuyện nhảy đồng ở đây, thì không thể chấp nhận được! Bà Bùi Thị Hạnh, cán bộ văn phòng UBND phường Phong Cốc không có hiểu biết về văn hóa, thấy sự việc không can ngăn, lại còn khuyến khích nhảy đồng, như vậy thì chính bà Hạnh mới là người phá văn hóa!
Thấy người ta tổ chức hát hầu đồng trong đình làng, các bị cáo phản ứng và bị kết tội gây rối trật tự công cộng.

Trong số bảy phụ nữ ở thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh) bị tù tội có bà cụ năm nay đã gần 80 tuổi. Chỉ vì thể hiện sự bất bình khi đi viếng đình mà họ bị khởi tố, truy tố và xét xử tội gây rối trật tự công cộng. 


“Gây rối, ảnh hưởng khách du lịch” 


Theo cáo trạng của VKSND thị xã Quảng Yên, ngày 7-1-2015, Công ty Saigontourist tổ chức cho 29 khách du lịch là người nước ngoài đến tham quan du lịch tại thị xã Quảng Yên. Hơn 10 giờ cùng này, đoàn khách đến đình Cốc (thuộc phường Phong Cốc, thị xã Quảng Yên) thì bà Bùi Thị Chung (79 tuổi) có lời nói chửi bới, lăng mạ chính quyền địa phương. 


Sau đó, sáu bị can còn lại gồm Phạm Thị Bằng, Lê Thị Mừng, Nguyễn Thị Huệ, Nguyễn Thị Phấn, Lê Thị Phương và Hà Thị Tuyết đã vào sân đình có lời lẽ thô tục, chửi bới, la ó, giằng co làm náo loạn, gây phản cảm cho khách du lịch. Bà Chung đã xông vào hất tung mâm lễ quả của gánh hát rồi tát vào mặt chị Bùi Thị Hạnh, cán bộ văn phòng UBND phường Phong Cốc.


Cáo trạng kết luận: Hành vi của các bị can gây náo loạn, làm du khách hoảng sợ, dẫn đến du lịch thị xã Quảng Yên bị tạm đình chỉ. Như vậy, có đủ căn cứ để xác định các bị can phạm tội gây rối trật tự công cộng theo khoản 1 Điều 245 BLHS.


Xử sơ thẩm ngày 1-7-2015, TAND thị xã Quảng Yên đã tuyên phạt bà Chung chín tháng tù treo; sáu bị cáo còn lại cùng chịu mức án ba tháng 18 ngày tù (bằng thời gian tạm giam). Sau đó bà Chung, bà Phấn, bà Phương và bà Tuyết kháng cáo. 


Ngày 22-9-2015, TAND tỉnh Quảng Ninh xử phúc thẩm đã y án đối với bà Chung, ba bị cáo còn lại được chuyển từ tù giam thành tù treo. 

Nguồn cơn phản ứng


Gặp chúng tôi, những người phụ nữ bị tù tội cho rằng hôm đó có rất đông người dân phản đối việc hát hầu đồng trong đình. Người ta không chấp nhận gánh hát thay quần áo trong ngôi đình linh thiêng của dân làng. 


Bà Bùi Thị Chung kể: “Hôm đó, tôi đi qua đình thấy một gánh hát đang biểu diễn hầu đồng trong đình. Tôi và nhiều bà con khác đã rất bức xúc vì đình Cốc được công nhận di tích quốc gia, không được hát hầu đồng trong đình. Tôi và một số người phát hiện diễn viên của gánh hát thay quần áo trong đình nên đã phản đối. Chị Hạnh, cán bộ phường Phong Cốc, nói tôi là bị dở hơi nên tôi cáu và có xô xát với chị ấy”. 


Tương tự, bà Phạm Thị Bằng, một trong bảy bị cáo, kể: “Tôi cùng nhiều người dân nhìn thấy diễn viên gánh hát thay quần áo trong đình, lại chứng kiến người ta giằng co bà Chung nên tôi cũng chỉ nói là gánh hát sai mà còn giằng co với bà ấy”. 


Còn bà Bùi Thị Hạnh, cán bộ văn phòng UBND phường Phong Cốc, người được cho là bị bà Chung xô xát, khẳng định chỉ thấy bà Chung xô xát với mình, những người khác thì bà không biết. “Tôi chỉ biết bà Chung là người trực tiếp xô xát với tôi, có kéo cổ áo của tôi làm đứt dây chuyền. Còn những người khác tôi không thấy. Mà lúc đó rất đông người, hỗn độn” - bà Hạnh cho biết. 


Một nhân chứng khác là ông Dương Cao Tảo (trú khu 1, phường Phong Cốc, thủ nhang của đình lúc ấy) cho biết: “Khi tôi đang bận trà nước tiếp khách thì thấy người dân nói diễn viên thay quần áo trong đình. Tôi chỉ thấy bà Chung xô xát, sáu người còn lại tôi không thấy họ vào gây sự với đoàn hát trước mặt khách du lịch trong đình như tòa công bố”. 


Xử hình sự liệu có thỏa đáng?


Theo cáo trạng, sau khi sự việc xảy ra, Công ty Saigontourist và Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh tạm đình chỉ các tour du lịch đến thị xã Quảng Yên. Cáo trạng cho rằng hành vi của các bị cáo gây náo loạn, làm du khách hoảng sợ, dẫn đến du lịch thị xã Quảng Yên bị tạm đình chỉ.


Về việc này, ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa thị xã Quảng Yên, lại có cái nhìn khác. Theo ông Dũng, việc hủy tour là do cơ sở vật chất của thị xã chưa đáp ứng được việc phục vụ khách, không liên quan đến sự việc xảy ra ngày 7-1-2015. Ông Dũng dẫn Công văn số 3215/CV-STQ của Công ty Lữ hành Saigontourist (gửi Sở VH-TT&DL tỉnh Quảng Ninh và UBND thị xã Quảng Yên) để minh định rõ điều này. Theo đó, công ty này lý giải việc tạm đình chỉ tour du lịch tại thị xã Quảng Yên là do thị xã thi công tuyến đường tại Hà Nam (tuyến đi qua đình Cốc) nên điều kiện vệ sinh môi trường và cảnh quan chưa đủ điều kiện để phục vụ khách. 


Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư TP Hải Phòng) cho rằng nguồn cơn của sự việc xuất phát từ việc chính quyền địa phương để biểu diễn hầu đồng trong đình. “Chính điều này đã khiến các bị cáo bức xúc, dẫn đến có phản ứng. Tuy nhiên, cơ quan tố tụng quy kết hành vi này là gây rối trật tự công cộng là không thỏa đáng. Theo tôi, hành vi xô xát và phản đối hát hầu đồng của các bị cáo chỉ cần xử phạt vi phạm hành chính là đủ”.


Bà Chung cho biết bà và những người bị xử tù trong vụ này đã có đơn đề nghị giám đốc thẩm vụ án. “Nếu chỉ vì phản ứng cái sai mà bị tù tội như thế này là oan cho chúng tôi quá” - bà Chung nói.

 

3 nhận xét :

  1. VÔ THẦN đang xâm phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng và văn hóa truyền thống của cộng đồng dân tộc !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tại sao hầu đồng trước vẫn bị coi là mê tín dị đoan mà nay trở thành thời thượng, và dân đồng bóng có thể dùng ngay đình làng làm chỗ lên đồng?
      Tôi thấy phản ứng của dân làng là điều dễ hiểu. Nếu vì quá phẫn nộ mà có xô xát thì chỉ nên dùng hình thức phạt tiền hay phạt hành chánh là quá rồi.
      Tôi đồng ý với ý kiến anh Diện:" Đáng lẽ 7 người phụ nữ này chỉ bị phê bình nhắc nhở hoặc xử phạt hành chính là đủ; kèm theo là phải có hình thức khen ngợi, tuyên dương vì chính họ bảo vệ phong tục, văn hóa và di sản của làng quê mình. Đình làng xưa nay không bao giờ cho phép hầu đồng (lên đồng, hầu bóng)."
      Tôi nhận xét các vị có quyền chức xử dân thường là quá đáng, quá khinh dân, mà xử cho nhau thì quá nhẹ. Tôi phản đối án tù cho những phụ nữ này.

      Xóa
  2. Nhà nước này thật kỳ quặc, cái đáng xử thì không xử được đành im lặng, có khi còn lấp liếm giúp tội phạm (thí dụ tôi tham những có khi được chuyển tội danh hoặc có khi ngụy biện rằng không đủ bằng chắn), thậm chí những kẻ tai tiếng tham nhũng còn được quyền cao chức trọng. Luật pháp hà khắc chỉ được áp dụng với dân đen mà thôi!
    Trong vụ việc này, phản ứng của người dân về bản chất là đúng: xâm phạm đến tín ngưỡng thiêng liêng của dân làng, cái thiêng liêng ấy cũng là một phần của văn hóa tín ngưỡng dân tộc.
    Nhà nước quái đản!

    Trả lờiXóa