Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2016

Nguyễn Tường Tâm: KHÔNG QUÂN VÀ HẢI QUÂN VN RẤT YẾU KÉM


Không và Hải quân VN rất yếu kém
– Sự mất tích của chiến đấu cơ tối tân Su-30MK2 và những vấn đề đáng bàn

Nguyễn Tường Tâm
25-6-2016 

Là một sĩ quan bộ binh tác chiến của Quân Đội Miền Nam cách nay gần 50 năm, và cũng đã từng làm công tác tham mưu ở Trung Tâm Hành Quân (TOC: Tactical Operations Center) của Sư Đoàn Việt Nam lẫn Sư Đoàn Hoa Kỳ (sĩ quan liên lạc hành quân (liaison officer) tại Sư Đoàn 5 Cơ Giới Hoa Kỳ (5th Mechanized Infantry Division), tôi xin có nhận xét về một số vấn đề thiếu sót của Không Quân Việt Nam hiện nay qua việc tìm kiếm và tiếp cứu hai phi cơ mất tích trong 2 ngày 14 và 16 tháng 6, 2016 hầu mong góp ý để Không Quân Việt Nam cải thiện tăng cường khả năng chiến đấu để bảo vệ hữu hiệu vùng biển và vùng trời của tổ quốc.


Phi công chiến đấu của bất cứ quân đội nước nào khi kéo ghế thoát hiểm thì sẽ được kèm theo “túi mưu sinh thoát hiểm”, thường được gắn dưới ghế thoát hiểm; trong đó đựng những thứ tối cần thiết để người phi công có thể hoặc tự tìm đường về phòng tuyến bạn, hoặc liên lạc với đơn vị bạn để được cấp cứu. Trung tướng “anh hùng” Phạm Tuân của không quân Bắc Việt cũng xác định như vậy. Toàn thể phi công chiến đấu của Không Quân Miền Nam và đồng minh Hoa Kỳ trước 1975 cũng được trang bị như vậy. Và vì thế, mỗi khi bị trúng đạn phòng không, hoặc khi bị trục trặc kỹ thuật, người phi công khi đáp xuống đất trong vùng quân bạn, sẽ được cấp cứu gần như ngay tức khắc.

Được như vậy là vì, ngoài những khí tài khác, người phi công lâm nạn được trang bị máy vô tuyến và súng phóng trái sáng (flare); và đơn vị cấp cứu có máy xác định tọa độ; đó là ba điều kiện cơ bản để cấp cứu một phi công lâm nạn. Một khi sóng liên lạc được kết nối, đơn vị cấp cứu có thể xác định tọa độ của phi công lâm nạn ngay tức khắc. Đó là nói về thời điểm cách nay trên dưới 50 năm trong cuộc chiến tranh Việt Nam, chứ đừng nói là thời bây giờ với máy định vị tọa độ (GPS) cầm tay được phổ biến tới cả dân thường. Vả lại, thời nay ai cũng biết, một khi mình dùng điện thoại di động thì ngay lập tức, nếu cần, cơ quan điều tra có thể biết ngay vị trí của người sử dụng chiếc điện thoại đó. Do đó những tay trùm tội phạm hay khủng bố như Bin Laden đã tuyệt đối không dùng điện thoại di động để tránh bị phát hiện.

Một điều thông thường của mọi cuộc hành quân là ngay khi bắt đầu hành quân (hành quân thật hay thực tập) thì đơn vị cấp cứu đã phải được hình thành và ở tình trạng chờ đợi thi hành nhiệm vụ (stand by). Và ngay sau khi xác định được vị trí của phi công lâm nạn thì đơn vị cấp cứu được trực thăng vận tới địa điểm, lâu hay mau tùy khoảng cách. Nhưng một khi đơn vị cấp cứu đã tới bãi đáp, và với tất cả cản trở và nguy hiểm trong lòng địch thì cuộc cấp cứu cũng sẽ hoàn tất trong không tới 7 phút. Đó là cuộc cấp cứu đại úy phi công chiến đấu Hoa Kỳ bị bắn hạ ngày 2 tháng 6, 1995, tức cách nay đã 21 năm. Viên phi công này phải nhảy dù rơi ở hậu phương địch trong cuộc chiến tại Bosnia. Ngay khi chạm đất, anh ta lập tức kéo theo túi cấp cứu dưới gầm ghế thoát hiểm và chạy trốn. Trong 4 ngày đầu tiên anh ta giữ “im lặng vô tuyến” vì bài học mưu sinh thoát hiểm dạy rằng hầu hết các phi công lâm nạn sau phòng tuyến địch bị bắt là vì liên lạc quá sớm với đơn vị hành quân. Vì thế mãi 4 ngày sau anh ta mới mở máy phát sóng để báo cho biết vị trí của anh ta. Để hạn chế pin, anh ta chỉ phát sóng từng quãng thời gian ngắn một. Các phi công bay hành quân trên vùng này đều bắt được làn sóng mà họ nghĩ là có thể của đại úy O’Grady. Mãi 2 ngày sau, sau khi thấy địa điểm đủ an toàn để kêu cấp cứu, anh ta mới nói chuyện với phi công bạn. Lúc đó là sau nửa đêm mùng 8 tháng 6, tức 6 ngày sau khi lâm nạn, đại úy O’Grady mới dám nói chuyện với một phi công chiến đấu lái F-16 khác bay ngang vùng trời. Sau khi xác nhận chắc chắn đó là đại úy phi công lâm nạn trước đó 6 ngày, bộ tư lệnh hành quân quyết định thi hành kế hoạch cấp cứu ngay tức khắc.

Khởi đầu vào lúc 4:40 sáng, tướng tư lệnh lực lượng hành quân triệu tập đơn vị thủy quân lục chiến đi cấp cứu. 51 thủy quân lục chiến được chở trên hai trực thăng vũ trang đổ bộ. Hai trực thăng này được hộ tống bởi hai trực thăng vũ trang chiến đấu (không phải loại đổ quân) và hai phản lực chiến đấu cơ. Cả sáu chiếc phi cơ đi cấp cứu này được hỗ trợ bởi hàng chục phi cơ trang bị đủ loại khí tài trong đó có các phi cơ trang bị máy móc tác chiến điện tử và phi cơ trang bị radar (electronic warfare planes & a NATO AWACS radar plane.) Ngoài ra còn có cả trực thăng vũ trang đổ bộ chuẩn bị thay thế 2 trực thăng vũ trang chở đơn vị đổ bộ cấp cứu trong trường hợp hai trực thăng này trúng đạn không hoàn thành được nhiệm vụ. Chưa đầy 2 tiếng sau (lúc 6:35 sáng), theo các tín hiệu cấp báo (signal beacon) của đại úy O’Grady, các trực thăng cấp cứu đã tới hiện trường. Phi công trực thăng cấp cứu nhìn thấy khói sáng vàng tỏa lên từ chùm cây gần một cánh đồng cỏ lởm chởm đá (a rocky pasture) nơi đại úy O’Grady đã bắn trái sáng. Chiếc trực thăng cấp cứu thứ nhất hạ cánh và 20 thủy quân lục chiến nhảy ra tạo vòng vây an toàn (a defensive perimeter). Khi chiếc trực thăng thứ nhì vừa hạ cánh thì một bóng người cầm súng lục chạy tới, đó là đại úy O’Grady trước đó bị mất tích. Khi cánh cửa hông của trực thăng vừa mở, đại úy O’Grady đã được kéo lên trước khi toán 20 thủy quân lục chiến trên chiếc trực thăng này mặc dù đã chuẩn bị rời phi cơ nhưng chưa kịp hành động. Họ được lệnh trở lại chỗ ngồi. Và số thủy quân lục chiến đang làm hàng rào phòng thủ dưới đất cũng được lệnh trở lại trực thăng của họ. Sau khi lẹ làng đếm đủ quân số, hai chiếc trực thăng cấp cứu cất cánh. Tổng cộng họ chỉ ở dưới đất không quá 7 phút. Có hỏa lực của đối phương bắn theo trực thăng nhưng không ai bị thương. Vào lúc 7:15 sáng giờ địa phương, tức là chỉ 30 phút sau khi bốc được phi công lâm nạn, toán cấp cứu báo cáo đã bay ra tới biển an toàn để trở về hạm đội đang chờ ngoài khơi (1).

Từ một cuộc cấp cứu phi công tác chiến Hoa Kỳ bị rớt máy bay vào năm 1995, cách nay 21 năm, chúng ta quay trở lại cuộc cấp cứu hai phi công phản lực của chúng ta bị rơi máy bay trong thời bình, trên lãnh thổ của mình, và không xa bộ tư lệnh hành quân (37 km). Cuộc cấp cứu diễn ra trong hơn 30 tiếng đồng hồ, từ 7 giờ 13 phút sáng ngày 14 tháng 6 là lúc máy bay mất liên lạc, đến 13 giờ 30 trưa ngày hôm sau là lúc mang được thiếu tá phi công Cường sống sót về lại đất liền. Được biết máy bay Sukhoi Su-30MK2 là phiên bản nâng cấp của Su-30 do Nga sản xuất. Việt Nam đã thực hiện 3 hợp đồng mua máy bay chiến đấu đa năng Su-30 MK2, với số lượng 32 chiếc. Theo giáo sư Carl Thayer, một chuyên gia Úc nghiên cứu về quốc phòng thì nhìn chung công nghệ máy bay của Nga được cho là tốt cũng tương tự như máy bay F16 của Mỹ. Với một phản lực cơ chiến đấu tối tân như thế người phi công cũng phải được trang bị những khí tài tối tân tương tự. Nhưng tại sao thiếu tá Cường không được trang bị máy vô tuyến cá nhân? Vì thế trong suốt thời gian bị rơi, thiếu tá Cường không liên lạc được với bộ chỉ huy hành quân. Không một ai từng là quân nhân có thể hiểu được điều này. Một buồn cười nữa là ngay sau khi được thuyền ngư dân cứu sống, thiếu tá Cường liền mượn điện thoại di động của ngư dân để liên lạc về gia đình. Báo chí thuật lời của ngư dân Lệ, người cứu phi công Cường, như sau “Lên được thuyền, anh ấy nói cảm ơn tôi rồi nói “tôi sống rồi”. Tôi lấy quần áo mới cho anh rồi đưa sữa, sâm để anh ấy ăn nhưng anh liền mượn điện thoại tôi để gọi về cho vợ con, về gia đình báo tin mình còn sống.”

Và một buồn cười kế tiếp là bộ chỉ huy hành quân chỉ được biết tin thiếu tá Cường đã được ngư dân cứu sống nhờ gia đình thiếu tá Cường thông báo. Có một bộ chỉ huy hành quân nào hoạt động như vậy không?

Rồi điều buồn cười nữa là sau khi biết tin ngư dân đã cứu sống thiếu tá Cường thì đơn vị hành quân vẫn không liên lạc được với ngư dân để tìm vị trí con thuyền! Khi liên lạc điện thoại được với thuyền ngư dân rồi, đơn vị cấp cứu vẫn không xác định được vị trí con thuyền mà phải nhờ ngư dân trên thuyền cho biết vị trí con con thuyền. Báo chí thuật, “Ngư dân Dậu cho báo chí biết, “Chia sẻ về những khó khăn trong công việc liên lạc, xác định vị trí của thuyền cứu được anh Cường cho các lực lượng chức năng trên bờ biết, ông Dậu cho biết: “Lúc đó đang ở giữa biển, sóng liên lạc chập chờn, đặc biệt máy điện thoại của ai cũng hết pin nên công tác liên lạc gặp rất nhiều khó khăn. Rất may, sau một thời gian cố gắng liên lạc qua bộ đàm, lực lượng cứu hộ, cứu nạn đã tiếp cận được thuyền và đưa chúng tôi lên bờ an toàn”.” Trời đất ơi, để xác định vị trí của người sử dụng điện thoại di động thì phải có máy móc rất phổ biến trong kỹ nghệ công nghệ cao hiện nay chứ sao lại bảo người bị nạn xác định vị trí? Cuối cùng, đơn vị tiếp cứu bảo ngư dân neo thuyền tại chỗ chờ tầu của đơn vị tiếp cứu.

Một chuyện khác có thể gọi là “tiếu lâm” hết chỗ nói khi thiếu tá Cường thấy được thuyền đánh cá, đã dùng một “que diêm” để bật sáng cầu cứu. Báo chí thuật lời ngư dân, “Nhìn ra xa, ông Lệ thấy một bóng đen, sau đó là những tiếng gọi “thuyền ơi, thuyền ơi, cứu với”. “Tôi lấy đèn pin ra soi, thấy ánh sáng như lửa của que diêm phát ra từ phía bóng đen.” Dĩ nhiên từ “que diêm” là do ngư dân mô tả, nhưng quân đội cho biết thiếu tá Cường được cấp phát 10 trái sáng và đã bắn 9 trái bị hỏng, trái cuối cùng thì cũng không khá gì, chỉ lóe sáng bằng một que diêm. Làm sao mà phi công của một phi cơ chiến đấu tối tân loại hạng nhất thế giới mà lại được trang bị loại trái sáng cấp cứu yếu kém như vậy?

Lại chuyện buồn cười nữa, như tôi đã viết, thông thường trước khi hành quân phải có sẵn đơn vị cấp cứu, trong đó có trực thăng cấp cứu để khi phát hiện quân nhân lâm nạn thì phái trực thăng tới bốc về chứ sao lại không có trực thăng mà phải dùng tầu ra đón thiếu tá Cường, khiến cho việc mang thiếu tá Cường vào bờ, thay vì chỉ mất không quá nửa tiếng với tốc độ của trực thăng so với khoảng cách vớt được phi công Cường là không quá 60 km, lại phải mất tới 9 tiếng rưỡi sau khi thiếu tá Cường được ngư dân cứu (4 giờ sáng thiếu tá Cường được ngư dân cứu vớt nhưng mãi tới 13 giờ 30 mới được tầu cấp cứu đưa vào đất liền.) May là thiếu tá Cường chỉ bị xây xước nhẹ. Nếu bị thương nặng e thiếu tá Cường không qua khỏi với cung cách cấp cứu hành quân kiểu này.

Một câu hỏi khác cũng cần đặt ra là với lộ trình bay huấn luyện đã biết, thời gian bay đã biết, và vùng hoạt động của phi cơ quá nhỏ (bề dài không tới 60 km từ bờ), tại sao ngay lúc đầu đơn vị không dùng phi cơ quan sát ra tìm kiếm mà lại dùng tầu có tầm nhìn rất hạn chế so với tầm nhìn từ trên không của phi cơ quan sát và tốc độ cũng quá chậm so với phi cơ?


Phi cơ quan sát là loại phi cơ nhỏ thông dụng gồm chỉ một phi công và một quan sát viên ngồi phía sau dùng ống nhòm quan sát phía dưới. Trong chiến tranh Việt Nam, phi cơ này luôn luôn được dùng (hàng ngày) để quan sát viên quan sát mục tiêu dưới đất chỉ điểm cho phi cơ chiến đấu oanh tạc hay pháo binh bắn vào mục tiêu đối phương. Nếu dùng phi cơ quan sát ngay từ đầu thì nhiều phần trăm chắc chắn sẽ tìm thấy phi công lâm nạn chỉ sau vài tiếng đồng hồ chứ không mất gần 24 tiếng như thực tế.

Một câu hỏi khác cũng cần nêu lên là tại sao ngay sau khi tai nạn xảy ra, tòa đại sứ Hoa Kỳ đã đề nghị giúp tìm kiếm mà Việt Nam không chấp nhận?

Việc tìm kiếm này hoàn toàn là vấn đề nhân đạo, không có tích cách bí mật quốc phòng gì cả. Ai cũng biết, với phương tiện kỹ thuật hiện đại, nếu Hoa kỳ giúp sức thì việc tìm kiếm phi công mất tích sẽ mau chóng hơn nhiều. Ít ra là người dân thường cũng biết rằng Hoa Kỳ mà tìm kiếm thì họ sẽ dùng không ảnh chụp từ vệ tinh, chưa kể nhiều máy móc tối tân khác mà chúng ta không biết. Nhưng trong khi từ chối sự giúp sức của Hoa Kỳ thì Thượng Tướng Nguyễn Chí Vịnh lại yêu cầu Trung Quốc giúp đỡ. Hành động này càng khiến người dân thắc mắc.

Một câu hỏi khác là tại sao Không Quân Việt Nam lại đưa chiếc Casa-212 bay đi tìm kiếm hai phi cơ mất tích trong khi phi cơ này chỉ là phi cơ vận tải loại nhỏ, không phải là loại phi cơ tìm kiếm hay cấp cứu người bị nạn (CASA Cargolifters: xin xem đường link kèm phía dưới) (2).

Và câu hỏi cuối cùng là tại sao bay đi tìm kiếm hai chiếc máy bay mất tích lại phải cử phi hành đoàn có tới 9 người? Ngoài phi công và quan sát viên thì 7 người còn lại trong phi hành đoàn làm công tác gì?


Rõ ràng người dân có quyền nghi ngờ là 7 người còn lại tham gia đoàn cấp cứu chỉ vì tò mò đi chơi vì họ không có nhiệm vụ gì cả. Nếu như vậy thì là một hành động hết sức vô nguyên tắc trong quân đội và sự mất mát của họ là một thiệt hại vô ích cho quân đội và cho cá nhân họ. Liệu sự thiệt mạng của 7 người ngày có được coi là một sự hy sinh trong khi thi hành nhiệm vụ hay không?

Những vấn đề nêu trên thuộc 4 loại vấn đề, trong nhiều loại vấn đề khác, của tiêu lệnh hành quân là 1-chỉ huy & tham mưu 2-Trang bị & tiếp liệu 3-Thông tin & liên lạc và 4-Tìm kiếm & cấp cứu & tản thương. Tôi biết chắc chắn quân đội miền Bắc đã thực hiện tốt 4 loại vấn đề này trong mọi cuộc hành quân trước kia. Không hiểu tại sao Không Quân Việt Nam ngày nay lại có những thiếu sót trầm trong như vậy.


Nếu không sớm cải tiến thì không thể đảm đương được nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc chống ngoại xâm đang nhòm ngó đất nước ta.

13 nhận xét :

  1. Mua trang thiết bị, phương tiện hiện đại về rồi để đấy, chả chịu luyện tập gì cả. Các nước người ta còn tập trận chung với nhau (nhất là với HK) nên xử lý các tình huống tai nạn vô cùng khoa học và nhanh nhạy, còn VN thì cứ nơm nớp sợ thằng anh Phương Bắc. Biết đâu nếu máy bay rơi trên sông cũng sẽ chẳng xác định được tọa độ mà trục vớt. Việc cứu hộ, cứu nạn trông chờ vào ngư dân là chính.

    Trả lờiXóa
  2. Đấy thì sự cố lớn như thế, quốc hội nên lập một ủy ban điều tra quốc phòng, bộ trưởng quốc phòng và quân ủy trung ương ra điều trần để người dân được rõ.
    Vụ Fomosa cũng nên lập một ủy ban điều tra khác của quốc hội, và các vị trách nhiệm liên quan phải điều trần trước quốc hội, thế thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Chuyện cổ tích: ngày xửa ngày xưa có 2 nhà ở cạnh nhau, tay hàng xóm to béo luôn hăm doạ bắt nạt lấn chiếm đất và tài sản của anh nhỏ bé. Anh này đã nhỏ yếu lại hèn, luôn cúi đầu khuất phục, nhưng chị vợ của anh ta lại kiên cường, hay trách chồng hèn nhát và đòi ra đánh nhau với quân xâm lấn. Một hôm lão to béo diễu võ dương oai ngoài cổng, anh chồng nhỏ bé muốn cho vợ thấy là mình không hèn bèn cầm gậy chạy ra. Cũng định là múa vài đường gậy, vừa múa vừa năn nỉ thằng to béo: “Bác hãy đi về để em gỡ chút thể diện với vợ, em sẽ hậu tạ sau!” rồi quay về khoác lác với vợ, ai dè thằng to béo vả ngay cho 2 cái hộc máu mồm. Anh nhỏ bé nhanh trí kêu: “Ối giời, vấp hòn đá ngã đau quá!” và bảo lão hàng xóm: “Anh giúp em với, kẻo vợ em biết ngay là anh vả em!”, thằng to béo bèn vác anh nhỏ bé vào nhà trả cho vợ anh ta và lục lọi khắp nhà tìm bông băng. Hàng xóm ai cũng trầm trồ: “Thì ra hai nhà này đoàn kết yêu thương nhau chứ có xích mích như giang hồ đòn thổi đâu!”…

    Trả lờiXóa
  4. Ơ hay! Đất nước ơi! Sao chuyện gì cũng cứ như đùa?

    Trả lờiXóa
  5. Có lẽ Thượng Tá Khải đã bị thương cho nên không thể có những
    việc làm để tự cứu mình. Hiện nay những tin tức cụ thể đều không nói rõ. Suy luận ra thì biết ngay mà. Rõ ràng máy bay rơi có liên quan đến việc tập trận của quân đội "LẠ"?

    Trả lờiXóa
  6. Chỉ có thể nói: Một lũ ăn hại cơm dân!

    Trả lờiXóa
  7. Dù sắm vũ khí, khí tài hiện đại đến đâu đi nữa, mà những cái đầu lãnh đạo tổ chức vẫn bảo thủ tầm cỡ chiến tranh giáo, mác, gậy gộc tầm vông thì còn vạn cái buồn ...cười hơn thế nữa. Những cái đầu ma de in ngu dốt và gian dối thì không bao giờ mạng người là quan trọng cả, nướng bao nhiêu quân cũng được

    Trả lờiXóa
  8. Tào Tháo, một gã gian hùng thấp kém từ gần hai ngàn năm trước, đã phải tự xử mình tội chém đầu chỉ vì con ngựa của gã giẫm đạp vài cọng lúa của dân! Ngày nay thất thoát tài sản khổng lồ của dân như thế, lại thêm bao nhiêu sĩ quan tử nạn, thì những người chịu trách nhiệm của bộ quốc phòng và quân ủy trung ương phải tính sao đây?

    Trả lờiXóa
  9. Những công việc mà các Sĩ quan Phòng không - Không quân hiện nay đang làm là gì?

    Em tôi công tác tại Trung đoàn 218 Pháo phòng không, kể lại về tên Trung đoàn trưởng tên là Vinh (biệt hiệu Vinh Đen) như sau:

    1. Ăn cắp kinh phí:

    Hàng năm, cấp trên sẽ phân bổ kinh phí năm cho các ngành (Hậu cần, Kỹ thuật, Chính trị, Tham mưu...). Tới thời điểm nào đó, tên Vinh sẽ gọi thủ trưởng các ngành lên, yêu cầu rút 90% kinh phí của ngành mình và nộp cho hắn.

    Hắn sử dụng số kinh phí này thế nào không ai được biết.

    Chỉ còn lại 10% chi cho các hoạt động trong cả năm của các ngành như sửa chữa, bảo dưỡng trang thiết bị khí tài, vũ khí (ngành Kỹ thuật), mua sắm sửa chữa bảo dưỡng dụng cụ hậu cần, doanh trại (ngành Hậu cần)...

    2. Ăn chặn khẩu phần ăn của bộ đội:

    Sau mỗi tháng, tên Vinh gọi Bếp trưởng và quản lý bếp ăn các đơn vị lên, đòi nộp tươi 10% số tiền đã chi ăn cho bộ đội trong tháng. Đó là số tiền họ phải tìm cách bớt trong khẩu phần của bộ đội để cống nạp cho hắn.

    3. Ăn cắp công quĩ:

    Có một số công việc được tính là độc hại và có bồi dưỡng theo chế độ qui định khi bộ đội làm các việc đó. Khi đăng kí số suất độc hại để báo cáo lên cấp trên, tên Vinh sẽ yêu cầu khai khống hàng trăm suất để rút tiền ra đút túi riêng. Trong số suất độc hại khống đó, có nhiều suất được cấp trên "gửi".

    Một ĐV nhưng mà tốt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khốn nạn nhất là ăn cắp khẩu phần ăn của lính. Thằng này không còn là con người nữa! Nó táng tận lương tâm hết rồi!

      Xóa
    2. Cám Ơn bạn đã chia xẻ với độc giả của Tễu một cách chi tiết! thật lòng mà nói thì, không phải dân không biết đến sự tha hóa của mọi ngành, mọi cấp từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên của hệ thống chính trị kiểu này ... chỉ có con số tỉ mỉ là không phải ai cũng rõ được. vấn đề bạn nêu ra không làm ngạc nhiên bạn đọc. tuy nhiên, người viết những dòng này vẫn đang ngóng đợi vào cái gọi là "hồng phúc' của VN để có được những cán bộ sĩ quan tốt dũng cảm điều tra, chấn chỉnh lại đội ngũ này, điều chỉnh lại cơ chế thay vì tốn công đi tìm người để diệt khẩu. tìm người diệt khẩu không chỉ là cách xử lí hèn kém, thiếu năng lực của lãnh đạo mà còn làm cho sự tha hóa của cán bộ ngày một đông đúc và mạnh hơn. nói một cách thẳng thắn thì câu chuyện giữ được đất nước chỉ là huyền thoại của dân tộc mà thôi. "cơ chế của VN phải thay đổi!" Đau lòng nói với bạn vài suy nghĩ về VN của chúng ta trong những năm tháng buồn đau này. chúc bạn bình an.

      Xóa

  10. Nguồn góc mọi mối nguy là từ việc quân đội làm kinh tế. Lẽ ra nhiệm vụ duy nhất của quân đội phải là rèn luyện nâng cao sức chiến đấu để khi đất nước gặp hoạ ngoại xâm thì bảo về Tổ Quốc. Không có nhiệm vụ nào khác. Đằng này quân đội lại làm kinh tế, và thế là tướng chỉ nghĩ đến công ty nọ với hợp đồng kia, tá-uý thì ăn chặn ăn bớt tiêu chuẩn của lính, lính tập tành thì ít mà đào ao, lấp hồ kiếm tiền cho các sếp là thường xuyên. Nếu chiến tranh xảy ra thì tất nhiên là một quân đội như thế chắc chắn sẽ tan rã nhanh chóng.

    Trả lờiXóa
  11. Nói thẳng ra, QĐNDVN hiện nay chỉ có khả năng đánh nhau với chính NDVN...

    Trả lờiXóa