Thứ Hai, 13 tháng 6, 2016

LUẬT SƯ LÊ VĂN LUÂN HIẾN KẾ CẢI CÁCH GIÁO DỤC



CẢI CÁCH GIÁO DỤC

Luật sư Lê Văn Luân
Luân Lê

Vào ngày 16.04.2016 tôi đã gửi "THƯ NGỎ VÀ CHƯƠNG TRÌNH 4 ĐIỂM" tới ông tân Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào Tạo - Phùng Xuân Nhạ để kiến nghị về 4 vấn đề cốt lõi phải cải cách trong nền giáo dục tụt hậu của nước nhà.

Từ đó đến nay, ông Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có nhắc đến một vấn đề quyết định nhất trong 4 điểm của tôi nêu ra: Tách bạch chính trị khỏi giáo dục và khoa học.

Và ông Bí thư Thăng cũng nêu ra một điểm nữa trong 4 điểm tôi nêu phải thay đổi đó là: nghiêm cấm dạy thêm, và đồng thời phải tăng lương giáo viên.


Tiếp đến là ông Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tiếp tục nêu lên một vấn đề lớn khác trong 4 điểm của tôi đã nói trong thư: Mở cửa giáo dục và học tiếng Anh là bắt buộc đối với mọi cấp học và coi đó là ngôn ngữ quốc gia thứ 2 sau tiếng Việt.


Để cụ thể hơn, tôi sẽ đăng lên đây lá thư ngỏ của tôi đã gửi cho ông Bộ trưởng GD&ĐT ngày 16.04.2016 để mọi người cùng tham khảo và chia sẻ tới cộng đồng.
-------------------

THƯ NGỎ VÀ CHƯƠNG TRÌNH 4 ĐIỂM

Hà Nội, ngày 12 tháng 04 năm 2016,

Kính gửi: Ông Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo


Kính thưa ông,
Ông tân Bộ trưởng một ngành quan trọng hàng đầu của một quốc gia,

Tôi là một công dân, một người hành nghề luật, còn trẻ, sinh ra và được đào tạo trong hệ thống giáo dục của chúng ta, nên nay tôi có đôi lời chia sẻ và mong được gửi đến ông một vài ý kiến đóng góp nhỏ mọn vào công cuộc cải cách, đổi mới thực sự và toàn diện đối với nền giáo dục nước nhà nhằm thoát khỏi cảnh lạc hậu và những căn bệnh trầm kha của nó suốt nhiều năm qua.


Tôi xin gọi ông là ông Bộ trưởng, mà không dùng chức danh giáo sư, tiến sỹ, vì một lẽ, với vị trí và tư cách bộ trưởng, ông không còn là một nhà giáo, một nhà chuyên môn và với chức danh ngành nghề nữa, mà ông đang đứng trên cương vị quản lý mang tính tổng quát, chiến lược và vĩ mô của một lĩnh vực quốc gia.


Kính thưa ông,

Khi ông bắt tay vào xây dựng ngành,


MỘT.

Điều đầu tiên, tôi muốn đề cập đến quý ông là “xóa bỏ triệt để, mạnh mẽ và dứt khoát đối với vấn nạn thành tích và kèm theo là bằng cấp”.


Về vấn nạn bằng cấp, tôi không gọi Ông Bộ trưởng với danh xưng giáo sư, tiến sỹ, vì khi ông lên làm quản lý, ông không còn mang học hàm trong khoa học, kỹ thuật, đào tạo chuyên môn để ra làm việc mang tính quản lý nhà nước. Và cũng vì lẽ, về đúng bản chất của học hàm mà các nước tiên tiến trên thế giới này đã và đang áp dụng chính là “các trường đại học tự xét duyệt và bổ nhiệm chức danh giáo sư, phó giáo sư” chứ không liên quan gì đến yếu tố nhà nước (trừ nước Pháp có tồn tại song song hai hình thức này). Vì học hàm giáo sư, phó giáo sư là dành cho chức năng giảng dạy, nghiên cứu và là chức danh giáo dục sư phạm, nên tôi kính kiến nghị ông Bộ trưởng hãy: trả lại việc xét duyệt và phong hàm phó giáo sư, giáo sư cho các trường đại học, mỗi trường tự chủ điều kiện, tiêu chuẩn và số lượng, và học hàm chỉ có giá trị trong trường đại học đó. Vì thế giáo sư ở trường này có thể không là giáo sư ở trường khác. Từ đó, sẽ không thể dẫn đến tình trạng chạy bằng cấp, chạy chức danh học hàm đối với Hội đồng Chức danh nhà nước như hiện nay. Và như vậy, giáo sư hay phó giáo sư chỉ là một nghề, có chức năng trong giảng dạy mang tính phạm vi nhà trường, chứ không mang tính mô phạm tổng quát để áp dụng chung cho toàn hệ thống giáo dục. Nếu hiểu như hiện nay, người ta sẽ có cách hiểu giáo sư, phó giáo sư là người cái gì cũng biết và có giá trị toàn năng phổ quát đối với toàn bộ xã hội.


Về vấn nạn thành tích, tuyệt đối bỏ cách giáo dục “gà nòi” đi thi đội tuyển học sinh giỏi các cấp. Đó là một gánh nặng cho học sinh, thày cô và cả hệ thống giáo dục, vì mục tiêu phải đạt được trong các bảng thành tích khiến những người học trở thành người thụ động, bị trói buộc vào kết quả và danh vọng. Về vấn đề này thì ai có khả năng thì tự mình tham gia thi và tìm tài trợ từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu. Tiếp đến là bỏ ngay cách giáo dục về “thi giáo viên dạy giỏi”. Vì tồn tại điều này mà sẽ dẫn đến bệnh hình thức, tìm mọi cách để đạt được mà chứng minh “khả năng” của mình. Việc giáo dục, bao gồm học và dạy học thể hiện qua kết quả thành công của các học sinh trong cuộc sống, mà để có được điều này thì học sinh cần hai thứ là tư duy và kỹ năng sống, nên bỏ đi mọi loại báo cáo, thi cử đánh giá, xếp loại giáo viên, giảng viên, bỏ đi các loại báo cáo, đánh giá học lực và hạnh kiểm học sinh, đặc biệt ở cấp tiểu học. Bãi bỏ các thành tích thi đua, xếp hạng về lớp học, về trường học, về môn học, và về vùng (không cần trường chuyên, lớp chọn hay dựa theo bố trí khu vực theo kiểu mật độ dân số, kinh tế, địa lý để tạo ra các loại hình đào tạo chênh lệch nhau),…


Vấn nạn thành tích và bằng cấp nước ta đã có truyền thống lâu đời từ thời khoa bảng thời phong kiến với thi Hương, thi Hội và thi Đình. Và người người, nhà nhà cho đến nay vẫn giữ nếp nghĩ này để học và thi cử để làm quan, tức vào nhà nước, tham gia vào bộ máy chính quyền, học cao là làm to, làm lớn, được xã hội trọng vọng. Nên điều này cần phải thay đổi triệt để tận gốc rễ.


(Xin ông Bộ trưởng xem thêm phát biểu của một vài học giả, chuyên gia hàng đầu đã nhận định từ trước như:


* PGS.TS Nguyễn Văn Nhã:
Giáo dục Việt Nam chúng ta như đang đào tạo Voi, Hổ, Bò tót, 

link: http://giaoduc.net.vn/…/Giao-duc-Viet-Nam-hien-nay-nhu-dang…;
 

* GS-TSKH Trần Ngọc Thêm:
Bốn “trọng bệnh” của nền giáo dục Việt Nam, 

link: http://laodong.com.vn/…/bon-trong-benh-cua-nen-giao-duc-vie…;
 

* Giáo sư Ngô Bảo Châu
'Vấn đề của giáo dục Việt Nam là sự tha hóa', 

link:http://vnexpress.net/…/van-de-cua-giao-duc-viet-nam-la-su-t…).

Vì vậy, tôi xin đưa ra các đề xuất và kiến nghị về giải pháp cơ bản như sau:

I. Chương trình tiểu học cần đưa vào dạy:


1. Pháp luật cơ bản: luật giao thông, luật bảo vệ quyền lợi trẻ em,…


2. Giáo dục kỹ năng sống: Kỹ năng xử lý các tình huống trong thực tế, kỹ năng giao tiếp, nói, tư duy, kỹ năng hành động tích cực,…


3. Phát triển khả năng tư duy, nghệ thuật và thể chất: mỹ thuật, hội họa, âm nhạc, văn chương (gồm các bài học đạo đức, làm người), các môn thể thao, lịch sử (tham quan bảo tàng và gặp các nhân chứng lịch sử là chính),…


4. Ngoại ngữ: tiếng Anh là bắt buộc. Có thể học thêm tiếng Pháp hoặc Nhật như là ngôn ngữ bổ sung, phụ trợ.


5. Loại bỏ các kỳ thi: không tổ chức bất kỳ một cuộc thi, đánh giá, xét duyệt nào đối với cấp tiểu học. Vì đây là sự hạn chế và có tác dụng tiêu cực đến nhận thức của trẻ em, khi họ cần được tôn trọng, khích lệ và phát triển tự nhiên, thì hệ thống giáo dục lại phân loại trẻ em theo học lực và hạnh kiểm, theo điểm số và kết quả rèn luyện đạo đức chung chung, sách vở, giáo điều. Đây là một sai lầm khi ươm mầm, nhân giống. Đồng thời cũng xóa được nạn học thêm, dạy thêm đang tồn tại một cách tràn lan và biến tướng trong xã hội.


II. Chương trình trung học cơ sở và phổ thông cơ sở cần đưa vào dạy:


1. Pháp luật phục vụ cuộc sống: luật lao động, luật hôn nhân gia đình, một số kiến thức cần thiết về giao dịch dân sự, về các quyền con người cơ bản không được xâm phạm (Hiến pháp, Hình sự), về tổ chức bộ máy nhà nước, chính quyền…


2. Giáo dục về chuyên môn cơ bản: sinh học, khoa học, công nghệ, toán, hóa học, vật lý, văn chương (gồm đạo đức), tiếng Anh, lịch sử,…


3. Từ lớp 10 trở lên: phân loại theo hai hướng chính: học nghề và học để học tiếp lên bậc đại học, đối với những người có khả năng với mục đích học để nghiên cứu, giảng dạy. Rút ngắn thời gian cấp phổ thông xuống còn 2 năm.


III. Chương trình đại học và cao đẳng cần xác định:


1. Lọc bỏ các môn học đại cương dàn trải: bỏ đi các môn học gần như xa rời thực tiễn và cuộc sống: Triết học Mác - Lê nin, lịch sử đảng, chủ nghĩa xã hội khoa học, kinh tế chính trị,…các môn này chỉ dành cho trường nào, ngành nào đào tạo mà liên quan đến chính các môn đó thì sẽ đưa vào chương trình giảng dạy. Nếu trường nào, ngành nào đào tạo về các vấn đề xã hội, triết học, nhà nước thì có thể đào tạo các môn này ở phần chuyên ngành.


2. Lập các trường, cơ sở thực nghiệm: rút ngắn thời gian đào tạo đại cương mang tính sách vở (từ đó rút ngắn toàn thời gian học từ 4 - 5 năm xuống còn tương ứng 3 - 4 năm, cùng với việc cho học các môn cơ sở ngành và cải biến sách giáo khoa, không cần một bộ SGK nào là duy nhất mà chỉ cần khung chương trình là đủ). Tiếp đến là học phải gắn với thực nghiệm, đưa các sinh viên vào các cơ sở ứng dụng, khoa học, thí nghiệm để trực tiếp thực hành, nghiên cứu và kiểm chứng tính ứng dụng và khả thi của các sản phẩm.


3. Liên kết với doanh nghiệp: trực tiếp liên kết với doanh nghiệp để đào tạo, để kết nối cách đào tạo, giảng dạy và kể cả việc cung cấp nguồn “lao động tập sự” mang tính thực hành hoặc nhân sự tương lai cho doanh nghiệp. Đây là vấn đề giải quyết tính ứng dụng cao của nhân lực, của việc đào tạo thực hành thực tế.


4. Bỏ các loại hình đào tạo: tại chức, từ xa, liên thông, liên kết ngoài luồng.


5. Tự chủ trong đào tạo: Các trường tự tổ chức thi cử, chương trình dạy học, chỉ tiêu tuyển chọn sinh viên, giảng viên, giáo sư (gồm cả việc bổ nhiệm các chức danh này), tự chủ tài chính, cơ sở vật chất (trừ một số ưu đãi nhất định).


IV. Đào tạo sau đại học:


Đặc biệt, giảm bỏ các thủ tục hành chính, là rào cản lớn liên quan đến các vấn đề đào tạo sau đại học gồm thạc sỹ và tiến sỹ. Bỏ đi bệnh hình thức trong việc chuẩn hóa, bảo vệ và xây dựng luận án dành cho nghiên cứu sinh. Bãi bỏ và rút ngắn các thủ tục bảo vệ tiến sỹ (hiện nay rất phức tạp và là rào cản lớn dành cho việc đào tạo và bảo vệ luận án tiến sỹ).


(Xem thêm: Giáo sư Pierre Darriulat:

Đào tạo tiến sĩ: “Phải bỏ ngay những thủ tục ngớ ngẩn”, 
link: http://tuoitre.vn/…/dao-tao-tien-si-phai-bo-nga…/642805.html).

Luận kết: Với con số hơn 400 trường đại học, cao đẳng trong cả nước, với tỷ lệ hơn 200.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp, hơn 24.000 tiến sỹ mà không có một bằng sáng chế cho khoa học, không làm nổi một con ốc vít, nó đã thể hiện rõ nét nhất tình trạng học vẹt, đào tạo những môn học lý thuyết, giáo điều và lạc hậu mà cách đây cả hàng mấy chục năm trước (như lời giáo sư vật lý hạt nhân người Pháp, Pierre Darriulat đã nhận định, và một số các giáo sư đầu ngành về giáo dục trong nước đã chỉ ra).
 

(Xem thêm:
PGS.TS Nguyễn Văn Nhã:
Sinh viên Việt Nam tụt hậu vì những môn học vô bổ, 

link: http://giaoduc.net.vn/…/Sinh-vien-Viet-Nam-tut-hau-vi-nhung…);
 

Giáo sư Pierre Darriulat:
'ĐH Việt đang dạy nhiều kiến thức cách đây 60 năm', link:
http://plo.vn/…/dh-viet-dang-day-nhieu-kien-thuc-cach-day-6…).
 

Vì vậy, cần thu hẹp lại các trường đại học, tinh lọc lại hệ thống giảng dạy, thuê giáo viên nước ngoài về giảng bài, dịch sách nước ngoài như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp về làm các tài liệu để dạy học cho toàn hệ thống giáo dục các cấp.

HAI.

Điều thứ hai, đó là “phải tách bạch và loại trừ tối đa yếu tố chính trị ra khỏi hệ thống giaó dục”. Đây là điều tối quan trọng và cũng là vô cùng khó khăn để thực hiện.


Tại sao tôi phải nói tới điều này, vì mục đích của giáo dục là tạo ra sản phẩm và khai phóng tư duy. Nên không thể để các yếu tố, chính sách chính trị trói buộc tư duy, vì không có tự do tư duy thì con người không thể phát triển hay phát minh ra sản phẩm trí tuệ nào cả.


Tự do, ở đây được hiểu là không buộc phải học một chủ thuyết nào mang yếu tố chính trị, mà đặc biệt liên quan đến thể chế của một tổ chức chính trị, ví dụ như quy định rằng tới đây, năm 2017, bắt buộc 100% học sinh, sinh viên phải học nghị quyết đảng (Năm 2017: mọi HSSV phải học Nghị quyết Đảng, link: http://m.thuvienphapluat.vn/…/nam-2017-moi-hssv-phai-hoc-ng…). Điều này một lần nữa lại chứng minh sự xâm lấn của chính trị vào giáo dục một cách “thô bạo”. Tôi gọi như vậy vì giáo dục là để khai sáng nhận thức, giải phóng tư tưởng và phát triển con người. Và chỉ có tự do tư duy, tự do tư tưởng thì mới có thể sáng tạo và phát triển được trí não, từ đó tạo ra được thành phẩm thực tế (hãy nhìn các bác nông dân chế tạo máy móc hiện đại phục vụ cuộc sống trong suốt thời gian qua để hiểu những phát minh khoa học công nghệ, cơ khí lại hoàn toàn nằm ngoài giáo dục). Nên điều cần và đủ để học sinh, sinh viên học thực, học khai sáng là học các tri thức chuyên môn, tương tác tự do với các nền giáo dục tiên tiến khác trên thế giới. Hệ thống giáo dục độc lập và không phụ thuộc vào bất cứ một chủ thuyết hay tổ chức chính trị nào, vì giáo dục là phục vụ con người (lực lượng sản xuất) và sự phát triển (tạo ra kinh tế, vật chất, tức cơ sở hạ tầng), chứ không phải để phục vụ hay bị kìm kẹp, giam hãm bởi các hệ thống mục đích ý niệm, chủ thuyết chính trị áp đặt lên (một yếu tố thượng tầng thuần túy phụ thuộc vào sự phát triển kinh tế, xã hội và trình độ con người).


Tự do, ở đây là tự do về lựa chọn môn học (học môn nào) và tự do lựa chọn theo khả năng của chính mình (học gì, nghề hay nghiên cứu). Vì vậy chúng ta đang áp dụng ngược lại, là áp đặt môn học cho người học, không lựa chọn.


Vì giáo dục là quốc sách hàng đầu (Điều 61 Hiến pháp 2013), cũng như lời cụ Thân Nhân Trung đã dặn dò và nhắc nhở, hiền tài là nguyên khí quốc gia, và ông Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói, phải diệt giặc dốt (xem thêm các nhận định trong các đánh giá từ các chuyên gia, các nhà quản lý nhà nước mới đây, rằng “dân trí nước ta thấp”). Vì giáo dục tốt tạo ra những con người tốt, con người tốt phát kiến ra được những thành quả tốt, tạo ra những sản phẩm khoa học công nghệ có tính ứng dụng cao, mà khoa học công nghệ lại là lĩnh vực hàng đầu quyết định cho sự phát triển của một quốc gia, và cùng với giáo dục thì khoa học công nghệ cũng là một quốc sách hàng đầu (Điều 62 Hiến pháp 2013). Khoa học phát triển thì quốc gia sẽ thịnh vượng.


Nếu ông Bộ trưởng đặt ra các chính sách làm sao để hạn chế và càng tách biệt được yếu tố chính trị ra khỏi hệ thống giáo dục, thì tôi tin tưởng một cách chắc chắn rằng, chỉ trong vòng một nửa thập kỷ, nước ta sẽ có một hệ thống giáo dục tiên tiến và con người sẽ được khai phóng đúng như phẩm chất mà ông Paul Doumer, Toàn quyền xứ Đông Dương – cố Tổng thống Pháp, hay ông Lý Quang Diệu - cố Thủ tướng Singapore, cũng như Giáo sư Đào Duy Anh - trong cuốn Việt Nam Văn Hóa Sử Cương đã đúc kết, rồi đến Viện nghiên cứu xã hội học Hoa Kỳ về đặc tính người Việt Nam, tất cả đã cùng chung nhận định về con người chúng ta, rằng: thông minh, cần cù và chăm chỉ. Nên cần phải có điều kiện giáo dục, môi trường giáo dục để phát huy tố chất thực sự của mình mà làm giàu cho đất nước, tránh cháy máu chất xám, hoang phí tài năng, mà con người là tài nguyên quan trọng nhất của mọi quốc gia. Tụt hậu về con người là tụt hậu về xã hội.


(Xin ông Bộ trưởng xem thêm nhận định xác đáng của:


* Giáo sư Hoàng Tụy:
Giáo sư Hoàng Tụy: Giáo dục phải sáng tạo và khác biệt, 

link: http://baodansinh.vn/giao-su-hoang-tuy-giao-duc-phai-sang-t….
 

* TS Giáp Văn Dương:
Con người tự do là đích đến của giáo dục, 

link:  http://vietnamnet.vn/…/con-nguoi-tu-do-la-dich-den-cua-giao…).

BA.

Điều thứ ba, chính là giải quyết vấn đề chất lượng con người, chất lượng giảng dạy, đó là nâng lương lên cho các giáo viên, nghiêm cấm dạy thêm, học thêm, đặt ra tiêu chuẩn nghiêm túc, khắt khe trong việc lựa chọn những người làm nghề giáo, mà như đối với Nhật Bản thì nghề giáo có giá trị đứng thứ hai chỉ sau nghề làm chính trị (nghị sỹ). Vì vật chất quyết định ý thức (!), nên khi tăng lương cho các giáo viên thì sẽ tạo ra sự yên tâm cho việc công tác, giảng dạy và đặc biệt dựa trên cơ sở chương trình giáo dục tiên tiến, văn minh mà có sự kết hợp từ các giáo viên, hệ thống sách giáo khoa nước ngoài như đã nêu ở trên, thì sẽ khiến cho sự vận hành cỗ máy giáo dục được thống nhất, tiến bộ và đạt hiệu quả tốt nhất cho đối tượng tiếp nhận là những học sinh, sinh viên (những người năng động, nhiệt huyết và luôn có tiềm năng khai phá, phát kiến cũng như thích ứng với những giá trị mới).


BỐN.

Điều thứ tư, ngăn chặn việc chạy chọt công chức, biên chế, xử lý mạnh tay và dứt khoát về vấn nạn này. Vì chất lượng giáo viên ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nhận thức và phát triển của học sinh, người tiếp nhận tri thức. Đồng thời xử lý nghiêm minh mọi hành vi đánh đập, bạo lực, đe dọa bạo lực, trấn áp tinh thần, thủ thuật chuyên môn nào giữa thày, cô đối với học sinh, giữa học sinh với nhau. Và đồng thời giãn các điểm trường đại học, cao đẳng, nghề ra các tỉnh thành khác, với các điểm trường sâu, xa, khó khăn, giáo viên được ưu tiên và trả lương cao hơn. Tăng đầu tư các cơ sở dạy nghề, các trung tâm nghiên cứu, thực hành, đầu tư quỹ mạo hiểm và dành nhiều cho khoa học, công nghệ.


Kính thưa ông Bộ trưởng,

Trên đây là một số nhìn nhận và ý kiến của cá nhân tôi gửi tới ông với mong muốn:

“Giáo dục tự do, phát triển con người, khai sáng tư duy, kiến tạo thực tiễn, cải biến xã hội”.


Tôi kính chúc ông luôn sức khỏe, gặp nhiều thuận lợi, suôn sẻ, dành nhiều trí tâm, tài năng của mình trong cương vị mới và xây dựng được một ngành giáo dục văn minh theo sát được các nền giáo dục khoa học, tiên tiến trên thế giới.

Xin cảm ơn ông Bộ trưởng đã dành thời gian quý báu và xem xét.

Mọi phản hồi hoặc thông tin trân kính ông Bộ trưởng phúc đáp theo:

  • Luật sư: Lê Văn Luân
    Văn phòng luật sư Hưng Đạo Thăng Long, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
    Đại chỉ: số 01 phố Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy, Hà Nội.
    SĐT: 0914.888.102. Email: luatsuleluan@gmail.com

Kính thư và trân trọng!
Công dân, luật sư: Lê Văn Luân.

4 nhận xét :

  1. Thì ra ông Thăng ông Nhạ chôm ý tưởng của LS Luân?

    Trả lờiXóa
  2. Những người trí thức có tài năng thực thụ, có lương tâm cao quí như LS Luân thì không được cơ cấu cho dân nhờ, thật vô lý, phí phạm. Xưa kia cụ Hồ rất trọng người tài, cụ mời hết ra để cống hiến cho nước cho dân.

    Trả lờiXóa
  3. Còn trẻ tuổi mà tài đức vẹn toàn, lúc nào cũng trăn trở vì nước vì dân. Ngưỡng mộ LS.

    Trả lờiXóa
  4. Tôi đề nghị thêm là thay đổi mùa khai giảng và mùa thi để đảm bảo sức khỏe cho thầy trò.Bởi vì mùa thi là mùa mà thời tiết quá khắc nghiệt, cộng thêm áp lực thi cử đã làm ảnh hưởng trầm trọng tới sức khỏe của học sinh.Mỗi mùa thi các vị cứ vào các bệnh viện thì khắc biết.Nên học tập theo Nhật chọn mùa thi vào tháng hai là đẹp nhất.Người ta đã khôn ngoan thì khôn ngoan đủ đường.

    Trả lờiXóa