Thứ Sáu, 13 tháng 5, 2016

THƯ NGỎ CỦA TẬP THỂ LUẬT SƯ CÓ Ý NGHĨA GÌ?

 
Bà Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị đánh khi biểu tình ở TPHCM ngày 8/5/2016.

Thư ngỏ của tập thể luật sư có ý nghĩa gì?

 
Mặc Lâm, biên tập viên RFA   
RFA 2016-05-12 

Chủ Nhật ngày 8 tháng 5 vừa qua tại hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn người biểu tình vì môi trường bị lực lượng mặc áo xanh được nói là dân phòng và thanh niên xung phong đàn áp, bắt bớ và đánh đập dữ dội khiến làn sóng giận dữ nổi lên khắp nơi trong dân chúng. Một thư ngỏ của nhiều luật sư khắp ba miền tập trung lại dưới tên gọi Liên danh phục vụ công lý đã được gửi tới các lãnh đạo cao nhất thành phố Hồ Chí Minh để yêu cầu làm rõ vấn đề này.

Chỉ biểu tình ôn hòa 

Cuộc biểu tình vào Chủ Nhật 8 tháng 5 được xem là lớn nhất trong các cuộc biểu tình của người Việt Nam trong thời gian qua. Số người tham gia tại hai thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh lên đến hơn 4 ngàn người mặc dù một số lớn người khác bị cô lập, bao vây và cấm không cho ra khỏi nhà. Cuộc biểu tình với mục tiêu rõ ràng là yêu cầu nhà cầm quyền làm rõ thủ phạm làm cá chết hàng loạt tại miền Trung, về nghi vấn nhà máy Formosa có phải là nguyên nhân gây cá chết hay không. Thái độ của người biểu tình rất rõ ràng là ôn hòa và không có bất cứ hành vi bạo động nào.
Mục đích của chúng tôi khi gửi bức thư này là muốn yêu cầu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là phải tôn trọng quyền công dân, cụ thể là quyền biểu tình, quyền được bày tỏ thái độ của người dân trước các vấn đề xã hội của đất nước.
LS Hà Huy Sơn
Tuy nhiên về mặt chính quyền, thay vì giữ trật tự cho người biểu tình thì lại tổ chức cài người vào bên trong đám đông nhằm chỉ điểm, đàn áp, thậm chí bắt bớ, đánh đập những người biểu tình mà họ cho là cầm đầu hay tỏ ra hăng hái nhất. Những người này mặc thường phục được hỗ trợ bởi các lực lượng đông đảo mặc đồng phục màu xanh lá, được biết là lực lượng thanh niên xung phong được hợp đồng để chống người biểu tình.

Chức năng chống biểu tình của lực lượng này có hợp pháp hay không chưa được xác định nhưng chắc chắn rằng hành vi tấn công và đánh đập người biểu tình là phạm pháp.

Trong thư ngỏ gửi hai ông Đinh La Thăng, bí thư thành ủy thành phố và ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch thành phố Hố Chí Minh ghi rõ “những hình ảnh trấn áp khốc liệt người biểu tình của lực lượng mặc y phục màu xanh mũ vải và y phục màu xanh mũ sắt cùng nhiều kẻ mặc thường phục với sự làm ngơ của Công an trong buổi sáng ngày 08/5/2016 tại ngay trung tâm TP. Hồ Chí Minh trước nhà thờ Đức Bà” đã làm cho nhóm luật sư Liên danh phục vụ công lý lập nên bức thư ngỏ này.

Bức thư cũng nhấn mạnh tới quyền biểu tình của người dân, trong đó viết: “Hiến pháp năm 2013 quy định Biểu tình là quyền của công dân (Điều 25) và Bảo vệ môi trường là nghĩa vụ của công dân (Điều 43). Việc chưa thông qua Luật biểu tình là lỗi và trách nhiệm của Quốc hội, nhưng không có nghĩa người dân bị cấm thực hiện quyền này. Người dân căn cứ vào bản Hiến pháp để thực thi quyền hiến định của công dân”.

000_A4698-400.jpg
Người dân Hà Nội biểu tình chống tập đoàn Đài Loan Formosa ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 01 tháng 5 năm 2016. AFP PHOTO.
.
Với các lập luận mạnh mẽ và thuyết phục như vừa nêu bức thư đã được loan tải rộng rãi trong cộng đồng, đặc biệt trên mạng xã hội, mang tới cho người dân một luồng gió mong manh từ sự lên tiếng của một tập thể luật sư tuy vẫn còn quá bé nhỏ so với hàng ngàn luật sư đang hành nghề khắp nước.

Luật sư Hà Huy Sơn, một trong những người ký tên vào thư ngỏ cho biết mục đích của bức thư này: 

“Mục đích của chúng tôi khi gửi bức thư này là muốn yêu cầu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh là phải tôn trọng quyền công dân, cụ thể là quyền biểu tình, quyền được bày tỏ thái độ của người dân trước các vấn đề xã hội của đất nước và thứ hai là chúng tôi muốn phản đối tình trạng sử dụng bạo lực đối với người dân khi họ biều tình ôn hòa. Mục đích của chúng tôi là như vậy. Ngoài ra chúng tôi cũng muốn bày tỏ sự ủng hộ của chúng tôi đối với các cuộc biểu tình hợp pháp của người dân.” 

Muốn bày tỏ quan điểm 

Chúng tôi nêu ra những vụ việc từ quá khứ: có khá nhiều thư ngỏ hay kiến nghị của người dân hay tập thể của trí thức trong và ngoài nước trước các vấn đề trọng đại của đất nước, nhưng chưa bao giờ các cấp trách nhiệm có phản hồi cụ thể và kịp thời, vậy thì bức thư ngỏ lần này cũng sẽ chịu chung số phận như trước đây. Trước viễn cảnh như thế nhóm Liên danh phục vụ công lý sẽ làm gì sau khi bức thư gửi đi? Luật sư Hà Huy Sơn cho biết: 

“Chúng tôi cũng biết rằng từ trước đến nay những người có trách nhiệm vẫn phớt lờ với các kiến nghị hay là các hình thức thư ngỏ của công dân. Chúng tôi không hy vọng nhiều rằng bức thư này nhận được sự trả lời nhưng chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm, thái độ với cộng đồng dân chúng. Cũng qua đây chúng tôi muốn kêu gọi các luật sư và nói chung giới luật sư cùng chúng tôi lên tiếng, khi có nhiều người lên tiếng thì tôi nghĩ rằng sẽ có sự tác động và về phía chính quyền và những người trách nhiệm người ta sẽ cân nhắc và sẽ trả lời trước yêu cầu của người dân.”
Chúng tôi không hy vọng nhiều rằng bức thư này nhận được sự trả lời nhưng chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm, thái độ với cộng đồng dân chúng.
LS Hà Huy Sơn
Trong bức thư, hình ảnh của bà Hoàng Mỹ Uyên và con gái bị đánh cũng được mang ra để đánh động sự chú ý của lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh. Trong vai trò của luật sư, bức thư ghi rõ hành động này là phạm pháp nhưng lại được bao che của lực lượng công an đồng phục đang đứng nhìn tại hiện trường là không thể chấp nhận trong một nhà nước pháp quyền.

Luật sư Trần Vũ Hải, một người đồng ký tên trong bức thư khi được hỏi nếu nạn nhân yêu cầu công an khởi tố bị can đối với các cá nhân đánh người nhưng công an từ chối thì nạn nhân còn có cách nào khác hay không, luật sư Hải cho biết:

“Theo chúng tôi trong trường hợp này luật pháp có hai việc xảy ra: một là khởi kiện dân sự hai là yêu cầu truy cứu hình sự. Trong trường hợp công an không làm sau ngày 1 tháng 7 luật vẫn cho phép mọi người có quyền kiện pháp nhân đối với lực lượng nào có người đánh người biểu tình. Tuy nhiên trong trường hợp này những người đi kiện cần phải theo đuổi một cách kiên trì vì thiệt hại của họ có thể chưa lớn. Tất nhiên một số người coi sự đau đớn thể xác của họ rất là lớn nhưng với phần lớn họ bị coi là mất tự do khoảng nửa ngày và họ bị thương có những vết nhất định và có thể phục hồi được như vậy họ có thể chấp nhận, bỏ qua. Như tôi đã nói vụ kiện này không dễ, phải có sự giúp đỡ của luật sư, những người chuyên nghiệp người ta giúp và cần sự kiên trì thì may ra mới thành công. Tôi cũng lo rằng nhiều người sẽ mệt mỏi và bỏ cuộc. Nhưng chúng tôi cũng xin nhắc lại đây là quyền của những người bị hại thì họ phải quyết tâm đi kiện lúc đó các luật sư mới hỗ trợ cho họ được.”

Dư luận cho rằng chấp nhận đơn kiện kẻ có hành vi đánh người biểu tình hay không chấp nhận là việc của tư pháp, tuy nhiên bức thư của tập thể luật sư lên tiếng về hành vi côn đồ này là một tiếng chuông cảnh báo cho tư pháp Việt Nam trước khi những vụ biểu tình khác chắc chắn sẽ xảy ra trong các ngày kế tiếp.

.

2 nhận xét :

  1. TÔI XIN HỎI CHUYÊN 44 SV TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI KIẾN NGHỊ VIÊC ÔNG CHÁNH ÁN TP HÀ NỘI KO CHO CÁC EM VÀO DỰ BUỔI XÉT XỬ BA SÀM NAY HỌ ĐÃ TRẢ LỜI SAO RỒI TỄU NHỈ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ông Chánh án TP do ăn phải đồ dơ bẩn nên bị cụt lưỡi rồi

      Xóa