Thứ Ba, 3 tháng 5, 2016

TẮM BIỂN, ĂN CÁ VÀ TRÁCH NHIỆM QUAN CHỨC

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói cách thức một số quan chức lãnh đạo miền Trung trấn an người dân khi đi tắm biển và ăn cá hấp là 'thiếu cơ sở khoa học và có thể nguy hiểm'.

Tắm biển, ăn cá và trách nhiệm quan chức 

Quốc Phương 
1 tháng 5 2016

Một cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam cho rằng cách thức một số quan chức lãnh đạo các tỉnh duyên hải miền trung của Việt Nam 'đi tắm biển và ăn cá hấp' để trấn an người dân sau vụ biến cố ô nhiễm môi trường gây cá chết hàng loạt là 'thiếu cơ sở khoa học' và có thể 'nguy hiểm'.


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam cũng nêu quan điểm, nếu một cơ sở, doanh nghiệp công nghiệp nào đó bị phát hiện là thủ phạm, nguyên nhân gây ra vụ xả thải gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì các quan chức lãnh đạo, thành viên chính phủ, bộ ngành liên quan cấp phép, hoặc quản lý, giám sát cũng phải chịu trách nhiệm, dù đã 'về hưu, hay thăng chức'.

Trao đổi với BBC Việt ngữ hôm 01/5/2016, từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận về vụ các quan chức Việt Nam ở các nơi bị sự cố môi trường ảnh hưởng đã trấn an dân bằng 'tắm biển' và 'ăn cá hấp'. Ông nói:

Khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
"Tôi cho đấy là cách trấn an người dân, bởi vì thực sự ra vụ cá chết hàng loạt vẫn còn đang diễn ra ở các tỉnh miền Trung thì cũng làm cho người dân hoang mang, ngư dân thì không bán được cá, cũng không đi đánh cá được, rồi thậm chí người dân sợ ăn cả nước mắm.

"Du lịch thì cũng khó phát triển vì vùng miền Trung này là vùng du lịch biển rất phát triển. Thì các vị lãnh đạo một số tỉnh ven biển miền Trung ăn cá hấp ở trên bãi biển, rồi xuống tắm biển là để trấn an người dân.

"Nhưng tôi cho rằng những việc trấn an người dân như thế không có cở sở khoa học. Khi nào chúng ta có kết luận chắc chắn là vùng biển ở địa phương A, B, C cụ thể rất an toàn, lúc đó để động viên người dân, thì lãnh đạo có thể xuống biển tắm và có thể ăn cá.

"Nhưng nếu khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm."
 

Đều phải chịu trách nhiệm 

Hiện tại, nhà chức trách Việt Nam cho hay công việc điều tra sự cố môi trường vẫn đang tiếp tục và chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân, tư nhiên, Thủ tướng Chính phủ đã cử các quan chức thị sát các tỉnh, thành duyên hải bị ảnh hưởng, cử Bộ trưởng Môi trường và Tài nguyên tới cơ sở mà dư luận và giới chuyên gia nghi là 'nguồn xả thải chính' trong sự cố, khu công nghiệp và nhà máy sản xuất thép Formosa.

Về vấn đề trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý sẽ thế nào, nếu một cơ sở công nghiệp nào đó bị phát hiện và kết luận là gây ra vụ 'thảm họa môi trường', theo cách gọi của một số chuyên gia môi trường trong nước, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nêu quan điểm:

"Tôi cho là ai chịu trách nhiệm để Formosa hoạt động như vậy, đây là đặt giả sử nguyên nhân từ khu công nghiệp Formosa, thì những người đó phải chịu trách nhiệm.
Tôi cho là ai chịu trách nhiệm để Formosa hoạt động như vậy, đây là đặt giả sử nguyên nhân từ khu công nghiệp Formosa, thì những người đó phải chịu trách nhiệm. Bất kể là còn đương chức hay về hưu, thậm chí đã lên chức rồi, đều phải giải trình trước dư luận, giải trình trước cơ quan nhà nước
GS. Nguyễn Minh Thuyết
"Bất kể là còn đương chức hay về hưu, thậm chí đã lên chức rồi, đều phải giải trình trước dư luận, giải trình trước cơ quan nhà nước.

"Ở đây, tôi cho là cũng phải phân tích một cách rõ ràng thì mới có thể quy được trách nhiệm. Ví dụ nếu Formosa đã tuân thủ đầy đủ những cam kết với chính phủ Việt Nam trong những dự án tại khu công nghiệp, trong các dự án đánh giá tác động môi trường theo tiêu chuẩn Việt nam, thì trách nhiệm chủ yếu ở những người kiểm tra giám sát.

"Thế còn nếu như bản thân các vị còn đương chức trước đây mà duyệt cho khu công nghiệp này hoặc khu công nghiệp nào khác thực hiện các hoạt động theo qui chuẩn trên cơ sở quá thấp hoặc vi phạm các qui chuẩn của nhà nước Việt Nam thì trách nhiệm của những người phê duyệt ấy phải cao hơn," cựu Dân biểu nói. 


Lý do rất khó tin

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng bình luận về một số thông tin mà nhà chức trách Việt Nam đưa ra và cho đó có thể là nguyên nhân của sự cố môi trường làm cá chết hàng loạt. Ông nói: Image copyright Other Image caption Phản ứng của một bộ phận công chúng trước sự cố môi trường gây cá chết hàng loạt ở Việt Nam mới diễn ra.

"Tôi không phải một chuyên gia về tài nguyên và môi trường nhưng là một người dân bình thường và cũng có kinh nghiệm hoạt động xã hội thì tôi thấy xử l‎ý của nhà nước trong vụ khủng hoảng môi trường này là quá chậm và cũng phải nói thật là trong đó có nhiều cơ quan hành xử thiếu trách nhiệm.

"Điển hình là vụ kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng vụ cá chết hàng loạt ở miền Trung là do thủy triều đỏ. Đó là một điều rất là khó tin vì tôi cũng đọc những tài liệu về thủy triều đỏ và nghe ý kiến của những chuyên gia về môi trường thì người ta nói không thể như thế được và những ảnh chụp từ miền Trung cũng cho thấy không có hiện tượng đó.

"Thứ hai là cuộc họp báo mà chỉ diễn ra chưa đến 10 phút thì nó thể hiện cách làm rất là tắc trách của các vị lãnh đạo ở Bộ Tài nguyên và Môi trường".
Tuy nhiên phản ứng về khủng hoảng thì cái cách quản trị mối quan hệ với công chúng thì thông báo hôm nay có vẻ chuyên nghiệp hơn và dựa trên tinh thần là có lắng nghe và quan tâm đến phản ứng người dân và tôi hy vọng là sẽ có những cuộc điều tra thực sự của nhà chức trách
Ông Lê Ngọc Sơn, chuyên gia về xử lý khủng hoảng
Trước đó, trong cuộc tọa đàm Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ, hôm 28/4, ông Lê Ngọc Sơn, một chuyên gia về xử lý và quản lý khủng hoảng, thành viên một nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực này tại Đại học Kỹ thuật Ilmenau, Cộng hòa Liên bang Đức, bình luận về phản ứng của Chính phủ Việt Nam và các bộ ngành liên quan, nhận xét:

"Tôi cho rằng là thông báo hôm nay (28/4) của Chính phủ cũng là một thông báo mà có vẻ như thuyết phục được người dân hơn so với các thông báo vừa qua, mặc dù chúng ta thấy rằng lý do để xảy ra khủng hoảng như thế này rất là phức tạp, không dễ gì chúng ta biết được nguyên nhân, bởi vì hiện tượng cá chết không chỉ xảy ra ở Việt Nam bây giờ mà trên thế giới đã ghi nhận được rất nhiều hiện tượng này và một số nơi vẫn chưa biết được nguyên nhân tại sao. 


Mâu thuẫn với nhau?

"Tuy nhiên phản ứng về khủng hoảng thì cái cách quản trị mối quan hệ với công chúng thì thông báo hôm nay có vẻ chuyên nghiệp hơn và dựa trên tinh thần là có lắng nghe và quan tâm đến phản ứng người dân và tôi hy vọng là sẽ có những cuộc điều tra thực sự của nhà chức trách," ông Sơn, người đang làm nghiên cứu sinh Tiến sỹ tại Đại học Ilmenau nêu quan điểm. Image caption PGS. TS Phạm Quý Thọ từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không đồng ý với ý kiến cho rằng phản ứng của nhà chức trách Việt Nam là 'chuyên nghiệp' và kịp thời.

Tuy nhiên, một khách mời khác tại Bàn tròn, PGS. TS. Phạm Quý Thọ, chuyên gia về chính sách công từ Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam tỏ ra không tán đồng với quan điểm này, ông nói:

"Bốn địa phương có mặt trong buổi họp báo với rất nhiều chuyên gia và các nhà khoa học. Ở đây rõ ràng là có sự chưa thống nhất giữa các chuyên gia của các tỉnh và chính quyền trung ương. Chính vì vậy các nhà báo đã đợi rất lâu để có một kết luận cuối cùng.

"Đúng ra cuộc họp này phải được diễn ra trước , có sự chuẩn bị trước khi mình công bố nguyên nhân chính thức cho nhân dân biết. Ngay cuộc họp báo này cũng không chuyên nghiệp lắm, chứng tỏ có một sự lúng túng trong sự cố này kể cả trong việc xác định và công bố nguyên nhân.

"E rằng sẽ tiếp tục có sự lúng túng trong thời gian tới. Nên chăng là không cần phải tránh vì đây là một sự cố nghiêm trọng, thậm chí nếu giải quyết việc này ngay bây giờ nó sẽ tốt hơn cho những lần sau và vấn đề ô nhiễm môi trường của Việt Nam trong thời gian tới," chuyên gia về chính sách công nói với BBC.

Hôm 01/5, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Phúc trong một cuộc họp đặc biệt của Chính phủ về vụ 'thảm họa môi trường' theo chính lời của ông, đã đề nghị các bộ ngành Việt Nam tìm nguyên nhân gây thảm họa 'tới cùng', thậm chí ông cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra để tìm thủ phạm.

Nhưng đồng thời, Thủ tướng Việt Nam cũng được truyền thông nhà nước trích thuật nói là hoan nghênh các động thái 'tắm biển' và 'ăn cá' tại một số vùng biển thuộc duyên hải Việt Nam bị ảnh hưởng trong vụ 'cá chết hàng loạt' vừa qua. Bình luận về các động thái này của tân Thủ tướng Việt Nam, một nhà quan sát không muốn tiết lộ danh tính từ Hà Nội nói với BBC cho rằng 'các chỉ đạo và phát ngôn ấy có thể mâu thuẫn với nhau.'


4 nhận xét :

  1. Xin đừng xúi dân vào chỗ chết khi mà chưa tìm rõ nguyên nhân gây chết cá hàng loạt.Các quan chỉ ăn một miếng hay một bữa rồi rút êm ra an toàn khu,có việc gì thì đã có ban bảo vệ chăm sóc sức khỏe lo tối đa.Còn dân chúng phải hàng ngày phải dùng bữa với những thực phẩm mang độc tố với hàm lượng nhỏ không gây chết ngay nhưng gây bệnh nan y chết từ từ trong tình trạng sạch bóng gia tài sau khi phải điều trị một thời gian dài.Cái chết này không chỉ là sinh mệnh của một người mà là của một gia đình hoặc cả một vùng hệ lụy vô cùng lớn.Tốt nhất hãy khuyeen nngười dân khoan vội ăn hải sản trong vùng có nguy cơ nhiễm độc cho tới khi làm rõ nguyên nhân và khả năng loại trừ được nguyên nhân một cách hữu hiệu.Xin đừng xúi dân vào chỗ chết

    Trả lờiXóa
  2. Fomusa sẽ là tử huyệt của đám cộng sản vn

    Trả lờiXóa
  3. Khi chưa rõ thảm họa môi trường cá chết hàng loạt trên biển miền trung là do độc tố gì, xuất phát từ đâu, mức độ độc hại trên diện tích bao nhiêu Km2, độc tố lưu giữ lâu dài bao nhiêu năm ... mà truyền thông dưới sự chỉ đạo của đảng và ch1nh phủ đã vội vàng cổ động khuyến khích dân tắm biển, đi đánh cá, ăn cá v.v... thì quả là thiếu cơ sở khoa học, ấu trĩ, quá liều lĩnh, và đặc biệt là xem nhẹ sinh mạng của hàng triệu người dân.

    Trả lờiXóa
  4. "Khi chúng ta chưa kết luận rõ ràng, mà lãnh đạo làm như thế thì tôi nghĩ đó là việc làm không khoa học và thậm chí nếu như vùng biển đó vẫn là vùng biển có những độc hại, thì việc làm ấy nguy hiểm"
    Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết
    Một kết luận chính xác.
    Khi cá chết hàng loạt,tỉnh nào cũng có sở "khoa học công nghệ và môi trường",họ có đủ tư cách lấy mấu cá chết tìm nguyên nhân,trong tay họ có đủ cơ sở khoa học và pháp lý, chỉ thiếu một điều họ có vì đất nước,vì cuộc sống của người dân hay không?

    Trả lờiXóa