Thứ Tư, 4 tháng 5, 2016

LÃNH ĐẠO ĂN CÁ, TẮM BIỂN KHÔNG PHẢI LÀ CÂU TRẢ LỜI NHÁ!

Lãnh đạo ăn cá, tắm biển không phải là câu trả lời

Tiếp thị thế giới
09:08 - 03/05/2016

.
Lãnh đạo xuống tắm biển hay ăn cá, đó không phải là câu trả lời. Câu trả lời phải là bằng chứng khoa học mà nhiều bộ, ban, ngành đã đi tìm suốt cả tháng qua, nay vẫn còn nợ người dân.
 

Lãnh đạo ăn cá, tắm biển không phải là câu trả lời cho vấn đề môi trường sạch chưa 
và hải sản an toàn chưa. Trong hình: Lãnh đạo Sở TN-MT Hà Tĩnh tắm biển Thiên Cầm 
chiều 30/4. Ảnh: SGGP

Từ hình ảnh nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung có cá chết hàng loạt xuống biển tắm, nhớ chuyện 10 năm trước…


Trong buổi khánh thành nhà máy lọc nước biển làm nước sinh hoạt vào năm 2005, thay vì rót rượu mừng, Thủ tướng Lý Hiển Long và các cộng sự trong Chính phủ Singapore đã nâng ly nước biển tinh lọc cùng uống.

Hành động của ông Lý kèm theo thông điệp: Đấy là nước sạch, mọi người hãy dùng! Và người dân Singapore tất nhiên đã tin ngài thủ tướng.

Tháng 12/2014, nằm trong chiến dịch tranh cử vào Hạ viện, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đến cảng Soma, tỉnh Fukushima và cùng ăn cá nướng với người dân.

Ai cũng biết Fukushima là địa phương bị nhiễm phóng xạ nặng nề sau trận động đất và sóng thần 3 năm trước đó, thành phố hoang tàn, hoạt động đánh bắt dường như “chết” hẳn vì không ai dám ăn hải sản.

Bằng những nỗ lực bền bỉ, giàu tính khoa học của Chính phủ và chính quyền địa phương, Fukushima đến cuối năm 2014 đầu 2015 đã hồi sinh.

Hình ảnh thủ tướng ăn cá nướng nói lên sức sống mới ở nơi này, qua đó khẳng định rằng hải sản ở Fukushima bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những hành động đáng ca ngợi như thế được lặp lại ở nước ta những ngày qua. Lãnh đạo các tỉnh, thành miền Trung xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt, nghi do môi trường biển bị nhiễm độc và người đứng đầu một số bộ, ngành đã lần lượt xuống biển tắm hoặc đến các bến cảng cùng ăn cá với người dân.

Hình ảnh ấy được truyền thông loan tin, càng tạo thêm hiệu ứng tích cực trong việc thực hiện mục đích khẳng định môi trường biển vẫn bình thường, động viên ngư dân tiếp tục ra khơi thả lưới và khuyến khích người tiêu dùng tiếp tục tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ.

Cùng với chính sách hỗ trợ thu mua hải sản của nhà nước, cách tiếp sức bằng tinh thần nêu trên đã phát huy hiệu quả. Hoạt động ngư nghiệp đã dần hồi phục, đời sống xã hội ở các địa phương kể trên đã ổn định…

Nhưng vẫn còn đó câu hỏi lớn đang chờ lời đáp: Nước biển miền Trung có bị nhiễm độc không? Vì sao cá chết? Hải sản ở các vùng biển Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ có an toàn tuyệt đối?

Lãnh đạo xuống tắm biển hay ăn cá, đó không phải là câu trả lời. Câu trả lời phải là bằng chứng khoa học mà nhiều bộ, ban, ngành đã đi tìm suốt cả tháng qua, nay vẫn còn nợ người dân.

Kết quả phân tích nước biển để truy nguyên nhân cá chết phải được công bố càng sớm càng tốt, càng chậm trễ càng khiến người dân lo âu.

Nguy hiểm hơn nữa là trong lúc hoạt động đánh bắt và tiêu thụ hải sản đã hồi phục mà nguyên nhân cá chết chưa tìm thấy, lỡ như kết quả sau này cho biết biển bị nhiễm độc kim loại nặng chẳng hạn thì ai chịu trách nhiệm đối với những người đã ăn cá trong khoảng thời gian “chờ nghiên cứu” này?

Kết quả khoa học đang được trông chờ ấy mới là bằng chứng vững chắc để chúng ta “nói chuyện” với những nhà đầu tư vi phạm về môi trường, thể hiện quyết tâm và sự kiên định của nhà nước: Không đánh đổi môi trường sống bằng bất cứ giá nào.

Các nhà khoa học, nhà quản lý đang thụ lý vụ việc hãy nhanh tay lên!

Cát Tường
Theo Người Lao Động

(*) Tựa bài và sapô do Tiếp Thị Thế Giới đặt lại.

6 nhận xét :

  1. Mấy thằng này sẽ chết vì thiếu hiểu biết. Một hành động ngu xuẩn khi mọi việc chưa rõ nguyên nhân và có kết luận khoa học.

    Trả lờiXóa
  2. Trần Thị Thảolúc 10:01 4 tháng 5, 2016

    Đúng là đàn trâu lội nước .

    Trả lờiXóa
  3. Nếu lảnh đạo trung ương mà xuống tắm chừng vài lần thì dân mừng biết mấy !

    Trả lờiXóa
  4. Điều này chứng tỏ cá rất là độc:
    http://tiepthithegioi.vn/uncategorized/bo-nnptnt-khi-chon-lap-hai-san-phai-xu-ly-bang-cach-bo-sung-hoa-chat/

    Trả lờiXóa
  5. Thủ tướng Lý Hiển Long uống nước biển được tinh lọc thành nước ngọt. Để có ly nước mà ông Lý Hiển Long uống, các nhà khoa học Singapore đã phân tích, so sánh đầy đủ các thông số và đảm bảo an toàn thì Thủ tướng mới uống. Đây cũng là một sự khẳng định cho kết quả nghiên cứu và thực nghiệm thành công ở đảo quốc sư tử - nơi khan hiếm nước ngọt.
    Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe ăn cá nướng là kết quả không ngừng nghỉ của chính phủ Nhật Bản cùng các nhà khoa học, cơ quan môi trường vào cuộc để khắc phục sự cố hạt nhân, đi đến kết quả là cá ở đây không bị nhiễm xạ. Việc Thủ tướng Singapore uống nước, Thủ tướng Nhật Bản ăn cá là thông điệp cho toàn dân của họ biết kết quả khoa học mà chính phủ của họ đã nỗ lực thực hiện. Còn cá miền Trung VN chết, chưa tìm ra nguyên nhân, chưa có kết quả xét nghiệm, chỉ vì sợ thất thu du lịch hay cố tình bao che cho Formosa mà các ngài lãnh đạo địa phương nhảy xuống biển (hình ảnh không xác định được họ tắm ở bãi tắm bờ biển hay bãi tắm của một đảo nào đó xa đất liền?) tắm, ăn cá (mà không biết cá mang từ Trường Sa hay từ Phú Quốc về) thì that là liều và thiếu hiểu, biếtlàm dân lầm tưởng họ tắm tại Vũng Áng, ăn cá tại Quảng Trạch, Quảng Bình. Như vậy là dân thông minh hơn, hiểu biết hơn can bộ rất nhiều, khi họ không a dua với các vị lãnh đạo địa phương đi tắm và ăn cá.

    Trả lờiXóa
  6. Lũ đầu đất này định gián tiếp chứng minh Formosa trong sạch?

    Trả lờiXóa