Thứ Hai, 18 tháng 4, 2016

GS THUYẾT LÊN TIẾNG VỀ VIỆC ÔNG TRẦN ĐĂNG TUẤN BỊ LOẠI

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết chỉ rõ, người dân đang thiếu thông tin để bầu Đại biểu Quốc hội, 


Đại biểu Hội đồng nhân dân. ảnh: Ngọc Quang. 


Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết bình luận việc
ông Trần Đăng Tuấn bị loại

Ngọc Quang (Thực hiện)
Giáo dục VN
17/04/16 07:15

(GDVN) - Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn.



Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ nhiều băn khoăn về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.


Là một người dân, Giáo sư quan tâm điều gì ở các ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân?


GS.Nguyễn Minh Thuyết: Ở góc độ người dân, tôi có rất ít thông tin về các ứng cử viên. Đặc biệt là khi chúng ta bầu đại biểu dân cử 4 cấp cùng một lúc (Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã), danh sách ứng cử viên tới hàng chục người, ứng cử vào nhiều cấp, trong khi thông tin chỉ có mấy dòng lý lịch trích ngang thì người dân rất khó lựa chọn được chính xác.


Vừa qua, có một số vị tự ứng cử có sáng kiến đưa chương trình hành động của mình lên mạng để vận động bầu cử. Nhưng hầu hết các vị đó không qua được hội nghị cử tri nơi cư trú. Còn các vị khác, người dân chưa có thông tin gì. 


Các buổi tiếp xúc cử tri để vận động bầu cử sau hiệp thương vòng 3 này hầu hết cử tri không được dự, do đó cũng sẽ không có thông tin gì thêm.


Vấn đề lúc này là phải làm thế nào để cử tri có đủ thông tin về ứng cử viên. Chúng ta hoàn toàn có thể tổ chức cho các ứng cử viên đại biểu HĐND cấp tỉnh trở lên giới thiệu chương trình hành động, tranh luận, thảo luận trên đài phát thanh, truyền hình trung ương hoặc đài phát thanh, truyền hình cấp tỉnh để người dân đánh giá được năng lực và tâm huyết của các ứng cử viên.

Còn ứng cử viên cấp huyện, cấp xã nên tăng cường số lượng các buổi tiếp xúc cử tri, và cũng cần có tranh luận, thảo luận về các vấn đề của địa phương, sao cho nhiều cử tri nắm được nhiều thông tin về ứng cử viên, có đủ căn cứ để lựa chọn. 


Cử tri mà không có đủ căn cứ đánh giá ứng cử viên thì dễ bỏ phiếu theo cảm tính.


Qua sự kiện bầu và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo tại kỳ họp Quốc hội vừa rồi, tôi cũng thấy rằng việc sắp xếp thời gian tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc và bầu cử đại biểu Quốc hội chưa hợp lý.

Theo tôi, nên tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội trước khi tổ chức Đại hội Đảng. Trước khi bầu cử, Trung ương nên họp và thống nhất dự kiến nhân sự giới thiệu sang Quốc hội để bầu và phê chuẩn vào chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước. Bầu đại biểu Quốc hội xong, Đảng tổ chức đại hội. Đại hội Đảng kết thúc, Quốc hội mới được triệu tập ngay để xem xét công tác nhân sự. 


Làm như vậy thì chỉ cần một lần là hoàn tất công tác nhân sự, khỏi cồng kềnh. Cách làm này có cái hay là tất cả nhân sự đã qua một lần sàng lọc của nhân dân trên cơ sở định hướng của Trung ương.


Thưa Giáo sư, sau các vòng hiệp thương, nhiều ý kiến cho rằng trong danh sách các đại biểu được giới thiệu vẫn còn khá nhiều cán bộ thuộc các cơ quan hành pháp. Giáo sư có bình luận gì về điều này?


GS.Nguyễn Minh Thuyết: Theo tôi, số lượng đại biểu Quốc hội thuộc các cơ quan hành pháp, tư pháp từ tỉnh đến trung ương vẫn còn nhiều quá. Tôi nghĩ rằng Quốc hội là nơi đại diện cho tiếng nói của nhân dân thì cần nghiên cứu, xem xét lại tỷ lệ này sao cho phù hợp.


Đại biểu thuộc khối hành pháp ngay bố trí thời gian dự đầy đủ các phiên họp của kỳ họp Quốc hội cũng đã khó, chứ chưa nói đến chuyện họ phải làm tròn cả hai vai “cầu thủ” và “trọng tài”. 

Để tăng cường trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với nhân dân, theo tôi, mỗi đơn vị bầu cử chỉ nên bầu một đại biểu.


Hiện nay, vì mỗi đơn vị bầu cử được bầu tới 3 đại biểu, nên sau khi trúng cử, đại biểu này có thể dựa dẫm vào đại biểu kia, vắng mặt trong một vài lần tiếp xúc cử tri hoặc chẳng nói được câu nào cho cử tri cũng không sao.


Nếu mỗi đơn vị bầu cử chỉ có một đại biểu thì dứt khoát đại biểu đó phải gắn bó mật thiết với nhân dân ở đơn vị ấy, phải tích cực bày tỏ ý nguyện của cử tri với Quốc hội, qua đó người dân cũng dễ giám sát và đánh giá được năng lực, đóng góp của đại biểu, để có căn cứ bỏ phiếu ở những kỳ bầu cử tiếp theo.


Ở kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV có rất nhiều người tự ứng cử và có những trường hợp được dư luận rộng rãi ủng hộ là ông Trần Đăng Tuấn – nguyên Phó Tổng giám đốc Đài truyền hình Việt Nam. Thế nhưng sau Hội nghị hiệp thương lần thứ ba của TP Hà Nội lại không có tên ông Tuấn trong danh sách bầu cử. Giáo sư có ý kiến gì về việc này?


GS.Nguyễn Minh Thuyết: Tôi rất ấn tượng về con số 95% người tự ứng cử ở Hà Nội bị loại, trong đó có ông Trần Đăng Tuấn.


Theo báo chí, giải thích lý do một số người ứng cử bị loại khi biểu quyết, bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Hà Nội cho rằng những người được đưa ra biểu quyết đều đủ tiêu chuẩn theo quy định, nhưng còn phụ thuộc vào cơ cấu nên phải “so bó đũa chọn cột cờ”.


Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội như ông Trần Đăng Tuấn, để “chọn đũa làm cột cờ” như vậy thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn.


Liên quan đến người tự ứng cử, vừa rồi có vị trong đoàn giám sát công tác bầu cử ở Hà Nội đã đưa thông tin, hầu hết báo chí đều đăng, là có tổ chức phản động đứng sau và cung cấp tiền cho một số người.


Tới nay, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng thư ký Quốc hội đã khẳng định không có chuyện đó, và ý kiến đó cũng không phải của Hội đồng Bầu cử Quốc gia, không phải của Tiểu ban An ninh - Quốc phòng, chỉ là “ý kiến cá nhân”. 


Thiết nghĩ, nếu đó chỉ là ý kiến trong một cuộc họp kín, mang tính chất báo cáo để kiểm tra, xác minh thì không có vấn đề gì. Nhưng khi đã đưa ra hội nghị công khai có cả sự tham dự của báo chí mà phát ngôn như thế thì rất thiếu trách nhiệm.


Vậy bây giờ không có chuyện tổ chức phản động đứng sau và cung cấp tiền cho một số người tự ứng cử thì xử lý trách nhiệm của người đã phát ra thông tin ấy như thế nào? Dân người ta tinh lắm, chứ không phải thích nói thế nào thì nói.


Trân trọng cảm ơn Giáo sư! 

Ngọc Quang (Thực hiện)
____________
.
Chọn bài giùm bạn:
Thích nhất là bác Thuyết đưa ra lời khuyên "Theo tôi, nên tổ chức bầu cử đại biểu quốc hội trước khi tổ chức Đại hội Đảng". Thực ra lâu rồi vẫn thế, tự dưng mấy ông đảng giở giói lộn ngược lại nên mới sinh chuyện.

Thi Dao Tien 

GS. Nguyễn Minh Thuyết: "Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội như ông Trần Đăng Tuấn, để “chọn đũa làm cột cờ” như vậy thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn".

Tôi muốn tiếp ý GS. Nguyễn Minh Thuyết: Ủy ban MTTQT có quyền gì mà đòi “chọn đũa làm cột cờ”? Tôi nghĩ MTTQ chỉ là nơi trung gian đứng ra giới thiệu, tạo điều kiện cho người ứng cử tham gia tranh cử, chứ MTTQ không có quyền chọn thay dân. Nếu thế dân còn bầu cái gì nữa?



6 nhận xét :

  1. Ông Nguyễn Minh Thuyết cũng là một trong số ít các vị ĐBQH được chúng tối Quí Trọng. Cám Ơn Ông cho tất cả những đóng góp đối với đất nước. Kính chúc ông và gia quyến dồi dào sức khỏe!

    Trả lờiXóa
  2. ...Bầu cử mà lấy cơ cấu làm trọng, đến mức loại những người có năng lực, có trách nhiệm với xã hội như ông Trần Đăng Tuấn, để “chọn đũa làm cột cờ” như vậy thì khó hy vọng đại biểu có chất lượng như cử tri mong muốn...Vậy bây giờ không có chuyện tổ chức phản động đứng sau và cung cấp tiền cho một số người tự ứng cử thì xử lý trách nhiệm của người đã phát ra thông tin ấy như thế nào? Dân người ta tinh lắm, chứ không phải thích nói thế nào thì nói.GS Thuyết đã nói rất trúng ý đại đa số cử tri, cứ cái kiểu đảng cử Dân bầu thì còn gì là ý Dân nữa. Nói đến bầu cử là đa số người Dân chán ngán không tha thiết thực hiện " QUYỀN CÔNG DÂN", nhiều khi một người cầm hàng chục thẻ cử tri có khi tổ bầu cử gợi ý gạch ai,để ai rất tùy tiện..

    Trả lờiXóa
  3. Mà cái Mặt trận gì đấy cũng đứng dưới đảng cs và được sự chỉ đạo thống nhất của đảng csvn vậy nên nó "dan chủ gấp van lần bon tư bản giẫy chết" là đúng rồi.

    Trả lờiXóa
  4. Đảng sợ người tài, đảng lo những người được dân tin yêu mến phục nên đảng cố tình gạt ra. Những tri thức tự ứng cử, vì họ không có đảng, vì nước ta chỉ độc đảng, chứ có 2, 3 đảng thì họ cũng sẽ tham gia một đảng nào đó để đảng của họ giới thiệu cho dân bầu. Những công dân tự ứng cử thật cô đơn, nhưng có tới hang trăm người tự ứng xử thì đó là một bước thử quan trọng. Có lẽ 20 - 30 năm nữa, các ông cố trung tướng trần Độ, cố phó thủ tướng Trần xuân Bác, cố bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch, ... sẽ được dân dung tượng.

    Trả lờiXóa
  5. Các ông các bà thắc mắc chi cho mệt , đã chấp nhận đảng cộng sản là người lãnh đạo duy nhất , giỏi nhất , tốt nhất , đạo đức nhất trên cái đời này v v thì cứ để họ làm gì thì làm . Tốt nhất cứ làm nô lệ đi là êm chuyện .

    Trả lờiXóa
  6. Tôi hỏi thật là tại sao bầu chủ tịch qh, chủ tịch nước ...thì giới thiệu 1 người và chọn 1người trúng cử ,còn bầu ĐBQH thì phải giới thiệu 4 đến 5 người chỉ chọn 3nguoif trúng cử.Hay là cái loài ĐBQH nàyquan trọng hơn cả chủ tịch QH của nó.

    Trả lờiXóa