Thứ Sáu, 29 tháng 4, 2016

CÁ CHẾT BIỂN MIỀN TRUNG, NHÂN DÂN CẦN CÓ KẾT LUẬN DỨT KHOÁT


‘Nhân dân cần có kết luận dứt khoát’

BBC tiếng Việt
29.04.2016


Ý kiến nói báo chí đang góp phần tìm ra sự thật trong vụ cá chết hàng loạt và dân muốn biết để phòng tránh chứ chưa phải để "bắt vạ".

Trả lời BBC qua email, ông Trung Bảo, phóng viên độc lập, từ Việt Nam đánh giá rằng việc Bộ Tài Nguyên Môi trường (TNMT) công bố lý do cá chết có thể "do con người hoặc thuỷ triều đỏ", xuất phát từ điều mà ông gọi là “sự thận trọng quá mức” hay thậm chí là “rụt rè” của Bộ này.

“Lý do thuỷ triều đỏ rất dễ kiểm chứng. Cái người dân trông đợi là nếu cá chết vì lý do con người thì cơ quan chức năng phải nói rõ lý do đó là gì, có độc với con người và môi trường ra sao. Công bố như vậy để người dân biết phòng tránh chứ chưa phải là để "bắt vạ" ai.

“Chuyện xử lý sau đó lại là câu chuyện khác của pháp luật. Với thông tin chậm và không rõ ràng như hiện nay thì người dân chỉ biết nghe theo nhiều trang mạng xã hội, mà không làm sao đảm bảo tính chính xác của các thông tin này,” ông Trung Bảo viết.

Trả lời câu hỏi về khả năng đang xảy ra cuộc "đối đầu thông tin" của các báo lớn với các báo địa phương, theo đó nhiều báo tại Hà Tĩnh, Nghệ An nói người dân đã ra khơi đánh bắt lại, nhà báo Trung Bảo cho rằng các tờ báo địa phương thường phải chịu sức ép đối với địa phương chủ quản.

Tuy nhiên ông cho rằng lý do đó không thể biện hộ cho việc đưa tin sai sự thật.

“Tôi nghĩ không có việc đối đầu giữ báo trung ương và báo địa phương mà chỉ có sự đối đầu giữa sự thật, trách nhiệm của người làm báo với cộng đồng và sự dối trá, nhắm mắt đưa tin theo chỉ đạo bất kể nó gây hại cho người dân.”


Trong khi đó Luật sư Nguyễn Duy Bình, Văn phòng luật sư Duy - Trinh, nói với BBC rằng nếu một ai gây ra nạn huỷ hoại môi trường, cắt đứt nguồn sống của dân thì dân sẽ ngửa tay đi xin chính phủ hoặc đi kiện vì đã có luật pháp bảo vệ.

“Tôi và các đồng nghiệp sẽ về quê hương để trấn an nhân dân mình và nếu có cơ sở sẽ khiếu kiện đúng quy định nên chính phủ đừng lo.

“Tôi nhận thấy cơ quan chức năng trả lời như vậy là chưa thoả đáng. Cá chết đã mấy tuần nay, hàng loạt cơ quan chuyên môn đã vào cuộc và chắc họ cũng đã lấy nhiều mẫu nước, mẩu cá để giám định.

“Tôi nghĩ rằng trong nước có những chất gì họ đã biết và có "những ý kiến xác đáng" như văn bản trả lời đã nêu, vậy vì sao chưa thể nhận định mà vẫn còn úp úp, mở mở như sòng bạc vùng biên vậy nhỉ?,” luật sư thuộc Đoàn luật sư Tp HCM nói.

Luật sư này nói thêm rằng trong những tuần qua báo chí có mất bình tĩnh, có kích động nổi loạn đâu mà họ phải khuyên răn vậy.

“Báo chí đang góp phần phản ánh hiện tượng và tìm ra sự thật; họ luôn đồng hành với cơ quan nhà nước để bảo vệ pháp luật, bảo vệ nhân dân cớ sao lại xem họ như lực lượng đối lập, kích động. Muốn khuyên thì hãy khuyên dân, không nên răn dạy báo chí,” Luật sư Nguyễn Duy Bình nói thêm.

Hiện trên mạng xã hội xuất hiện lời kêu gọi "Xuống đường vì môi trường" với cuộc tuần hành ít nhất tại ba thành phố là Hà Nội, Đà Nẵng và Tp HCM vào ngày Chủ nhật 1/5/2016.

Trong thông điệp đưa lên Facebook mà BBC đọc được, những người tự nhận là ban tổ chức kêu gọi những người tham gia xuống đường mang băng rôn, biểu ngữ, khẩu hiệu bám sát trọng tâm chủ đề chính là "Vì môi trường" để góp phần cho cuộc tuần hành diễn ra thành công.

Báo Tuổi Trẻ hôm 27/04 đưa tin có hơn 100 tấn nghêu đang mùa thu hoạch của hàng chục hộ dân ở xã Kỳ Hà, huyện Kỳ An, Hà Tĩnh chết trắng đồng chưa rõ nguyên nhân.

Báo Tiền Phong hôm 28/04 có bài “Vương quốc” chim đã chết đặt câu hỏi về khả năng hải âu tại "đảo Chim" (Cách Vũng Áng chừng 20 hải lí về phía đông nam) cũng ăn phải cá nhỏ chết nhiễm độc mà chết.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét