Lê Phú Khải
Giáo sư Lý Chánh trung vừa ra đi ở tuổi 89.
Tại Quốc hội 1976, giáo sư Lý Chánh Trung là Trưởng đoàn khối trí
thức của đoàn đại biểu Quốc hội Miền Nam tại Quốc hội thống nhất. Tôi
lúc đó là phóng viên Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam, phụ trách
công tác tuyên truyền trong giới trí thức. Tôi được “đích thân” ông Trần
Lâm Tổng giám đốc đài giao cho một nhiệm vụ khá “nặng nề” là làm một
cuộc “Toạ đàm thu thanh với các đại biểu trí thức Miền Nam tại Quốc
hội”.
Đất nước vừa thống nhất, ai cũng hồ hởi. Các đại biểu miền Nam được
“ưu tiên” ở khách sạn Thắng Lợi do Cuba xây, bên cạnh Hồ Tây Hà Nội. Nhà
tôi ở quá chợ Mơ, chạy cái xe mô-bi-lét tàng từ phía nam lên tận phía
bắc thành phố thật vất vả, nhưng cả ba buổi tối, tôi đều được giáo sư Lý
Chánh Trung trả lời từ trong khách sạn ra vọng gác bên ngoài cửa là…
còn bận viết tham luận cho đoàn trí thức miền Nam trước Quốc hội, không
còn thời gian tiếp khách.
Tôi lo lắng quá, sắp hết hạn nộp băng ghi âm toạ đàm rồi mà chưa gặp
được giáo sư Trung, trưởng đoàn, nói gì đến “cuộc toạ đàm”! Nhưng rồi
tôi đã nghĩ ra một “mẹo”. Lần thứ tư này, tôi nói qua máy điện thoại, …
thôi thì … xin rút lui cuộc phỏng vấn toạ đàm … Tôi chỉ xin gặp giáo sư
để “nhận xét” về các tác phẩm của giáo sư đã xuất bản ở Sài Gòn trước
đó.
Quả là một bất ngờ với giáo sư Trung. Vì, cái cậu phóng viên miền Bắc
trẻ măng này biết gì về các tác phẩm mà giáo sư đã viết ở … tận Sài
Gòn!?
Có lẽ giáo sư chẳng nỡ từ chối một bạn đọc bất ngờ và đặc biệt như
thế! Nên tôi được giáo sư mời vô. Ông còn hẹn tôi chỉ được nói trong 20
phút.
Tôi kể ra những tác phẩm mà tôi đã đọc của ông như: Tôn giáo và dân tộc, Tìm hiểu nước Mỹ, Bọt biển và sóng ngầm, Tìm hiểu về dân tộc… Đặc biệt là tôi “phân tích” kỹ tập Những ngày buồn nôn gồm
hơn 50 bài báo ông viết cho các báo trong lúc chờ máy bay đi lên Đà Lạt
dạy học. Tôi còn nói về cuộc tranh luận của giới tuyên huấn miền Bắc về
bài báo giáo sư Trung viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi người qua
đời năm 1969. Trong bài đó, giáo sư ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhưng
kết luận “giá như ông Hồ không phải là người cộng sản” thì tốt! Bài báo
đó cuối cùng đã được ông Trường Chinh kết luận, đại ý, người ta phải
viết như thế thì báo chí Sài Gòn mới đăng được chứ!Giáo sư Trung tỏ ra
rất bất ngờ về những gì tôi vừa nói.
Vừa lúc đó tôi coi đồng hồ, đã hết 20 phút, tôi xin phép giáo sư ra
về. Vị giáo sư đáng kính này giữ tôi lại… Và lúc đó, tôi nói thật với
giáo sư rằng, tôi muốn ông giúp tôi làm một cuộc toạ đàm thu thanh với
các đại biểu Quốc hội là trí thức Sài Gòn…Thế là giáo sư Trung đứng ngay
dậy, đi các phòng, kêu các anh Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Văn Nuôi, Nguyễn Long
(luật sư), chỉ thiếu bà Ngô Bá Thành, cho tôi toạ đàm…
Chẳng giấu gì bạn đọc, tôi công tác ở Ban miền Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam trước năm 1975 nên có được các sách báo như Đại Dân Tộc, Điện Tín, Chính Luận…
ở Sài Gòn, cũng như các tác phẩm của các trí thức nổi tiếng như giáo sư
Lý Chánh Trung, giáo sư Nguyễn Văn Trung… thời đó,do một đường dây đặc
biệt đưa ra để nghiên cứu (!).
Tôi không bao giờ quên được những nhận xét của giáo sư Trung về nước
Mỹ. Theo giáo sư Trung thì giữa Mỹ và châu Âu có một khoảng cách về văn
minh và phát triển, và cái khoảng cách ấy cứ ngày một doãng ra, và châu
Âu không bao giờ đuổi kịp Mỹ cả (!).
Các trí thức miền Nam lúc đó, hồ hởi lắm, tin tưởng lắm, đặc biệt là
giáo sư Trung, ông rất tin tưởng vào chủ nghĩa xã hội. Ông say sưa viết
tham luận, còn đọc đôi đoạn cho tôi nghe… Sau đó ít ngày, ông còn tâm
sự, xem duyệt binh ngày 2-9, thấy quân đội ta hùng mạnh, ông và các trí
thức miền Nam mừng lắm! Trong khi trí thức Hà Nội thì đã ngán ngẩm chủ
nghĩa xã hội lắm rồi! Chỉ vài ngày trước đó, tôi đến xin phỏng vấn giáo
sư Hồ Đắc Di, người Huế. Ông Di và ông Tôn Thất Tùng ở chung một nhà.
Ông Di ở gác trên. Giáo sư Hồ Đắc Di bảo tôi: Cậu cứ đặt câu hỏi, viết
sẵn ra giấy, rồi về nhà lại tự trả lời các câu hỏi, rồi đem máy ghi âm
đến đây, tôi đọc nguyên văn những gì cậu viết vào máy, rồi đem về nhà
Đài của cậu mà phát lên sóng‼!
Thấy giáo sư Di nói thế, tôi choáng váng!
Tôi buồn bã vô cùng, giá như giáo sư Hồ Đắc Di cứ mắng mỏ, quát tháo
tôi như ông Tôn Thất Tùng mà tôi từng đến làm việc… thì còn đỡ. Chứ nói
như giáo sư Di thì còn gì để nói‼! Tôi đem câu chuyện này than với một
đồng nghiệp lớn tuổi. Ông này nói: Đó là vì cậu chưa hiểu giáo sư Di đấy
thôi. Hồi mới tiếp quản thủ đô năm 1954, có người đến trường Đại học Y
Dược Hà Nội và nói với giáo sư Di, lúc đó là Hiệu trưởng: Tôi muốn được
gặp chính quyền nhà trường. Giáo sư Di đã trả lời: Chính là tôi, còn quyền là bà lớp 2, Bí thư Đảng uỷ ngồi ở phòng bên cạnh đây. Ông muốn gặp chính hay gặp quyền‼! Kể đến đây, ông bạn đồng nghiệp lớn tuổi của tôi cười phá lên.
Giáo sư Trung sau này có một lần phát biểu tại Quốc hội, đại ý, dạy
Triết học ở cấp đại học thì phải dạy tất cả các thứ triết học, không nên
chỉ dạy có Triết học Mác – Lênin thôi! Thế là có vị lãnh đạo cao cấp
phê phán gay gắt. Và, dĩ nhiên, ông thôi không là đại biểu Quốc hội khoá
sau nữa!
Những năm sau này, hễ có dịp là tôi lại đến thăm hỏi giáo sư Trung,
mặc dù có lúc ông không còn nhận ra tôi, “cậu phóng viên trẻ” năm xưa.
Gặp lại anh Huỳnh Tấn Mẫm sau 36 năm, trong cuộc biểu tình chống
Trung Quốc xâm lược biển đảo Việt Nam năm 2012 tại Nhà hát lớn thành
phố, chúng tôi vẫn nhận ra nhau và không quên ôn lại những gì về vị trí
thức đáng kính Lý Chánh Trung, một nhân cách lớn, một trí thức lớn của
dân tộc.
Sài Gòn, 3/2016
L.P.K.
___
.
Tác giả gửi cho thành viên CLB Lê Hiếu Đằng
Tôi cũng nhất trí như ý kiến của Gs Trung, dạy triết học là phải dạy đủ các thứ hạng, trường phái, không chỉ học một thứ như ta, còn các loại khác chỉ đem ra phê phán mà thôi. Rồi sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều người phải lần mò tự học rất vất vả. Bây giờ, may là có đại giáo sư Gúc-gồ dạy miễn phí cho tại gia.
Trả lờiXóaBuồn cho VNCH - Vừa đối phó với CS Bắc Việt ở mặt trận, ở Sài Gòn phải đối phó với Lý Chánh Trung, Huỳnh Tấn Mẩm, Lê Hiếu Đằng .... lợi dụng dân chủ VNCH tuyên truyền, xach động, đánh phá, biểu tình, lập toà báo...Bây giờ...He He..Hê..HỐI HẬN ! ĂN CƠM QUỐC GIA THỜ MA CS ! TỂU có ngon thì đừng xoá.
Trả lờiXóaMuốn biết rõ ông Lý Chánh Trung, hãy xem :"Hồi ký Võ Long Triều", bài Nhớ ông Lý Chánh Trung nói với người đã khuất của Trịnh Kim Thuấn trên trannhuong.com ....
Trả lờiXóaHai hình ảnh của giáo sư Di ở miền Bắc và giảng sư Trung ở
Trả lờiXóamiền Nam làm nổi bật cái thật và cái giả hay KHÍ PHÁCH của
nhà trí thức và SỰ CỰC ĐOAN của một người khoa bang !