Thứ Hai, 21 tháng 3, 2016

GS. Nguyễn Đăng Hưng: HỒ SƠ VỀ VỤ TÔI RA ỨNG CỬ HỤT QUỐC HỘI

Chân dung chính thức của tôi dùng cho việc ra ứng cử quốc hội

HỒ SƠ VỀ VỤ TÔI RA ỨNG CỬ HỤT QUỐC HỘI

Nguyễn Đăng Hưng
Blog Nguyễn Đăng Hưng 


LỜI DẪN

Một tuần sau thời hạn tự ứng cử đại biểu quốc hội chấm dứt, tôi quyết định công bố hồ sơ này. Tôi đã ngần ngại không muốn đăng tải quá sớm, tôi không muốn làm nãn lòng những công dân Việt Nam, ý thức được quyền công dân của mình và sẳn lòng dấng thân cho việc nước. Trong thâm tâm, tôi rất ủng hộ phong trào tự ứng cử vì tôi cho rằng đây là một cuộc tập dợt thực thi dân chủ của xã hội dân sự, qui mô càng lớn thì càng tốt cho nền dân chủ Việt Nam, cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Nay danh sách chính thức của các thành viên ứng cử quốc hội đã được công bố, tôi thấy đây là thời đểm hợp lý nhất cho việc đăng tải hồ sơ này.

Phải chăng đây là một kinh nghiệm ít có, lần đầu tiên năm 2007 một Việt Kiều mới hồi hương quyết đi tự ứng cũ quốc hội.

Tôi mong hồ sơ này sẽ cung cấp thông tin hữu ích cho bạn đọc, nhất là các thành vị mới tự ứng cử Quốc hội khóa XIV, 2016.

Hồ sơ hôi dài, xin đúc kết ở đây cảm nghỉ chính về tính dân chủ trong tổ chức bầu cử quốc hội Việt Nam cho đến năm 2016 vẫn giữ y như cũ: 

“Đợt bầu cử quốc hội khóa XII năm 2007 tôi đã tham gia lần đầu tiên như trên đã nói với tư cách một ứng viên, nhưng cũng với tư cách là một cử tri. Tháng 5/2007 đi bầu cử tại quận 3 TP. HCM, điều làm tôi rất đỗi nhạc nhiên là tại trạm bầu cử, ban kiểm soát không hề đòi tôi xuất trình chứng minh nhân dân (CMNN). Tôi chỉ cần xuất trình thẻ cử tri được gởi đến địa chỉ hộ khẩu của tôi, (tôi gắn bó với gia đình một người học trò cho tôi tá túc hộ khẩu). Tôi ngạc nhiên vì tại Việt Nam, ai cũng biết việc xuất trình giấy này là bắt buộc trong bất cứ tình huống nào, trong bất cứ giao dịch dân sự nào. Thế mà trong tình huống trọng đại nhất: chọn lựa người đại biểu trong cơ quan quyền lực tối cao là quốc hội, người ta lại không đòi hỏi cái giấy ấy. Tại Bỉ, ngược lại, trong giao dịch dân sự, việc xuất trình thẻ căn cước (carte d’identité, tương đương với CMNN) là rất hiếm hoi. Nhưng ngày bầu quốc hội (tôi đã đi bầu cho đến nay trên mười lần), việc này là điều tiên quyết. Tại Bỉ, tên và hình trên thẻ căn cước phải trùng hợp với trên thẻ cử tri nếu không, công dân không được bước vào phòng bỏ phiếu. Ngoài ra tôi cũng thấy tại quận 3, TP HCM, ngày bầu cử, nhiều người mang một chồng thẻ cử tri đi bầu giùm cho thân nhân vắng mặt. Việc này không nhỏ. Nó nói lên tính thiếu nghiêm túc trong việc tổ chức bầu cử và ảnh hưởng của sự lơ đễnh khó hiểu này là kết quả bầu cử sẽ có thể rất tùy tiện.

Hội nghị hiệp thương 3 để chốt lại danh sách bầu cử thực chất là một sự can thiệp tùy tiện khác, vi phạm quyền tự do ứng cử của công dân mà hiến pháp đã thừa nhận.

Ngay chữ hiệp thương cũng thiếu chính xác vì đây không phải là sự bàn bạc giữa các đối tác để đi đến thỏa thuận mà là một quyết định đơn phương và đối tượng chính, người tự ra ứng cử, không hề được tham khảo ý kiến, thực thi quyền được bảo vệ hồ sơ cá nhân. Ngày nào còn tồn tại kiểu hiệp thương này thì ngày ấy câu nói thường được nghe từ dư luận “đảng cử dân bầu” còn thể hiện phần lớn sự thật.

Việc phân bổ ứng viên về các địa bàn điện phương lại là một biện pháp tùy tiện khác. Quyền ra ứng cử của công dân cần gắn liền với quyền tự do chọn lựa địa bàn ra ứng cử.

Việc tổ dân phố bình chọn một người có được ứng cử hay không cũng là một biện pháp đi ngược lại với quyền tự do ứng cử của công dân. Ông Nguyễn Xuân Huy một cử tri năm 2007 có lý khi cho rằng “tổ dân phố không phải là một đơn vị hành chính, chỉ là một tổ chức nhân dân, thử hỏi lấy quyền gì mà cho hay không cho một người ứng cử?”. Tại Bỉ, luật bầu cử cũng có những biện pháp ngăn ngừa những ứng viên quậy phá nhiễu nhương, nhưng họ làm cách khác. Ứng viên phải có danh sách chữ ký ủng hộ hoặc của ít nhất 200 công dân lương thiện, hoặc của ít nhất ba dân biểu quốc hội khóa cũ”. 

Phần1. 
TÔI RA ỨNG CỬ HỤT ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA XII NHƯ THẾ NÀO ? 

Phải nói là phản ứng của trên 800 đại biểu và của các phóng viên nhà báo tại đại hội Mặt Trận Tổ Quốc lần thứ VI tháng 9/2004 đã để lại cho tôi một kỷ niệm ngọt ngào khó quên. Tuy tôi không quan tâm đến quyền lực, tuy là nhà giáo, nhà khoa học thuần túy, không được chuẩn bị cho những hoạt động chính trị, những dư chấn, những phản ứng sau đó sẽ là nguồn cảm hứng, là động cơ tinh thần cho quyết định ra ứng cử quốc hội của tôi gần ba năm sau, tháng 3/2007.

Thắm thoát đã gần năm năm qua. Cũng những giờ phút này, ngày thứ sáu cuối cùng của đợt đăng ký ứng cử quốc hội (16/3/2007), tôi đã là người rất bận rộn. Tôi mới vừa từ Sài Gòn ra Hà Nội ngồi vào ghế Chủ nhiệm Hội đồng giám khảo buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ lớp Cao học Bỉ&Việt tại ĐH Bách khoa Hà Nội mà tôi là người điều phối và tổ chức.

Tôi liên tục nhận được những cú điện thoại từ Sài Gòn, khi thì từ ban Việt kiều thành phố, khi thì từ sở nội vụ, khi thì của bạn bè đang cư ngụ tại đây. Chung qui, những cú điện thoại đều khuyến khích, hối thúc tôi hoàn thành và ký tên vào hồ sơ đăng ký để nhanh chóng gởi về Sài Gòn. Tôi đã nhắc đến việc này trong bài tôi đề cập đến chuyến đi thỉnh giảng đại học tại Tunis, thủ đô xứ Tunisie. 

Không hiểu vì sao ai cũng biết tôi đang giữ trong tay một bộ hồ sơ đăng ký ứng cử quốc hội mới nhận được từ sở nội vụ TP Hồ Chí Minh hôm qua, trước khi lên máy bay ra Hà Nội. Trong bài “Phỏng vấn GS.TS Nguyễn Đăng Hưng về việc ứng cử quốc hội” do báo Vietnamnet (Người Viễn Xứ) thực hiện và đăng tải ngày 23/4/2007, xuất bản lại dưới đây, tôi đã đề cập đến những diễn tiến trước ngày tôi đăng ký ra ứng cử. Không có sự ủng hộ của đông đảo Việt kiều cư ngụ tại Sài Gòn, sự khích lệ đặc biệt của ban Việt kiều thành phố, nhất là sự ưu ái của sở nội vụ ủy ban nhân dân TP HCM thì sẽ không có quyết định ra ứng cử của tôi, nhất là tôi không thể hoàn tất thủ tục đăng ký. Trên thực tế mọi việc đã quá trễ. Tuy nhiên họ bảo, tôi chỉ cần gởi hồ sơ qua đường fax về Sài Gòn là tên tôi có trong danh sách các ứng viên chính thức.
.
Hình trang nhất của báo Tuổi Trè ngày tôi đến tham khảo hồ sơ ứng cử.

Ngày hôm sau thứ bảy sáng thức dậy đọc báo Tuổi Trẻ tôi đã thấy hình tôi khổ lớn chụp tại sở nội vụ thành phố trong bài “Tìm những đại biểu sáng giá dại diện cho nhân dân”. Từ chỗ đứng của một nhà giáo đại học, một nhà khoa học, tôi đã tự dưng bước ra sân khấu chính trị với ánh đèn chiếu sáng từ nhiều phía! Vào văn phòng chương trình MCMC tại trường Bách khoa Hà Nội chưa kịp ngồi vào ghế là có điện thoại báo Tiền Phong tìm cách liên lạc để phóng vấn tôi, người Việt kiều đầu tiên và duy nhất ra ứng cử quốc hội. Thứ hai 19/3 tôi về Sài Gòn, ra ủy ban nhân dân quận 3, nơi tôi có hộ khẩu, trực tiếp đặt chữ ký để hoàn thành và chính thức hóa bộ hồ sơ ra ứng cử. 

Nhưng việc có tên trong danh sách ra ứng cử với việc có tên trên danh sách chính thức được chính quyền chấp nhận là một chuyện khác gay go hơn nhiều. Tôi bị đặt trước những thử thách hoàn toàn mới đối với tôi, luật ứng cử quốc hội tại Việt Nam nó thế, rất phức tạp.

Trước hết tôi phải được cơ sở công tác tín nhiệm. Trường Đại học Bách khoa ư? Không được, vì tôi chỉ là giáo sư thỉnh giảng, không có biên chế. Cũng may tôi có thành lập một công ty công nghệ thông tin về thiết kế cơ khí mà tôi là giám đốc. Công ty đang có 30 nhân viên mà theo luật chỉ cần 20 người là hợp lệ. Tôi đã phải tổ một buổi bỏ phiếu tín nhiệm có mặt đại diện của Mặt Trận Tổ Quốc thành phố (MTTQ TP) tại doanh nghiệp tư nhân Hưng Việt. Mọi đã xảy ra êm thắm.

Hội nghị cử tri do công ty Hưng Việt tổ chức có đại diện của 
Mặt Trận TỔ Quốc TP HCM chính thức tham dự.

Căng nhất và đáng ngại nhất là phải đạt được sự tín nhiệm tại tổ dân phố. Tôi mới hồi hương cư trú tại Quận 9 TP HCM chỉ có một năm nay, chưa có dịp giao lưu quen biết với ai cả, trừ người trồng cây cảnh sân vườn nhà tôi. Nhà tôi mới xây lại chơi vơi tọa lạc trong khuôn viên dành cho các giảng viên trường đại học Bách khoa TP HCM, chỉ có hai nhà mới xây trong số hàng trăm thửa đất còn hoang vắng. Tôi thử điện thoại cho người làm vườn cây cảnh mới quen và nhờ người này giúp đỡ. Rất may là ông ta rất nhiệt tình, ủng hộ tôi hết mình và hứa sẽ vận động giúp tôi. Tôi cũng chưa tự tin lắm vì sự can thiệp đơn độc này không có gì là vững chắc. 

Nhưng cuối cùng tôi rất ngạc nhiên là trong buổi họp cử tri tổ dân phố, có đông đảo các cựu học trò chương trình EMMC tham dự (mà không có quyền biểu quyết), các đại diện nhân dân địa phương, các nhân sỹ hưu trí, các cán bộ lão thành có lẽ đã biết đến tôi qua tôi đâu đó, đã nhất tề phát biểu theo hướng tích cực… Và kết quả rất bất ngờ: tôi được ủng hộ 100% và ngay ngày hôm sau tin này được chính thức xác định trên báo Sài Gòn Giải Phóng.

Tôi cũng không ngờ việc ra ứng cử quốc hội của tôi đã có một tiếng vang tích cực và rộng rãi trong giới trí thức Việt kiều. Tôi nhận đươc hàng trăm thư điện tử của Việt kiều khắp nơi trên thế giới ủng hộ và khích lệ tôi. Có người (mà tôi vội vàng can ngăn) tuyên bố sẵn sàng gửi tài chính về giúp tôi trong chiến dịch tranh cử. Cũng có người, nhưng rất ít thôi, bảo tôi không nên trở thành ông nghị gật.

Tôi bắt đầu thấy hãi! Nhỡ tôi được vào danh sách chính thức sau ngày hiệp thương đợt ba và sau đó được đắt cử thì việc gì sẽ xảy ra? Tôi không thể là nghị gật và chỉ là cá nhân nhỏ bé, một đại biểu riêng rẽ, tiếng nói của tôi sẽ không có ảnh hưởng gì cho việc đổi mới cơ chế và pháp luật. Và là người đã gần tuổi 70, tình trạng trên sẽ không tốt cho sức khỏe cá nhân. Tôi quyết định thảo một chương trình hành động và liên lạc ngay với một nhà báo thân quen để thực hiện một cuộc phỏng vấn và nhân tiện công bố chương trình này. Có lẽ tôi là ứng viên duy nhất công bố chương trình hành động trước ngày danh sách ứng cử được chấp nhận. Tôi tự bảo nếu đảng cộng sản Việt Nam thấy chương trình này không có gì là nguy hiểm, khi đắt cử tôi sẽ hết mình vận động thực hiện những điều đã hứa trước với cử tri mà không phật lòng ai. Còn nếu họ thấy không hay, họ không ủng hộ, điều tôi phải chờ đợi là tên tôi sẽ không có trong danh sách cuối cùng…

Sau khi bài phỏng vấn (xem phần 2) đuợc đăng tải ngày hôm sau trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ, tôi như trút được niềm lo âu, ung dung lên đường trở qua Bỉ, gặp lại vợ con trong dịp 15 ngày nghĩ lễ Phục sinh tại Châu Âu. Tôi dự tính qua tháng 5 sẽ trở lại Việt Nam cho kịp ngày bầu cử 20/5/2007. Nhân tiện ở Châu Âu, tôi cùng gia đình sang Bắc Phi, thực hiện chuyến đi thỉnh giảng tại Đại học kỹ thuật Tunis (Tunisie), một dự tính đã hai năm nay còn bỏ dở. Tôi dùng giờ rỗi của thời gian này để soạn thảo chương trình hành động mà tôi sẽ công khai trước công luận sau hội nghị hiệp thương III. Tôi xin công bố dưới đây tài liệu này, một tài liệu chưa bao giờ được đăng tải chính thức mà lý do nay ai cũng biết.

Khoảng trung tuần tháng tư đúng vào một ngày thứ bảy, trở về Bỉ, vào Internet gởi bài bút ký về Tunisie đăng trên Vietnamnet-Người Viễn Xứ thì cùng một lúc trên Thanh niên online, tôi đọc được tin: GS Nguyễn Đăng Hưng không có tên trên danh sách các ứng viên chính thức sau quyết định của Mặt Trận Tổ Quốc, lần hiệp thương đợt ba. Tin này cho biết thêm, theo lời bà Võ Thị Dung -Phó Chủ tịch Mặt Trận Tổ Quốc thành phố, đại diện ban tổ chức bầu cử tại TP HCM trả lời cho phóng viên, lý do là vì tôi là Việt kiều có hai quốc tịch.

Tôi bỏ ra nguyên ngày chủ nhật tham khảo “luật bầu cử quốc hội”, “hiến pháp Cộng hòa xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” rồi quyết định viết ngay một đơn khiếu nại (đăng lại dưới đây trong phần phụ lục) gởi về các cơ quan chức năng thành phố và trung ương qua Internet. Tôi còn nhờ bạn bè ở Sài Gòn và Hà Nội in ra rồi đem giao đơn này cho các cơ quan chúc năng liên quan đến việc tổ chức bầu cử.

Tôi lại nhận được hàng trăm thư điện tử của bạn bè thất vọng trước việc hồ sơ ứng cử của tôi bị khước từ vào giờ phút cuối cùng, một quyết định khó hiểu. Một giáo sư Việt kiều tại Úc cho tôi hay nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt trong một bài phỏng vấn đặc biệt dành cho đài BBC đã “hoan nghênh việc người Việt ở nước ngoài có hai quốc tịch và được tham gia ứng cử ở Việt Nam”. 

Ngày thứ ba tuần sau về Việt Nam tôi mới được thư trả lời chính thức của sở nội vụ thành phố, một bức thư sẽ được đăng tải sau đây.

Cho đến hôm nay, tôi vẫn chưa tiêu hóa được nội dung.

Tôi sẽ đề cập đến những dư hương sau ngày tôi ra ứng cử hụt trong phần 5 của hồ sơ này. Ở đây tôi cũng sẽ có những bình phẩm đã sâu lắng, những đúc kết đã cô đọng của hôm nay, năm năm sau sự kiện một Việt kiều ra ứng cử quốc hội Việt Nam khóa XII. 

Sài Gòn ngày 18/3/2011 

Phần 2
PHỎNG VẤN GS.TSKH NGUYỄN ĐĂNG HƯNG VỀ VIỆC ỨNG CỬ QUỐC HỘI
(Phóng viên Trường Kiên, báo Vietnamnet-Người viễn xứ) 

PV: Vì sao GS quyết định ra ứng cử ĐBQH vào “giờ chót”?  

GS Nguyễn Đăng Hưng: Thú thật, tôi đã nghĩ đến việc ra ứng cử ĐBQH từ nhiều tháng nay, từ ngày biết tin sẽ có khóa Quốc Hội mới XII trong năm 2007. Đã từ lâu, tôi không ngừng trăn trở về công cuộc phát triền đất nước, về trách nhiệm của người trí thức trong đại cục công nghệ hóa và hiện đại hóa nước ta. Nhưng sau đó, nhất là sau buổi hiệp thương lần thứ nhất giữa Thường vụ Quốc Hội và Mặt Trận Tổ Quốc tôi thấy hành lang dành cho các ứng viên độc lập như tôi quá chật hẹp nên tôi đành gác sang một bên ý tưởng này. Tuy nhiên, không hiểu tại sao những ngày tháng gần đây, bạn bè trong và ngoài nước, các cựu sinh viên các chương trình cao học do tôi đề xướng và điều động từ nhiều năm nay liên tục tìm gặp tôi, cổ vũ tôi bằng những lý lẽ khá thuyết phục. Tôi thử điện thoại về Bỉ hỏi ý kiến của vợ tôi. Tôi cũng rất ngạc nhiên là cô ấy cũng ủng hộ ngay với những lý do rất xác đáng. Duy có con gái lớn của tôi, một bác sỹ chuyên khoa đã lập gia đình lại khuyên tôi nên suy nghĩ thêm vì cậu em trai còn nhỏ tuổi, cần sự có mặt thường xuyên của người cha bên cạnh. Lời góp ý thân thương này làm tôi xúc động, tôi tiếp tục không có động tác gì đặc biệt và tôi vẫn theo lịch làm việc khá dày đặc của bản thân. Chiều hôm ấy lúc 19 giờ, ngày 13/3/2007 tôi sẽ phải bay ra Hà Nội ngồi vào ghế Chủ nhiệm Hội đồng giám khảo buổi bảo vệ luận văn thạc sỹ Cao học Bỉ&Việt tại ĐH Bách khoa Hà Nội.

Cũng ngày hôm ấy, nghĩa là một ngày trước kỳ hạn chót, có một buổi họp tại Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài tại TP HCM về bầu cử đại biểu QH khóa XII bắt đầu lúc 14 giờ. Chính buổi họp này đã hâm nóng lại trong tôi, nguyện vọng ra ứng cử. Buổi họp đã toát lên một sự đồng thuận mạnh mẽ và rộng rãi của các giới kiều bào, các nhân sỹ trí thức về cá nhân tôi trong việc ra ứng cử. Tôi cũng đáp ứng được những điều kiện hành chính hiện hành cần thiết cho một người tự ứng cử..

Sau buổi họp, hồi 16 giờ tôi tò mò lên sở Nội vụ TP. HCM, xin một bộ hồ sơ dành cho ứng viên.

Trên máy bay ra Hà Nội tôi miên man nghĩ đến những bước đi sắp đến. Quyết định vào giờ chót, khả năng hoàn tất hồ sơ không cao. Tuy nhiên, có một điều rất dứt khoát ở tôi : nếu được tôi sẽ đặt vai trò ứng viên của mình dưới một tiền đề rõ nét: đi tìm đồng thuận để hòa nhập và phát triển bền vững, đồng thuận giữa quá khứ và hôm nay đề hướng đến tương lai, đây chính là việc đổi mới và kiện toàn nền giáo dục quốc dân, đồng thuận giữa người Việt trong và ngoài nước để thực hiện đoàn kết dân tộc, đây chính là việc thúc đẩy, cụ thể hóa bằng luật nghị quyết 36 về người Việt Nam định cư ở nước ngoài… 

PV: Trước khi quyết định ra ứng cử, điều gì làm GS trăn trở nhiều nhất để đi đến quyết định này? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Gần 18 năm gần đây, có điều kiện liên tục về Việt Nam và lắm khi tạm trú dài hạn, có dịp theo dõi thường xuyên các phương tiện truyền thông đại chúng trong nước tôi chú ý là sinh hoạt tại Quốc hội đã có nhiều diễn biến tích cực, nhiều nét mới theo hướng phát huy dân chủ, công khai tranh luận, nâng cao vị trí của Quốc hội. Tuy nhiên, tôi không khỏi không trăn trở ở chỗ là “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước”, Quốc Hội, vẫn chưa thể hiện đúng mức vai trò của mình trong các hoạt động lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước mà hiến pháp giao phó.

Tôi hy vọng lần này trong khung cảnh một nước Việt Nam đang phấn đấu để kiện toàn thiết chế đại diện của mình, đang chủ động tiếp tục phát huy dân chủ để hòa nhập vào cộng đồng thế giới, sẽ có chỗ đứng cho những cá nhân độc lập như tôi, sẽ có điểm tựa cho những góc nhìn mới về công cuộc phát triển đất nước.

Một việc cụ thể nữa làm tôi rất bức xúc và sau gần 32 năm hòa bình ta vẫn chưa có qui chế cho người Việt định cư ở nước ngoài tham gia bầu cử QH. Tết vừa rồi trong một buổi họp mặt với các Việt kiều hiện diện tại TP HCM ngài Vũ Mảo, Trưởng ban đối ngoại QH cũng có nói rất tiếc là việc này còn phải chờ đợi cho khóa sau. Mà khóa sau là 5 năm chờ đợi nữa. Tôi e rằng nếu không có gì thúc đẩy, 5 năm nữa chưa chắc có gì cụ thể.

Ngoài ra, theo thiển ý của tôi, khi người Việt định cư ở nước ngoài chưa được quyền tham gia bầu cử QH thì việc có mặt đại diện Việt kiều trong QH là chưa có thể đặt ra. Người đại diện chân chính phải là người được Việt kiều chọn lựa bầu ra. Phần tôi, tôi chỉ là một Việt kiều thực hiện xong thủ tục hồi hương từ năm 2004 và hiện nay vì công việc và gia đình vẫn phải thường xuyên trở sang Bỉ. 

PV: Nếu trúng cử, trong chương trình công tác của mình, ông sẽ ưu tiên vấn đề giáo dục? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đúng vậy, vì đây là sở trường của tôi một người Việt Nam đã có 40 năm kinh nghiệm giảng dạy tại một trường ĐH Châu Âu, 18 năm lăn lộn tại Việt Nam qua các chương trình du học tại chỗ, các lớp Cao học đẳng cấp quốc tế. Những trăn trở của tôi về công cuộc GDĐT tại Việt Nam đã được tôi gởi gấm liên tục từ nhiều năm, qua những bài báo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi hy vọng khi trở thành đại biểu QH tôi sẽ tiếp tục con đường đã chọn lựa, ở một vị thế cao hơn, thẳng thắn và chân tình vì tương lai của mái nhà Việt Nam, không vướng bận mà khách quan vô tư, không những nói không với tiêu cực mà nói có với tích cực, với hiện đại, với đẳng cấp. 

PV: Ông thử hình dung nếu trúng cử ĐBQH những vấn đề mà bấy lâu ông trăn trở sẽ có kết quả như thế nào? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tôi không dám hình dung. Nhưng tôi có lòng tin sắt đá ở hướng đi lên của tương lai đất nước! Tôi tự bảo lòng hãy trang bị cho mình lòng quyết tâm và ý chí kiên trì. Tôi tự mách bảo mình hãy làm những gì lương tâm mình cho phép. 

PV: GS nghĩ mình có những lợi thế gì khi ra ứng cử và lợi thế gì khi trở thành ĐBQH? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Nếu trúng cử tôi chỉ là một đại biểu trong 500 đại biểu. Lợi thế ư? Có lẽ đấy là vị thế độc lập của riêng cá nhân tôi. Tính cách vô tư của một người Việt đã thành đạt tại xứ lạ quê người bằng cái nghề rất đặc biệt là nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo đại học. Tại Việt Nam đã 18 năm nay, tôi chỉ có cống hiến và không hề đòi hỏi quyền lợi nào cho bản thân! 

PV: Là một trí thức VK, GS đánh gía như thế nào về chất lượng bầu cử ở nước ta? Bầu cử ở nước ta có gì “đặc biệt” so với các quốc gia khác?Theo GS, phẩm chất nào là quan trọng nhất của một ĐBQH? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Về việc đánh giá chất lượng bầu cử ở nước ta, tôi xin trả lời sau, vào một dịp khác. Tôi đang tập tành học hỏi kinh nghiệm.

Theo tôi một đại biểu quốc hội phải hội tụ nhiều phẩm chất cùng một lúc. Thật vậy, người ĐBQH là người đại diện của dân tại “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước”! Phẩm chất cần thiết trước tiên phải là người gần gũi với thành phần mình đại diện, quy tải và phản ảnh được tâm tư nguyện vọng chân chính của người dân, của cuộc sống. Sau đó, phải là người có trình độ nhận thức tầm cỡ, có dũng khí dám nói dám làm, có đạo đức chí công vô tư, có khả năng phát biểu và tranh luận tại nghị trường để chân lý có cơ hội được phát huy, sự thật có cơ may được bảo vệ. 

PV: Trong thời hội nhập, nếu có ba yêu cầu trong công tác bầu cử, ông yêu cầu điều gì? 

GS Nguyễn Đăng Hưng:  Minh bạch, dân chủ, hợp hiến. 

PV: GS tin mình sẽ trúng cử bao nhiêu phần trăm? 

GS Nguyễn Đăng Hưng:  Nay mọi việc đâu đã vào đấy. Tại TP Hồ Chí Minh có 101 người tự ứng cử thì hồ sơ của tôi có con số cuối cùng.

Việc ra ứng cử chỉ là một trong những động tác mà tôi đang thực hiện tại Việt Nam: Trở về quê hương hòa mình vào bước đi chung của dân tộc trong xu thế hòa nhập, phát triển. Tôi đã xây được một căn nhà và thành lập được một công ty công nghệ cao đang cất cánh rất tốt. Với khả năng khiêm tốn, tôi cũng đang ra sức hỗ trợ các đại học công lập và tư thục nâng cao chất lượng giảng dạy và đào tạo.

Không ai ra ứng cử mà không có niềm tin sẽ thắng cử. Tại Việt Nam muốn thắng cử phải đạt ít nhất 50% phiếu. Tôi mong mỏi sẽ đạt được ít nhất chỉ tiêu ấy.

TP Hồ Chí Minh ngày 20/3/2007.

*****

Phần 3
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA GS.TSKH NGUYỄN ĐĂNG HƯNG, 

NGƯỜI TỰ RA ỨNG CỬ QUỐC HỘI 

Đi tìm đồng thuận để hòa nhập và phát triển bền vững 

Như đã bày tỏ gần đây trong lời bộc bạch tại sao tôi ra ứng cử QH đã được đăng tải, nếu được tôi sẽ đặt vai trò ứng viên của mình dưới một tiền đề rõ nét:

Đi tìm đồng thuận để hòa nhập và phát triển bền vững, đồng thuận giữa quá khứ và hôm nay đề hướng đến tương lai, đồng thuận giữa người Việt trong và ngoài nước để thực hiện đoàn kết dân tộc. Chương trình hành động của tôi sẽ xoáy chung quanh tiền đề này. 

1. Với tư cách là một nhà khoa học, một cựu giáo sư đại học, tôi sẽ ưu tiên cho vấn đề giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, vì đây là sở trường của tôi một người Việt Nam đã có 40 năm kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và giảng dạy tại một trường ĐH Châu Âu, 18 năm lăng lộn tại Việt Nam qua các chương trình du học tại chỗ, các lớp Cao học đẳng cấp quốc tế do chính tôi đề xướng và điều hành. Những trăn trở của tôi về công cuộc đổi mới GDĐT tại Việt Nam đã được tôi gửi gấm liên tục từ nhiều năm, qua những bài báo được đăng tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Tôi hy vọng khi trở thành đại biểu QH tôi sẽ tiếp tục con đường đã chọn lựa, ở một vị thế cao hơn, thẳng thắn và chân tình vì tương lai của mái nhà Việt Nam, không vướng bận mà khách quan vô tư, không những nói không với tiêu cực mà nói có với tích cực, với hiện đại, với đẳng cấp. Đặc biệt tôi sẽ quan tâm giám sát những điểm mà bộ GD&ĐT đã đề cập trong năm 2006. 

Trao quyền tự chủ mạnh mẽ cho các trường. 

Nâng cao chất lượng đào tạo thầy đặc biệt cấp thạc sỹ và tiến sĩ bằng cách quốc tế hóa các hội đồng thẩm định.

Kết hợp nhuần nhuyễn giữa nghiên cứu khoa học và giáo dục đại học.

Trở về với tinh thần truyền thống nhất nghệ tinh nhất thân vinh. Khuyến khích xây dựng trường chuyên nghề cấp trung học, các trường cao đẳng, các trường kỹ thuật công nghệ với thời gian đào tạo ngắn hạn.

Thúc đẩy việc nâng cao chất lượng các Đại học trọng điểm tại Việt Nam đồng thời nhanh chóng xây dựng trường Đại học đẳng cấp theo tiêu chuẩn quốc tế tại Việt Nam.

Quan tâm phát triển giáo dục ở khu vực vùng đồng bào dân tộc, các vùng khó khăn, các gia đình nghèo, các đối tượng chịu thiệt thòi lâu nay.

Giảm thiểu hay chấm dứt tình trạng nhồi nhét, thầy đọc trò chép. 

2. Với tư cách là một Việt kiều mới hồi hương thấu hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào đang định cư ở nước ngoài, tôi sẽ trong điều kiện cho phép thúc đẩy và giám sát tiến trình cụ thể hóa bằng luật nghị quyết 36/BCT về người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tạo điều kiện để chất xám VK chảy về VN có hiệu quả hơn. 

3. Với tư cách một công dân Việt Nam, đặc biệt tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XII nếu trúng cử tôi sẽ tham gia giám sát chuyên đề về việc chấp hành pháp luật về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đền bù, giải phóng mặt bằng và giải quyết việc làm cho người dân có đất bị thu hồi. Ngoài ra tôi cũng sẽ lưu ý đến những biện pháp bảo vệ môi trường điều kiện của phát triển bền vững.

Với tư cách là giám đốc của một doanh nghiệp non trẻ đang tìm cơ hội cất cánh, tôi sẽ quan tâm đến việc hoàn thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam, thực hiện sự bình đẳng cần thiết giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước. Với tư cách là một kỷ sư được đào tạo tại một nuớc có nên công nghiệp phát triển, tôi cũng sẽ đặc biệt quan tâm đến việc kết hợp nghiên cứu khoa học, việc chuyển giao công nghệ hiện đại để nâng cao chất lượng hàng hoá sản xuất tại Việt Nam, điều kiện của thặng dư kinh tế cao. 

Đâu là chỗ đứng của riêng tôi? 

Nếu trúng cử tôi chỉ là một đại biểu trong 500 đại biểu. Có lẽ chỗ đứng đặc biệt của tôi chính là vị thế độc lập của riêng cá nhân tôi. Tính cách vô tư của một người Việt đã thành đạt tại xứ lạ quê người bằng cái nghề rất đặc biệt là nhà nghiên cứu khoa học, nhà giáo đại học. Tại Việt Nam đã 18 năm nay, tôi chỉ có cống hiến không mệt mỏi và không hề đòi hỏi quyền lợi nào cho bản thân! Tại Quốc Hội tôi mong sẽ đảm nhận nhiệm vụ mới, nhiệm vụ của người đại biểu Quốc Hội với một tinh thần đã thể hiện như thế qua tháng năm.

 Tôi vốn là một học sinh nghèo trường Pétrus Ký, (nay là Lê Hồng Phong), mồ côi mẹ từ thuở ấu thơ (mẹ tôi đã cống hiến đời mình trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp), ba tôi ở vậy nuôi con ăn học. Được bổng đi du học, phấn đấu vươn lên thành tài tại Bỉ, tôi không bao giờ quên gốc gác của mình và luôn hướng về đất nước thân yêu: 

Những ngày đất nước bão giông
Ra đi cánh cánh trong lòng trời mây… 
(Trích bài thơ “Hoài hương”, Bỉ quốc, 1973)

Tôi đã về thăm lại đất nước rất sớm, từ năm 1976, Tết đầu tiên sau ngày thống nhất. Thành đạt là nhà khoa học, là giáo sư thực thụ tại một trường Đại học tăm tiếng ở Bỉ, tôi luôn luôn coi sự gắn bó với quê hương xứ sở là một số phận cho dù bao nhiêu thăng trầm lịch sử hiện đại của đất nước.

Việc tôi ra ứng cử Quốc Hội chỉ là bước phát triển tự nhiên của một lộ trình định sẵn: làm gì đóng góp phần mình để đưa đất nước tiến lên, để Việt Nam giành lại vị trí xứng đáng của mình tại Đông Nam Á và trên trường quốc tế.

Tôi có lòng tin ở hướng đi lên của tương lai đất nước! Tôi tự bảo lòng hãy trang bị cho mình lòng quyết tâm và ý chí kiên trì. Tôi chỉ sẽ làm những gì lương tâm mình cho phép. 

Đâu là những phẩm chất cần thiết cho một ĐBQH ? 

Theo thiển ý của tôi một đại biểu quốc hội phải hội tụ nhiều phẩm chất cùng một lúc. Thật vậy, người ĐBQH là người đại diện của dân tại “cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất của nước”! Phẩm chất cần thiết trước tiên phải là người gần gũi với thành phần mình đại diện, quy tải và phản ảnh được tâm tư nguyện vọng chân chính của người dân, của cuộc sống. Sau đó, phải là người có trình độ nhận thức, có dũng khí dám nói dám làm, có đạo đức chí công vô tư, có khả năng phát biểu và tranh luận tại nghị trường để chân lý có cơ hội được phát huy, quyền lợi chân chính của cử tri có cơ may được bảo vệ. 

Hòa mình vào bước đi chung của dân tộc 

Việc ra ứng cử chỉ là một trong những động tác mà tôi đang thực hiện tại Việt Nam: Trở về quê hương hòa mình vào bước đi chung của dân tộc trong xu thế hòa nhập, phát triển. Tôi đã xây được một căn nhà và thành lập được một công ty công nghệ cao đang cất cánh rất tốt. Tôi đang thu xếp làm Giám đốc bán thời gian và đang tiến hành bố trí để doanh nghiệp tư nhân của tôi biến thành công ty hợp doanh quốc tế để dành thời gian đúng mức cho người đại biểu Quốc hội nếu tôi trúng cử.

Thành phố HCM, ngày 6/4/2007 

LỜI DẪN: Trung tuần tháng 4/2007, được tin sau hiệp thương 3 do Mặt Trận Tổ Quốc TP HCM tổ chức, tên tôi đã bị gạch bỏ trong danh sách chính thức các ứng viên đại biểu quốc hội ngay từ Bỉ tôi đã gửi về cho các cơ quan chức năng trong nước thư khiếu nại sau đây:

***
Phần 4. THƯ KHIẾU NẠI

Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc


Kính gởi: 
1. Bà Phạm Phương Thảo, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử TP. HCM,
2. Ông Trần Thành Long, Phó Chủ tịch, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận tổ quốc thành phố,
3. Bà Võ Thị Dung, Ủy viên.

Tôi vừa được tin hội nghị hiệp thương lần 3 Ủy ban MTTQ TP.HCM đã không chọn tên tôi trong danh sách chánh thức ra ứng cử Quốc hội khoá XII vì lý do tôi không đủ tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH do do tôi có hai quốc tịch.

Qua thư này với tư cách là công dân Việt Nam và ứng viên đã qua hai lần hiệp thương được cở sở tín nhiệm (92% thành viên DNTN Công nghệ Thông tin Hưng Việt và 100% cử tri phường Phú Hữu, Quận 9, TP. HCM), tôi mong mỏi Ủy ban Bầu cử TP. HCM xét kỹ hơn trường hợp của tôi vì nhựng lý do sau đây:
  1. Điều 1 luật bầu cử hiện hành xác định rõ người ra ứng cử chỉ cần là công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi là công dân Việt Nam.
  2. Tôi đáp ứng toàn bộ điều 2 về 5 tiêu chuẩn Đại biểu Quốc hội.
  3. Toàn bộ chương V của Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (1992) về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân Việt Nam không có điều nào nói đến việc hai quốc tịch.
  4. Điều 3 của luật quốc tịch nói rõ nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam. Luật này không cấm việc có hai quốc tịch và không xác định người có hai quốc tịch không phải là công dân Việt Nam!
  5. Tôi chưa bao giờ từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Việt Nam của tôi là liên tục từ ngày tôi chào đời cho đến ngày nay. Việc tôi có quốc tịch Bỉ từ năm 1981 vì yêu câu công việc nghề nghiệp, không hề đòi hỏi tôi phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. Quốc tịch Bỉ mà tôi đang có chỉ là “tiểu quốc tịch” (petite nationalité). Loại quốc tịch này, theo luật Bỉ, không cho phép tôi ra ứng cử Quốc hội Bỉ. Như vậy trên khoản này không có mâu thuẫn nào hết ngăn cản tôi ra ứng cử Quốc hội Việt Nam.
    6.  Đơn ứng cử của tôi đã được chấp nhận, hồ sơ của tôi đã qua lần hiệp thương II nay lại đặt vấn đề vào giờ chót. Việc này theo tôi khó có thể thuyết phục được cử tri!
Vì những lý do trên và vì sự tín nhiệm của 100% cử tri nơi tôi cư trú, tôi mong mỏi Ủy ban Bầu cử TP. HCM xét lại cho chính xác hơn về việc tiêu chuẩn ứng cử ĐBQH của tôi.

Kính đơn! 
Bỉ quốc ngày 15/4/2007 
GS.TSKH Nguyễn Đăng Hưng

Bản sao đồng kính gởi: 
1.Ông Nguyễn Phú Trọng, Ủy Viên Bộ Chính trị, Chủ Tịch Hội đồng bầu cử. 
2.Ông Phạm Thế Duyệt, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Chủ Tịch Hội đồng bầu cử.

***
Phần 5
CẢM NGHĨ VÀ DƯ ÂM SAU NGÀY ỨNG CỬ HỤT


Tôi quyết định trở lại Việt Nam sớm hơn dự định để theo dõi diễn biến tình hình sau khi chuyển về cơ quan chức năng đơn khiếu nại của tôi. Về đến Sài Gòn tôi liên lạc ngay với các bạn bè kiểm tra cho chính xác việc thư khiếu nại của tôi có đến tận tay các yếu nhân có thẩm quyền hay không.

Trong thời gian này tôi cũng thường nhận được thư điện tử hay điện thoại của các thân hữu từ trong nước cũng như khắp năm châu ủng hộ nội dung thư khiếu nại của tôi. Đặc biệt các vị trong hội Liên lạc người Việt Nam ở nước ngoài cấp trung ương (Hà Nội) như GSTS Nguyễn Lân Dũng, nhà sử học Dương Trung Quốc, liên tục thăm hỏi và yêu cầu tôi gởi đơn khiếu nại cho họ để họ trực tiếp can thiệp với các cơ quan chức năng.

Vài ngày sau tôi nhận được một văn thư chính thức do ông Châu Minh Tỷ, Giám đốc sở nội vụ thuộc UBNN TP.HCM, thay mặt Ban bầu cử quốc hội khóa XII địa phương ký. Để bạn đọc tham khảo, tôi quyết định đăng tải sau đây nội dung bức thư này.

 Thư trả lời của ông Châu Minh Tỷ, thư ký của Ủy ban bầu cử QH

Chúng ta thấy trong thư này, ông Tỷ đã miêu tả một cách cụ thể hơn lý do việc tôi bị gạch tên ra khỏi danh sách chính thức của các cá nhân ứng cử quốc hội tại TP HCM. Ông nhắc đến một công văn hướng dẫn của Hội đồng bầu cử TW (ngày 7/4/2007) nói rõ lý do không nên chọn tôi vào danh sách chính thức và Hội nghị hiệp thương lần thứ 3 do ban thường trực MTTQVN triệu tập đã bỏ phiếu kín loại tôi ra khỏi danh sách (không đạt quá nửa). Như vậy lời tuyên bố của bà Võ Thị Dung, phó Chủ tịch MTTQ TP. HCM cho báo Thanh Niên là chính xác và không một cơ quan chức năng nào đã xem xét nội dung đơn khiếu nại của tôi. 

Những lý lẽ phản biện chi tiết và chặt chẽ tôi đưa ra trong đơn khiếu nại cũng như việc can thiệp của các thân hữu trong Hội Liên lạc là hoàn toàn vô hiệu. Hội nghị hiệp thương 3 đã hành xử với tôi, một công dân tự ra ứng cử quốc hội nước tôi, như một người gác cổng ngôi đền đã có chủ, sẵn sàng nhận lệnh từ cấp trên, ngăn chặn không cho tôi bước qua ngưỡng cửa cuối cùng, không cho phép tôi được trực tiếp đón nhận phán quyết của cử tri. Và thực chất của bầu cử cuối cùng phải là phán quyết của cử tri chứ? Lý do tôi có hai quốc tịch thật khó thuyết phục. Thật ra, sở nội vụ TP HCM đã biết rõ về tôi từ lâu. Tại sao cơ quan này đã tỏ ra có lòng ưu ái đặc biệt với tôi trong trong giai đoạn tôi đăng ký ra ứng cử? Tại sao họ không từ chối ngay ngày đầu lại còn liên tục khuyến khích giúp đỡ tôi hoàn thành hồ sơ trong tinh thần rất ư là cởi mở?

Tôi tự bảo điều tôi dự đoán trước khi tung ra chương trình hành động té ra là chính xác: “Còn nếu họ thấy không hay, họ không ủng hộ, điều tôi phải chờ đợi là tên tôi sẽ không có trong danh sách cuối cùng”… Tôi thở phào như trút được một gánh nặng rồi xếp lại từ ngày ấy, toàn bộ hồ vào ngăn kéo, ngăn kéo của văn phòng làm việc tại nhà tôi và ngăn kéo của ký ức đời tôi.

Thắm thoắt đã gần năm năm rồi. Mọi việc đã như sâu lắng, chôn vùi. Nhưng việc quốc hội bây giờ đã trở lại là thời sự. Tham khảo mớ tư liệu còn giữ lại, tôi thấy có một câu hỏi của nhà báo Trường Kiên qua bài phỏng vấn trước ngày hiệp thương 3 mà tôi còn bỏ lửng cho tới ngày nay: 

PV: “Là một trí thức VK, GS đánh giá như thế nào về chất lượng bầu cử ở nước ta? Bầu cử ở nước ta có gì “đặc biệt” so với các quốc gia khác?”. 

- Tôi thấy đã đến lúc phải trả lời câu hỏi khó này nhất là với tư cách một trí thức. Câu trả lời của tôi bây giờ là của một người đã trải nghiệm, đã sống với sự việc, đã dấn thân để có những đúc kết cô đọng, vô tư và khách quan.

Anh bạn nhà báo ơi, bầu cử quốc hội của nước ta rất là đặc biệt, rất không giống ai. Tôi xin trả lời anh qua những điều mắt thấy tai nghe như sau, theo thứ tự hệ trọng của từng vấn đề.

Đợt bầu cử quốc hội khóa XII năm 2007 tôi đã tham gia lần đầu tiên như trên đã nói với tư cách một ứng viên, nhưng cũng với tư cách là một cử tri. Tháng 5/2007 đi bầu cử tại quận 3 TP. HCM, điều làm tôi rất đỗi nhạc nhiên là tại trạm bầu cử, ban kiểm soát không hề đòi tôi xuất trình chứng minh nhân dân (CMNN). Tôi chỉ cần xuất trình thẻ cử tri được gởi đến địa chỉ hộ khẩu của tôi, (tôi gắn bó với gia đình một người học trò cho tôi tá túc hộ khẩu). Tôi ngạc nhiên vì tại Việt Nam, ai cũng biết việc xuất trình giấy này là bắt buộc trong bất cứ tình huống nào, trong bất cứ giao dịch dân sự nào. Thế mà trong tình huống trọng đại nhất: chọn lựa người đại biểu trong cơ quan quyền lực tối cao là quốc hội, người ta lại không đòi hỏi cái giấy ấy. Tại Bỉ, ngược lại, trong giao dịch dân sự, việc xuất trình thẻ căn cước (carte d’identité, tương đương với CMNN) là rất hiếm hoi. Nhưng ngày bầu quốc hội (tôi đã đi bầu cho đến nay trên mười lần), việc này là điều tiên quyết. Tại Bỉ, tên và hình trên thẻ căn cước phải trùng hợp với trên thẻ cử tri nếu không, công dân không được bước vào phòng bỏ phiếu. Ngoài ra tôi cũng thấy tại quận 3, TP HCM, ngày bầu cử, nhiều người mang một chồng thẻ cử tri đi bầu giùm cho thân nhân vắng mặt. Việc này không nhỏ. Nó nói lên tính thiếu nghiêm túc trong việc tổ chức bầu cử và ảnh hưởng của sự lơ đễnh khó hiểu này là kết quả bầu cử sẽ có thể rất tùy tiện.

Hội nghị hiệp thương 3 để chốt lại danh sách bầu cử thực chất là một sự can thiệp tùy tiện khác, vi phạm quyền tự do ứng cử của công dân mà hiến pháp đã thừa nhận.

Ngay chữ hiệp thương cũng thiếu chính xác vì đây không phải là sự bàn bạc giữa các đối tác để đi đến thỏa thuận mà là một quyết định đơn phương và đối tượng chính, người tự ra ứng cử, không hề được tham khảo ý kiến, thực thi quyền được bảo vệ hồ sơ cá nhân. Ngày nào còn tồn tại kiểu hiệp thương này thì ngày ấy câu nói thường được nghe từ dư luận “đảng cử dân bầu” còn thể hiện phần lớn sự thật.

Việc phân bổ ứng viên về các địa bàn điện phương lại là một biện pháp tùy tiện khác. Quyền ra ứng cử của công dân cần gắn liền với quyền tự do chọn lựa địa bàn ra ứng cử.

Việc tổ dân phố bình chọn một người có được ứng cử hay không cũng là một biện pháp đi ngược lại với quyền tự do ứng cử của công dân. Ông Nguyễn Xuân Huy có lý khi cho rằng “tổ dân phố không phải là một đơn vị hành chính, chỉ là một tổ chức nhân dân, thử hỏi lấy quyền gì mà cho hay không cho một người ứng cử?”. Tại Bỉ, luật bầu cử cũng có những biện pháp ngăn ngừa những ứng viên quậy phá nhiễu nhương, nhưng họ làm cách khác. Ứng viên phải có danh sách chữ ký ủng hộ hoặc của ít nhất 200 công dân lương thiện, hoặc của ít nhất ba dân biểu quốc hội khóa cũ.

Sau ngày ra ứng cử hụt, tôi nhận được rất nhiều thư điện tử của thân hữu trong nước và bè bạn Việt kiều khắp năm châu. Phần lớn họ an ủi tôi, mong tôi đừng nản lòng nhất là tiếp tục con đường đã chọn lựa, giúp đỡ các đại học Việt Nam cải tiến nền giáo dục, tiếp tay tiếp sức đào tạo nhân tài.

(Bài phỏng vấn sau đây do phóng viên của một tờ báo lớn tại Sài Gòn thực hiện. Trong bài này tôi ghi lại vài dư âm khá thú vị của việc ra ứng cử quốc hội của tôi. Bài phỏng vấn sau đó không được tổng biên tập chọn đăng tải. Xin giới thiệu sau đây nguyên văn.
Sài Gòn, ngày 24/3/2011



Phần 6.
PHỎNG VẤN CỦA BÁO PHÁP LUẬT SAU NGÀY BẦU CỬ QUỐC HỘI


PV: Ông được biết như một người “đi tìm” tiến sĩ cho Việt Nam. Vậy xin GS tổng kết nhanh về “lò tiến sĩ” mà GS Hưng đã đào tạo cho đất nước từ nhiều năm qua? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Trải qua 12 khóa tại TP HCM và 8 khóa tại Hà Nội, từ 1995 cho đến nay chương trình Cao học của chúng tôi đề xướng và điều hành đã đạo tạo được khoảng 350 thạc sĩ, và khoản 20% trong số đó đã có được điều kiện họ tiếp bậc tiến sĩ. Đây là một chương trình đào tạo đẳng cấp quốc tế và không chạy theo thành tích. Giờ đây, tôi có thể nói số thạc sỹ đó do Đại học Liège tốt nghiệp đang đóng một vai trò đáng kể tại Việt Nam, nhất là trong lĩnh vực giáo dục. Tất cả các trường lớn trong nước đều có bóng dáng của những thạc sỹ phát xuất từ các khóa đào tạo này. Ngoài ra, qua điều động của tôi (ĐH Liège) tôi và GS Phạm Khắc Hùng (ĐH Xây dựng Hà Nội), 10 trường ĐH Châu Âu và 10 trường ĐH Việt Nam đã được Bộ GD&ĐT giao cho thực hiện chương trình đào tạo ghép và liên kết 50 tiến sĩ bằng ngân sách nhà nước trong vòng 10 năm. 

PV: Hiện nay cụm từ “nghèo mà chơi sang” được dùng khá nhiều trong các lĩnh vực, như thể thao, điện ảnh, kinh tế… Theo GS trong giáo dục của nước ta liệu có “nghèo mà chơi sang” không? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đào tạo tiến sĩ theo mô hình Việt Nam thì quá là sang chứ còn gì. Anh cứ thử tính đi, gửi học tiến sĩ tại Mỹ phải mất 4 năm, mỗi năm mỗi người phải mất trung bình khoản 30 ngàn đô la vị chi tổng cộng phải mất khoản 120 ngàn đôla mới có được một vị ra tiến sỹ. Trong khi đó chương trình đào tạo ghép và liên kết tại Châu Âu theo mô hình chúng tôi đang áp dụng có hiệu quả và tiết kiệm được rất nhiều vì chỉ tốn khoản 1/3 số tiền ấy. Một đất nước nghèo như nước ta, những con số trên đáng cho ta cân nhắc.

Ngoài ra gần đây Bộ Giáo dục và Đào tạo có nói đến chương trình đào tạo 20 ngàn tiến sĩ trong 10 năm, trong đó 50% sẽ được đào tại nước ngoài. Tôi tự hỏi làm sao tìm cho được 10 ngàn giáo sư đầu ngành người nước ngoài hướng dẫn 10 ngàn tiến sỹ ấy. Còn 10 000 tiến sỹ đào tạo trong nước thì chất lượng sẽ ra sao, đâu là tiêu chuẩn tối thiểu cho việc này?

Theo thiển ý của tôi, thà đào tạo 2.000 tiến sĩ có chất lượng còn hơn 20.000 tiến sĩ mà chất lượng không bảo đảm. Thật vậy 20.000 “ông TS” không chất lượng rồi sẽ nắm những vị trí quan trọng trong tương lai tại các trường ĐH và sẽ đến lượt mình hướng dẫn 20.000 nghiên cứu sinh tiến sỹ không chất lượng tiếp theo và cứ thế thì hậu quả sẽ ra sao cho tiền đồ đất nước?

Vừa rồi, đọc báo chắc các bạn có nghe tin tại Việt Nam để thành lập một hội đồng bảo vệ tiến sĩ tại Việt Nam, thí sinh phải bỏ tiền ra mua vé may bay, dẫn thầy đi ăn, mua quà cho thầy. Mà khi thầy đã lún sâu vào tình huống này làm sao có lòng đánh rớt được thí sinh không đạt, bảo đảm chất lượng cho luận văn tiến sỹ (cười). 

PV: Có dư luận nói ở nước ta, một số bộ phận, một số người quá “sính” bằng tiến sĩ? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Tại Việt Nam người ta quên đi điều này: cấp bậc tiến sỹ dùng để xác định trình độ cần thiết cho một người có khả năng hướng dẫn nghiên cứu khoa học. Vì vậy, cấp bậc tiến sỹ cần thiết cho những vị trí giảng dạy tại ĐH, những vị trí nghiên cứu đầu ngành. Còn ở những chỗ khác, ví dụ như những vị trí quản lý, giám đốc xí nghiệp hay công sở, bằng tiến sỹ là không cần thiết. Tại Việt Nam tôi không hiểu vì đâu có tâm lý sính bằng cấp lạ đời như vậy nhất là bằng tiến sỹ, học hàm viện sỹ.

Tôi xin kể một câu chuyện có thật. Ơ Mỹ có một số tổ chức chuyên bán bằng viện sĩ (Academy member), chứng chỉ “nhân vật quan trọng nhất trong năm” (The most of the year), hay những thứ khác đao to búa lớn tương tự…. Anh chỉ cần bỏ ra vài trăm đôla là có được tấm bằng viện sĩ ấy hay những chứng chỉ có những ngôn từ quái gở ấy, in ấn rất đẹp gửi thẳng từ Mỹ đến nhà. Điều đáng buồn mà tôi biết được việc buôn bán này làm ăn rất phát đạt đối với các đối tượng Trung Quốc và Việt Nam. 

Việc ứng cử Quốc hội 

PV: Chuyện đã qua nhưng tôi vẫn muốn biết lý do khiến ông ra ứng cử đại biểu quốc hội, bởi ban đầu mục đích trở về Việt Nam của ông là dành cho khoa học và đào tạo? Khi hay tin mình không trúng cử ông có buồn không? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Do tuổi đã khá cao nên khi hay tin tôi ra ứng cử đại biểu quốc hội, có người trong gia đình tôi khuyên không nên. Tuy nhiên, như anh biết, tôi có nhiều băn khoăn, day dứt về các vấn đề của giáo dục nước nhà. Qua báo chí, tiếng nói của tôi dẫu đã có một ít tiếng vang nhưng tôi thấy vẫn chưa đủ mạnh để giúp ông Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có những cải cách hữu hiệu về những vấn đề thuộc chuyên ngành của mình. Ngoài ra, bạn bè, học trò và Việt kiều ở nước ngoài qua trao đổi thư điện tử cũng đặt nhiều kỳ vọng vào tôi. Họ mong muốn tôi sẽ làm có hiệu quả hơn, nhịp cầu nối kết chất xám Việt kiều hướng về quê hương, đất nước.

Tôi cũng biết ngưỡng cửa bước vào Quốc hội đối với những ứng viên ứng cử độc lập như tôi là rất chật hẹp và tôi lại là người hay nói thẳng nói thật, chỉ là nhà khoa học, nhà giáo, chưa bao giờ là một chính khách. Tuy nhiên, tôi cũng ý thức được trách nhiệm của mình trước thời cuộc, một Việt kiều đã hồi hương đã có những điều kiện công dân cần thiết cho việc ra ứng cử.

Một nhà thơ có biệt hiệu khá tếu là “Gió” từ Đức đã gởi tặng tôi bài thơ “nho nhỏ nhưng thiệt…tình”:

“Tưởng bác dzià quê để…dưỡng…già,
Dạy trò học giỏi với người ta,
Có hay ứng cử vào “nơi đó”
Đại biểu nghị trường “ngủ…gật”…a?!
Bác chẳng được…”dzô”, Gió cũng buồn,
Chuyện đời đâu thẳng tuột tuồn luôn!
Tôn vinh khen thưởng là…chuyện…khác,
Bác muốn “vào…chơi” phải(ráng)…nói…”xuông”!” 
.
Tôi đã họa lại và nội dung đã diễn đạt tâm trạng của tôi: 

“Cũng muốn gần quê buổi tuổi già,
Cũng cây cũng cảnh, cõi riêng ta
Tình đời còn níu chân chưa mỏi
Sự thế làm ngơ chẳng hổ a?
Chẳng được, chẳng sao, tớ chẳng buồn,
Chẳng than, chẳng trách, vẫn luôn luôn
Còn trăng còn nước, còn thao thức,
Còn trái tim hồng máu chảy xuông!” 

Nhà thơ Đỗ Thành Mỹ từ Úc cũng nhảy vô tham gia một bài họa: 

“Nước nhà thương bác tấm thân già
Trĩu gánh vai này nước Việt ta
Gồng nặng vai kia đeo nước Bỉ
Một mình hai gánh mệt nha . . . a
Thôi bác nguôi ngoai nén nỗi buồn
Lòng son bao tuổi giữ bền luôn
Biểu dân cơ hội chờ phen tới
Về biểu học trò, đợi gió xuông” 

Tôi cũng trả lời anh Mỹ bằng cách họa lại bài họa như sau: 

“Thương quá nhiều khi lại chóng già,
 Yêu quá nhìn ra mới hiểu ta
Thân này đâu có làm hai được
Một gánh ân tình rõ khổ a!
Cho mình phải nói cũng chẳng buồn,
Cho đời phải nói vẫn luôn luôn,
Cho người phải hỏi rồi sao nữa,
Mưa nguồn nước vẫn cứ chảy xuông?” 

PV: Nếu sau này đất nước cần, ông có sẵn sàng một lần nữa chứ ? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Nhà thơ “Gió” lại gởi cho tôi một bài họa khác cũng theo ý câu hỏi của nhà báo: 

“Thêm năm năm nữa cũng chưa…già,
Ứng cử nghị trường đại biểu…ta!
Hồng tươi bên trái…“the old heart”,
Sắc chửa phai màu, bác nhớ…a!
Bác nói còn vui, Gió hết buồn,
Đường đời cong quẹo sẽ thẳng suông?!
Dân no…xong đứng…lên…“mần…chủ”,
Nghị gật: có mười, nghị…cãi: (có) muôn!” 

Tôi lại phải làm một bài họa kết thúc: 

“Bảy mươi mốt tuổi (66+5=71) ấy đủ già!
Biết còn sống đặng để hiểu ta?
Hiểu thời, hiểu thế, vòng nhân quả,
Chẳng nhẽ tình đời cứ thế a?
Niềm vui rồi sẽ át nỗi buồn
Vận nước gập ghềnh đến khúc suôn
Người đi thui thủi bên triền núi
Chợt thấy muôn trùng, muôn…, muôn…, muôn…!” 

Hai vòng đầu tôi đã đạt sự tín nhiệm gần như tuyệt đối. Vì lẽ đó tôi thấy lòng mình thanh thản bởi tôi nghĩ mình đã làm hết sức. Tôi tự hào vì trong một thời điểm nào đó đất nước cần, mình đã sẵn sàng. Không trở thành đại biểu quốc hội tôi vẫn là tôi với sở trường giúp đỡ ngành giáo dục đại học trong nước. Đây chính là tâm huyết của tôi từ bấy lâu nay.

Qua bài phỏng vấn này, tôi xin gởi lời chúc mừng các ứng viên vừa trúng cử và tôi mong mỏi rằng họ sẽ thành công trong công tác mà cử tri đã giao phó.  

Việt kiều không thể tách rời…  

PV: Ông là một trong số rất ít trí thức Việt kiều được nhà nước vinh danh. Tuy nhiên, hình như ông chưa hài lòng lắm về chế độ đãi ngộ đối với Việt kiều? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Vâng về cá nhân, tôi may mắn được Ủy ban nhân dân TP.HCM tặng nhiều lần bằng khen và một tờ báo điện tử trong nước kết hợp với mặt trận Tổ quốc vinh danh, Bộ ngoại giao Chánh Phủ Việt Nam cũng khen tặng tôi mới đây vào dịp Tết Đinh Hợi. Nhà nước Bỉ cũng đã dành cho tôi nhiều ưu ái đặc biệt. Tôi đã được ban Huân chương  “Đại thần của vua Bỉ”, huân chương Lao động hạng nhất, được báo chí Bỉ tặng danh hiệu là một trong “20 người (người châu Á duy nhất) làm đất nước Bỉ đổi thay”. 

Còn chính sách đãi ngộ đối với trí thức Việt kiều thì theo tôi, ta vẫn làm chưa bằng các nước bên cạnh như Trung Quốc, Singapore… Việc đãi ngộ vật chất là cần thiết nhưng không quyết định.

Cái quyết định là ở hai điểm sau đây: 

1. Việt kiều muốn được đối xử bình đẳng như người trong nước, quyền lợi cũng như nghĩa vụ. Đối xử bình đẳng trong những những yêu cầu bình thường của một công dân: ăn ở, nhà cửa, đi lại, làm ăn. 

2. Trân trọng năng lực tài sức của công dân, trước hết là dân trong nước. Tuyển chọn người tài một cách công minh chính đại, xóa bỏ tệ đoan cơ cấu nhân sự theo lý lịch và cảm tính. Ngày nào trí thức trong nước chưa được xử dụng thỏa đáng theo năng lực đích thực thì khoan hy vọng kêu gọi được trí thức Việt kiều đông đảo về nước đóng góp. 

PV: Tôi nhớ, mới đây thôi, khi gặp tôi, ông đã từng nói đã chấp nhận về Việt Nam thì phải sống theo kiểu Việt Nam.. Câu nói này rất đa nghĩa? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Xin kể một câu chuyện thế này. Năm 2004 khi tôi vào đơn xin hồi hương, thủ tục có quy định Việt kiều buộc phải có người thân trong nước bảo lãnh (cha mẹ, vợ chồng, anh em ruột). Tôi xa quê hương đã lâu, người thân hiện còn sống trong nước rất ít, chỉ có một ông chú. Chú đồng ý bảo lãnh tôi nhưng người con lại nhất quyết không chịu. Anh ta lấn cấn về việc hộ khẩu và lo ngại cho việc sở hữu căn nhà. Cuối cùng, một người học trò của tôi đã xung phong đứng ra bảo lãnh cho thầy. Hiện nay tôi có chung hộ khẩu với người học trò hào hiệp này. Như vậy tôi là trường hợp đặc biệt vì lần đầu tiên được phép hồi hương nhờ người dưng bảo lãnh. Rồi chuyện tôi đem ô tô cũ của mình về nước. Tôi là chuyên gia theo dạng hợp tác thì theo luật có quyền đem xe về sử dụng. Thế nhưng, mấy anh ở hải quan lại nhiễu nhương đòi giấy này giấy kia kéo dài đến 2 năm. Bí quá, tôi đem bài báo viết về ông Việt kiều đem về cho đất nước hàng triệu đôla có in rõ hình tôi bắt tay Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm. Động tác này xem ra rất thiêng: hải quan đồng loạt gật gù cho tôi mang xe ra! 

PV: Được biết, ngôi nhà mà ông đang ở do một học trò đứng tên? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Đúng vậy! Lúc mua đất tôi chưa có hộ khẩu nên phải nhờ học trò đứng tên. Sau này khi tôi có hộ khẩu thì trò sẵn sàng “sang tên” lại cho thầy. Tôi may mắn có anh học trò trung thực. Nếu anh ta lật lọng thì tôi sẽ thua ngay, làm gì có nhà ở Việt Nam mà bây giờ mua thì đắt quá không đủ khả năng tài chính (cười). 

PV: Có lần ông đã từng nói: “Không phải Việt kiều nào trở về quê hương cũng muốn ở khách sạn” như gửi gắm tâm trạng, nỗi niềm của mình? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Về Việt Nam chính là tìm về quê cha đất tổ, tìm về với người thân. Không ai thích về quê mà cứ phải ăn ngủ ngày này qua ngày khác ở khách sạn. Người Việt Nam mình ai cũng muốn có một “tấc đất cắm dùi” khi qua đời được tống táng nơi “chôn nhau cắt rốn”. Những biện pháp thỏa đáng và hợp lý về nhà cửa về Visa cho Việt kiều sẽ đem lại cho đất nước nhiều cái lợi và quan trọng hơn nó phù hợp với chính sách đại đoàn kết của dân tộc mà ta hằng đề cao. Ta đã miễn Visa cho Nhật và Bắc Âu nhưng tại sao không miễn cho Việt kiều? Rõ ràng hiện vẫn còn khoảng cách mà tốc độ xóa bỏ còn quá chậm!… 

PV: Theo ông, vì sao Việt kiều lại gặp “khó” như vậy? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Cái này nhờ nhà báo hỏi giúp. Tôi đã từng hỏi, từng suy nghĩ rất nhiều mà vẫn không giải thích được. Nhà nước vẫn nói Việt kiều là một thực thể không thể tách rời trong đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Đã không thể tách rời thì thôi hãy xóa bỏ khoảng cách, đừng tách rời nữa. 

Tôi không tiếc nuối 

PV: Người có cuộc sống “thăng trầm” như ông hẳn phải có một tuổi thơ rất đặc biệt? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Quê tôi ở Điện Bàn (Quảng Nam), một vùng chiến tranh khốc liệt đã kéo dài như vô tận. Ba tôi đi theo cơ quan kháng chiến thời chống Pháp và giao tôi cho dân quê tại một vùng ở Tam kỳ. Mới 9 tưổi tôi đã phải chia sẻ cuôc sống người nông dân ở một vùng hẻo lánh, tham gia công việc đồng án: làm cỏ, chăn trâu, bắt cá, đốn củi… Sau này vào Sài Gòn, thi đậu vào trường Pétrus Trương Vĩnh Ký (nay là Lê Hồng Phong) tôi có được may mắn được học qua những người thầy nghiêm túc. Họ đã truyền lại cho tôi niềm ham mê học hỏi, lòng trân trọng sự hiểu biết, thú ưa thích văn học cũng như sử học.

Tôi còn nhớ cô Dung, giáo sư dạy sử địa rất nghiêm, thậm chí khó tính. Một lần tôi bị cô “phết” cho điểm 0 đóng khung (nghĩa là phải đi học phụ đạo ngày chủ nhật) vì thi lục cá nguyệt trả lời câu hỏi quá dài, ra ngoài đề. Nhưng phải công nhận, những thầy cô như cô Dung đã truyền đạt cho tôi tính nghiêm túc trong học vấn, cái nhìn nhiều chiều trong sử học, lòng khao khát được đi thăm nhiều nước trên thế giới để học hỏi cái hay, cái đẹp ở xứ người. 

PV: Có bao giờ ông cảm thấy tiếc nuối khi quyết định trở về Việt Nam sinh sống? 

GS Nguyễn Đăng Hưng: Dĩ nhiên, khi quyết định trở về quê hương, tôi đã phải chấp nhận thực tại, thậm chí phải trả giá. Tuy nhiên, tôi không bao giờ hối tiếc. Được sống trên đất nước mình, bên bà con thân thuộc, được chứng kiến sự đổi thay của đất nước, được trực tiếp tham gia đóng góp vì thế hệ trẻ, vì tương lai đất nước. Mỗi sáng thức dậy nghe tiếng chim kêu, tiếng gà gáy, tôi rất hạnh phúc, miên man như trở về thuở ấu thơ, hòa nhập trở lại với quê hương mình. Chính điều này, rất mong manh và nhỏ nhoi, đã làm cho tôi vượt qua những băn khoăn, day dứt…

Hiện nay, do con trai út còn nhỏ đang học trung học nên vợ tôi phải ở bên Bỉ để chăm sóc con.

Tôi cũng phải mỗi năm vài lần đi thăm con cháu đông đảo (hai trai hai gái tám cháu) đang sinh sống ở Bỉ. Đại học Liège vẫn còn cấp đặc biệt cho tôi văn phòng làm việc tại Khoa Hàng không – Không gian vì tuy đã nghỉ hưu nhưng tôi đã được phong là giáo sư danh dự. Tôi vẫn còn phải hướng dẫn hai nghiên cứu sinh đang chuẩn bị bảo vệ luận án tiến sỹ.

Chỉ trong dịp hè hay lễ Giáng sinh vợ con tôi mới về Việt Nam với tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đã thống nhất, khi nào con tôi vô đại học thì bà ấy sẽ về hẳn với tôi ở bên này. 

PV: Xin cảm ơn ông! 

Sài Gòn tháng 5/2007. 

2 nhận xét :

  1. Có một chi tiết rất nhỏ, nhưng là vấn đề rất lớn được GS Nguyễn Đăng Hưng phản ánh, đó là cử tri đi bỏ phiếu chỉ cần trình thẻ cử tri cho ban tổ chức đóng dấu xác nhận, chứ không cần thẻ căn cước hay chứng minh thư. Chuyện này xưa nay vẫn thế, cái gọi là nhân dân cả nước hồ hởi đi bầu đại biểu quốc hội tỉ lện hơn 90% là thế này: Từ lâu lắm rồi nhân dân cả nước chẳng ai quan tâm tới việc bầu quốc hội, chả ai biết mình bầu cho ai, chả ai biết ông nghị ấy mặt mũi thế nào, mà chả bầu thì ông bà ấy vẫn trúng, đến ngày bầu cử, chính quyền, tổ dân phố chạy tới từng nhà vận động mọi người đi bầu, thường thì mỗi nhà cử ra một người cầm cả tập thẻ cử tri đem ra điểm bỏ phiếu cho họ xác nhận, rồi vị đại diện gia đình (thường là ông bà già hay một cậu con út vừa 18 tuổi) nhận phiếu rồi hỏi mọi người xung quanh gạch ai thì gạch, bỏ hộ mọi người. Thế là trúng cử. Nhà nào có việc bận chưa đi bầu, đầu giờ chiều ban tổ chức cử người đến vài lần nhắc nhở, đi bỏ phiếu để người ta còn liêm phong hòm, còn nghỉ, không ai ngồi đợi được….. Đó cũng chỉ là câu chuyện hài nhiều tập của cái gọi là bầu cử ở Việt Nam. Ông Hưng sốc là phải. Ông tưởng VN mình dân chủ kiểu bọn tư bản đế quốc, nhầm to.

    Trả lờiXóa
  2. GS chỉ mới hiểu được 1//1o chế độ cộng sản ở VN thôi

    Trả lờiXóa