Thứ Tư, 10 tháng 2, 2016

ĐƯỜNG RAY THỂ CHẾ VÀ HOÀNG HÔN CỦA CHẾ ĐỘ


Con tàu quốc gia không chạy về phía hoàng hôn

Lê Thanh Phong
Lao Động
6:30 AM, 09/02/2016

Việt Nam đang đứng ở đâu trên thế giới? Đó là câu hỏi đặt ra và phải có câu trả lời chính xác. Không cần phải dựa vào bảng xếp hạng của các tổ chức trên thế giới, chỉ cần bằng sự tự kiểm điểm trung thực và nghiêm khắc với chính mình, chúng ta sẽ biết rõ mình đang ở đâu.


Một Việt Nam phát triển, đạt được nhiều thành tựu về kinh tế, xóa đói giảm nghèo hiệu quả và là một quốc gia ổn định, là địa chỉ hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư. Nhưng còn phải xóa đói giảm nghèo có nghĩa là còn đói nghèo, ổn định nhưng chưa ổn định trong sự phồn vinh. Việt Nam chưa giàu mạnh vì Việt Nam là một quốc gia không sản xuất được sản phẩm đủ sức làm giàu.

Chúng ta có hàng hóa, sản phẩm nào có thương hiệu quốc tế mà tên gọi của nó có thể thay cho tên của quốc gia? Câu trả lời là sản phẩm đó chưa tìm ra. Việt Nam có doanh nghiệp nào thuộc đẳng cấp thế giới mà tên gọi được xem là đại diện cho đất nước? Thẳng thắn nhìn nhận rằng doanh nghiệp đó chưa sinh ra. Vì không có những gương mặt “đại sứ” như Samsung, Sony, Hyundai, Toyota..., Việt Nam nằm khuất sau một dãy dài những quốc gia phát triển hùng mạnh. Vị trí của chúng ta là cuối hàng.

Việt Nam là nước xuất khẩu gạo, bao nhiêu tạ gạo bằng một chiếc iPhone, bao nhiêu tấn gạo bằng một chiếc ô tô và bao nhiêu nông sản bán ra mới đủ mua một dây chuyền công nghệ? Không ứng dụng được khoa học kỹ thuật hiện đại và tiên tiến để sản xuất các sản phẩm có giá trị gia tăng, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thì không thể nói đến sự thịnh vượng. Ngay cả gạo, hàng nông sản, cũng phải có hàm lượng chất xám cao mới bán được giá cao. Vừa qua, hãng Airbus cho hay sẽ đặt nhà máy sản xuất một loại thiết bị của máy bay tại Việt Nam, đây thực sự là tin vui, nhưng thực hiện được hay không phụ thuộc vào chất lượng nguồn nhân lực. Cơ hội sẽ tuột qua tay khi bàn tay chúng ta không có đủ kỹ năng để nắm bắt cơ hội. Dân số vàng nhưng không có nhiều bàn tay vàng thì không thay đổi được vận mệnh của đất nước.

Phân tích hai yếu tố về sản xuất và nguồn nhân lực để nói lên một điều, hãy tập trung mọi nguồn lực cho sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Một quốc gia không tạo ra được sản phẩm có giá trị gia tăng và đủ sức cạnh tranh thì không thể tự chủ được nền kinh tế, không thể độc lập và bình đẳng về kinh tế với các quốc gia khác. Một đất nước không có nguồn lực con người có trình độ cao toàn diện trên mọi lĩnh vực thì không thể vươn lên vị trí cao hơn các nước khác. Hai yếu tố này cùng tồn tại, có người giỏi mới có sản phẩm chất lượng cao.

Toàn cầu hóa tạo ra sân chơi rộng và phẳng tầm không gian xuyên lục địa, ai chạy nhanh, bay nhanh sẽ là người chiến thắng. Năm 2015 đánh dấu sự kiện Việt Nam tham gia TPP và xem đây như một cơ hội phát triển kinh tế, nhưng Việt Nam chỉ làm được điều đó khi cộng đồng doanh nghiệp trong nước sản xuất được sản phẩm cạnh tranh. Doanh nghiệp Việt Nam bán hàng đến các nước hay ngồi nhìn họ bán hàng cho 90 triệu dân nước mình là tùy thuộc vào nguồn lực sản xuất, trình độ quản lý và khả năng hội nhập.

Còn một nguồn nhân lực cực kỳ quan trọng khác, đó là cán bộ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Chính những con người này, bộ óc này tạo ra hệ thống chính sách hỗ trợ và phục vụ cho phát triển. Doanh nghiệp năng động nhưng chính sách không theo kịp thì doanh nghiệp chắc chắn thất bại. Phải nhận thức sâu sắc rằng, trong quá trình hội nhập, doanh nghiệp Việt Nam cạnh tranh với doanh nghiệp quốc tế, thì nhà nước Việt Nam cũng cạnh tranh với nhà nước của các quốc gia khác. Nhà nước nào nhanh hơn, mạnh hơn, ban hành những chính sách thông minh hơn thì nhà nước đó chiến thắng trong cuộc chơi toàn cầu. Chính sách thông minh chỉ có thể đẻ ra từ những bộ óc thông minh.

Nhiệm kỳ 2016 xuất hiện nhiều chân dung lãnh đạo trẻ, gợi nguồn cảm hứng đối với cộng đồng và tạo niềm tin trong lòng dân chúng về một khao khát cải cách chân thành. Những nhà lãnh đạo trẻ có thực học và có tâm huyết sẽ dám hành động quyết liệt để thúc đẩy phát triển, họ chính là nguồn nhân lực quan trọng làm nòng cốt và động lực tạo ra các nguồn lực khác cho quốc gia. Cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam hy vọng và chờ đợi được tiếp sức bằng những chính sách có giá trị cạnh tranh và hội nhập.

Con tàu quốc gia không lái theo tư duy nhiệm kỳ để chạy về phía hoàng hôn, mà tiến về phía trước với tốc độ nhanh nhất trên đường ray “thể chế” đã được cải cách ở trình độ văn minh.
.

5 nhận xét :

  1. vì đất sụt dưới chân không lo lại lo trời sập

    Trả lờiXóa
  2. Nhưng con tàu QG này lại không có bộ phanh là các tổ chức độc lập thậm chí đối lập thì có thể nó lao dốc không phanh thì còn nguy hơn!

    Trả lờiXóa
  3. Cứ nhìn chính quyền địa phương ở một số phải dựa vào nguồn thu từ thuế bia làm nền tảng nuôi bộ máy hoạt động thì đã thấy phần bức tranh kinh tế Việt nam ta nó như thế nào? Các doanh nghiệp FDI đang móc ngoặc với quan chức địa phương để khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên và nhân lực để làm giàu cho họ, chính quyền thì có được con số thống kê GDP rất ư là hoành tráng! Nhưng thực chất tiền đã chảy ra nước ngoài, người lao động vẫn sống mức nghèo khó, dù thống kê GDP năm sau luôn cao hon năm trước.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chí phải!,hoàng hôn buông,đêm tối sập mịt mùng,tàu kinh té vịt về-Về thì đâm đầu vào đâu?,cái tít thật ngu ngạo.Nỡm vịt què bát nháo.

      Xóa
  4. hãy chạy về phía mặt trời!

    Trả lờiXóa