Thứ Hai, 8 tháng 2, 2016

Phùng Hồng Kổn: VỀ NHỮNG BỨC TRANH "NGŨ HỔ"

Về những bức tranh Ngũ hổ

Phùng Hồng Kổn
 

Hiện nay trên nhiều sách, báo, mạng internet đang lưu hành nhiều phiên bản tranh Ngũ hổ khác nhau với tên gọi: Tranh Ngũ hổ Hàng Trống, Tranh Ngũ hổ Đông Hồ. Mời quí vị xem:

Tranh ngũ hổ Hàng Trống






Bốn tranh trên là bốn phiên bản khác nhau, được in từ bốn bản in khác nhau của tranh ngũ hổ Hàng Trống Hà Nội. Những điểm khác nhau về hình: Hòm ấn ở trung tâm (hình thù kích cỡ khácnhau, bức có chữ, bức không chữ); Khu vực phía dưới hòm ấn khác nhau; Những đám mây khác nhau. HT 4 có Kiếm bên phải, cờ bên trái, ba bức kia ngược lại. Khác nhau về vị trí màu: Bức HT1: Trắng- đen-xanh- đỏ- vàng (Kim, thủy, mộc, hỏa, thổ) bắt đầu từ góc dưới bên phải, theo chiều kim đồng hồ vào trung tâm. Ba bức còn lại khác điểm xuất phát: bắt đầu từ góc trên bên trái.

Tranh ngũ hổ Đông Hồ 






Nếu quan tâm đến tranh dân gian, để ý một chút, người xem sẽ phân biệt được ngay đâu là tranh Đông Hồ, đâu là tranh Hàng Trống. Đặc trưng của Đông Hồ là tranh in màu trên giấy Dó quét Điệp. Những hình thể, đường nét trong tranh Đông Hồ thường đơn giản, không chau chuốt - bởi tranh thường được làm bởi cả gia đình. Ngược lại tranh Hàng Trống chỉ in màu đen trên giấy in báo , rồi tô màu – nhưng tô rất cầu kì, cẩn thận, ngoài ra còn vẽ thêm, rất chau chuốt, và mỗi bức tranh thường được vẽ bởi chỉ một nghệ nhân.

Tranh “Ngũ hổ Đông Hồ” chính là tranh “Ngũ Hổ Hàng Trống” đã được du nhập về Đông Hồ, được “cải biên” cho phù hợp với yêu cầu thực tế: Làm nhanh, nhiều, bán rẻ. Trong bốn bức tranh Ngũ hổ Đông Hồ, hai bức ĐH1, ĐH2 in từ một bản khắc nhưng tô màu khác nhau. Khác với hai bức trên, trong bức ĐH3, ĐH4 hổ trung tâm quay đầu nhìn sang trái, cờ ở bên phải (người xem), kiếm bên trái. Bức ĐH3 là tranh in offset, được lấy mẫu từ bức ĐH 4, có thay đổi đôi chút. Cả bốn bức này chòm thất tinh đã bị bỏ đi; những đám mây đã đơn giản hơn rất nhiều so với tranh ngũ hổ Hàng Trống, mây được tô màu chứ không vờn như bức HT1, HT2. Bức ĐH1 ria hổ được in bằng bản khắc nhỏ, in sau khi các màu đã hoàn chỉnh. Bức ĐH2 hổ không có ria (chắc bị quên! dân gian mà) Bức ĐH4 thuộc loại “hàng kĩ”, được đặt làm riêng – gọi là “tranh thửa”. Màu sắc gọn gàng, vằn hổ sắc nét, ria hổ - chẳng kém gì tranh Hàng Trống.


Bản khắc gỗ tranh ngũ hổ Đông Hồ

Những bức Tranh Hổ dân gian đã được nhiều nhà Lý học phương đông nghiên cứu khá kĩ, xin đơn cử hai trường hợp sau đây.

Theo: “Tìm về cội nguồn Kinh dịch” Nguyễn Vũ Tuấn Anh, 

Nxb VHTT phần III-1(lyhocphuongdong.org.vn)

“Trong tranh Ngũ hổ Hàng Trống là một tranh phổ biến nhất lưu truyền trong dân gian. Hổ vàng nhìn thẳng, một chân trước đầy oai vũ đặt lên miếng phù ghi dòng chữ: “Pháp đại uy nỗ”, nghĩa là “Uy lực của pháp lớn”(diễn tả theo ngôn ngữ hiện đại có thể hiểu là “qui luật chủ yếu, bao trùm”). Bốn hổ con vây quanh có màu sắc theo sự vận động tương sinh của Ngũ hành. Hình tượng này hoàn toàn trùng khớp với chiều Ngũ hành tương sinh của Hà đồ, xin xem hình minh họa dưới đây.

Đồ hình minh họa ngũ hành tương sinh trong Hà đồ và tranh Ngũ Hổ Hàng Trống 

.

Trong tranh Ngũ hổ của làng Đông Hồ thì Hổ vàng có tư thế quay đầu nhìn sang một bên và màu sắc của 4 hổ con theo chiều Ngũ hành tương khắc. Điều này hoàn toàn trùng khớp với lý tương khắc của Ngũ hành trong đồ hình Lạc thư. Một điều độc đáo nữa là Hổ vàng trong tranh Đông Hồ cũng đặt bàn chân đầy uy vũ lên một hòm ấn, trên có ghi một hình chữ nhật và 6 gạch bí ẩn. Nếu chúng ta quay 900 hình chữ nhật và bỏ hai vạch dọc, thì đây chính là quẻ Bát thuần Càn. Hiện tượng này hoàn toàn phù hợp với nội dung mang thuộc tính Dương của Lạc thư (độ số Dương của Lạc thư là 25, trội hơn độ số Âm là 20).

Bạn đọc xem hình minh hoạ dưới đây:


Hình bùa trên hòm ấn tranh Ngũ Hổ Đông Hồ và quẻ Bát Thuần Càn trong Kinh dịch.



Theo TS. Hà Hưng Quốc (khoahocnet.com)

“Kết quả gỉải mã bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản A cho thấy lý thuyết ngũ hành ẩn bên trong tranh chính là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, như cho thấy trong hình P3. 

.

Thêm vào đó, kết quả giải mã bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản B, hình P4, cho thấy ẩn bên trong tranh là qui luật khắc hai chiều của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 
.

Qui luật khắc hai chiều này là qui luật tương khắc đúng nghĩa và chỉ có hai cặp hành tương khắc Thủy-Hỏa và Mộc-Kim, như cho thấy trong hình P5, là dấu ấn đặc thù của Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy. 
.

Tranh Ngũ Hổ Đông Hồ bản B đã giúp để xác định một sự thật là những bức tranh Ngũ Hổ Đông Hồ là được “chủ ý mã hóa” và lý thuyết ngũ hành ẩn giấu trong tranh Ngũ Hổ Đông Hồ đích thực là Lý Thuyết Ngũ Hành Nguyên Thủy, không thể ngộ nhận với hoặc mạo nhận bởi Lý Thuyết Ngũ Hành Phổ Cập”. (hết trích)

Thưa quí độc giả, không bàn về Lý học phương Đông, tôi chỉ xin trình bày những điều mắt thấy tai nghe về những bức tranh ngũ hổ này.

Nói tới tranh Đông Hồ người ta hình dung ra ngay những tờ tranh in màu trên giấy Dó quét Điệp:

“Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong
Màu dân tộc sáng bừng trên giấy điệp” 
(Hoàng Cầm)

Đó mới là tranh gốc của Đông Hồ, đặc sản của Đông Hồ. Tuy nhiên Đông Hồ không đóng cửa, Đông Hồ đưa tranh đi khắp nơi thì Đông Hồ cũng tiếp nhận tranh từ những vùng khác.

Đầu những năm 30 của thế kỷ XX, tranh thờ (xuất phát từ Hàng Trống Hà Nội , làng Sình, làng chuồn Huế, và cả từ tranh thờ miền núi) du nhập vào Đông Hồ. Trước tiên là nghệ nhân Nguyễn Thể Thức (1882-1943) – người làng thường gọi là cụ Đám Giác, vẽ vài bức Tứ phủ công đồng, Ng̣ũ hổ, Sơn trang... sau có người đặt để thờ , rồi có người đặt để buôn, tranh thờ bắt đầu phát triển - nhưng vẫn là tranh vẽ tay. Sau đó con cụ Đám giác là nghệ nhân Nguyễn Thế Lãm (1913 - 1978) cũng vẽ tranh thờ (trong khi cả làng vẫn làm tranh chơi tết). Ban đầu các nghệ nhân dùng giấy than để can từ tờ tranh mẫu, mỗi lần được 3,4 tờ, tiếp theo bồi mặt sau cho tranh dầy lên, làm trục trên, dưới, rồi tô màu , vẽ lại nét, điểm nhỡn (vẽ mắt người), vẽ ria hổ (bằng Kim nhũ, Ngân nhũ).

Cho tới những năm 60 của thế kỉ XX, tranh thờ tiêu thụ được nhiều, nghệ nhân Hiền Năng (tên thật là Phùng Đình Năng 1912 – 1993, cháu gọi cụ Đám Giác là cậu rể, từng học vẽ cụ Đám Giác từ thở nhỏ) đã mở rộng sản xuất loại tranh này. Trước là lấy mẫu của cụ Đám Giác - đã cải biên tranh Hàng Trống, cải biên một lần nữa (với tinh thần đơn giản hóa để cả nhà cùng làm được, mỗi người một công đoạn) rồi đưa cắt ván, in hàng loạt. Trong tranh Đông Hồ, hổ vàng ở trung tâm đã thay đổi tư thế ngồi, nhìn chếch sang một bên, một chân hơi trùng xuống. Trong tranh Ngũ hổ Hàng Trống chúng ta thấy ở nửa trên bức tranh có những đám mây dầy đặc, đây là nơi nghệ nhân thể hiện kỹ thuật cao của nghề: Vờn: Bút lông bẹt được chấm một chút màu (Lam hoặc Đen) ở một góc, góc kia chấm nước keo loãng, lướt bút lên tranh – những đám mây bồng bềnh lần lượt hiện ra. Kỹ thuật vẽ này chỉ đích thân nghệ nhân mới làm được. Bức HT 3 thì mây đã bị tô màu và hơi ẩu rồi. Bức HT 4 thì mây được “lé” hai màu. Trong tranh Đông Hồ chùm sao đã bị bỏ đi, những đám mây đã được lược bớt, phần còn lại được tô màu. Việc lược bớt các chi tiết trong tranh Hàng Trống và thứ tự màu sắc thay đổi có những lý do riêng. Thời kì này miền Bắc đang chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, việc làm tranh Điệp được đưa vào tổ làm tranh hợp tác, tranh thờ bị coi là mê tín dị đoan, bị cấm sản xuất và lưu hành . Vì vậy việc làm tranh thờ rất cần nhanh chóng, gọn nhẹ, thế nên nhiều chi tiết của tranh Hàng Trống nguyên bản đã bị bỏ đi hoặc đơn giản hóa (chữ Uy nỗ đại pháp được thay bằng mấy cái vạch) để nhiều người trong gia đình cùng làm được, mỗi người một công đoạn.

Việc tô màu, ban đầu tuân theo thứ tự như tranh Hàng Trống. Theo nghệ nhân Hiền Năng, có bài văn cúng ngũ hổ được lưu truyền lúc ấy thì vị trí các Quan hổ được phân công như sau:

“Trấn phương Đông sai quan Thanh Hổ
Tróc Mộc-tinh lưới bủa ghê thay
Quan Bạch sai trấn phương Tây
Xu trừ kim khí ghê thay lạ dường
Quan Xích trấn Nam phương Ly Ngọ
Tróc Hỏa-tinh lưới bủa ngục trung
Bắc phương Quan Hắc oai hùng
Xu trừ thủy khí hiện-hung gia-hình
Trấn trung-ương sai Quan Quỳnh Hổ
Lệnh bài sai phá thổ thạch-tinh” .


Tuy nhiên vì lý do mỹ thuật, nếu xếp quan hắc hổ ở chính Bắc thì khó coi, nghệ nhân tranh Hàng Trống đã biến đổi: Hướng Bắc chuyển thành Đông Bắc; Đông thành Đông Nam; Nam thành Tây Nam; Tây thành Tây Bắc, Đông Hồ cứ thế làm theo. Cả nhà cùng tô màu, những đứa trẻ con không sao nhớ được vị trí các màu, tô nhầm một màu là các màu khác thay đổi theo. Sau khi mắng cho một bài, nghệ nhân Hiền Năng bảo “Thôi thì Quyền biến đi cũng được, tranh Hàng Trống cũng còn có những phiên bản khác nhau”. Các thế hệ sau làm tranh thờ có lẽ đã tiếp tục “quyền biến” nên tranh ngũ hổ Đông Hồ có nhiều phiên bản như ngày nay .

Đến những năm 90 - thời Kinh tế thị trường, tự do tín ngưỡng mở rộng, tranh thờ tiêu thụ nhiều, ở Đông Khê (Bây giờ thôn Đông Hồ và thôn Tú Khê bên cạnh được sát nhập với nhau, gọi là Đông Khê) các thế hệ sau đã mở mang, phát triển nghề làm tranh thờ, ông Hà Đức Huy là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật in lưới và bây giờ đã chuyển sang in offset để làm tranh thờ.

Để khép lại bài viết này tôi xin thú nhận, 50 năm trước, người viết bài này chính là thằng bé tô màu tranh ngũ hổ, muốn chơi bi đánh đáo với cậu bạn hàng xóm Hà Đức Huy, tôi đã nhanh chóng hoàn thành mức khoán 5 bức tranh một buổi, tôi đâu có biết nó xếp theo ngũ hành tương sinh hay tương khắc! 
 Kính chúc quí độc giả một năm mới An khang thịnh vượng.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét