Thứ Tư, 24 tháng 2, 2016

PHÁT ẤN Ở HOÀNG THÀNH THĂNG LONG LÀ CỔ XÚY DỊ ĐOAN

Phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long 
có cổ xúy tâm linh dị đoan? 

Thanh Hà (ghi)
Dân Việt
Thứ Sáu, ngày 19/02/2016 15:49 PM (GMT+7)

Sau ngày khai ấn thử nghiệm của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội diễn ra ngày 16.2 tại Điện Kính thiên, Hoàng thành Thăng Long đã dấy lên nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận, các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa về vấn đề này.

Quan điểm của nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền

Theo quan điểm cá nhân của tôi, nếu như việc phát ấn tại điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long được tổ chức thường niên vào đầu năm mới thì vô hình chung chúng ta tiếp tục đi theo xu hướng cổ xúy phong trào thời trung cổ, tức là theo kiểu văn hóa tâm linh, cúng, lễ, đóng ấn, cầu khấn ban tài, phát lộc… đồng thời với những cầu xin ấy sẽ là kéo theo sự lạm dụng về đồ vàng mã như tiền, vàng, sớ…được thực hiện tràn lan. 

.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền. Ảnh Sài Gòn Giải Phóng

Tôi nghĩ một xã hội văn minh thì những hành vi mang phạm trù tâm linh, có phần dị đoan như vậy không nên được thực hiện ở địa điểm là thể chế cấp chính quyền nhà nước, điều này chỉ nên diễn ra ở phạm vi tư nhân. Và như vậy theo tôi nghĩ là không nên thực hiện việc phát ấn cũng như khai ấn tại Điện Kính Thiên.


Còn theo quan điểm của một nhà nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm, không nên có hình thức khai ấn hay phát ấn tại điện Kính Thiên – Hoàng thành Thăng Long bởi những lý do sau.

Trong xã hội hiện nay, nếu phát sinh một sự việc, tạo một nghi thức lễ nào đó thì phải có sự tác động tích cực như thế nào tới xã hội. Và sự kiện, sự việc đó phải có giá trị tốt đẹp hơn đối với xã hội. Hiện nay ta đang có rất nhiều cách phát ấn, các lễ hội được diễn ra liên tục, quanh năm và ngày một nhiều lên.

Nhìn về mặt giá trị, liệu sự tăng trưởng, phát triển của các nghi thức đó có tác dụng tới sự phát triển về văn hóa, kinh tế - xã hội hay không hay là lại làm trì trệ, kéo xã hội đi xuống. Làm cho con người ta bị ru ngủ, khiến con người mải lo ăn, chơi, tốn thời gian đi lễ hội mà không lo làm ăn, kiếm sống, kinh doanh với những người trưởng thành và không lo học hành đối với thế hệ trẻ còn đang ngồi trên ghế nhà trường. Cho nên, không nên có hình thức phát ấn này.

Điện Kính Thiên thuộc Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng thời Lê Lợi (1428), ban đầu là nơi thị triều, sau là nơi kính trời đất, thực hành các nghi thức của vua chúa thời phong kiến. Đến nay Điện kính thiên thuộc cơ quan văn hóa, nghiên cứu mà lại cổ xúy vấn đề tâm linh, phát ấn, khai hội, e rằng không thích hợp lắm! 
.
Ấn “Sắc mệnh chi bảo” trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long 
được cho là có niên đại đời Trần. Ảnh: NongNghiep.vn

Khi nói đến ấn “Sắc mệnh chi bảo”, nhà nghiên cứu này cho hay: “Tôi chưa được tận mắt chứng kiến ấn “Sắc mệnh chi bảo” đó, nhưng theo rất nhiều chuyên gia nhận định, cũng như căn cứ vào bức ảnh chụp ấn “Sắc mệnh chi bảo” thì không ai công nhận đó là ấn thời nhà Trần.

Điều thứ 2 để nói rằng đó không phải ấn thời nhà Trần là theo tư liệu về ấn cho đến thời điểm này thì ấn nhà Trần chỉ còn 1, đến 2 ấn được làm bằng đồng mà nếu có còn thì phải được bảo quản rất kỹ thì may ra còn. Còn ấn bằng gỗ mà được gọi là “Sắc mệnh chi bảo” kia nói là thuộc thời nhà Trần, thì tôi nghĩ một mảnh gỗ mà tồn tại với thời gian là 800 năm tôi chắc là rất khó, hơn nữa lại được vùi dưới nhiều lớp đất.

Điều thứ 3 là: Triện “Sắc mệnh chi bảo” là để đóng vào các sắc phong dưới thời các triều đại cho thần linh hoặc người có công lao, danh cao vọng trọng, mà cổ bản được tìm thấy thời Lê đến nay, như thế, dấu triện “Sắc mệnh chi bảo” không thể bạ đâu đóng đó, đóng lung tung, hay đóng khai xuân để mang ý nghĩa khai ấn được.

Đồng thời, triện “Sắc mệnh chi bảo” cũng không phải để hành tín ngưỡng nơi Điện Kính thiên như Hoàng thành Thăng Long tổ chức và triển khai”.

Trước đó, đại diện của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết:

Lễ dâng hương khai Xuân vừa qua là để tưởng nhớ các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với đất nước và cũng là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống. Còn khai ấn chỉ mang tính chất hoạt động nội bộ lấy may đầu năm bởi vừa qua, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã khai quật và tìm thấy dấu ấn gỗ thời nhà Trần. Dấu ấn gỗ này được gọi là “Sắc mệnh chi bảo” có niên đại khoảng 700 năm.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chưa có ý định phát ấn, nhìn từ việc phát ấn ở đền Trần Nam Định mấy năm vừa rồi thấy sự lộn xộn, bạo lực khi người dân đến nhận ấn. Chúng tôi thận trọng, cân nhắc và mới chỉ là thăm dò, thử nghiệm, lắng nghe ý kiến của dư luận cũng như của các chuyên gia khoa học về việc khai ấn chứ chưa nghĩ sẽ phát ấn. Về lâu dài thì Trung tâm mong muốn hoạt động dâng hương và khai ấn sẽ là hoạt động thường niên hàng năm được diễn ra những ngày đầu năm mới tại Điện Kính Thiên.

3 nhận xét :

  1. Trong quá khứ nếu có đóng ấn ở các đình, chùa, đền..chắc chủ yếu để trừ tà, trừ ma...Một điều chắc chắn Vua hay bộ máy cai trị không bao giờ tùy tiện đầu năm, đóng ấn phát cho dân, các nhà lịch sử nên xem lại việc này.

    Trả lờiXóa
  2. Dị đoan đã rõ ràng rồi. Cái lá Ấn là vật vô hồn chứ đâu phải là cái gì có uy lực thay đổi ? Vậy sao phải tin vào nó ? Hơn 90 triệu dân Việt , mấy người có Ấn ? Không lẽ chỉ có những này sống, còn những người khác chết hết ? Những người giành được Ân sao không ra chặn quân Tầu Cộng ngoài BĐ Sao có giỏi thì ra lấy lại Hoàng sa, cần gì phải mấy ngày lại thấy ra rả HS-TS là của VN mà bọn Tầu cứ lấn tói ?

    Trả lờiXóa
  3. Lời văn của TTBTDS Thăng Long HN rất tinh vi.
    Bái phục? Bái phục ạ

    Trả lờiXóa