Thứ Sáu, 12 tháng 2, 2016

ÔNG CHỦ TỊCH TP HÀ NỘI KHÔNG HIỂU VỀ QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG!

 
Một cửa hàng thời trang ở Hà Nội

Chủ tịch UBND TP Hà Nội 
không hiểu qui luật thị trường?
 
Nam Nguyên, phóng viên RFA
2016-02-11

Hầu hết siêu thị, trung tâm thương mại ở Hà Nội đóng cửa đêm giao thừa và ngày mùng 1 Tết, thậm chí nhiều đơn vị nghỉ luôn ngày mùng 2 Tết, không màng tới ý kiến chỉ đạo trước đó của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung.


Thiếu tướng Công an Nguyễn Đức Chung vừa nhậm chức Chủ tịch Thủ đô chưa được bao lâu đã bị dư luận phản bác vì ông muốn can thiệp vào hoạt động thị trường. Trước Tết tướng Chung có ý kiến là để nhân dân được phục vụ tốt trong dịp Tết, các siêu thị, trung tâm bán hàng phải hoạt động đêm giao thừa và ngày mùng một Tết.

Ý kiến chuyên gia trên báo chí chính thức, cũng như trên mạng xã hội đã mỉa mai ông tướng Chủ tịch Hà Nội là quen mệnh lệnh bên ngành công an, nên khi trong tư cách người đứng đầu Thủ đô, một Đô trưởng mà lại thiếu hiểu biết về hoạt động và qui luật thị trường.

Giáo sư Tiến sĩ Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội phát biểu với chúng tôi tối mùng hai Tết:

Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…
- GSTS Vũ Văn Hóa
“Chúng tôi cho là không hợp thời, thứ nhất việc này là phong tục cổ truyền của người Việt Nam, đêm giao thừa là thiêng liêng để cho người ta xum họp với gia đình, đi chơi với bạn bè chứ không phải là lúc làm việc, người ta làm 365 ngày rồi, chỉ có một đêm giao thừa để đi chơi. Điều này là tập quán phong tục từ nghìn đời nay rồi. Chúng ta không nên can thiệp vào, đừng dùng mệnh lệnh hành chính như thời kỳ chiến tranh. Đưa ra quyết định như vậy chúng tôi cho là không hợp lý, người ta không chấp hành thì cũng không có quyền gì mà bắt phạt người ta cả…”

Trước đó theo Trí Thức Trẻ Online, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhấn mạnh tới cam kết của Việt Nam khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO, theo đó các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp phải thảo luận với doanh nghiệp. TS Lê Đăng Doanh thêm rằng, quyết định hành chính là quyết định gây tranh cãi vì doanh nghiệp họ mở cửa hay không phụ thuộc vào việc họ có bán được hàng hay không.

Nhà báo tự do Phạm Thành, một cư dân Thủ đô Hà Nội trình bày ý kiến của ông:

“Ra lệnh như thế là trái với hoạt động bình thường của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp hoạt động theo qui luật cung cầu chứ đâu phải hoạt động theo mệnh lệnh. Chủ tịch Hà nội nói phải kinh doanh cả trong đêm giao thừa là cách nói rất là duy ý chí của lãnh đạo, chẳng biết hoạt động thương mại tuân thủ theo qui luật khác chứ đâu phải là làm theo mệnh lệnh. Đấy là một lối tư duy rất là duy ý chí đặc điểm của điều hành kinh tế theo kiểu tập trung kế hoạch hóa, theo mệnh lệnh…còn rơi rớt lại trong đầu óc những ông cộng sản bây giờ được đứng vào vị trí quản lý nhà nước…”

Từ câu chuyện khá khôi hài của Thiếu tướng Nguyễn Đức Chung Chủ tịch Hà Nội, nhìn về việc điều hành kinh tế quốc gia ở góc độ lớn hơn. Việt Nam vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) ở New Zealand hôm 4/2/2016 vừa qua. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với nhiều cam kết về thị trường mở hơn bất cứ hiệp định nào khác mà Việt Nam từng tham gia.

Doanh nghiệp có quyền quyết định

Người Hà Nội len lỏi trong dòng giao thông giờ cao điểm hôm 29/1/2016. AFP photo

Thử so sánh về việc điều hành hoạt động kinh tế của Thủ đô qua mệnh lệnh hành chính của Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và những tiêu chí mà Việt Nam phải thực hiện trong tư cách thành viên TPP, qua phát biểu của Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quàn lý Kinh tế Trung ương:

“Chính Hiệp định TPP này với rất nhiều cam kết, cùng với nhiều cam kết trong các hiệp định khác, thì nó như là chất xúc tác để góp phần thêm, để thúc đẩy thêm quá trình cải cách, đặc biệt là cải cách thể chế theo tinh thần thị trường đầy đủ hiện đại và hội nhập cũng như là một Nhà nước rất là có trách nhiệm, có tính giải trình cao, chuyên nghiệp, minh bạch. Đấy là ý nghĩa rất sâu xa và đằng sau tất nhiên là môi trường kinh doanh rất là bình đẳng, minh bạch, đàng hoàng để các nhà đầu tư, để thị trường đón nhận, đem hết tất cả lợi thế cũng như năng lực của mình vào hoạt động kinh doanh sản xuất…”

Hà Nội là biểu tượng của Việt Nam, vậy mà người đứng đầu chính quyền lại có vẻ còn giữ nguyên não trạng của nhà điều hành thời bao cấp. Tuy rằng, tướng Nguyễn Đức Chung đưa ra ý kiến chỉ đạo siêu thị mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một Tết là để phục vụ người dân Thủ đô tốt hơn. Nhưng ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội nhận định trên báo chí rằng, lệnh của ông Chung có lẽ chỉ dừng lại ở chỗ là có lệnh…nhưng nó không có tính khả thi… Điều này trở thành sự thật, vì hầu hết siêu thị tư nhân hay đơn vị có vốn nhà nước ở Hà Nội đã đóng cửa đêm giao thừa, ngày mùng một Tết và còn kéo dài qua luôn cả mùng hai.

Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…
- Nhà báo tự do Phạm Thành
Những người dân bình thường hay giới kinh doanh không ai không hiểu rằng, kinh doanh là vì lợi nhuận. Nếu doanh nhân thấy mở cửa đêm giao thừa và sáng mùng một đem lại hiệu quả, thì không cần chính quyền ra lệnh họ sẽ tự động làm. Tuy nhiên, chi phí hoạt động trong những ngày nghỉ Tết sẽ nhiều hơn ngày thường, thì dụ tiền lương phụ trội và người lao động cũng có quyền từ chối không đi làm. Doanh nghiệp tự cân nhắc và chính họ mới có quyền quyết định về hoạt động kinh doanh của mình. Trên thế giới không thiếu gì những cửa hàng mở cửa 24g, nhưng đấy là sự tổ chức kinh doanh đặc biệt theo quyết định của doanh nhân chứ không phải mệnh lệnh của chính quyền.

Có lẽ câu chuyện mệnh lệnh hành chính của ông Chung Chủ tịch Hà Nội không phải là cá biệt, ở các tỉnh thành khác chắc hẳn có nhiều trường hợp tương tự trong các hoạt động kinh tế. Thí dụ có những địa phương từng ra lệnh công nhân viên chức chỉ được uống một loại bia nào đó. Làm thế nào để thay đổi tư duy các cấp chính quyền một cách có hiệu quả? Nhà báo tự do Phạm Thành phát biểu:

“Lãnh đạo Hà Nội thực hiện cái đó thì bản thân họ phải thay đổi tư duy chứ không phải người dân. Chính là các quan chức phải thay đổi tư duy…”

Việt Nam đã đổi mới từ 30 năm qua, nhưng có vẻ còn rất nhiều quan chức, cán bộ lãnh đạo chưa thực sự thay đổi. Câu chuyện mệnh lệnh của Hà Nội lại xảy ra ngay sau khi Đại Hội Đảng kết thúc và nhiệm kỳ 5 năm sắp tới được cho là tiếp tục đổi mới trong bối cảnh hội nhập và hoàn thiện thể chế thị trường đầy đủ. 


13 nhận xét :

  1. Lòng trung thành quan trọng hơn khả năng kỹ trị đó là một tiêu chí quan trọng nhất của đảng cs

    Trả lờiXóa
  2. Thật sự đáng lo ngại về 'quan trí' của đất nước 'đỉnh cao trí tệ' - đất nước Việt Nam ta!

    Trả lờiXóa
  3. Nực cười quá. Muốn "phục vụ" nhân dân thì ra lệnh trưng dụng tài sản của các tổ chức buôn bán rồi cho phép người dân tự do vào lấy có phải là được lòng dân không?! Đằng này lại bắt bán & phải mua thì ... dở hơi quá!

    Thêm vài lệnh kiểu này thì dân khinh là cái chắc. Muốn chứng tỏ chế độ ưu việt thì bắt cán bộ từ cấp trưởng phòng trở lên nộp tiền mua hàng Tết phát cho dân nhé! Làm thử xem sẽ ... biết 😉

    Trả lờiXóa
  4. Nên ủng hộ Tướng Chung. "Dân chủ đến thế là cùng". Chưa Đảng, nhà nước nào, tất cả vì nhân dân như ở ta cả. Đến ruộng đất, nhà máy tư nhân trước đây còn tịch thu được để phục vụ nhân dân, thì quy định phải bán hàng đêm giao thừa và ngày Tết tại sao không chấp hành? Đó không phải là "thoái hoá tư tưởng", "tự diễn biến" "thì là gì hả"? Nên nâng lên điển hình, triển khai đồng loạt trên cả nước. Đừng ai đưa TPP hù doạ. TPP chứ dân chủ nhân quyền tự do ngôn luận gì gì đi nữa cũng phải phù hợp với đặc thù Việt Nam ! Thế giới khác, Việt Nam khác
    Ẩn danh

    Trả lờiXóa
  5. thời tôi tham gia là chuyên gia tư vấn của Thủ tướng chính phủ, đã tư vấn để chỉ đạo soạn thảo luật Doanh nghiệp: nhà nước tối thiểu hóa can thiệp, luất đảm bảo cho người dân có thể tiên lượng được.

    Trả lờiXóa
  6. Chủ tịch có bằng ts luật mà lại chả hiểu gì về luật

    Trả lờiXóa
  7. ÔNG CHỦ TỊCH TP HÀ NỘI KHÔNG (CẦN) HIỂU VỀ QUY LUẬT THỊ TRƯỜNG

    Ông ta là người Cộng Sản chân chính, mà đã là người Cộng Sản chân chính, nhiệm vụ của ông ta là từng bước tiêu diệt thị trường. Hiểu thì tiêu diệt nhanh & gọn hơn, nhưng không cần thiết .

    Trả lờiXóa
  8. Chỉ có thể nhận xét : NGU XUẨN .

    Trả lờiXóa
  9. Tiêu diệt chợ búa như Pôn pốt hay bắt họp chợ ngày mồng một tết của Nguyễn Đức Chung, bản chất chỉ là một. Điều đó hơn là một sự ngu xuẩn.

    Trả lờiXóa
  10. Chán như con gián!

    Trả lờiXóa
  11. Cái đáng lo ngại là lãnh đạo tư duy không thực tế. Mà cũng ngạc nhiên vì vợ ông Chung có 1 siêu thị to sao ông ấy không hiểu là sang ngày mùng 1 không có khách mở cửa để làm gì

    Trả lờiXóa
  12. Thông cảm vì là Công an nên Chung chưa đủ chín để hiểu hết mọi nhẽ.

    Trả lờiXóa