Chủ Nhật, 14 tháng 2, 2016

TẤT CẢ CHÚNG TA HÃY TỈNH NGỘ, TRƯỚC KHI QUÁ MUỘN!


NHÂN LOẠI CÓ CHUNG 
NHIỀU GIÁ TRỊ VĂN HÓA PHỔ QUÁT

Phan Hồng Giang

Đặt đầu đề như trên cho bài viết của mình, tôi có đôi chút lăn tăn : Có phải mình đã cố tình định “tái phát minh ra cái xe đạp” trong khi  cái xe đó đã tồn tại từ hàng trăm năm nay ?  “Nhân loại có chung nhiều giá trị văn hóa phổ quát” là một thực tế hiển nhiên như 2x2 = 4, việc gì phải nhắc lại ? 

Nhưng mà, như bạn đọc sẽ thấy sau đây, có nhiều lý do để phải khẳng định lại điều đó.

Do tác động của những điều kiện lịch sử, địa lý, kinh tế khác nhau mà mỗi dân tộc đều ít nhiều có bản sắc văn hóa riêng. Điều này thể hiện dễ thấy nhất ở phong tục tập quán, lối sống, nếp sống. Trang phục mỗi nước một khác, nơi quần quần áo áo, nơi chỉ cần mảnh vải quấn quanh thân. Không ít nước coi “miếng trầu là đầu câu chuyện”, trước đây răng đen tuyền hạt na đã từng là duyên dáng, cổ cao đeo hàng chục vòng bạc là mẫu  mực nhan sắc. Đàn ông theo Hồi giáo có thể lấy 4 vợ, trong khi nhiều nước nghiêm cấm đa thê. Nước trọng sinh con trai “nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, nước sinh trai hay gái đều được quý như nhau. Một số nước có tục dâng hương , bày mâm lễ thờ cúng tổ tiên, nhiều nước lại chỉ giữ kín trong lòng  sự kính trọng ông bà. Văn hóa phương Đông đề cao phụ nữ giữ trinh tiết trước khi lấy chồng, trong khi đàn ông châu Âu lại không coi đó là tiêu chuẩn đạo đức cần thiết khi tìm bạn đời…

Thừa nhận sự khác biệt, sự đa dạng văn hóa của các dân tộc là yêu cầu của mọi xã hội văn minh. Tuy nhiên, điều đáng nói là có không ít lý luận gia, vì những lý do dường như ngoài văn hóa, đã “phóng đại” (?) những nét đặc thù văn hóa, những điều kiện lịch sử riêng của dân tộc mình để  quay lưng với những giá trị văn hóa phổ quát của nhân loại.

Họ quên mất thực tế hiển nhiên là  con người dù khác nhau về màu da, vóc dáng, gương mặt, ngôn ngữ, nếp sống… đều thuộc một loài chung là loài người, đều có chung nụ cười  khi vui và nước mắt khi buồn.

Nụ cười và nước mắt không cần ai phải dịch, - và đó là cội nguồn của những điều chung. 

*
Không phải ngẫu nhiên mà Chủ tịch Hồ Chí Minh,  trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại quảng trường Ba Đình ngày 2 tháng 9/1945 đã nhắc lại câu nói bất hủ trong Tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ năm 1776 : “Mọi người đều sinh ra bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Cần nói thêm ngay rằng “mọi người” ở đây là “mọi người của mọi dân tộc”.

Nhu cầu được hưởng những quyền cơ bản của con người là chung cho con người của mọi dân tộc.

Không một ai muốn mình bị  coi thường, bị đánh giá bất bình đẳng. Không một ai muốn mình bị trói buộc, mất tự do thân thể và tự do tinh thần.     Không một ai muốn mình bị ngăn trở, cấm đoán trong cuộc  hành trình mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân và gia đình mình, cũng như cho cộng đồng. Muốn vậy con người cần có quyền sở hữu tài sản, quyền sáng tạo và quyền tự do kinh doanh  không trái pháp luật.

Không một ai , ở bất cứ dân tộc nào, thích bị bịt miệng, không được nói ra ý nghĩ và mong muốn của mình. Hồ Chủ tịch đã từng có định nghĩa ngắn gọn, chân xác về dân chủ : “Dân chủ là để  người dân được mở miệng ra mà nói !”.

Người của dân tộc nào thì cũng cần thừa nhận “bách nhân bách tính”, thừa nhận sự khác biệt tương đối trong  suy nghĩ ở nhiều người, nhưng không hề vì thế mà khó chịu khi thấy ai đó nghĩ khác mình. Họ cần phải hiểu rằng nếu thấy người khác nghĩ khác mình thì khi đó chính mình cũng đã nghĩ không giống người khác ! Càng không nên kiên trì ý định áp đặt suy nghĩ của mình lên người khác. Chỉ có thể đạt tới sự đồng thuận thông qua tranh luận, thuyết phục nhau một cách có lý có tình.

Người ở bất cứ đâu thì cũng đều có thiên hướng được tụ hợp lại với nhau theo  sở thích và ý nguyện tương đồng, được tự do bày tỏ một cách ôn hòa tình cảm yêu ghét của mình mà không sợ  bị  coi là  “làm mất trật tự công cộng”.

Người dân tộc nào thì cũng đều muốn được bình đẳng lựa chọn ra người lãnh đạo giỏi hơn mình,tốt hơn mình thông qua bầu cử công khai, có cạnh tranh sòng phẳng, lành mạnh…

Tôi đã lược qua trên đây những  ý nguyện chung cho con người ở mọi dân tộc. Đó chính là những giá trị phổ quát chung của toàn nhân loại mà chúng ta không thể nấp sau tấm bình phong “đặc thù” của văn hóa mỗi dân tộc mà phủ nhận chúng để rồi bị rơi vào tình trạng dường như là “bế quan tỏa cảng”, đi một mình một đường dẫn đến kết cục không ai mong chờ là tụt hậu và… tụt hậu.

Chúng ta hãy cùng tỉnh ngộ trước khi quá muộn!

P.H.G 

_____________ 

* Tác giả Phan Hồng Giang là Tiến sĩ khoa học, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật - thuộc Bộ Văn hóa. Ông là con trai của Nhà văn Hoài Thanh (Tác giả Thi nhân Việt Nam).


5 nhận xét :

  1. Đúng,chính xác,đã quá muộn !

    Trả lờiXóa

  2. tại sao Sakharov phải bỏ cs ? • vài giây trước
    Trước khi trở thành "phản động, thế lực thù địch" của đảng cs Liên xô-Andrei Dmitriyevich Sakharov (Андрей Дмитриевич Сахаров) – Viện sỹ Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô, người từng có đóng góp quan trọng chế tạo bom khinh khí của Liên Xô, Ba lần anh hùng Liên xô, đại biểu Xô viết tối cao toàn liên bang, huân chương Lê nin, Huân chương cờ đỏ, Huân chương cách mạng Tháng Mười.... khi nhận ra bản chất lừa đảo lưu manh phản động của đảng cs thì ông đã kiên quyết bỏ đảng và dấn thân trên con đường đấu tranh chống lại sự cầm quyền bất chính vi phạm quyền người của đảng csLX, là người đối lập tích cực đi đầu trong cuộc đấu tranh vì nhân quyền tại Liên Xô, ông bị nhà nước cs bắt giam, ... sau ngày csLX sụp đổ , để ghi nhận những đóng góp cho sự nghiệp đấu tranh vì tự do hòa bình và bảo vệ quyền con người, ông được nhận giải thưởng No-bel hòa bình-ngày nay tên ông được đặt cho nhiều con đường và công trình ở Nga và các nước châu Âu.

    Trả lờiXóa
  3. "Chỉ có thể đạt tới sự đồng thuận thông qua tranh luận, thuyết phục nhau một cách có lý có tình"

    Một cách thuyết phục nhau có lý có tình là trích thật nhiều những câu nói (đã được sàng lọc) của Chủ tịch Hồ Chí Minh

    Trả lờiXóa
  4. Sau ĐH12 của ĐCSVN, Dân ta sẽ được "mở miệng" nhiều hơn, bởi vì cụ tổng Trọng đã nói chắc như đinh đóng cột rằng (thì là): "Dân chủ đên thế là cùng" (hy vọng cụ không lỡ lời).
    Mặt khác qua câu nói của cụ, ta cũng có thể hiểu ý cụ rằng, VN ta "dân chủ" tột đỉnh rồi, hết cỡ rôi, dân chủ tới chân tường rồi, không thể tiến hơn được nữa. Nếu vậy thì "con" xin vái cụ tổng!

    Trả lờiXóa
  5. Càng đàn áp sắt máu càng mau sụp đổ. Hãy coi gương đồng chí Gađaphi

    Trả lờiXóa