Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

ĐH XII: PHỎNG VẤN NHÀ BÌNH LUẬN QUỐC TẾ ĐINH HOÀNG THẮNG

THẾ GIỚI VỚI ĐẠI HỘI XII 

TS. Đinh Hoàng Thắng trả lời phỏng vấn
tại Hà Nội, ngày 26.01.2016.

“Truyền thông trong nước và quốc tế, đủ mọi loại lề, tràn ngập thông tin và bình luận về Đại hội ĐCSVN. Thêm một dịp để thế giới thấy, thể chế Việt Nam có thể tụt hậu, nhưng trí tuệ Việt và sự quan tâm đến đất nước này thì không”. TS. Đinh Hoàng Thắng – người từ nhiều năm nay theo dõi các phản ứng bên ngoài đối với các sự kiện lớn ở ta – bộc bạch trong câu chuyện cuối năm:

TS. Nguyễn Xuân Diện (TS. NXD): Ý kiến ông về dư luận thế giới đối với Đại hội XII? 

 
TS. Đinh Hoàng Thắng (TS. ĐHT):
Chẳng dám nói là bao quát được hết, nhưng nhìn từ một góc nào đấy của truyền thông quốc tế, thì vừa qua, thế giới quả là đã “sốt cao” vào tất cả mọi thời điểm: trước, trong và sau Đại hội. Về cả tần suất tin tức, độ sâu các phân tích, đặc biệt là các đánh giá về xu thế tình hình Việt Nam của nhiều hãng thông tấn hàng đẩu từ Mỹ, Úc, Nhật, kể cả Trung Quốc.


TS.NXD: Thưa ông, Nhưng “sốt cao nhất” là giai đoạn nào?

TS. ĐHT: Những ngày trước khi kết thúc mọi việc. Đại hội XII gay cấn, hồi hộp tới phút chót nhưng không bất ngờ. Sự quan tâm của truyền thông quốc tế vẫn tiếp tục kể cả sau khi đã chốt xong danh sách các ứng viên BCHTƯ. Dư luận không chỉ quan tâm đến việc ai ở ai về, mà còn chú ý đến các diễn biến chưa từng có trong các đại hội trước đây. Nhiều dự báo, ĐCSVN sau dịp này sẽ không còn là ĐCS trước ngày 28/1 nữa. Đại hội XII đánh dấu một giai đoạn mới bởi những khác biệt bên trong đảng (Trước nay vẫn có, nhưng mà lần này, đấu tranh nội bộ bộc lộ công khai).


TS. NXD: Theo ông, ý nghĩa của những “cơn sốt” ấy là gì?

TS. ĐHT: Truyền thông trong nước và quốc tế, đủ mọi loại lề, tràn ngập thông tin và bình luận về Đại hội ĐCSVN. Ấy là thêm một dịp để thế giới thấy, thể chế Việt Nam có thể tụt hậu, nhưng trí tuệ Việt và sự quan tâm đến đất nước này thì không.

TS. NXD: Nhưng tại sao cả Tây lẫn Tàu lại quan tâm đến Ta dữ như vậy?

TS. ĐHT: Vì nhiều lẽ, nhưng lý do quan trọng nhất, có lẽ họ cho rằng nước ta có một vị trí đắc địa trong cái “làng toàn cầu” này buộc họ phải để ý. Điều mà ngôn ngữ chính thống thường gọi là “vị thế quốc tế”, nói một cách nôm na, là do hướng đất nhà mình (location), do các của cải ông cha để lại (heritage), mà thế giới luôn quan tâm đến ta.

TS. NXD: Vâng, ý ông là do vị trí “nhà mặt phố” của ta. Vậy, sau Đại hội, mảnh đất nhà mình xuống giá hay lên giá, thưa TS?
 

TS. ĐHT: Tôi không phải là nhà buôn bất động sản, nên thật khó nói mảnh đất này “lên” hay “xuống” giá, nhưng nhận xét của thế giới là khá đa chiều. Có mặt họ khen, có điểm họ chê, nhưng dù khen hay chê, tôi nghĩ cái nhìn của họ tương đối khách quan, nếu mình chắt lọc từ những nhận xét ấy, có thể rút ra khối điều bổ ích cho công việc.

TS. NXD: Ý ông là ai chắt lọc? Ngươi dân chắt lọc thì liệu có ích gì?
 

TS. ĐHT: Có chứ! Người dân, với tư cách là chủ nhân ông đất nước (cho dù ta chưa đạt được cái quy chế ấy, nhưng bao giờ cũng phải ý thức về cái quyền của mình), có thể tác động đến các nhà hoạch định chính sách. Hãy xem, từ vị trí là những “con phe”, “con buôn”, sau đó trở thành các “doanh nhân” và lần đầu tiên, nay kinh tế tư nhân được coi là “động lực của nền kinh tế”. Đấy chẳng phải nhờ sức ép là gì! Tương tự, tranh luận hàng chục năm nay về kinh tế thị trường định hướng XHCN, trong khi lãnh đạo ta ra thế giới lại đều yêu cầu các nước công nhận ta có nền kinh tế thị trường đích thực. Tất cả rồi sẽ phải thay đổi dưới sức ép của thực tiễn.

TS. NXD: Tại sao cứ phải chờ sức ép mới chịu thay đổi? Tại sao ta không tự chuyển hóa?
 

TS. ĐHT: Tôi e cuộc nói chuyện của chúng ta sẽ lạc đề nếu cứ đi tiếp mạch này. Nhận thức là một quá trình, quá trình ấy lâu hay mau là nhờ vào tầng lớp tinh anh. Ngọn đèn tuy tỏa sáng thật đấy, nhưng vùng tối lại nằm ngay ở chân nó. Vì vậy, cần lắng nghe người khác nói về mình. Quy mô quốc gia lại càng cần như thế. Hiểu được mọi sự khen chê ở đời là dấu hiệu của minh triết. Cách đây hàng chục năm, một vị lãnh đạo thuộc loại khai quốc công thần ở ta đã phải kêu lên, đã qua lâu rồi cái thời đại chỉ dựa vào sách vở để tranh luận về đường lối xây dựng đất nước.

TS. NXD: Tôi đoan chắc rằng, độc giả thích nghe những lời thị phi trước. Nhìn chung, họ khen chê ta như thế nào?

TS. ĐHT: Viện Dự báo Chiến lược STRATFOR (Mỹ) chia lãnh đạo Việt Nam thành 3 nhóm: cải cách thân Mỹ/phương Tây, bảo thủ thân Trung Quốc và nhóm thứ ba thì trung dung. Tuy nhiên, theo BBC (Anh), ở Việt Nam, nếu gán cho người này có tư tưởng “bảo thủ” hay người kia “cấp tiến” (cải cách) chỉ là tương đối, vì nội hàm có thể thay đổi. Trong chừng mực nhất định lại là võ đoán. Bởi vì, nguyên tắc “tập trung dân chủ” của đảng đã khiến mọi đảng viên phải phục tùng đa số. Vẫn theo STRATFOR, chiến lược Việt Nam 5 năm tới không tùy thuộc vào con người cụ thể. Ai lên làm TBT cũng buộc phải ưu tiên cho đường lối hội nhập toàn diện. TƯ14 khẳng định quyết tâm ký TPP cho thấy lãnh đạo mới sẽ không đảo ngược chính sách hội nhập. Tờ “Hoàn cầu Thời báo” (Trung Quốc) bình luận hơi vô lối khi cho rằng, Việt Nam duy trì ổn định chính trị vì lợi ích của Trung Quốc và nhận định, dù Việt Nam vào TPP, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại lớn nhất và điều nay gần như không thể thay đổi.

TS. NXD: Giữa ta với Trung Quốc họ còn đánh giá thế nào nữa?

TS. ĐHT: Một số tờ báo Tây phương tin rằng, Việt Nam sẽ “trỗi dậy” sau Đại hội nhưng “trỗi dậy dưới ảnh hưởng của Trung Quốc”. Tờ “Les Echos” (Pháp) đã ví chuyến công du Hà Nội của Chủ tịch Tập Cận Bình hồi tháng 11/2015 giống như việc đóng con dấu để chuẩn thuận các lựa chọn của ĐCSVN. Báo chí phương Tây tỏ ngạc nhiên trước việc Trung Quốc hiện đang mở nhiều lớp đào tạo/huấn luyện các nhà lãnh đạo/quản lý cho Việt Nam và tự hỏi, tại sao Việt Nam không chút nghi ngờ gì “lòng tốt” ấy từ người hàng xóm lớn của mình.

TS. NXD: Các nước nhìn nhận thế nào về sức ép của Trung Quốc đối với ta?

TS. ĐHT: Đương nhiên phần nào đó, bạn tỏ ra lo ngại cho ta. Họ băn khoăn, liệu bằng cách nào chúng ta có thể bảo vệ được chủ quyền quốc gia, giữ vững môi trường hòa bình trong bối cảnh người láng giềng lớn đưa giàn khoan khủng Hải Dương 981 tới áp sát cửa vịnh Bắc Bộ ngay trong những ngày Đại hội. Đấy là chưa kể trước đó, Trung Quốc đã gấp gáp xây dựng các đảo nhân tạo lên quy mô chưa từng thấy, đưa máy bay ra Trường Sa thuộc của Việt Nam, cho tàu quân sự trá hình đâm, đuổi các tàu đánh cá của ngư dân ta, trong khoảng một tuần lễ đã 46 lần vi phạm vùng quản lý bay của ta…

TS. NXD: Với Mỹ thì sao, thưa ông?

TS. ĐHT: Báo chí đánh giá tích cực chuyến thăm Hoa Kỳ của TBT Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng ta chọn thời điểm rất trúng. Chả là sau đó, Trung Quốc đã mời TBT ta sang Bắc Kinh. (Nên nhớ trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần bỏ qua đề nghị của TBT ta muốn thăm Trung Quốc). Tất nhiên, trong quan hệ với Mỹ nhiều vấn đề còn bỏ ngõ chờ các quyết định mới của cả hai bên. Ở đây có 3 điểm nhấn: 1) Sau khi ký TPP, hai nước sẽ ưu tiên như thế nào trong tổ hợp quan hệ chính trị, an ninh và kinh tế? 2) Năm 2016 này, Tổng thống Obama có thăm Việt Nam và hai bên có nâng quan hệ lên “đối tác chiến lược” hay không? và 3) Quyết tâm của cả Việt Nam lẫn Mỹ đối với các kết nối song phương và đa phương đến mức độ nào sau Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ vào tháng Hai tới?

TS. NXD: Một câu hỏi hơi lệch đề: Tại sao Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không thăm Việt Nam trong chuyến công du sang Lào, CPC, Trung Quốc đợt này?

TS. ĐHT: Ngoại trưởng Mỹ không thăm Việt Nam chứng tỏ slogan báo chí luôn luôn đúng “No News Is Good News”. Có thể giữa hai nước chưa có những vấn đề cấp bách cần trao đổi, hoặc có thể quan hệ Mỹ-Việt đang đi đúng quỹ đạo (?) Với Lào, chính quyền Obama đề phòng, Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm nay (Lào) sẽ cư xử như Campuchia hồi 2012. Chuyến thăm của ông Kerry là động thái khích lệ Lào về các biện pháp hỗ trợ của Mỹ. Với Campuchia, Mỹ quan ngại việc chính quyền sở tại đối xử với phong trào bất đồng chính kiến. Với Trung Quốc, Mỹ muốn cùng nhau chặn đứng tham vọng vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Ngoài ra, ông Kerry sẽ thảo luận về vấn đề Biển Đông, nguyên nhân chính khiến căng thẳng Mỹ-Trung và Trung Quốc-ASEAN ngày càng leo thang.

TS. NXD: Sau Đại hội, các nước đón đợi như thế nào đối với chính sách đối ngoại của ta?

TS. ĐHT: Sau Đại hội, chính sách đối ngoại của Việt Nam tiếp tục là cầu nối giữa ba trụ cột: tăng trưởng kinh tế, hội nhập quốc tế và tăng cường khả năng phòng thủ quốc gia. Đấy là ý kiến của một chuyên gia có thẩm quyền về Việt Nam, TS. Carl Thayer từ Học viện Quốc phòng (Úc châu). Việt Nam sẽ tiếp tục chính sách “đa dạng hóa và đa phương hóa”. Ngoài kinh tế, Việt Nam sẽ tăng cường hơn nữa quan hệ với châu Âu, Nhật Bản, Ấn Độ và Hoa Kỳ trong các lĩnh vực khác, từ khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo đến phát triển nguồn nhân lực….Việt Nam sẽ duy trì quan hệ với Trung Quốc nhưng đồng thời cố gắng giảm bớt sự lệ thuộc kinh tế vào nước láng giềng phương bắc.

TS. NXD: Trở ngại lớn nhất sau Đại hội theo dư luận là gì?
 

TS. ĐHT: Không chỉ Việt Nam mà nhiều nước và vùng lãnh thổ như Lào, Philippines, Myanmar, Đài Loan… đều sẽ có thay đổi lãnh đạo ở cấp cao. Bính Thân sẽ là năm tiếp tục có nhiều sóng gió hơn tại vành đai châu Á-Thái Bình Dương. Những thách thức này không chỉ giới hạn trong phạm vi bầu cử. Các nhà lãnh đạo mới sẽ phải đối mặt với đà giảm tốc của nhiều nền kinh tế, đặc biệt là của Trung Quốc, cũng như những hệ lụy ngày càng lớn của xu thế ấy đối với các liên hệ an ninh và phát triển trong khu vực. Liệu tân lãnh đạo sẽ ưu tiên cho giải pháp nào trong gói giải pháp mà một tạp chí Nhật Bản (The Diplomat) vừa khuyến nghị. Tờ báo gợi ý Mỹ nên nâng cấp quan hệ với một số nước, trong đó có Việt Nam, lên “đối tác chiến lược”; yêu cầu Mỹ tăng cường hợp tác về quốc phòng; hỗ trợ các công ty dầu mỏ lập ra các liên doanh để khai thác ngay trong các vùng đặc quyền kinh tế của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền.

TS. NXD: Câu hỏi cuối cùng, với tư cách là người nghiên cứu đối ngoại, đánh giá nào của bên ngoài khiến ông băn khoăn nhất?

TS. ĐHT: Có ba đánh giá ám ảnh khá nặng nề. Thứ nhất, một nhà đầu tư phương Tây nói, sau Đại hội họ vẫn còn lo ngại đối với tình hình, muốn chờ xem nội tình Việt Nam rồi đây sẽ diễn biến ra sao. Nhà đầu tư này nói với RFI, chưa bao giờ ông chứng kiến thay đổi lãnh đạo tại một quốc gia cộng sản lại bộc lộ sự chia rẽ lớn như vừa qua. Thứ hai, hãng tin Bloomberg dẫn lời cựu đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghardt cho rằng ĐCSVN đang trong tình trạng bối rối, không biết lựa chọn vị trí nào trong cái tam giác Mỹ-Trung-Việt. Thứ ba, cảnh báo của Giám đốc Tập đoàn Âu-Á Evan Medeiros từ tp Hồ Chí Minh: “Những mảng kiến tạo của chính trị, kinh tế và an ninh khu vực sẽ thay đổi một cách đáng kể và có tác động lâu dài trong năm 2016”.

TS. NXD: Xin cảm ơn TS. Đinh Hoàng Thắng về cuộc phỏng vấn nhanh và nóng này! 


Hà Nội, ngày 26.01.2016.

2 nhận xét :

  1. Câu trả lời cuối đáng giá nhất, đúng thực trạng nhất!
    Cảm ơn hai vị TS về buổi phỏng vấn.

    Trả lờiXóa
  2. Nước ta có cả vạn người tài ,tại sao lại chọn NXP làm thủ tướng nhỉ? Hãm quá !

    Trả lờiXóa