Kết quả cuộc biểu quyết cho thấy Thủ Tướng Dũng không giành được hơn 50% số phiếu để được đề cử vào Ban Chấp Hành Trung Ương hầu có thể cạnh tranh giành chức Tổng Bí Thư với ông Nguyễn Phú Trọng.
Đại Hội Đảng 12: Gay cấn, hồi hộp tới phút chót
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tối 25/1 đã chính thức bị gạt sang một bên, sau khi đa số các đại biểu tham gia đại hội lần thứ 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam chấp thuận nguyện vọng của ông, “xin được rút lui”.
Kết quả cuộc biểu quyết cho thấy Thủ Tướng Dũng không giành được hơn 50% số phiếu để được đề cử vào Ban Chấp Hành Trung Ương hầu có thể cạnh tranh giành chức Tổng Bí Thư với ông Nguyễn Phú Trọng.
Cách đó vài giờ, hãng tin AP đăng bài viết với tựa đề đại khái nói rằng ông Nguyễn Tấn Dũng đã ‘lật ngược thế cờ’ vào phút chót sau khi ông được đề cử với số phiếu cao nhất để tham gia ban chấp hành trung ương khoá 12.
Hôm 24/1, truyền thông trong nước đưa tin ông Dũng nằm trong số 62 người được đề cử vào Ban chấp hành Trung ương khoá mới, làm dấy lên hy vọng ông Dũng sẽ dành được thắng lợi ngoạn mục vào giờ thứ 25, hứa hẹn cuộc tranh giành quyền lực với ông Nguyễn Phú Trọng sẽ gay cấn và hồi hộp cho tới phút chót.
Mãi tới hôm thứ Bảy 23/01, một số nhà quan sát cho rằng sự nghiệp chính trị của ông Dũng kể như sẽ chấm dứt sau Đại hội 12. Các nguồn tin này cho rằng chức vụ Tổng Bí thư chắc chắn sẽ về tay ông Trọng vì ông là người duy nhất trong ‘bộ tứ’ lãnh đạo được Bộ Chính Trị và hội nghị 14 của Ban Chấp hành Trung ương khóa 11 giới thiệu ra tái cử để tiếp tục duy trì chức vụ.
Hãng tin AP chiều nay tường thuật rằng Thủ Tướng Dũng hình như đã lật ngược tình thế chống các nỗ lực của ông Trọng và phe cánh của ông, toan gạt ông Dũng ra ngoài lề.
Việc Thủ Tướng Dũng được Đại hội 12 giới thiệu tái cử, lại là người được giới thiệu nhiều nhất trong số những người được giới thiệu, đã khiến một số nhà quan sát nhận định rằng cơ hội để ông Dũng trở thành Tổng Bí thư vẫn còn, dù con đường của ông tiến tới việc thực hiện tham vọng chính trị còn rất nhiều chông gai.
Tối hôm nay, ngay trước khi mọi việc ngã ngũ, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, đã có cuộc trao đổi sau đây với Ban Việt ngữ - VOA.
Một số chi tiết trong câu chuyện vẫn còn giá trị, cho dù cuộc biểu quyết rõ rệt đã mở đường cho ông Nguyễn Phú Trọng duy trì chiếc ghế Tổng Bí Thư trong thêm một thời gian nữa. Mời quý vị theo dõi chi tiết trong cuộc trao đổi giữa Hoài Hương với Tiến sĩ Nguyễn Quang A:
VOA: Thưa Tiến sĩ, cuộc đấu đá quyền lực tại Việt Nam đang tiến vào giai đoạn có thể nói là gay cấn, nghe nói là Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng hình như đã lấy lại được thế sau khi được đề cử để có thể ra tranh giành chức Tổng Bí Thư với Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, thì theo Tiến sĩ, ông Nguyễn Tấn Dũng có bao nhiêu cơ may có thể lật lại tình thế chống lại cái sự đã rồi do ông Nguyễn Phú Trọng sắp xếp?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Ngày hôm qua, ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng còn có rất nhiều người khác được đề cử vào danh sách được đề cử để bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương khoá 12 của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đấy chỉ mới là đề cử. Đến chiều nay, nghe nói đã có 29 người được đề cử ngoài cái danh sách mà do Hội nghị 14 đề cử vừa rồi, đã xin rút. Trong số người được đề cử thêm ở Đại hội, là 62 người, có rất nhiều uỷ viên Bộ Chính trị khác, ngoài ông Nguyễn Tấn Dũng, còn có ông Trương Tấn Sang, ông Nguyễn Sinh Hùng và nhiều người khác nữa. Và tất cả các uỷ viên Bộ Chính trị mà không được giới thiệu bởi Ban Chấp Hành Trung Ương lần thứ 14 và bây giờ được đề cử thêm thì theo tôi được biết, đã đều xin rút lui.”
VOA: Kể cả Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng phải không ạ, nhưng hội nghị có quyền từ chối quyết định rút lui đó?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Đúng rồi, người ta hình như đang bỏ phiếu kín để quyết định chốt lại danh sách ứng cử viên. Nếu ông Nguyễn Tấn Dũng hoặc bất kể người nào đã xin rút lui mà vẫn được đa số đại hội bỏ phiếu là không được rút lui thì ông ấy sẽ lọt vào danh sách đề cử để ngày mai sẽ bầu uỷ viên Trung ương khoá 12.”
VOA: Trong tất cả những người đã được đề cử thêm, có thể nói ông Nguyễn Tấn Dũng là người có cơ may được giữ lại nhất, và nếu ông được giữ lại thì ông có cơ may nhiều nhất để cạnh tranh với ông Trọng để giành chức Tổng Bí Thư, có phải không?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ rằng bất chấp việc ông ấy xin rút vào chiều nay, mà ông được đa số đại biểu không cho rút lui thì khả năng ông ấy được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương là cao, và trong trường hợp đấy thì rất có thể ông sẽ là một đối thủ nặng ký đối với ông Trọng nếu ông Trọng cũng được bầu vào Ban Chấp Hành Trung Ương. Hai pha còn tiếp theo là bầu Bộ Chính trị rồi bầu Tổng Bí Thư.”
VOA: Như vậy cuộc tranh giành quyền lực cho tới giờ phút chót vẫn còn khốc liệt, là điều chưa từng xảy ra trước đây, thì theo ông nghĩ sự rạn nứt đó có thể hàn gắn được không, nó ảnh hưởng như thế nào, nó tác động như thế nào tới tương lai của Đảng Cộng sản Việt Nam?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ rằng sự cạnh tranh, đấu tranh giữa các phái ở trong Đảng Cộng sản Việt Nam thì nó đã luôn luôn có, nó diễn ra một cách công khai và mạnh mẽ như là hiện nay thì đúng là chưa từng có, và nó báo hiệu một sự thay đổi rất là đáng kể trong bản thân cái cấu trúc của Đảng Cộng sản. Nó sẽ thay đổi như thế nào thì chúng ta còn phải chờ mới có thể đánh giá được, nhưng trong mọi trường hợp, cái Đảng Cộng sản này sau ngày 28/1 sẽ không còn hệt như cái Đảng Cộng sản trước đại hội. Nói cách khác, chắc chắn là có những sự thay đổi, theo chiều tốt lên hay chiều xấu đi thì chúng ta sẽ phải xem sau.”
VOA: Một số nhà quan sát quốc tế nói đây có thể nói là ‘cơ hội nghìn năm một thuở’ để Việt Nam có thể thay da đổi thịt để mà phát triển, Tiến sĩ nghĩ như thế nào?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi nghĩ rằng nếu mà trong Đảng Cộng sản Việt Nam họ có nhiều phái và họ tạo ra một thể chế trong nội bộ của họ là có sự cạnh tranh và nó không được bưng bít như bây giờ, mà nó công khai ra thì tôi nghĩ đấy là một sự tiến triển lành mạnh, và trên cơ sở đó, người dân có thể gây những sức ép hữu hiệu hơn đối với từng phái ở trong Đảng Cộng sản. Nếu mà điều đó xảy ra như thế thì cơ hội để những người tiến bộ, gần với dân chủ hơn có thể nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng một cách chính xác hơn, không phải như bây giờ. Tất cả mà nêu ra công khai thì tôi nghĩ đó là điều tốt cho xã hội và cho cả Đảng Cộng sản Việt Nam sau này."
VOA: Nếu các đại biểu tham gia đại hội đảng 12 lần này không nắm lấy cơ hội thì hệ quả sẽ ra sao?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A: “Tôi cũng không biết là hệ quả như thế nào nhưng tôi nghĩ rằng dẫu kết quả của cái đại hội này nó có như thế nào đi chăng nữa thì những chính sách kinh tế, chính sách đối ngoại, chính sách quốc tế của Đảng Cộng sản Việt Nam trong thời gian tới về cơ bản sẽ không thay đổi. Nếu hiểu theo nghĩa là giữ lại nguyên trạng là bảo thủ thì những người bảo thủ đã thắng để giữ lại cái nguyên trạng đó và đó là một cái sự thực.”
Biểu quyết chứ không phải bỏ phiếu kín. Biểu quyết thì xong rồi, đại biểu nào trong hội trường dám giơ tay nào?
Trả lờiXóa