Thứ Bảy, 9 tháng 1, 2016

BBC: GIỚI TRẺ CÓ THIẾT THA GÌ VỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG?

 
Giới trẻ có thiết tha Đại hội Đảng? 

Quỳnh Châu
BBC 8 tháng 1 2016

Những ngày đầu Năm Mới 2016, cũng giống như các đợt Đại hội Đảng được tổ chức thường kỳ trước đó, đường phố cả nước Việt Nam tràn ngập sắc đỏ của cờ, băng rôn, tranh cổ động với những biểu ngữ, khẩu hiệu như “Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, thi đua lập thành thích chào mừng đại hội Đảng”.

Bên cạnh đó, cũng có nhiều hoạt động bên lề kỷ niệm 70 năm ngày tổng tuyển cử đầu tiên, đánh dấu chặng đường đổi mới đất nước, tuyên truyền và khơi gợi sự hào hứng, củng cố niềm tin “Đảng Cộng sản Việt Nam – người tổ chức và lãnh đạo mọi thắng lợi của các mạng Việt Nam muôn năm!”.

Hòa trong không khí của hoạt động chính trị lớn nhất cả nước ấy - các nhân sự cao cấp sẽ được bầu ra để lãnh đạo đất nước với đường lối, chính sách phù hợp - mỗi công dân, nhất là giới trẻ, lại có cho mình những suy nghĩ riêng.

Bài viết dưới đây tổng hợp phỏng vấn ngẫu nhiên 15 người trong độ tuổi từ 18 đến 32 ở Việt Nam, hy vọng đưa ra cái nhìn tổng quát về nhìn nhận của những người trẻ đối với sự kiện chính trị cột mốc 5 năm một lần ở Việt Nam.
Không quan tâm?

Anh Nguyễn Đình Anh Cương, 27 tuổi, đang sống và làm việc tại Hà Nội, chia sẻ: “Không hẳn không quan tâm, nhưng tìm hiểu chính trị Việt Nam không đem lại niềm tin cho tôi rằng bộ máy hiện tại có thể mang lại thay đổi, thông qua một cuộc bầu cử.”

“Dàn lãnh đạo hiện nay phần lớn vẫn là những ‘lão thành cách mạng’, song với tư tưởng đã cũ, hơn nữa kinh tế xã hội Việt Nam kém nhưng chưa đến mức tồi tệ, rất khó để bộ máy cầm quyền có động lực đủ lớn để thoát ra khỏi ‘vùng an toàn’ và tự thay đổi.”

“Nên theo tôi Đại hội lần này sẽ không mang lại điều gì mới. Hiện tại, tôi quan tâm những điều gần với cuộc sống của mình hơn, ví dụ như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thuế và luật bảo hiểm xã hội mới.”

“Vậy nhưng, đơn cử như luật bảo hiểm xã hội, cũng đã chứa nhiều hơi hướng tư lợi của bộ máy cầm quyền, hơn là đứng về phía người dân để suy nghĩ.”

Một bạn nữ giấu tên, sinh viên năm cuối Đại học Kinh tế, thành phố Hồ Chí Minh, lại nói:

“Quan tâm bầu cử Đại hội thật xa xôi quá! Tôi chỉ mong sao ra trường xin việc không phải chạy vạy khắp nơi và tấm bằng của mình có giá trị khi so sánh với các nguồn lao động trẻ trong thị trường khu vực Đông Nam Á.”

Cô bày tỏ: “Bạn bè tôi cũng chẳng ai quan tâm, bởi tôi cho rằng không ai trong số các vị lãnh đạo là người đủ tâm, đủ tài và có những hoạt động cụ thể mang lại lợi ích cho người dân.”

“Vậy nên việc ai lên lãnh đạo có thật sự quan trọng?”
‘Chọn cái ít xấu hơn’

Bên cạnh đó, một nhóm khác rất theo sát thông tin về Đại hội 12, có cho mình những nhận định và phân tích riêng.

Bối cảnh Trung Quốc nhấn mạnh tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, việc Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương TPP càng làm tăng sự quan tâm đến kết quả bỏ phiếu trong Đảng. Vì họ cho rằng nhân sự cấp cao ảnh hưởng đến tương lai đất nước và việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Đa số những người trẻ quan tâm đến chính trị mà tôi hỏi mong muốn thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tái cử và nắm giữ chức vụ Tổng bí thư.

Quan điểm của Bá Phương, sinh năm 1984, sống tại Hà Nội là điển hình của mong muốn trên.

“Là công dân Việt Nam, cá nhân mình không ủng hộ phe nhóm và tư tưởng thân cận Trung Quốc, vì mình không muốn đất nước lệ thuộc Trung Quốc. Trung Quốc luôn có mưu đồ vương bá, chiếm trọn vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam. Nhiều tàu cá đã bị tấn công ngay trên lãnh thổ Việt Nam, nhiều ngư dân đã bị giặc tàu bắn giết, hàng hoá Trung Quốc tẩm hoá chất độc hại tràn lan được bán công khai.”

“Những người có tư tưởng muốn lệ thuộc Trung Quốc tức kẻ đó đang phản bội những tử sĩ đã hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ công thổ quốc gia, phản bội lại nhân dân. Nhìn chung, mình không mong muốn những người trong nhóm này tiếp tục lãnh đạo và giữ các vị trí quyền lực cao nhất.”

“Còn về phe thân Mỹ, mình được biết đó là phe của ông Nguyễn Tấn Dũng, ông có tư tưởng thoát Trung, điều này mình ủng hộ. Ít ngày gần đây ông đã có một số quyết định hợp với lòng dân như quyết liệt phản đối Trung Quốc xâm chiếm biển đảo, ông đã ký dự án xây gần 4000 cây cầu cho các tỉnh miền núi trên 50 tỉnh thành. Vì vậy mình có phần ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng.”

Bá Phương nói thêm: “Tuy nhiên với tư cách là một công dân mình vẫn không có quyền bầu cử những lãnh đạo có đủ tâm, đủ tài để lãnh đạo đất nước, đưa Việt Nam thoát khỏi tụt hậu và nghèo đói. Mình mong muốn Việt Nam sớm trả lại quyền bầu cử cho người dân.”

“Những người bạn của mình hầu hết là những người am hiểu chính trị, luôn lo lắng cho vận mệnh của đất nước, vì vậy đều rất quan tâm kì Đại hội này. Họ đa phần có mong muốn thoát Trung, vì vậy họ ủng hộ ông Nguyễn Tấn Dũng. Tất nhiên cũng có một số không tin tưởng hoàn toàn, nhưng họ cũng không có sự lựa chọn nào khác.”

“Và giữa hai cái xấu, họ chọn cái xấu ít hơn.”

Dù quan tâm hay không quan tâm Đại hội Đảng, những người trẻ ở Việt Nam dường như đều hiểu rằng họ gần như không có tác động gì đến sự kiện sẽ diễn ra trong tháng Giêng 2016.
 
 

1 nhận xét :

  1. Trần Thị Thảolúc 09:06 9 tháng 1, 2016

    Có những người tuổi còn trẻ nhưng đã quan tâm tới vận mệnh của đất nước : Họ xuống đường tham gia các cuộc tuần hành chống TQ xâm lược biển đảo , họ xuống đường tuần hành phản đối chính quyền HN chặt hạ chàng nghìn cây xanh , họ quan tâm đến ĐH đảng sắp tới ...Nhưng số đó chiếm một tỉ lệ rất ít so với tổng số thanh niên VN hiện nay .

    Trả lờiXóa