Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

ĐẢNG CSVN CÓ BCH MỚI VỚI NHỮNG GƯƠNG MẶT CŨ

Ðảng CSVN có Ban Chấp Hành mới 
với những khuôn mặt cũ 
Người Việt
Tuesday, January 26, 2016 1:03:50 PM

Các đại biểu dự đại hội lần thứ 12 của Ðảng CSVN đã chọn xong 180/220 ứng cử viên vào Ban Chấp Hành Trung Ương (BCH TƯ) Ðảng CSVN khóa 12.

Tuy các diễn biến trước và trong đại hội lần này có vẻ gay cấn, nhiều kịch tính nhưng giờ chót, kết quả lựa chọn về nhân sự vẫn đúng như giới lãnh đạo Ðảng CSVN mong muốn: Ông Nguyễn Phú Trọng vẫn được chọn vào BCH TƯ Ðảng CSVN khóa 12. Những ứng viên được sắp đặt từ trước cho ba vị trí cao nhất trong lĩnh vực lập pháp và hành pháp là: Chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nhà nước, thủ tướng đều đã có tên trong danh sách BCH TƯ Ðảng CSVN khóa 12.

.
Nguyễn Thanh Nghị, con trai ông Nguyễn Tấn Dũng. (Hình: VNN)

Chỉ có một “bất ngờ” đó là bốn nhân vật lẽ ra phải về hưu (Uông Chu Lưu - Phó chủ tịch Quốc Hội; Ðỗ Bá Tỵ - Thứ trưởng Quốc Phòng; Bùi Văn Nam - Thứ trưởng Công An, Huỳnh Phong Tranh - Tổng thanh tra Chính phủ) nhưng được đưa vào nhóm “đặc biệt để tái ứng cử,” chỉ có ba được chọn vào BCH TƯ nhiệm kỳ mới. Tổng thanh tra chính phủ bị loại.


Trong vài ngày tới, 180 thành viên của BCH TƯ Ðảng CSVN nhiệm kỳ mới sẽ chọn - bầu từ 16 đến 18 người vào Bộ Chính Trị. Những thành viên Bộ Chính Trị sẽ bầu tổng bí thư và lựa chọn người làm chủ tịch Quốc Hội, chủ tịch nhà nước, thủ tướng. Tuy chuyện chọn - bầu chưa diễn ra nhưng lần này, giới lãnh đạo Ðảng CSVN công khai xác nhận, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm tổng bí thư đảng CSVN. Bà Nguyễn Kim Ngân (phó chủ tịch Quốc Hội) sẽ trở thành chủ tịch Quốc Hội. Ông Trần Ðại Quang (bộ trưởng Công An) sẽ trở thành chủ tịch nhà nước. Ông Nguyễn Xuân Phúc (phó thủ tướng) sẽ trở thành thủ tướng!

Nhìn chung, dù Ðảng CSVN đã có BCH TƯ mới nhưng những gương mặt lãnh đạo hệ thống chính trị tại Việt Nam thì không mới. Họ vốn đã là những trụ cột của một hệ thống chính trị nhấn Việt Nam vào sâu trong nơ nần, không còn nội lực, trở thành một trong những quốc gia chậm phát triển nhất ở Ðông Nam Á vì kinh tế suy thoái trầm trọng, xã hội hỗn loạn, nhân tâm ly tán.

Ngoài những nhân vật “chủ chốt” như vừa kể, BCH TƯ mới còn có sự góp mặt của nhiều ủy viên BCH TƯ Ðảng CSVN khóa trước vốn đang là trưởng hay phó của các Ban thuộc BCH TƯ Ðảng CSVN khóa trước, viên chức lãnh đạo Quốc Hội, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư tỉnh, chủ tịch tỉnh.

Những cá nhân lần đầu tiên trở thành ủy viên BCH TƯ Ðảng CSVN cũng không mới bởi đã được sắp đặt từ trước cho vai trò này. Chẳng hạn Nguyễn Thanh Nghị - con trai ông Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Nam - chỉ trong hai năm, từ một giảng viên trở thành hiệu phó Ðại Học Kiến Trúc Sài Gòn. Ba năm sau trở thành thứ trưởng Xây Dựng. Ba năm sau nữa trở thành phó bí thư tỉnh Kiên Giang, phó chủ tịch tỉnh Kiên Giang và năm ngoái được “bầu” làm bí thư tỉnh này.

Hoặc Nguyễn Xuân Anh - con trai ông Nguyễn Văn Chi, cựu chủ nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra của BCH TƯ Ðảng CSVN. Từ một phóng viên của tờ Thanh Niên được chọn làm phó giám đốc Trung Tâm Xúc Tiến Ðầu Tư của Ðà Nẵng. Hai năm sau được chọn làm phó chủ tịch của một quận tại Ðà Nẵng. Kế đó được sắp đặt làm phó bí thư rồi bí thư của quận này rồi trở thành phó chủ tịch thành phố Ðà Nẵng, phó bí thư Thành Ủy. Cuối năm ngoái trở thành bí thư thành phố Ðà Nẵng.

Ðến nay, nhiều người vẫn còn tỏ ra tiếc rẻ khi ông Nguyễn Tấn Dũng thất bại trong cuộc chiến giành quyền chi phối hệ thống chính trị Việt Nam. Nhân vật này bị coi là vừa “thua” song con ông ta mới “thắng.” Có thể ông Dũng không thực hiện được tham vọng chi phối hệ thống chính trị Việt Nam nhưng con ông ta vẫn tiếp tục cùng các đối thủ-đồng chí của ông ta kiểm soát Việt Nam.(G.Ð)

.

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét