Thứ Hai, 28 tháng 12, 2015

VIỆT - TRUNG: "LỢI ÍCH LỚN HƠN BẤT ĐỒNG"

Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp ông Nguyễn Sinh Hùng hôm 23/12/2015.

Việt-Trung: 'Lợi ích lớn hơn bất đồng'

BBC tiếng Việt
27 tháng 12 2015 
 
Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Sinh Hùng nói về nhu cầu "kiểm soát tốt tình hình" và "nhìn nhận lợi ích chung" trong chuyến thăm Trung Quốc từ 23 tới 27 tháng 12.

Chuyến đi diễn ra chỉ vài tuần trước Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam được lên lịch tổ chức vào cuối tháng 1/2016.

Trang web Quốc hội Việt Nam đưa tin ông Hùng đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Chủ tịch Chính hiệp Trung Quốc Du Chính Thanh và hội đàm với Chủ tịch Nhân đại Trung Quốc Trương Đức Giang.

Ông Hùng được dẫn lời nói hai bên đã trao đổi nhiều vấn đề quan trọng nhằm duy trì, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống hợp tác đối tác chiến lược .

“Hai bên cũng thừa nhận, hiện nay còn tồn tại những bất đồng không thể giải quyết được trong một sớm một chiều.

“Điều quan trọng là hai bên cần kiểm soát, quản lý tốt tình hình; cần nhìn nhận lợi ích chung của hai bên to lớn hơn nhiều so với bất đồng vì lợi ích chung của nhân dân hai nước và mong muốn cơ bản của hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước.

“Đặc biệt, nếu lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước có quyết tâm chính trị, tiếp tục nỗ lực quan tâm thúc đẩy tình hữu nghị truyền thống hướng tới giải quyết các bất đồng giữa hai nước thì có thể làm tốt,” ông Hùng được trang cổng thông tin Quốc hội dẫn lời.

Về "những vấn đề trên biển", ông Hùng được dẫn lời nhấn mạnh đến thỏa thuận giữa tổng bí thư đảng của hai nước về việc tăng cường "niềm tin chính trị" cũng như kiên trì đối thoại, hiệp thương, tìm kiếm giải pháp cơ bản, lâu dài mà hai bên "có thể chấp nhận được".

"Vấn đề trên biển là vấn đề hệ trọng trong quan hệ hai nước, liên quan đến quyền, lợi ích và tình cảm của nhân dân hai nước. Đây cũng là vấn đề được cử tri và đại biểu Quốc hội Việt Nam quan tâm.

"Vì vậy, xử lý tốt vấn đề trên biển là tăng cường được niềm tin chính trị và tạo thuận lợi để đẩy mạnh hơn nữa hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nước," ông Hùng được trang tin Quốc hội Việt Nam dẫn lời.

Việt Nam đã bác bỏ tuyên bố của ông Tập Cận Bình tại Singapore về chủ quyền biển đảo sau khi ông rời Hà Nội trong chuyến thăm ngay trước đó.

Thăm quê Mao Trạch Đông
 
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tặng quà lưu niệm khi thăm tỉnh Hồ Nam, 
quê của ông Mao Trạch Đông.

Một số nhà quan sát cho rằng Trung Quốc đã và đang gây nhiều ảnh hưởng tới quá trình bầu chọn lãnh đạo cấp cao tại Việt Nam, đặc biệt là các giai đoạn có tác động then chốt vào trước các kỳ đại hội Đảng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, người được xem là ứng viên sáng giá thay ông Hùng cho ghế này sau Đại hội tới, không có mặt trong chuyến thăm này.

Tuy nhiên nhiều ủy viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội như Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách, Ủy ban Tư pháp và Ủy ban Các vấn đề xã hội đều tham gia phái đoàn do ông Hùng dẫn đầu.

“Tham gia đoàn còn có Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh; Thứ trưởng Công an Tô Lâm; Thứ trưởng Quốc phòng Lê Chiêm; Thứ trưởng Ngoại giao Hà Kim Ngọc và Thứ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh,” TTXVN đưa tin.

Trang web Quốc hội Việt Nam đưa tin phái đoàn Việt Nam thăm Quảng Đông, thành phố có GDP bình quân đầu người đạt trên 10.000 USD, nơi đang hướng tới thực hiện mục tiêu “xã hội khá giả” vào năm 2018.

Đoàn Việt Nam cũng thăm tỉnh Hồ Nam, quê của Chủ tịch Mao Trạch Đông.

Ông Hùng được dẫn lời đề nghị tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc và tỉnh Nghệ An phối hợp chặt chẽ, triển khai hiệu quả Thoả thuận thiết lập quan hệ hợp tác hữu nghị đã ký kết, tăng cường giao lưu, hợp tác thực chất, hiệu quả trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, và xây dựng sự hợp tác này trở thành điều mà ông Hùng gọi là “điểm sáng, trở thành hình mẫu” cho các tỉnh thành khác tại Việt Nam "noi theo".

Ông Nguyễn Sinh Hùng sinh năm 1946 ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Năm 2006 ông được Quốc hội Việt Nam bầu chọn làm Phó Thủ tướng Thường trực, theo đề xuất của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng.

Ông cũng từng làm Trưởng ban Chỉ đạo tái cơ cấu Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) sau khi Vinashin bị dính vào bê bối nợ 5 tỷ USD không có khả năng thanh toán.

Năm 2011 ông được Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch khoá XIII (2011-2016) và theo dự kiến sẽ nghỉ hưu sau kỳ Đại hội Đảng 12 và Quốc hội khóa mới bầu lại.
 
 

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét