Thứ Năm, 31 tháng 12, 2015

TS. Đinh Hoàng Thắng: THẾ GIỚI VÀ KHU VỰC 2015: LÀNH ÍT DỮ NHIỀU


Thế giới và khu vực 2015: Lành ít dữ nhiều 

Có ba chuyển động trên thế giới và khu vực có thể nói là khá lạc quan, dù chỉ mới chớm đà diễn tiến. Một, Hoa Kỳ xác quyết trên thực tế “xoay trục” xẩy ra thật. Hai, nhiều quốc gia trong khu vực cam kết “kề vai” với Mỹ trong sứ mệnh chung ấy. Ba, dưới ảnh hưởng của “dân chủ hóa”, một vài chế độ toàn trị bắt đầu chuyển đổi. Song các điềm dữ vẫn còn đấy như những “lưỡi gươm Damocles ghê gớm” treo lơ lửng trên đầu các dân tộc… 

Đinh Hoàng Thắng
.
Giao thời 2015—2016 này, theo giới quan sát, quan hệ quốc tế sẽ bước sang một kỷ nguyên có nhiều kịch biến cả về kinh tế lẫn chính trị trên toàn cầu và trong từng khu vực trọng điểm. Hoa Kỳ chuyển trục sang châu Á-Thái Bình Dương sau nhiều năm bỏ ngõ vùng này. Trung Hoa tiếp tục “nội công ngoại kích” quyết cản phá xu thế “xoay trục” ấy của Mỹ. Liệu năm tới có nảy nòi ra một “bán đảo Crimea” trên Biển Đông hay không? Rồi ra Mỹ và phương Tây sẽ có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc như họ đang áp dụng đối với Nga ở châu Âu hiện nay? Cuộc “so găng” giữa hai viễn tượng về thế giới — Trật tự Trung Hoa (Pax Sinica) và Trật tự Thái Bình Dương (Pax Pacifica) — sẽ kết thúc bằng các thỏa hiệp ngoại giao hay vẫn tiếp tục đắm chìm trong một nền “Hòa bình Nóng”? Sự nổi lên mạnh mẽ của các cường quốc như Nhật Bản, Ấn Độ hay Ốtxtrâylia có giúp sản sinh thêm các cấu trúc an ninh mới trong khu vực? Cái gọi là “vai trò trung tâm” của ASEAN sẽ là một giá trị hiện hữu góp phần bồi đắp trật tự mới hay chỉ là khẩu hiệu truyền thông nhân mỗi kỳ họp thường niên?

Mẫu số chung

Năm 2015 chí ít có ba chuyển động có thể nói là khá lạc quan, cho dù còn mong manh. Thứ nhất, Hoa Kỳ xác quyết trên thực tế “xoay trục” diễn ra thật. Tuyên bố về chiến lược mới này được chính ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa ra từ một chuyến thăm chính thức Hà Nội (7/2011). Bà Hillary khẳng định: “Chúng tôi trở lại để ở lại – We are back to stay”. Và Việt Nam – vì an ninh sống còn của chính mình và các nước trong khu vực – là một trong số ít các quốc gia hưởng ứng khá kịp thời chủ trương lớn ấy. Đại sứ nước ta tại Hoa Kỳ hồi bấy giờ đã xác quyết ngay vào thời điểm then chốt: “Việt Nam mạnh mẽ ủng hộ Hoa Kỳ quay lại Đông Nam Á”. Thế giới thêm một lần ngạc nhiên. Một quyết sách “động trời” như vậy (theo nghĩa đụng chạm đến “thiên triều”) mà sao Việt Nam “to gan” hưởng ứng ngay! Rồi cũng phải mất mấy năm sau, ông Obama mới dàn xếp “trong ấm ngoài êm” để triển khai “đại chiến lược”. Mỹ đã cử tàu chiến và máy bay B52 lần lượt tuần tra trong khu vực 12 hải lý của các đảo Trung Quốc vừa bồi đắp trái phép chiểu theo cả công pháp quốc tế lẫn các cam kết với ASEAN. Với “Sáng kiến về Biển Đông” vừa ban hành hôm 25/11, Mỹ muốn kêu gọi các nước trong vùng hợp tác với nhau và hợp tác với Mỹ về Biển Đông, đồng thời “luật hoá” việc tăng cường viện trợ quân sự cho các nước ở khu vực.

Thứ hai, nhiều nước trong khu vực đã công khai “kề vai sát cánh” với Mỹ trong một sứ mệnh chung hẳn nhiên là nặng nhọc này. Nhiều cặp liên minh đã tỏa sáng trong năm nay: Mỹ-Nhật, Mỹ-Úc, Nhật-Ấn và Nhật-Úc. Sự tỏa sáng của những cặp liên minh ấy, trước hết là do nhu cầu nội tại của bài toán an ninh và phát triển ở mỗi nước, nhưng đó cũng là cách đáp lại lời kêu gọi vì hòa bình và công lý cho Biển Đông. Trong bài viết đăng trên tờ Times of India hôm 11/12/2015, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng: “Để duy trì một vùng biển mở rộng, tự do và hoà bình, sự hợp tác giữa Nhật Bản và Ấn Độ, cũng như với cộng đồng quốc tế, kể cả với Hoa Kỳ, là một điều mỗi ngày một quan trọng hơn”. Các cường quốc này đều phản đối công khai, không chịu thuần phục “Trật tự Trung Hoa” (Pax Sinica), mà tất cả đều cam kết dấn thân, xác quyết bảo vệ quyền tự do hàng hải, theo một trật tự mới. Các nước quyết tâm xây dựng quan hệ giữa các quốc gia trên căn bản luật pháp và chuẩn mực văn minh, đó chính là “Trật tự Thái Bình Dương” (Pax Pacifica) trong tương lai. Năm nay, Singapore, Philippines và Malaysia đều có thái độ và hành động quyết đoán hơn, chống lại mọi biểu hiện của “luật rừng” trên Biển Đông. Một nước “cạ” với Bắc Kinh như Singapore mà dám nhận máy bay Poseidon của Mỹ vào đồn trú là sự hy hữu.

Thứ ba, dưới ảnh hưởng của xu thế “dân chủ hóa”, một số thể chế toàn trị, từ Mỹ-Latinh đến Á châu, đều bắt đầu chuyển đổi. Những dư chấn từ Cu Ba, sau đó là Venezuela, liệu đã xóa tan được ảo vọng hão huyền về một phong trào cảnh tả hay chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Mỹ-Latinh? Đặc biệt là cuộc chuyển giao quyền lực ngoạn mục của Myanmar như một luồng gió mát thổi vào các vùng đất Á châu còn ngạt thở và bế tắc. Quá trình hiện thực hóa cuộc chuyển đổi “mềm” của mô hình chính trị Myanmar đang tạo cơ hội để người dân Miến Điện thoát khỏi số phận bi thảm như một thuộc quốc (vassal state) của Trung Hoa. Từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam chưa có một quốc gia nào trở thành văn minh và giầu mạnh lên được với thân phận thuộc quốc của đế chế này. Lựa chọn hiện nay của Myanmar có thể là bài học lớn cho một vài nhà lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á có vẻ như đang vì những mối lợi nhỏ trước mắt do của bố thí mà tạm thời đánh mất mình, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi sống còn của dân tộc và sự thống nhất trong đa dạng của ASEAN.

Mẫu số chung gây nên những biến động đầy kịch tính hiện nay là gì? Đó là có những thế lực đang rắp tâm đánh vào nền tảng căn bản của thế giới văn minh, hòng thay thế trật tự hiện hữu bằng các trật tự lỗi thời khác, ở cả Âu lẫn Á. Khủng bố Hồi giáo là mối đe dọa chung đối với các quốc gia khi Nhà nước Hồi giáo (IS) tiến hành những vụ đánh bom cảm tử ở Paris, London, New York... Mục đích IS muốn đạt được qua các cuộc khủng bố là gì? Đó là làm lung lay các trụ cột văn minh lâu đời của châu Âu, một nền văn minh xuyên lục địa, kéo dài tới Hoa Kỳ, lan tỏa sang tận một số quốc gia Á châu; đấy là thành tựu chung nhân loại đã kiến tạo nên qua hàng trăm năm lịch sử: xã hội dân chủ đa nguyên, kinh tế thị trường tự do và nhà nước pháp trị dựa trên tam quyền phân lập. Tại đây, thiết tưởng nên nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Ốtxtâylia Julia Bishop: “Chủ nghĩa khủng bố là nguy hiểm, nhưng chủ nghĩa bá quyền và bành trướng còn nguy hiểm hơn”. Gây căng thẳng, dùng “luật rừng” và đẩy mạnh quân sự hóa trên Biển Đông, Trung Quốc rõ ràng đang tập trung đánh vào nền tảng UNCLOS-1982, bản Hiến pháp của thế giới văn minh về Luật Biển và Đại dương mà chính Trung Quốc cũng đã từng đặt bút ký.

Con tốt hay cỗ xe?

Rồi cuộc chiến đẫm máu ở Syria càng thúc đẩy tình hình trở nên hỗn loạn hơn. Cuộc chiến bắt đầu bằng cuộc nổi dậy của lực lượng dân chủ chống lại chế độ độc tài Bashar al-Assad đã biến thành mớ bòng bong những cuộc xung đột, phần nào thể hiện cuộc đấu tranh ngấm ngầm đầy bạo lực giữa Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia giành quyền làm chủ khu vực. Cuộc đối đầu này có khả năng gây bất ổn cho toàn vùng. Nước Nga, bằng cuộc can dự quân sự giúp Assad, đang tìm cách củng cố vị thế của mình như một cường quốc toàn cầu trong cuộc đối đầu với phương Tây. Cuộc xung đột ở Syria đang diễn ra ít nhất trên ba bình diện: địa phương, khu vực và toàn cầu. Cuộc chiến ấy đã bị mưng mủ và lây lan, khoảng 250.000 người đã thiệt mạng, theo ước tính của Liên Hiệp Quốc. Mùa hè năm nay, HCR của Liên Hiệp Quốc nói rằng có 4 triệu người tị nạn đã chạy khỏi Syria, cùng 7,6 triệu người phải di tản khỏi nơi thường trú của mình. Trong khi đó, dòng người tị nạn Syria đến châu Âu đã trở thành một trong những thách thức lớn nhất mà Liên minh châu Âu từng gặp.

Nút thắt Syria càng khó gỡ hơn khi nước Mỹ hành động như người bị trói tay. Bởi vì Tổng thống Barack Obama muốn rằng trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ, Mỹ sẽ không tham gia vào một cuộc chiến tranh nữa ở Trung Đông. Trong khi siêu cường chính rút ra ngoài thì kết quả không tránh khỏi là Tổng thống Nga Putin nhảy vào khoảng trống quyền lực đầy nguy hiểm. Cụ thể, vì Hoa Kỳ từ chối dẫn đầu, còn châu Âu thì lại không đủ mạnh về quân sự để có thể gây ảnh hưởng lên tiến trình phát triển ở Syria, đang có nguy cơ là châu Âu buộc phải liên minh với nước Nga của Putin. Đây có thể sẽ là một sai lầm nghiêm trọng, vì bất kỳ sự hợp tác nào với Nga cũng sẽ khó ngăn chặn hay chấm dứt được cuộc chiến ở Syria. Trên thực tế, có lý do để lo sợ điều ngược lại: Bất kỳ sự hợp tác quân sự nào với Assad – đấy là mục tiêu và chi phí mà Putin phải trả – sẽ đưa phần lớn người Hồi giáo dòng Sunni vào vòng tay của những kẻ Hồi giáo cực đoan[1]. Từ Syria cho đến châu Âu, Tổng thống Putin đã triển khai nhiều hoạt động khác nhau và đến thời điểm hiện nay, dường như ông đang cố gắng tách Mỹ khỏi một số đồng minh thân cận nhất.

Trên bàn cờ đầy các biến động khôn lường như vậy, các chính trị gia có tâm và có tầm ở mỗi nước, nhất là tại các nước vừa và nhỏ, đều đau đáu trước một câu hỏi lớn: quốc gia mình sẽ là con tốt hay cỗ xe trên thế cờ chung cuộc? Đây là thời điểm để thức tỉnh, cần phải đặt lợi ích quốc gia-dân tộc lên tối thượng trước mọi tính toán! Để tránh rơi vào thế kẹt trong cuộc cờ giữa các nước lớn, các nước vừa và nhỏ đều trở về “an trú” trong những giá trị Dân tộc và Dân chủ. Tránh mọi ảo giác khi nhìn nhận các cuộc ganh đua khốc liệt hiện nay trên trường quốc tế qua lăng kính ý thức hệ. Nước Nga của Tổng thống Putin không hẳn đang hành động trong khuôn khổ luật pháp để vãn hồi trật tự như một vài “cây” bình luận thời thượng giải thích trên truyền thông. Nước Nga ngày nay đang vừa muốn đẩy khủng hoảng nội bộ ra bên ngoài, vừa muốn trở lại với “những kỷ niệm của tương lai” từ đế chế Sa hoàng xưa kia. Đằng sau căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dịp này qua vụ Thổ bắn hạ máy bay SU 24 là cả một câu chuyện dài về lịch sử xung đột dai dẳng và đẫm máu hàng trăm năm giữa hai quốc gia từng ghi nhận 13 cuộc chiến lớn. Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy xung đột ở Syria như một cơ hội để quay trở lại vùng đất nằm trong ảnh hưởng của đế chế Ottoman vĩ đại thuở nào.

Thon thả giọt đàn bầu…

Ấy là hình tượng bi tráng “Mẹ Việt Nam” thời chiến, “ba lần tiễn con đi hai lần khóc thầm lặng lẽ…” Nhưng sau sự kiện 9/11/2001 ở New York, hơn mười ngàn thanh niên nam nữ ở Mỹ đã ngay lập tức tình nguyện nộp đơn để bảo vệ tổ quốc mình. Cũng như sau ngày 13/11/2015 ở Paris, số lượng tân binh nhập ngũ tại Pháp đã tăng gấp bốn lần so với yêu cầu, cùng lý do tương tự như ở Mỹ. Còn nay mai, một khi Trung Quốc tuyên bố công khai “Khu vực nhận dạng phòng không trên Biển Đông” (ADIZ), chặn mọi nẻo đường tiếp tế ra các đảo của ta ở Trường Sa và nâng quy mô bắn giết ngư dân Việt tại các ngư trường truyền thống xung quanh các quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa lên mức báo động, liệu nam thanh nữ tú của nước Việt sẽ hành động như thế nào??? Đây không chỉ là một câu hỏi giả định. Đây là năng lực dự báo tình hình, thuộc về trách nhiệm của các nhà lãnh đạo quốc gia phải biết cách giữ vững niềm tin, ý chí và thắp sáng lên ngọn lửa yêu nước trong lòng thế hệ trẻ. Dẫn theo một ý từ bài nói mới đây của Thủ tướng Lý Hiển Long, sự thành công của quốc gia, dù ở trong hay ngoài nước, đều phụ thuộc vào sự đoàn kết toàn dân và có niềm tin vững chắc rằng đất nước sẽ đủ sức để trường tồn và nổi bật[2].

Bởi vì từ lâu, Trung Quốc đang chơi “ván bài lật ngửa” trên Biển Đông như nhiều nhà quan sát đã chỉ rõ. Trung Quốc không hề che giấu các tà ý của họ. Trên thực tế, Trung Quốc đang tạo ra một “bán đảo Crimea” trên Biển Đông. Mùa Hè vừa rồi, trước khi sang Việt Nam, tại Liên Hợp Quốc, cũng như ngay sau khi từ Việt Nam qua Singapore, Tổng Bí thư/Chủ tịch nước Tập Cận Bình tuyên bố không úp mở, tất cả các đảo trên Biển Đông là của Trung Quốc từ xa xưa. Một chuyên gia đã phân tích[3]: Sự khẳng định này bao gồm hai nội dung cơ bản: Một, Trung Quốc cho rằng, tất cả những hòn đảo, rạn san hô và bãi đá thuộc Trường Sa mà Việt Nam đang trấn giữ là “phi pháp”. Hai, căn cứ trên quan niệm sai trái là cả Hoàng Sa lẫn Trường Sa thuộc về họ, Trung Quốc đã vẽ nên tấm bản đồ chủ quyền gồm chín đoạn (còn được gọi là đường chữ U hoặc lưỡi bò) bao trùm lên hầu hết diện tích Biển Đông. Một cách nhãn tiền, Việt Nam có thể sẽ mất cùng một lúc hai điều: Thứ nhất, 29 thực thể, từ các đảo đến bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa; và thứ hai, toàn bộ vùng biển bao quanh Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong bối cảnh trên, nếu có được một cuộc trưng cầu dân ý, số người mơ hồ trước các âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông cũng như tin vào các khẩu hiệu “bốn tốt”, “mười sáu chữ” có thể chỉ chiếm thiểu số ở Việt Nam. Tuy vậy, không ai điên rồ kêu gọi đánh nhau theo kiểu “du kích chiến” với Trung Quốc trên Biển Đông vào lúc này. Vậy có thể và cần phải làm gì? Lại phải dẫn lời ông Lý Hiển Long, Thủ tướng của một nước nhỏ mà có tư tưởng lớn: “Chính sách đối ngoại của chúng ta là một sự cân bằng giữa chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Chúng ta biết mình sẽ phải chấp nhận thế giới, theo một thực tế mà chúng ta chẳng hề mong muốn. Nhưng chúng ta tin rằng mình có thể và sẽ phải bảo vệ bản thân và thúc đẩy lợi ích quốc gia. Một chính sách đối ngoại thành công phải dựa trên những gì chúng ta làm trong nước. Chúng ta trước tiên phải yên ổn trong nhà thì sau đó quan hệ đối ngoại của chúng ta mới có thể phát triển lớn mạnh được”[4].

*

Tóm lược, nhìn lại năm 2015, trong nội bộ ASEAN, ít nhất đã có 5 nước: Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Singapore thiên về chủ trương cần bảo đảm tự do thông thương trên Biển Đông, chống lại việc Trung Quốc muốn quân sự hóa khu vực. Trong khi “vai trò trung tâm” của ASEAN còn là đề tài tranh biện thì nhóm VIP (Việt Nam, Indonesia và Philippines) đã có sáng kiến muốn chủ động thúc đẩy nhằm sớm đạt “Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông” (COC). Nếu cả khối chờ cho Trung Quốc ngồi lại đàm phán về COC chắc còn lâu mới diễn ra. 5 nước này cũng hiểu rằng, “vai trò trung tâm” của ASEAN còn là câu chuyện của tương lai. Nhu cầu hiển nhiên là các nước đi đầu đều nghĩ đến sự hỗ trợ quốc tế, đặc biệt là sự kết nối với các cường quốc trong khu vực mới có thể giúp họ có tiếng nói đối với Trung Quốc. Tình hình cho thấy, Trung Quốc ngày càng quyết đoán, tiếp tục leo thang, nên từng nước Đông Nam Á không thể đơn độc đối phó. Cách tốt nhất, họ cần gắn kết trong một tiếng nói thống nhất nhằm tác động tới dư luận thế giới, trước hết là dư luận Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Ốtxtrâylia để có được một đường lối chung càng ngày càng rõ ràng và cứng rắn hơn với Trung Quốc./. 



_________________

[1] Đây là một nhận định tương đối mạch lạc về tình hình rối rắm ở Trung Đông của Joschka Fischer, cựu Bộ trưởng Ngoại giao và cựu Thủ tướng Đức trong giai đoạn 1998-2005, trích từ bài viết của ông trên http://www.project-syndicate.org/commentary/syria-peace-russia-cooperation-by-joschka-fischer-2015-12.

[2] PM Lee Hsien Loong at the 8th S Rajaratnam, Lecture on 27 November 2015.

[3] Nguyễn Hưng Quốc - Trung Quốc: Ván bài lật ngửa, ngày 14/12/2015.

[4] PM Lee Hsien Loong at the 8th S Rajaratnam, Lecture on 27 November 2015.

3 nhận xét :

  1. Hay! Khích lệ lòng tự hào dân tộc Việt Nam.
    " Không cho chúng nó (tàu khựa cộng sản) thoát! Không cho chúng nó thoát! Chúng bay (đã vào) sẽ không có đường ra!"

    Trả lờiXóa
  2. MỘT THỐNG KÊ MANG TÍNH QUY LUẬT
    "Từ Đông sang Tây, từ Bắc xuống Nam chưa có một quốc gia nào trở thành văn minh và giầu mạnh lên được với thân phận thuộc quốc của đế chế này"- Trung Hoa

    Trả lờiXóa
  3. Bài viết của một nhà ngoại giao nhiều kiến thức uyên bác và trí nhớ ít người có được dù tuổi tác đã cận kề "thất thập cổ lai hy"

    Trả lờiXóa