Thứ Ba, 15 tháng 12, 2015

Nguyễn Xuân Diện: TƯỜNG THUẬT TỌA ĐÀM VỀ SỬ LIỆU NHÀ MẠC

Diễn giả Đinh Khắc Thuân và MC Nguyễn Quang Dy

Chiều thứ Bảy ngày 12/12/2015 tại salon Cà Phê Thứ Bảy Hà Nội đã diễn ra buổi gặp gỡ với nhà nghiên cứu Đinh Khắc Thuân, trong chủ đề “Sử liệu và Lịch sử Thời Mạc”.

Trong một không gian ấm cúng, đông đảo các nhà nghiên cứu và những người quan tâm đã có mặt: các nhà nghiên cứu và dịch thuật Trần Ngọc Vương, Dương Tường, Mạc Văn Trang, Phạm Duy Hiển, Hoàng Ngọc Giao, Nguyễn Quang A, Nguyễn Xuân Diện, Đinh Hồng Hải, Đào Tiến Thi; các văn nghệ sĩ Vũ Ngọc Tiến, Thành Chương…và nhiều vị là hậu duệ của nhà Mạc.


Sau lời phát biểu có phần dông dài của Nhạc sĩ Dương Thụ, diễn giả chính là PGS.TS Đinh Khắc Thuân bắt đầu trò chuyện. Nhà nghiên cứu Nguyễn Quang Dy dẫn chuyện.

15h, Mở đầu, TS Đinh Khắc Thuân nói về các hoạt động bên ngoài xã hội có liên quan đến nhà Mạc, triều Mạc. Đó là việc nhà nước cho xây dựng khu Dương Kinh ở Hải Phòng, việc HN đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, và gần đây nhất là giới sử học đang tổ chức biên soạn bộ “quốc sử” và dành cả một tập cho nhà Mạc.

Theo TS Thuân, trong nghiên cứu về Nhà Mạc, ông căn cứ vào Đại Việt sử ký toàn thư (biên soạn dưới triều Lê), Khâm định Việt sử thông giám cương mục (biên soạn dưới triều Nguyễn) và Đại Việt thông sử (của Lê Quý Đôn). Ngoài ra ông còn dựa vào tài liệu văn khắc (bia, chuông, đồ đồng) và minh văn trên gốm.

Về sử liệu Trung Quốc có liên quan đến Nhà Mạc, ông cho biết có các tài liệu sau: Minh thực lục, Hoàng Minh chiếu lệnh, An Nam lai uy đồ sách, Thù vực chu tư lục, Việt kiệu thư, Đông Tây dương khảo, Minh sử, Gia Tĩnh Khâm châu chí, Quảng Đông thông chí, Quảng Châu trực lệ

Về tài liệu văn khắc, TS Thuân trực tiếp khảo sát và công bố có 146 bia (vào năm 1996), rồi tìm thêm để có 165 văn khắc (vào năm 2008) và đến nay là 182 văn khắc. Gần đây còn biết thêm cả Kim sách (quyển sách bằng vàng) nhà Mạc. Rồi sắc phong niên hiệu Quảng Hòa, và sơ đồ mộ tổ nhà Mạc…

Về văn học, các tư liệu về tác gia và tác phẩm thời Mạc cũng rất phong phú, có thể kể đến hàng loạt như: Truyền kỳ mạn lục, Đại Đồng phong cảnh phú, Tịch cư ninh thể phú, Cung trung bảo huấn phú, Phi Lai tự phú, Mạc sử diễn âm, Việt sử diễn âm, Khiếu vịnh thi tập, Tư hương vân lục, thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm….

Về luật pháp thời Mạc, có Hồng Đức thiện chính thư (A.330), Sĩ hoạn châm quy.

TS. Đinh Khắc Thuân khái quát về tình hình đánh giá nhà Mạc của sử gia thời trước, trong đó đặc biệt là hai vấn đề: Nhà Mạc đầu hàng và Nhà Mạc dâng đất. (Xem bài tường thuật của Đào Tiến Thi).


Phần tiếp theo là trình bày về bộ máy hành chính dưới triều Mạc từ trung ương đến địa phương. Về kinh tế, TS Thuân trình bày về quản lý ruộng đất, về tình hình sản xuất gốm thương mại, xây cầu mở chợ buôn bán. Về tôn giáo, TS Thuân trình bày về chùa Phật, Đình làng và Đạo quán…Về ngôi đình, diễn giả nêu các tài liệu, chức năng của đình Mạc, về thành hoàng làng thời Mạc…



Phần thảo luận diễn ra rất sôi nổi, mở đầu là một bô lão hậu duệ của Mạc Ngọc Liễn. Ông nói đến việc phải làm tốt hơn nữa công việc sưu tầm các tài liệu về triều Mạc để việc nghiên cứu được toàn diện và sâu sắc.

GS. Trần Ngọc Vương, vẫn như xưa nay, phát biểu luôn hùng hồn. Ông nói các triều đại phong kiến (và không chỉ phong kiến) đều cướp ngôi cả. Trong các triều đại, chỉ triều Nguyễn là chính thống nhất. Nhà Lê tính chính thông không bằng nhà Nguyễn. Tại sao gọi là “ngụy Hồ, nhuận Mạc”. Một trong những tội vạ của sử học Việt Nam là viết theo thiên kiến và viết theo tuyên huấn. Sử học, cứ viết đúng đã là hay rồi! Sử học là tấm gương chiếu hậu, vậy thôi! Nhận xét về “kết luận” của TS Đinh Khắc Thuân, ông Vương cho rằng “Kết luận quá đơn giản, và cách trình bày/lập thuyết thì chưa đạt.

Ông Vương nói, nhà Minh chỉ phong cho nhà Mạc cao nhất là Đô Chỉ huy sứ chứ không phong đến tước Vương. Vấn đề “động”(một đơn vị hành chính dưới thời Mạc) cũng cần xem lại. Theo ông Vương, cái quan trọng nhất là nhà Mạc bằng mọi giá tránh cuộc chiến tranh với nhà Minh (Trung Quốc).

Mạc Ngọc Liễn là một trong ba nhân vật đáng kính trọng nhất. Mạc Ngọc Liễn đã từng nói: “Quyết không được trao nước cho Trung Quốc. Mất thì mất cho người trong nước”.

Nhà văn Vũ Ngọc Tiến mong muốn được diễn giả làm sáng tỏ về vai trò Dương Kinh trong thế đối sánh cân bằng với Đông Kinh. Theo nhà văn, Dương Kinh là một đô thị ven biển rất phát triển, thể hiện rõ tầm nhìn kinh tế biển của nhà Mạc. Về chuyện “bán nước cầu vinh”, thì ông cho rằng chỉ có 4 đời cuối cùng của nhà Mạc ở Cao Bằng mới là “bán nước cầu vinh”. Ông cũng đặt ra câu hỏi: Vì sao mà thời Lê Thái Tổ, Thái Tông kỳ thị Đạo Phật, nhưng sang thời Mạc lại phục hồi Phật giáo và có ý hướng quay lại “Tam giáo” như đời Lý Trần?

Tiếp theo là phát biểu của Thạc sĩ Đào Tiến Thi (Xem tại đây), PGS.TS Mạc Văn Trang. (Xem thêm tại đây).

Ông Mạc Văn Trang là hậu duệ của các vua Mạc. Trao đổi với nhà văn Vũ Ngọc Tiến, ông nói về 04 ông vua Mạc ở Cao Bằng nhưng đúng ra là 06 vị. Các vị ấy đã: Giữ được bang giao với Trung Quốc (suốt 90 năm không đưa đất cho Tàu), văn hóa, kinh tế phát triển. Lúc đó người Trung Quốc sang buôn bán rất đông, và nhà Mạc đã phân loại những người “khách” này thành ra hai hạng: loại tinh hoa và loại lao động chân tay, rồi theo đó mà xử lý ổn thỏa mọi vấn đề. Về giữ gìn bờ cõi thì Thác Bản Giốc và Ải Nam Quan vẫn còn nguyên, chỉ đến bây giờ mới mất.

TS Nguyễn Xuân Diện cho rằng: Giới sử học XHCN không khác gì các sử gia phong kiến. Sử gia phong kiến cho Nhà Mạc là ngụy triều, nhuận triều, thì các sử gia XHCN cũng lười nhác nói theo đúng như thế! Họ cũng coi nhà Mạc là ngụy triều. Không chỉ lười nhác nói theo và lệ thuộc vào sử gia phong kiến; giới sử học nước nhà còn phải nói theo tuyên huấn nữa. Chính vì thế sử học từ thập kỷ 60 thế kỷ trước đến nay là một nền sử học bị dẫn dắt và không hơn sử học phong kiến bao nhiêu. Môn Lịch sử như thế còn tìm đâu được sự thật? Tình trạng đó chắc còn kéo dài vì vừa rồi, Đại hội Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam vẫn là ông Phan Huy Lê làm Chủ tịch hội, ông Dương Trung Quốc làm Tổng thư ký hội. Quan sát cả chục năm qua, thấy rõ Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam chủ yếu nhận tiền của các dòng họ để tổ chức các hội thảo để tôn vinh tổ tiên của các dòng họ đó; và đứng ra cho mượn tên để các tổ chức làm các event tôn vinh chuyện này chuyện nọ, xa rời thiên chức của một hội sử học.

Đối với nhà Mạc, còn biết bao vấn đề chưa được sáng tỏ hoặc chưa ai để ý. Ví dụ trình độ và sự phát triển của thủy quân / hải quân nhà Mạc, theo một nhà nghiên cứu Mỹ mới đây, rất mạnh, mạnh hơn cả thuỷ quân của nhà Lê, nhà Trịnh và nhà Nguyễn (đương thời).

Rất nhất trí với một bác hậu duệ của Cụ Mạc Ngọc Liễn là phải sưu tầm nhiều tư liệu hơn nữa. Song nhà Mạc cũng nên tránh theo vết xe đổ của …một số nhà khác. Đó là việc cung cấp thêm tư liệu (Hán Nôm) cho các nhà nghiên cứu, thậm chí tạo điều kiện cho họ đi điền dã thực địa, hoặc hỗ trợ nghiên cứu và xuất bản, nhưng tuyệt đối không được áp đặt hoặc can thiệp vào việc nghiên cứu hoặc kết quả nghiên cứu của họ.

Về sự am hiểu nhà Mạc, TS. Nguyễn Xuân Diện cho rằng khó ai có thể nắm bắt được nhiều tư liệu hơn PGS.TS.Đinh Khắc Thuân. Cho nên PGS.TS.Đinh Khắc Thuân phải có trách nhiệm phát ngôn về nhà Mạc, nhất là hai vấn đề quan trọng đang còn nhiều tranh cãi: 1- Nhà Mạc đầu hàng và 2- Nhà Mạc dâng đất cho giặc!

Ngoài các phát biểu trên, còn có phát biểu của các ông Hoàng Minh Tuấn (họ Hoàng gốc Mạc), Nguyễn Xuân Lung, Phan Đăng Thuận, Phạm Hải, Giáp Văn Dương, Vũ Thị Hằng.

PGS.TS Đinh Khắc Thuân cũng trả lời một số câu hỏi của cử tọa, hoặc trình bày thêm một số vấn đề nhưng thông tin ít ỏi và không mạch lạc và làm rối vấn đề. Đôi chỗ ông lảng tránh các câu hỏi của cử tọa. Ông cũng từ chối nhận mình với tư cách của một sử gia.

Cuộc gặp gỡ tọa đàm kết thúc vào lúc 17h15. PGS.TS Đinh Khắc Thuân tặng sách cho mọi người đến dự, và ký tên vào các bản sách.

Hà Nội, 14.12.2015
N.X.D



6 nhận xét :

  1. Thấp thoáng hình như là có "nhà cựu tư tưởng văn hóa Hà Nội" Phan Đăng Long tham dự?

    Trả lờiXóa
  2. Tôi là người Sài gòn, trước có học sử của bộ quốc gia giáo dục VNCH viết: Lê Chiêu Thống, Trần Ích Tắc bán nước, nhưng các sử gia đó không nói Nhà Lê, nhà Trần bán nước bởi vì họ dựa trên luật: ai làm người đó chịu, không liên can đến người khác. Nay các sử gia bàn luận về nghi án Mạc Đăng Dung dâng đất cho Tàu thì cũng nên nói là Mạc Đăng Dung chớ không nên nói nhà Mạc, bởi vì Mạc Ngọc Liễn cũng thuộc nhà Mạc nhưng Mạc Ngọc Liễn nói:“Quyết không được trao nước cho Trung Quốc. Mất thì mất cho người trong nước”, nội câu nói này của Mạc Ngọc Liễn cũng đáng được đặt tên đường rồi. Nhưng cũng đừng cho rằng vì tránh cuộc chiến tranh với nhà Minh mà Mạc Đăng Dung dâng đất, ta thấy Trần Ích Tắc cũng nói "vì tránh cuộc chiến tranh với nhà Nguyên nên nhập Tống". Luật pháp nhân dân đều đồng thuận "bất cứ ai nhượng một tấc đất, một hòn đảo nhỏ xíu nào cho giặc cũng là bán nước, không được biện hộ với bất kỳ lý do gì cả" vậy thôi. Vấn đề ở đây là các sử gia tìm chứng cứ để chứng minh "Mạc Đăng Dung không dâng đất cho Tàu" thì mới thuyết phục được, có như thế mới phá được nghi án này. Đối với nhân dân không phân biệt triều đại nào là chính thống hay ngụy cả, tất cả từ Triệu, Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê, Mạc, Trịnh, Nguyễn, VNDCCH, VNCH đều ngang hàng nhau, chỉ có những người nào đó trong các triều đại đó ỷ dựa vào quyền lực của mình và cho dù là vua, vương gia, tể tướng, thủ tướng, tổng thống hay tổng bí thư đi chăng nữa mà dâng đất, nhượng biển cho giặc cũng là "bán nước". Đơn giản vậy thôi.

    Trả lờiXóa
  3. Những sử liệu về nhà Mạc mà ô . Đinh khắc Thuần đưa ra đã đủ đánh giá về nhà Mạc . Nếu có tìm ra thêm những sử liệu khác cũng khó làm thay đổi được những gì đã được đánh giá !
    Còn Gs Trần Ngọc Vương cho rằng các triều đại PK đều cướp ngôi . Có phải nhà Hậu Lê, vua Lê Thái Tổ đã cướp ngôi nhà Trần . Vậy ra nhà Trần hai lần bị cướp ngôi ? Lần đầu với Hồ Quí Ly , lần sau với Lê Lợi ? Hay Lê Lợi cướp ngôi nhà Hồ ? Quân Minh đã xâm lược Đại Việt, đã chiếm đã phân chia Đại Việt thành quận huyện của Tầu , cử người sang cai trị Đại Việt còn vua Trần , vua Hồ nào chính thống ? nhà Hậu Trần có được công nhận không ? ô. Lê Lợi lãnh đạo cuộc kháng chiến 10 năm gian khổ dành lại độc lập, toàn vẹn lãnh thổ cho Đại Việt được tôn lên làm vua . Vậy ra như thế là Lê Thái Tổ cũng cướp ngôi nhà Trần ? Hay như hành động của Đinh Bộ Lĩnh , của Lê Hoàn cũng là cướp ngôi ? vua Quang Trung cũng là cướp ngôi !
    Có phải ý của Gs Vương muốn biện minh cho Cs cướp CQ ở VN ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho phép được nói rõ, nếu theo ý của GS Trần Ngọc Vương thì người ta sẽ hiểu thế này: Hồ Quí Ly cướp ngôi nhà Trần, Tàu cướp ngôi nhà Hồ, còn Lê Lợi cướp ngôi của Tàu. Trông như VN và Tàu đã tiến tới thế giới đại đồng mất rồi, nên Ta và Tàu mới cướp ngôi qua lại. Giáo sư ơi!, giáo sư nói không rõ ràng khiến người ta dễ hiểu sai lắm đó!

      Xóa
  4. Tất cả các triều đại của người Việt trên đất Việt đều là chính danh, không có chuyện "ngụy" nào hết. Làm gì có "ngụy Hồ", "ngụy Mạc", "ngụy Trịnh", "ngụy Nguyễn", "ngụy Tây Sơn", "ngụy VNCH"? Đừng học theo quan điểm sai trái của tuyên huấn và các sử gia nửa mùa.

    Trả lờiXóa
  5. Ông Vương nói có ẩn ý rằng chính quyền bây giờ cũng chỉ là cướp ngôi mà thôi. Năm 45 thì "cướp chính quyền" của người khác, năm 75 lại "tái cướp chính quyền" của người khác. Còn bây giờ thì rõ ràng là cướp chính quyền của nhân dân. Họ có phải nhân dân đâu mà chỗ nào cũng giương biển nhân dân: UBND, Tòa án ND, quân đội ND, công an ND, viện kiểm sát ND... chẳng phải cướp của ND thì là gì?

    Trả lờiXóa