Thứ Năm, 2 tháng 11, 2017

CHÚA TRỊNH SÂM BAN LỆNH DUY TRÌ MỘT CỔ TỤC Ở XỨ ĐOÀI


Thông báo Hán Nôm học 2015:
.
TỤC ĐÁNH CÁ THỜ Ở XỨ ĐOÀI QUA MỘT LỆNH CHỈ 
CỦA TĨNH ĐÔ VƯƠNG TRỊNH SÂM

TS. Nguyễn Xuân Diện

Vừa qua, chính quyền và nhân dân thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội có nhờ chúng tôi dịch giúp một số văn bản Hán Nôm, trong đó có một tờ lệnh chỉ[1] do Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm[2] ban cho dân thôn vào năm Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767). Văn bản gốc hiện đang được lưu giữ tại địa phương.

1- Giới thiệu văn bản:

Lệnh chỉ được viết trên giấy lệnh, khổ 40 x 52 cm, gồm 02 trang. Do thời gian trải qua đã lâu, màu giấy đã ngả màu vàng sậm. 

Lệnh chỉ được viết bằng lối chữ khải bay bướm của lối chữ sắc phong đời Lê Trung hưng. Văn bản gồm 2 tờ giấy gấp lại, chữ viết trên hai trang giấy. Trang thứ nhất là nội dung lệnh chỉ, trang sau là dòng niên đại, đóng dấu son và có hai chữ LỆNH CHỈ 令 旨 cỡ chữ lớn, là chữ được đóng xuống từ một con dấu. Hai chữ “Lệnh chỉ” màu đen.

Dấu được đón xuống là con dấu mang bốn chữ “Tĩnh Đô Vương tỉ”靖  都  王  璽 (Tỷ ấn Tĩnh Đô Vương). Như vậy, về mặt văn bản, đây là một văn bản lệnh chỉ chân thực, mang hình con dấu của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm. Văn bản là một văn bản hành chính được ban ra vào ngày 12 tháng 9 nhuận, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767).

Văn bản lệnh chỉ là một loại văn bản mang tính chất nhà nước. Cho đến nay, các nhà khoa học đã phát hiện và công bố được 02 bản lệnh chỉ của các chúa Trịnh, trong đó có 01 bản của Bình An vương Trịnh Tùng[3] và 01 bản của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm[4]. Theo chúng tôi biết, văn bản mà chúng tôi giới thiệu ở đây là văn bản lệnh chỉ thứ 02 hiện biết có mang dấu ngọc tỉ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm. 

Dưới đây là phiên âm và dịch nghĩa văn bản lệnh chỉ:  

Phiên âm:

Nguyên soái Tổng Quốc chính Tĩnh Đô Vương lệnh chỉ:

Minh Nghĩa huyện, Vật Yên xã Xã trưởng Phùng Bá Điện, Phùng Hữu Thường đồng xã đẳng,

Hệ nguyên Tạo lệ phụng sự Tản Viên Sơn Quốc chúa Tam vị Đại vương Trung Chấn cung điện. 

Hệ đệ niên Xuân tế, tứ thời bát tiết, dữ đả ngư Bảo Khê, Lỗ Khê tiểu Tích Giang đẳng xứ, thủ đại ngư phụng sự. 

Kỳ tu lý, lý tác cung điện, nhất nhất tư thụ nhiêu trừ các dịch dĩ kinh tra thực ứng. 

Nhưng hứa tạo lệ như nguyên. 

Kỳ bồi trúc, trúc lập đê lộ, hộ phân điều tiền, đình môn, bưu đình thiên lý lộ, tịnh ngưu lao thủ sưu sai các dịch, tịnh chiếu cựu. 

Chuẩn nhiêu kỳ phụng sai cập các nha môn đương tuân phụng trừ. 

Vi giả, hữu quốc pháp tại.
Tư lệnh!
Cảnh Hưng nhị thập bát niên, nhuận cửu nguyệt, thập nhị nhật.

LỆNH CHỈ.
Dịch nghĩa:

Nguyên soái Tổng Quốc chính Tĩnh Đô Vương [ra] lệnh chỉ [rằng]:

Xã trưởng Phùng Bá Điện và Phùng Hữu Thường cùng toàn xã Vật Yên, huyện Minh Nghĩa vốn là [dân] Tạo lệ trông coi việc thờ phụng Tản Viên Sơn Quốc chúa Tam vị Đại vương tại Trung Chấn cung điện. 

Nguyên trước đây, tế Xuân hàng năm và lễ trong bốn mùa tám tiết cùng việc đánh cá ở Bảo Khê, Lỗ Khê - hai nhánh nhỏ của Tích Giang, chọn lấy con cá to nhất để dâng cúng.

Các việc sửa sang, kiến thiết cung đền, nhất nhất lấy từ tiền nhiêu trong những người được miễn tạp dịch đã được chứng thực. 

Bèn cho làm Tạo lệ[5] như cũ. 

Còn như các việc đắp đê, làm đường thì phân bổ tiền theo hộ. Còn các việc tại cửa đình, bưu đình, [và thuế] đường thiên lý, cùng đầu trâu, đầu bò [khi tế lễ] và các việc sưu dịch đều chiếu theo như cũ.

Chuẩn cho các lão nhiêu được chấp tác [ở cửa Thánh] cùng các nha môn thừa hành theo lệnh thì được miễn trừ. 

Nếu sai trái thì đã có quốc pháp.
Nay ban lệnh chỉ!

Ngày 12 tháng 9 nhuận, niên hiệu Cảnh Hưng năm thứ 28 (1767).

LỆNH CHỈ.

2. Giá trị của văn bản: 

Văn bản tờ lệnh nói trên là một văn bản có giá trị nhiều mặt: Trước hết nó là một văn bản lệnh chỉ xác thực, mang dấu ấn của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm – mà nay chúng ta chỉ mới biết hai bản có dấu đóng trên giấy. Đây là tư liệu để việc nghiên cứu về ấn chương được tiếp tục hoàn thiện, đặc biệt là ấn chương phủ chúa Trịnh dưới thời Lê Trung hưng trong mô hình chính trị “lưỡng đầu chế”. Thứ hai là về mặt thư pháp, văn bản mang nét bút hoa mỹ của văn bản hành chính thời Lê Trung hưng, đáng là tài liệu để nghiên cứu về một giai đoạn thịnh thời của bút pháp khi mà triều đình rất trọng việc chuẩn mực văn bản nhà nước: tổ chức khoa thi Thư toán, lập một cục trông nom việc viết văn bằng…

Về mặt nội dung, văn bản lệnh chỉ cho chúng ta những hiểu biết về quyền lợi và nghĩa vụ của dân Tạo lệ, mà ở đây là dân xã Vật Yên (nay là một thôn thuộc xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội) có trách nhiệm trông coi đền và thờ cúng Tản Viên Sơn Thánh. Theo đó, các lễ tiết phải tuân theo là: Đầu năm có lễ Xuân tế, bốn mùa tám tiết đều có dâng lễ cúng, tổ chức đánh cá (đả ngư) trên nhánh sông Tích Giang để lấy con cá to nhất dâng cúng.

Ngoài ra, tờ lệnh cũng quy định: chi phí về sửa sang, xây dựng nhà đền đều lấy từ tiền nhiêu trong những người được miễn tạp dịch đã được chứng thực. Các việc như đắp đê, làm đường thì phân bổ tiền theo hộ. Còn các việc tại cửa đình, bưu đình, [và thuế] đường thiên lý, cùng đầu trâu bò [khi tế lễ] và các việc sưu dịch đều chiếu theo như cũ. Cho phép các lão nhiêu được chấp tác [ở cửa Thánh] cùng các nha môn thừa hành theo lệnh thì được miễn trừ thuế. 

 Lễ hội đả ngư. Ảnh: My Tour.vn.
.
Về các thông tin trong lệnh chỉ này, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tục đả ngư (đánh cá) thờ Tản Viên Sơn Thánh.

Như chúng ta đã biết, trong tín ngưỡng của người Việt có 4 vị thần được dân gian tôn vinh là Tứ bất tử. Đó là Tản Viên Sơn Thánh, Chử Đồng Tử, Tháng Gióng và Thánh Mẫu Liễu Hạnh[6]. Trung tâm của tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh là vùng núi Ba Vì, được coi là một “tiểu vùng văn hóa”[7] đặc biệt. Theo thống kê của Nguyễn Hữu Thức thì trong toàn tỉnh Hà Tây (cũ) có đến 116 di tích thờ thần núi Tản Viên[8]

Xuất phát từ truyền thuyết Sơn Tinh – Thủy Tinh – một hệ thống truyền thuyết lớn và phát triển sớm trong lịch sử, trải qua quá trình hội nhập và tiếp biến văn hóa, hình tượng Sơn Thần – Tản Viên Sơn Thánh được các triều đình phong kiến điển chế hóa, Nho giáo hóa và văn bản hóa để trở thành một biểu tượng hùng vĩ và linh thiêng trong lịch sử và văn hóa tín ngưỡng của dân tộc. Quanh vùng núi Ba Vì đã lưu truyền nhiều sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng đặc sắc được ngưng kết trong những lễ hội, phong tục còn tồn tại đến hôm nay. Trong các cổ tục ấy, có tục đả ngư (dân gian còn gọi là đánh cá thờ) trên dòng sông Tích. 

Trước đây, chúng tôi chỉ biết tục đánh cá thờ được diễn ra vào ngày Rằm tháng Chín âm lịch trên đoạn sông Tích tại địa bàn hai xã Đường Lâm và Trung Hưng (đều thuộc thị xã Sơn Tây). Đó là lễ Thu tế. 

Lễ hội mở vào ngày 14 tháng 9 (âm lịch), dân làng các thôn Vân Gia, Nghĩa Phủ, Thanh Trì, Mai Trai, Phụ Khang ùa ra đoạn sông Tích từ “Thượng Cầu Vang (thôn Phụ Khang, xã Đường Lâm) đến Hạ Mả Mang (thôn Ái Mỗ, xã Trung Hưng)” cùng đánh bắt cá trên đoạn sông này. Vui hội mọi người mang những công cụ đánh bắt cá như nơm, quạng, xiếc, rập để đánh cá vang động cả một khúc sông quê... Ai bắt được loại cá trắng, to thì nộp cho làng, cá nhỏ mang về nhà. Cuộc đánh bắt cá đến khi nào chọn ra đủ 99 con thì mang số cá đó về làm tiệc cá, thờ Đức Thánh Tản ở đền Và. Lễ hội này dân gian gọi là lễ hội “đả ngư”. Xưa chỉ lấy 99 cái đuôi cá để làm gỏi cá tế thánh. Lễ hội đả ngư là một lễ hội lấy may với tâm niệm Đức Thánh Tản phù trợ cho làm ăn gặp nhiều may mắn.

Nay, qua thông tin của bản lệnh chỉ, thì ngoài đoạn sông đánh cá thờ “từ Cầu Vang đến Mả Mang” nêu trên thì vùng thượng nguồn sông Tích, cũng có một đoạn sông diễn ra tục đánh cá thờ tại địa bàn xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội. 

Lệnh chỉ viết: “Nguyên trước đây, tế Xuân hàng năm và lễ trong bốn mùa tám tiết cùng việc đánh cá ở Bảo Khê, Lỗ Khê - hai nhánh nhỏ của Tích Giang, chọn lấy con cá to nhất để dâng cúng.. Nay cho làm Tạo lệ như cũ”. Nội dung này cho biết tục đánh cá thờ đã có từ trước đó rất lâu rồi, và việc đánh cá ở hai nhánh nhỏ của sông Tích ở Bảo Kê và Lỗ Khê, kết thúc buổi đánh cá sẽ chọn con cá to nhất để dâng cúng (chứ không phải chỉ đuôi cá). Đáng tiếc, đến nay hai địa danh Bảo Kê và Lỗ Khê mà tờ lệnh chỉ nói đến thì người dân địa phương không còn biết ở vị trí nào; và tục đả ngư (đánh cá thờ) tế Thánh cũng đã không còn được thực hiện.

3. Vài lời kết luận:

Lệnh chỉ của Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm hiện đang lưu giữ tại thôn Vật Yên, xã Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội là một văn bản quý và hiếm. Đây là văn bản chân thực, tin cậy đã được người dân lưu giữ qua 247 năm. 

Lệnh chỉ mang thông tin về một cổ tục ở Xứ Đoài liên quan đến tín ngưỡng thờ Thần Tản Viên, một vị thần đứng đầu trong Tứ Bất tử của thần điện Việt Nam. Đó là tục đả ngư (đánh cá) mà nay không còn được duy trì. 

Tục đả ngư (đánh cá) tế Thánh là một nghi lễ quan trọng trong tín ngưỡng thờ Tản Viên Sơn Thánh. Tờ lệnh chỉ cho thấy chính quyền trung ương quan tâm và tôn trọng phong tục tín ngưỡng địa phương và tạo điều kiện để duy trì và bảo tồn phong tục đó.

Tục đả ngư là một cổ tục tốt đẹp, có liên quan đến nghi lễ thờ Thánh Tản Viên, mang đậm nét của một lễ hội nông nghiệp nên được phục hồi để lưu truyền một nét đẹp của văn hóa Xứ Đoài.

Hà Nội, 26 tháng 11 năm 2015.
Nguyễn Xuân Diện



Chú thích:

[1] Lệnh chỉ 令  旨:  Một loại văn bản hành chính mang tính chất nhà nước, do vua chúa ban ra để yêu cầu thi hành một luật lệnh của nhà nước (triều đình). Theo Tạ Ngọc Liễn thì: “Từ “lệnh chỉ” ở đây có nghĩa là mệnh lệnh ban bố ra, đồng thời Lệnh chỉ còn là một loại văn hành chính của Nhà nước, giống như Dụ chỉ, Chiếu chỉ… Nhưng trong một số từ điển Trung Quốc, kể cả Từ hải, không có từ Lệnh chỉ. Trong Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh có từ Lệnh chỉ và được giải nghĩa là “mệnh lệnh của Hoàng thái hậu”. Tôi chưa có thì giờ tra cứu lại gốc gác từ “Lệnh chỉ”, song tôi nghĩ nó là một danh từ riêng, đặc thù, chỉ một hình thức văn bản hành chính quan trọng để chúa Trịnh dùng. Ở nước ta trước thời Lê - Trịnh không có hình thức Lệnh chỉ? (và như vậy, sau thời Lê - Trịnh, sang thời Tây Sơn, thời Nguyễn không còn lại văn kiện Lệnh chỉ nữa).(Xem bài Một lệnh chỉ đời Lê Cảnh Hưng, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 1997, trang 343 – 346.). Nhóm Trần Kim Anh, Hoàng Hồng Cẩm xếp chung “Chiếu, cáo, sắc, lệnh, dụ, chỉ” vào một nhóm vì đây là các loại công văn triều đình ban xuống cho bề tôi hoặc để cáo thị với thiên hạ. Theo đó: “Sắc, lệnh, dụ, chỉ có ý nghĩa là một mệnh lệnh, một chỉ thị, một ân tứ của vua chúa về vấn đề gì đó”(Xem Các thể văn chữ Hán Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 2010, trang 126). 

[2] Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm 靖都王 鄭森, (1739 – 1782) Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm, thụy hiệu Thành Tổ Thịnh vương, là vị chúa Trịnh thứ 9 thời Lê Trung Hưng trong lịch sử Việt Nam, cai trị từ năm 1767 đến 1782. Ông người làng Sóc Sơn, huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hoá, Việt Nam. Trịnh Sâm là con trai trưởng của Minh vương Trịnh Doanh, vị chúa Trịnh thứ tám với mẹ là thái phi Nguyễn thị. Từ nhỏ ông đã được ăn học tử tế và có được trí thông minh, quyết đoán hơn người. Năm 1767, sau khi cha qua đời, Trịnh Sâm lên nối ngôi. Trịnh Sâm mắc bệnh và qua đời năm 1782, Trịnh Cán lên nối ngôi. Ông là một vị chúa Trịnh trọng học vấn, chuộng hiền tài và giỏi về văn thơ Nôm, thích ngao du sơn thủy và đề vịnh danh thắng. 

[3] Xem bài của Nguyễn Hữu Mùi: Giới thiệu về một văn bản có niên đại cổ nhất hiện còn tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm , in trong Thông báo Hán Nôm học năm 1998,  trang 282 – 287.

[4] Xem  bài  của Tạ Ngọc Liễn: Một lệnh chỉ đời Lê Cảnh Hưng, in trong Thông báo Hán Nôm học năm 1997, trang 343 – 346.). 

[5] Tạo lệ: Dân được triều đình miễn phu phen tạp dịch, thuế khóa để lo  việc thờ cúng ở miếu đền. 

[6] Về tôn xưng Tứ Bất tử

Nguyễn Tông Quai ở thế kỷ XVII là người đầu tiên giải thích thuật ngữ Tứ bất tử, khi ông chú giải điều 32 trong sách Dư địa chí (VHv.1772/3 tờ 13a) của Nguyễn Trãi. Lời chú ấy như sau: “... Người đời Thanh nói: Tản Viên Đại Vương đi từ biển lên núi, Phù Đổng Thiên Vương cưỡi ngựa bay lên không trung, Đồng tử nhà họ Chử gậy nón lên trời; Ninh Sơn (nay là Sài Sơn) Từ Đạo Hạnh in dấu vào đá để đầu thai. Ấy là An Nam Tứ bất tử vậy”. 

Kiều Oánh Mậu (1854-1911) người làng Đường Lâm  là nhà học giả nổi tiếng của cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, trong lời Án sách Tiên phả dịch lục (AB.289, tờ 4a), in năm Canh Tuất 1910 có viết: “Tên các vị Tứ bất tử của nước ta, người đời Minh cho là: Tản Viên, Phù Đổng, Chử Đồng Tử, Nguyễn Minh Không. Đúng là như vậy. (Vì) bấy giờ Tiên chúa (Liễu Hạnh) chưa giáng sinh nên người đời chưa thể lưu truyền, sách vở chưa thể ghi chép. Nay chép tiếp vào”. 

[7] Xem Ngô Đức Thịnh (chủ biên): Vùng văn hóa và phân vùng văn hóa ở Việt Nam. Nxb. KHXH, H. 1991, 352. 

[8] Xem Nguyễn Hữu Thức: Văn học dân gian Hà Tây và việc chấn hưng văn hóa địa phương. Luận án tiến sĩ, trang 12. 




Nguồn: FB Nguyen Xuan Dien

6 nhận xét :

  1. Cám ơn Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, những công trình của anh rất cần cho quốc gia này. Mỗi lần đọc những bài như thế này tôi rất cảm động.

    Trả lờiXóa
  2. Kỳ bồi trúc, trúc lập đê lộ, hộ phân điều tiền, đình môn, bưu đình thiên lý lộ, tịnh ngưu lao thủ sưu sai các dịch, tịnh chiếu cựu. (NXD)

    井: cái giếng
    Khổng biết có phải "tỉnh" là thu tiền xin đào giếng lấy nước hay không (?)

    Xin viết lại như sau:

    Kỳ bồi trúc, trúc lập đê lộ, hộ phân điều tiền. Đình môn, bưu đình, thiên lý lộ, TỈNH, ngưu lao, thủ sưu, sai các dịch, tịnh chiếu cựu.
    Dịch nghĩa:
    Các việc sửa sang, đắp đê, thì thu tiền theo từng gia đình. Việc công ở đình, trạm thu phát thư, (xây dựng) đường xá, đào giếng, chuồng súc vật, thuế sát sinh, công việc tạp dịch, được làm theo cách cũ.

    Xem nét chữ thì dường không phải viết bằng bút lông. Có thể đây là phép viết bằng cành trúc chuốt nhọn. Nét chữ sắc chứ không phải lả lưót như kiểu người Tàu hay viết.

    USA, Dec 29th 2015
    Đa tạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nguyễn Xuân Diệnlúc 19:14 30 tháng 12, 2015

      Thưa Ông,
      Cảm ơn Ông đã hỏi đến chữ "tỉnh". Tuy nhiên đó là chữ "tinh", có nghĩa là gồm cả, hợp cả.

      Đa tạ!

      Xóa
  3. 200 trăm năm Trịnh Nguyễn Phân Tranh, người ta đã thêu dệt nên nhiều chuyện xấu không có thật về các Chúa Trịnh. Thực hư thế nào, cần phải có các nghiên cứu nghiêm túc của các nhà sử học trên cơ sở các di tích vật thể và phi vật thể thời Vua Lê - Chúa Trịnh. Thực tế là thời Lê - Trịnh, nước ta có nhiều thành tựu về quản trị đất nước. Vua lúc đó chỉ là biểu tượng như quốc vướng của CPC hay Nưn Hoàng Anh, vua Nhật, .. hiện nay. Nhưng sự thù địch đã phủ nhận tài năng quản trị đất nước của nhà họ Trịnh. Cần phải trả lại giá trị tích cực đích thực của các Chúa Trịnh, trong sách sử không nên có những từ chúa Trịnh là "những kẻ hoang dâm vô độ". Hoang dâm thì thời nào chả có. Các quan ngày nay có khi còn hoang dâm gấp trăm lần Chúa Trịnh ngày xưa ấy chứ!

    Trả lờiXóa
  4. Cảnh Hưng 28 phải là 1767 chứ nhỉ?

    Trả lờiXóa
  5. Bác nói đúng! Ông Diện nhầm chỗ này rồi.

    Trả lờiXóa