Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

Quảng Nam: DÂN MẶC ÁO TANG, ĐƯA QUAN TÀI ĐI BIỂU TÌNH

Mang quan tài phản đối giá đền bù cao tốc 
Đà Nẵng – Quảng Ngãi 

Nguyễn Thành
Tiền Phong
20:00 ngày 10 tháng 11 năm 2015

TPO - Ngày 10/11, hàng trăm hộ dân xã Tam Ngọc (TP Tam Kỳ, Quảng Nam) đã mang một cỗ quan tài lên công trường đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đang thi công để phản đối vì bức xúc việc áp giá đền bù giải phóng mặt bằng. Lãnh đạo TP Tam Kỳ buộc phải tổ chức đối thoại tại chỗ nhưng vẫn không đồng tình.


 
Đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đi qua xã Tam Ngọc ảnh hưởng đến trên 400 hộ dân đã tiến hành thi công san ủi mặt bằng. Tuy nhiên, theo người dân đến nay việc áp giá đền bù cho người dân có sự chênh lệch mức giá đền bù theo quy định của UBND tỉnh, hồ sơ đền bù có nhiều vấn đề, tiền đền bù không được thanh toán đầy đủ khiến các hộ dân có đất đai, ruộng vườn, mồ mả ảnh hưởng bức xúc.

 
Từ trưa ngày 10/11, một cỗ quan tài đã được người dân khiêng tới đặt ngay công trường thi công đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi để bày tỏ bức xúc của mình. Lực lượng công an địa phương được huy động đến để bảo vệ an ninh trật tự
.
 
Theo phản ảnh của người dân, hiện nay người dân mất đi một nửa số tiền đền bù giải tỏa do chênh lệch áp giá đền bù. Bởi theo Quyết định số 3960 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đơn giá thay thế áp dụng thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đoạn qua huyện Điện Bàn và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ban hành ngày 4/12/2012 thì mức giá thay thế là 88.000 đồng/m2. Tuy nhiên, TT phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ chỉ áp giá đền bù có 44.000 m2. Việc làm này khiến người dân đang chịu thiệt thòi.
.
Trước bức xúc của người dân, chính quyền phải tổ chức đối thoại trực tiếp ngay tại hiện trường.
.
 
Bà Võ Thị Xuân (60 tuổi thôn 7, Đồng Nghệ) cho biết: toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan chỉ có chữ ký của cán bộ TT phát triển quỹ đất, của cán bộ xã mà không có con dấu xác nhận. Bà Xuân đặt câu hỏi: liệu hồ sơ này có đủ giá trị pháp lý hay không?
.
Ông Trần Nam Hưng, Phó bí thư Thành ủy TP Tam Kỳ lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân. Ông Hưng khẳng định: “Hiện nay, việc áp giá đền bù là đúng với quy định. Bồi thường giải phóng mặt bằng đường cao tốc là tiền từ ngân sách nhà nước, do đó bồi thường phải thật đúng, đầy đủ, không ai được phép vi phạm. Quá trình thực hiện, có sai sót lãnh đạo Thành phố xin nhận lỗi”.

 
Kết thúc buổi đối thoại, người dân vẫn không đồng tình với giải thích của TT Phát triển quỹ đất về việc áp giá đền bù, ông Hưng thay mặt lãnh đạo TP mời người dân ngày 11/11 có mặt tại trụ sở UBND TP Tam Kỳ để lãnh đạo tỉnh, thành phố, cơ quan ban ngành giải thích rõ thêm các khúc mắc. Tuy nhiên, người dân từ chối xuống trụ sở UBND Tam Kỳ mà yêu cầu phải tổ chức đối thoại ngay tại xã Tam Ngọc.
 _______________
.
Dự án đường cao tốc tại Quảng Nam:
Dân ùn ùn đến công trình phản ứng giá đền bù thấp
 

Nguyễn Thành

TP - Chiều 10/11, lãnh đạo UBND TP Tam Kỳ (Quảng Nam) đối thoại trực tiếp với người dân ngay tại công trường thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi gói thầu A1 đoạn qua xã Tam Ngọc (Tam Kỳ). Trước đó, hàng trăm hộ dân kéo lên công trường để phản đối việc áp giá đền bù không thỏa đáng. 


Đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua xã Tam Ngọc ảnh hưởng đến trên 400 hộ dân đã tiến hành thi công san ủi mặt bằng. Theo người dân, việc áp giá đền bù có sự chênh lệch mức giá đền bù theo quy định của UBND tỉnh, hồ sơ đền bù có nhiều vấn đề, tiền đền bù không được thanh toán đầy đủ khiến các hộ dân có đất đai, ruộng vườn, mồ mả ảnh hưởng bức xúc. Người dân cũng tố cáo cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ, cán bộ địa chính xã Tam Ngọc làm sai quy định.

Theo phản ánh, người dân mất một nửa số tiền đền bù giải tỏa do chênh lệch áp giá đền bù. Quyết định số 3960 của UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt đơn giá thay thế áp dụng thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn qua huyện Điện Bàn và TP Tam Kỳ (Quảng Nam) ban hành ngày 4/12/2012 có mức giá thay thế là 88.000 đồng/m2. Tuy nhiên, Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ chỉ áp giá đền bù có 44.000 m2. Việc làm này khiến người dân đang chịu thiệt thòi.

Bà Võ Thị Xuân (60 tuổi thôn 7, Đồng Nghệ) cho biết: Bà có hơn 4 sào đất bị giải tỏa, tuy nhiên cũng chỉ được áp giá là 44.000 đồng/m2. Toàn bộ hồ sơ giấy tờ liên quan chỉ có chữ ký của cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất, của cán bộ xã mà không có con dấu. Bà Xuân đặt câu hỏi: liệu hồ sơ này có đủ giá trị pháp lý hay không?

Dân chưa thông

Ông Huỳnh Điệp, cán bộ Trung tâm phát triển quỹ đất Tam Kỳ, giải thích: Do áp dụng điểm 2.1 trong Quyết định 3960 của UBND tỉnh trong đó quy định đơn giá đất nông nghiệp như sau: thống nhất đơn giá thay thế đất nông nghiệp áp dụng theo đơn giá đất nông nghiệp được quy định trong bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh do UBND tỉnh ban hành và công bố hàng năm.

Giải thích của ông Điệp không được người dân đồng tình. Theo các hộ dân, quyết định 3960 của UBND tỉnh áp dụng thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng dự án đường cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi đoạn qua huyện Điện Bàn và TP Tam Kỳ. Tuy nhiên người dân lại không được hưởng mức đền bù 88.000 đ/m2.

Ông Trần Nam Hưng, Phó bí thư thường trực Thành ủy Tam Kỳ cũng khẳng định việc áp giá đền bù là đúng với quy định.


Kết thúc buổi đối thoại, ông Trần Nam Hưng mời người dân ngày 11/11 có mặt tại trụ sở UBND TP Tam Kỳ để lãnh đạo tỉnh, thành phố, cơ quan ban ngành giải thích rõ thêm các khúc mắc. Tuy nhiên, người dân yêu cầu phải tổ chức đối thoại ngay tại xã Tam Ngọc.

3 nhận xét :

  1. Đất nước tôi sao khổ như thế này cơ chứ !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sao bây giờ đất canh tác hay đất ở mà chỉ có giá 2 bát phở còm/m2 là sao ?
      Trong thời buổi tấc đất tấc vàng, mà đền bù như vậy thì có phải là bất công?

      Xóa
  2. Sao mà tin mấy bố "thành Quỷ"!

    Trả lờiXóa