Thứ Tư, 11 tháng 11, 2015

LS Đặng Đình Mạnh: TÔI ĐỂ TANG CHO NGHỀ NGHIỆP CỦA MÌNH

Tôi để tang cho nghề nghiệp của mình!
 

LS Đặng Đình Mạnh
11-11-2015


Sự xuất hiện trên thông tin đại chúng với khuôn mặt sưng vù, đẫm máu của hai luật sư sau khi bị hàng hung ở ngay Hà Nội, thủ đô nghìn năm văn vật, nơi đã từng là nguồn cảm hứng của hai câu thơ lừng danh trong thi ca “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài. Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An” đã làm rúng động giới luật sư trong nước và sự quan tâm của công chúng …


Hồ nghi như thường lệ, nhưng công chúng vẫn mơ hồ chờ đợi công lý sẽ được thực thi! Thế nhưng, chỉ khi đến sự kiện công bố kết quả điều tra ban đầu của cơ quan điều tra cho báo giới ngày 10/11/2015 … đã như cái khoát tay cuối cùng lột truồng vị thế luật sư trong xã hội ra tô hô trước sự phán xét của 90 triệu người dân Việt.


Chưa lúc nào như lúc này, kể từ ngày xuất hiện nghề nghiệp luật sư ở Việt Nam cách đây hơn 100 năm [1] thì giới luật sư phải đối diện với câu hỏi nhức nhối đang được chất vấn đầy trên các trang mạng xã hội “Luật sư sẽ làm gì để bảo vệ cho mình ?”. Bởi lẽ, 90 triệu người dân Việt có là 90 triệu thân chủ hay không nếu họ chứng kiến một sự thật trần trụi rằng đằng sau danh tiếng lung linh của nghề nghiệp luật sư là sự yếu ớt, bất lực đến tội nghiệp : Luật sư đã không thể tự bảo vệ cho chính mình !!!

Tôi không rõ “chủ quản” của chúng tôi, nơi mà chúng tôi phải đóng phí niên liễm hàng năm như Liên Đoàn Luật Sư Việt Nam sẽ có những động thái gì hữu hiệu để bảo vệ cho nghề nghiệp và cho các thành viên của mình ? Nhưng tôi tin chắc rằng, sự tìm kiếm công lý cho hai đồng nghiệp bị hành hung là không còn khả thi khi mà bộ máy ban phát công lý không khởi động theo hướng công lý !

Tuy yêu cầu thực thi công lý không đạt, thế nhưng, việc cần có một động thái có giá trị biểu tượng của giới luật sư để truyền đi một thông điệp đến với chính quyền, với công chúng vẫn là cần thiết … Tôi vẫn nghĩ, không cần ồn ào hô khẩu hiệu, không cần biểu ngữ, chỉ cần một cuộc tuần hành lặng lẽ của giới luật sư trên đường phố, trong bộ đồng phục nghề nghiệp, với băng keo đen dán chéo miệng, mỗi luật sư cầm trong tay một lá cờ đen nhỏ để tang cho chính nghề nghiệp của mình cũng là đủ và hơn nữa, điều đó hợp hiến bởi biểu tình đã là một quyền mang tính hiến định !

Tôi còn nhớ, hơn hai thập kỷ trước, khi còn ngồi trong giảng đường nghe thầy kể chuyện về nguồn gốc nghề nghiệp luật sư với hình ảnh chiếc áo choàng rộng như là những hiệp sĩ tài ba, mạnh mẽ bảo vệ người cô thế trước cường quyền, tôi đã hun đúc giấc mơ làm luật sư của mình … Nhiều người trong chúng tôi đã bước chân vào nghề nghiệp luật sư với lý tưởng đó !

Nhưng lúc này, nghề luật sư không còn mặc chiếc áo choàng lãng mạn hiệp sĩ đã đành, mà còn bị lột truồng để lộ sự yếu ớt, bất lực của mình trước công chúng … Như thế, liệu có cần tồn tại nghề nghiệp luật sư nữa không ? Chí ít trong xã hội này, ngày nay !

Ngày 10/10 được Nhà Nước đặt để là Ngày Luật Sư, thì ngày 10/11 có thể xem là một ngày tang tóc cho giới luật sư … Riêng tôi, tôi tự để tang cho nghề nghiệp của mình !
____

[1] Ngày 30/01/1911, Toàn quyền Pháp tại Đông Dương ký Sắc lệnh thành lập Luật Sư Đoàn Sài Gòn và Hà Nội.


.

6 nhận xét :

  1. Quá chuẩn, đây là luật sư thật không phải thứ mua bằng. Để tang cho nghề luật sư là sự thật nếu còn chút lương tâm luật sư không phải mấy ông mua bằng được chỉ định vào những vị trí quản lí. Cám ơn LS Nguyễn Đăng Mạnh, người dân có thể sẽ biết tới và nhắc tên ông!

    Trả lờiXóa
  2. Nhân dân sẽ đứng về phía các luật sư, các vị hãy can đảm lên để tự bảo vệ mình, bảo vệ danh dự nghề nghiệp, bảo vệ tinh thần thượng tôn pháp luật. Tổ chức đánh luật sư vì đi tìm sự thật vụ án, đó chính là sự thách thức pháp luật, thách thức dư luận, thách thức nhân dân cả nước.

    Trả lờiXóa
  3. Các luật sư là Chiến sĩ Pháp luật!

    Trả lờiXóa
  4. Cố lên 2 vị luật sư !=> biến đau thương thành động cụ thể và thắng lợi !

    Trả lờiXóa
  5. Những lời tâm huyết của một LS chân chính, cảm ơn LS Đặng đình Mạnh, mong có nhiều LS như anh.

    Trả lờiXóa