Thứ Năm, 5 tháng 11, 2015

"VIỆT NAM CẦN XÉT LẠI CHIẾN LƯỢC BIỂN ĐÔNG"

'Việt Nam cần xét lại chiến lược Biển Đông'

Jonathan London và Vũ Quang Việt
BBC tiếng Việt
4 tháng 11 2015


 Ông Tập Cận Bình gần đây liên tục có các chuyến công du nước ngoài

Chuyến viếng thăm Hà Nội tuần này của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xảy ra đúng lúc Bắc Kinh đang nỗ lực thay đổi hiện trạng trên Biển Đông qua việc xây dựng các đảo nhân tạo.

Không một chính phủ nào, ngoại trừ Trung Quốc, công nhận cái gọi là “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh đang dùng để đòi hỏi 90% diện tích Biển Đông. Tuy nhiên, hệ quả của nó vẫn là sự gia tăng căng thẳng trong khu vực.


Dù sao đi nữa, việc Hoa Kỳ khởi động các cuộc tuần tra để xác định quyền tự do lưu thông hàng hải trên Biển Đông bất cứ nơi nào luật quốc tế cho phép, cùng với việc toà trọng tài ra phán quyết rằng họ có quyền phân xử những đòi hỏi của Trung Quốc, đã khiến cho tất cả các bên còn lại, bao gồm cả Việt Nam, phải cân nhắc lại toàn bộ những xung đột, cơ hội và các nguy cơ hiện hữu.

Học giả David Arase tại Trung Quốc gần đây cho rằng các nước nhỏ hơn, như là Việt Nam hay Philipine, có thể nâng cao vị thế của họ trong cuộc tranh chấp này bằng cách tăng cường sự hợp tác, cùng nhau quyết tâm thực thi pháp luật, đồng thời bảo vệ các chuẩn mực thông thường được quốc tế công nhận. Việc thừa nhận những sự hợp tác, hay bất hợp tác, một cách có chọn lọc cũng có thể gây ảnh hưởng đến nền chính trị trong khu vực.

Trong bối cảnh bị chiếu bí bởi một cường quốc, ông David Arase nhận định, các nước nhỏ có thể đề xuất các sự hợp tác liên-chính-phủ để tự bảo vệ quyền lợi và gia tăng lợi ích cho mình, đồng thời tạo ra lợi ích cho các cường quốc.

Trước những diễn biến gần đây, bao gồm các hành động của Trung Quốc trên biển Đông và sự phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ và các cường quốc khác, Hà Nội nên có những cách tiếp cận chủ động hơn. Việt Nam cần tỏ rõ các đòi hỏi lãnh thổ của mình và chủ động giải quyết các tranh chấp còn lại với Philippine (cũng như với Malaysia, nếu cần), đồng thời kêu gọi cả Indonesia.

Cụ thể hơn, Hà Nội nên xem xét lại các đòi hỏi của họ đối với tất cả các bãi đá nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines, Brunei, và Malaysia trên hai cơ sở sau:

1- Các quốc gia trên đồng ý rằng tất cả các đảo nhỏ đang tranh chấp đều chỉ là những bãi đá không đủ điều kiện sinh sống, trừ khi được xác định khác đi bởi luật quốc tế, và như thế, chúng chỉ có 12 hải lý lãnh hải chứ không có vùng đặc quyền kinh tế bao quanh; và

2- Các quốc gia trên đồng ý nguyên tắc chia sẻ các nguồn tài nguyên nằm ngoài vùng đặc quyền kinh tế của mỗi nước và ngoài vùng lãnh hải của các bãi đá.
.
 
Công tác xây cất ở Trường Sa của TQ đã tạo biến đổi lớn trong vùng

Làm như vậy sẽ giới hạn được sự tranh chấp và đưa các giải pháp trong tương lai hướng theo cơ sở luật pháp quốc tế. Không những thế, nó còn chứng tỏ với đồng minh sự quyết tâm hợp tác, ý muốn chia sẻ và niềm tin. Những người Việt nào còn mang nặng định kiến rằng toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa đều thuộc về Việt Nam cần có một tư duy thực tế, thực tiễn và mang tính chiến lược lâu dài hơn.

Nếu Trung Quốc trở nên mềm mỏng để chấp nhận các nguyên tắc trên thì đó sẽ là một bước đột phá. Bằng không thì Việt Nam và các bên vẫn có lợi với những thay đổi này.

Việt Nam nên giúp hình thành một nhóm liên lạc để gia giảm, và tiến tới triệt tiêu, những mối căng thẳng. Nếu cần, Hà Nội vẫn có thể mời Bắc Kinh tham gia. Nhóm liên lạc này có thể bao gồm các thành viên của ASEAN, nhưng nó không nên là một cơ chế phụ thuộc vào ASEAN vì một số thành viên có rất ít quyền lợi trong cuộc tranh chấp. Thay vào đó, nhóm này nên tập hợp những thành viên ASEAN có tranh chấp, cộng thêm Hoa Kỳ, Úc, Nhật, Ấn Độ, liên hiệp Châu Âu và các nước nào khác có ảnh hưởng.

Hình thành một nhóm như vậy sẽ mang lại nhiều phương tiện để thay đổi hiện trạng, tạo cơ hội chính trị để sửa đổi rộng hơn ngõ hầu mang lại lợi ích quản trị lâu dài, và có thể là giải pháp cho mâu thuẫn hiện thời. Trong trường hợp Bắc Kinh không chịu hợp tác, các nước ASEAN nên nghĩ đến việc phối hợp với các nhóm khác để tuần tra biển Đông.

Nương theo các phán quyết của toà trọng tài, nhóm này có thể phối hợp để hỗ trợ các hoạt động giải quyết mâu thuẫn nhờ trọng tài phân xử, dùng các hành động hợp pháp và các biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế để bảo vệ quyền tự do lưu thông, và giảm thiểu các hoạt động phi pháp dựa trên đòi hỏi chủ quyền quá mức.


Mặc dù có những rủi ro nhất định cho việc hình thành một nhóm nằm ngoài ASEAN, không có gì cản trở Việt Nam, Philipine, Malaysia và Brunei gắn kết với nhau để đòi hỏi Trung Quốc tuân theo một số nguyên tắc chung đạt được từ các hoạt động giữa ASEAN và Trung Quốc, hay việc khởi động các biện pháp giải quyết tranh chấp khác, như là cơ chế trọng tài phân xử.
.
Trực tiếp và công khai
 .
 
Lãnh đạo Việt - Trung trong một hội đàm

Hà Nội cũng nên đối mặt với Bắc Kinh một cách trực tiếp và công khai hơn. Họ có một cơ hội lớn để làm điều này trong tuần, khi Tập Cận Bình tới thăm. Đây có thể là bước khó khăn nhất về mặt chính trị cho đảng cộng sản Việt Nam, bởi vì quan hệ của Đảng CSVN với Bắc Kinh xưa nay thường đi lối cửa sau, qua những đe doạ ngầm hoặc gián tiếp. Việc đổi mới quan hệ Việt-Trung đã trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết, và nó sẽ giúp Hà Nội chứng tỏ quyết tâm giải quyết tranh chấp với sự hỗ trợ từ bạn bè quốc tế trên cơ sở luật pháp quốc tế.

Cụ thể hơn hết, Hà Nội nên yêu cầu Bắc Kinh nói rõ, như chủ tịch Tập đã ám chỉ trong cuộc gặp gỡ tổng thống Obama ngày 25 tháng 9, rằng ý nghĩa của “đường chín đoạn” chỉ là đòi hỏi đối với các đảo trong Biển Đông. Sự minh bạch đó ít nhất sẽ giúp xác định vùng tranh chấp dựa trên cơ sở diễn dịch Công ước Quốc tế về luật Biển. Dù cho Bắc Kinh không trả lời, yêu cầu này vẫn sẽ giúp Hà Nội dễ ăn nói hơn với các bên quốc tế liên quan, nếu cần.

Ông Tập gần đây có nói: “Chúng tôi có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, có quyền hợp pháp và chính đáng đối với các quyền và lợi ích trên biển.”

Nhưng ông lại lờ đi chuyện các yêu sách của Trung Quốc không dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế nào cả. Chính xác hơn, ông không dám công nhận rằng Bắc Kinh đã cố tình thay đổi hiện trạng bằng vũ lực và đe doạ.


Bắc Kinh và Hà Nội có các đoàn đàm phán cấp chính phủ để giải quyết tranh chấp lãnh hải, cũng như có thoả thuận về các nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển mà trong đó có nêu rõ rằng Việt Nam sẽ chỉ thảo luận các vấn đề song phương với Trung Quốc.
.
 
Đoàn sỹ quan Việt Nam nghe diễn văn của Phó Chủ tịch Quân ủy TW Trung Quốc 
tại Bắc Kinh 17/10/2015

Tuy nhiên, Việt Nam cũng đã duy trì quan điểm đúng đắn rằng các nước khác trong vùng cũng có thể - và cũng nên, tham gia vào các tranh chấp đa phương như trong trường hợp căng thẳng mới đây. Trong bối cảnh khó thấy một thoả thuận lớn nào trong tương lai gần, ít có khả năng Hà Nội sẽ quỳ luỵ trước những đòi hỏi của ông Tập.

Xét dòng lịch sử Việt Nam và tình trạng cụ thể hiện tại, việc Hà Nội khẳng định quyết tâm không liên minh với bên thứ ba để chống lại bất cứ nước nào cũng có lý - ở một chừng mực nhất định nào đó.

Dù sao chăng nữa, một mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc là điều rất có lợi cho Việt Nam. Nhưng không nên vì thế mà Hà Nội phải tránh né một vai trò chủ động hơn trong việc định hình một cấu trúc mới cho khu vực.

Tương lai dân tộc Việt Nam đang nằm trên bàn cân.

Bản tiếng Việt do Hoài Vũ và Ian Bui dịch viết thể hiện quan điểm của hai tác giả Jonathan London từ Hong Kong và Vũ Quang Việt từ New York. Bản tiếng Anh đã đăng trên blog của Viện Chiến lược và Quốc tế học ( Cogitasia.com, Hoa Kỳ).


.

3 nhận xét :

  1. Nhân chuyến thăm của tập cận bình ! suy nghĩ gì về tưong lai của đất nước ? tôi rất lo lắng ! Ngoại trừ nhửng người có tuổi và nam giới từ 50 trở hiểu rỏ và bài trung ! số còn lại Đa số là HSSV và bà nội trợ trong đó có bà vợ tôi đều hầu như không quan tâm ! các con tôi đều tốt nghiệp dại học và đi làm ! mổi khi nghe nói chuyện về biển đông và thái độ gây hấn của trung quốc ,các con tôi phát biểu " bố quan tâm làm gì ,cứ lo mà làm ăn ,mặc kệ nó đi ráng mà kiếm tiền ra nước ngoài mà sống , hay như bà nhà tôi "lo mà làm kiếm tiền chẳng sức đâu mà lo chuyện quốc gia đại sự .kiếm cái gì mà lo cho cuộc sống " ngân khố cạn kiệt ,ngân hàng đổ bể doanh nghiệp giải thể ,chỉ khổ vì thất nghiệp mà không ai còn lo nghỉ đến suy hay vong của đất nước ! thật đáng buồn và hổ thẹn ! CỨ KỆ NÓ ĐI ,CHO ĐẾN LÚC NHƯ TÂN CƯƠNG TÂY TẠNG THÌ ĐẢ MUỘN ! chính nhà nước đả giáo dục cho dân sự khiếp nhược mà đứng đầu là bộ trưởng quốc phòng ! THẬT NHỤC NHẢ VÀ XẤU HỔ VỚI TỔ TIÊN VÀ CÁC ANH HÙNG LIỆT SĨ , BAO THẾ HỆ XẢ THÂN GÌN GIỬ ĐẤT NƯỚC ĐẾN NGÀY HÔM NAY ! Ngày xưa chỉ với giáo mác tầm vong thô sơ và ý chí quật cường mà đánh đuổi hàng chục vạn quân xâm lưộc nguyên ,mông ,ngày nay chỉ còn vá áo túi cơm cạnh tranh khoe mẻ ! với chính quyền nầy và sự lệ thuộc quá nặng kinh tế của trung hoa tôi e VN sẻ mất dần theo chính sách duy trì sự tồn tại của đảng !

    Trả lờiXóa
  2. Cái gọi là quan hệ tốt đẹp với Trung quốc, là Việt Nam phải thỏa mãn tất cả những yêu sách của Trung Quốc, điều đó chẳng khác nào là bắt tay với kẻ cướp ! Những lời nói sống chung hòa bình với Tàu cộng chỉ là những lời nói bịp bợm để che dấu hành vi bán Nước mà thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Ý kiến của Ts Jonathan London và của Ts Vũ Quang Việt rất hay . Hy vọng VN quan tâm nghiên cứu . Có thể lập một UB chuyên trách về Biển Đông, mời 2 giáo sư tham gia !

    Trả lờiXóa