Thứ Bảy, 21 tháng 11, 2015

BBC: TRAO ĐỔI QUANH CHUYỆN BỎ HAY KHÔNG BỎ MÔN SỬ

Hai phía tranh luận đều 'chưa chính xác'


20 tháng 11 2015


Nhiều môn học sẽ được tích hợp và giảng dạy theo phương pháp mới ở nhà trường phổ thông, theo Bộ Giáo dục Việt Nam.

Cả hai phía trong cuộc tranh luận khá nóng đang diễn ra về việc dạy môn lịch sử trong nhà trường ở Việt Nam đều có những điểm 'chưa chính xác', 'chưa hiểu hết' chính chủ đề, nội dung được đưa ra tranh luận, theo một nhà nghiên cứu khoa học xã hội từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
.
Không hề có chuyện môn sử bị 'xóa sổ' trong chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể mà Bộ Giáo dục & Đào tạo của Việt Nam đã công bố lấy ý kiến từ hơn ba tháng trước, theo một cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam từng tham gia phụ trách ủy ban Văn hóa, Giáo dục.

Trao đổi tại Bàn tròn của BBC hôm 19/11 về thực hư môn lịch sử bị 'xóa sổ' hay 'cắt xén' trong nhà trường Việt Nam, Giáo sư Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng của Đại học này, nói:

"Tôi thấy rằng trong cuộc tranh luận này về vấn đề môn sử, nếu như ta nói cả hai phía, cuộc tranh luận nó có hai phía, tôi thấy cả hai phía đều có những cái chưa chính xác.

"Thứ nhất là từ phía Hội sử học và các thầy cô dạy sử, thì tôi cảm thấy là nhiều ý kiến chưa hiểu hết chương trình này, chưa hiểu hết được cách làm chương trình này.

"Mặt khác từ bên Bộ Giáo dục, những người đại diện Bộ Giáo dục, tôi thấy rằng là người đại diện Bộ Giáo dục đứng ra trả lời có vẻ như cũng không nắm vững chương trình lắm.

"Và tôi so với chương trình mà tôi tự nghiên cứu tôi thấy là tôi hiểu đúng hơn so với người đại diện cho Bộ Giáo dục," nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia TPHCM nói.

"Mặt khác, đấy là tôi nói cái chưa được của cả hai bên, còn cái được, tôi thấy là cả hai bên đều có phần đúng của nó.

GS. Trần Ngọc Thêm cho rằng cả hai phía tranh luận về câu chuyện 
dạy môn sử đều có những điểm 'chưa chính xác'.


"Thứ nhất là trong hoàn cảnh như tình trạng giáo dục của chúng ta (Việt Nam) lâu nay, thì họ có những nhu cầu cần phải đổi mới, cần phải làm sao giảm tải.

"Giảm tải là một vấn đề rất quan trọng.

"Cho nên cách làm tích hợp giúp cho chương trình được giảm tải.

"Và nó cũng có một vấn đề nữa, tức là lâu nay chúng ta thấy rằng chất lượng dạy môn sử là nó có vấn đề.

"Nếu mà chất lượng dạy môn sử tốt, thì sẽ không có tình trạng là các em học sinh không thích học môn sử đến cái mức mà trong một phòng thi chỉ có một thí sinh thi môn sử thôi," ông Trần Ngọc Thêm nói.

Tự nhiên, xã hội

Khá nặng như thế này thì như cái cách của Bộ sắp tới sắp làm, tức là tích hợp bộ môn, theo tôi đấy cũng là một cách giải quyết khá tốtNhà giáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Trường PTTH Sơn Tây

Từ Sơn Tây, Hà Nội, một phụ huynh học sinh, bàNguyễn Thị Thanh Nhàn, người cũng là giáo viên ở trường Trung học Phổ thông Sơn Tây chia sẻ trải nghiệm cá nhân với Bàn tròn của BBC về việc học sinh học tập các môn khoa học xã hội ra sao, trong đó có các môn văn, sử, địa nói chung.

Bà Thanh Nhàn nói: "Nếu so sánh giữa các môn tự nhiên với các môn xã hội, thì học sinh có thiên hướng học các môn tự nhiên nhiều hơn.

"Tuy nhiên cũng có các em rất yêu thích những bộ môn xã hội, vẫn có nhiều em học địa, học sử và học văn rất tốt.

"Ví dụ như ở trường tôi, lớp chuyên địa, chuyên sử và chuyên văn cũng vẫn tồn tại bên cạnh các lớp như là chuyên toán, chuyên lý, chuyên hóa.

Trước câu hỏi liệu học sinh ở cấp phổ thông trung học VN có bị ' phân ban quá sớm' hay không như ý kiến của một khách mời khác đặt vấn đề tại tọa đàm, từ kinh nghiệm tại trường Trung học Phổ thông nơi đang giảng dạy, bà Thanh Nhàn, nói:

"Thực ra tôi nghĩ rằng là học sinh có thiên hướng học môn gì có thể là rõ rệt ngay từ cuối cấp Trung học Cơ sở, tức là từ cấp II, lên cấp III các em tiếp tục khuynh hướng của mình.

Cô giáo Thanh Nhàn cho rằng vẫn có học sinh thích các môn khoa học xã hội như văn, 
sử, địa, mặc dù thiên hướng thích khoa học tự nhiên có thể nhiều hơn.


"Chỉ có một điều mà tôi thấy là... chương trình học phổ thông của nước mình (Việt Nam) so với nước ngoài, tôi cũng được nghe nhiều người nói và tôi cũng nghĩ rằng chương trình học phổ thông của Việt Nam hiện nay đang khá nặng với học sinh."

Khi được hỏi làm gì để giải quyết tình trạng 'khá nặng' này, nhà giáo từ Sơn Tây, Hà Nội, nêu quan điểm:

"Khá nặng như thế này thì như cái cách của Bộ sắp tới sắp làm, tức là tích hợp bộ môn, theo tôi đấy cũng là một cách giải quyết khá tốt.

"Tuy nhiên, khi tích hợp như thế thì Bộ cũng nên tính tới hướng làm sao đạt hiệu quả tốt nhất," nhà giáo Thanh Nhàn nói với BBC. 

Âm mưu nguy hiểm?

Trở lại cuộc tranh luận về dạy sử ở nhà trường Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Đại biểu Quốc hội, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Việt Nam, bình luận với Bàn tròn của BBC.

Ông nói: "Có thể nói những ý kiến trên báo chí, rồi của giới sử học đối với vị trí của môn lịch sử ở trong chương trình thì rất là nặng nề. Thậm chí cũng có ý kiến cho là đã 'xóa sổ' môn lịch sử, đã 'khai tử' môn lịch sử, rồi cũng có những ý kiến tỏ ra nghi ngờ về động cơ ở đằng sau của sự việc này.

"Ở trên mạng, cũng có những người không ngần ngại nói rằng đây là một 'âm mưu nguy hiểm', trên báo chí người ta chỉ bảo đây là một 'sai lầm nguy hiểm', nhưng trên mạng người ta gọi đây là một 'âm mưu nguy hiểm'...

"Nhưng tôi phải xin nói thế này, những ý kiến phê bình ấy, đúng như GS. Trần Ngọc Thêm đã nhận xét, chứng tỏ là những người phê bình chưa hề đọc cái Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

"Chương trình này thì Bộ Giáo dục & Đào tạo đã đưa lên mạng từ ngày 5/8 năm nay, tôi và Giáo sư Trần Ngọc Thêm, chúng tôi không dính dáng gì đến chương trình này, không được mời tham gia xây dựng, nhưng với trách nhiệm với ngành, thì tôi cũng đọc rất kỹ và có góp ý cho các anh trong ban soạn thảo này.

"Thế thì tôi thấy rằng không hề có chuyện xóa sổ môn lịch sử, chuyện ấy là chuyện không đọc mà nghĩ ra như thế thôi, và dư luận thì nói theo rất nhiều. Và đây là thói quen không hay của người Việt Nam mình, tức là không chịu nghiên cứu đến nơi, đến chốn, cứ thấy ai nói một câu thì tất cả hùa nói theo như thế, thì nó thành ra một dư luận," Giáo sư Thuyết nói.

Áp lực mạnh mẽ

GS. Nguyễn Minh Thuyết cho rằng không hề có chuyện xoa môn lịch sử 
ở trường học của Việt Nam như một số dư luận đặt vấn đề.


Và vị cựu Đại biểu Quốc hội Việt Nam nói thêm: "Nó áp lực mạnh đến mức mà ông Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo ngày 16/11 trả lời trước Quốc hội, thì đúng như là tường thuật của Giáo sư Trần Ngọc Thêm, khi ông Chủ tịch Quốc hội dồn hỏi, ông gặng hỏi, mà theo tôi cũng có nghĩa là ông ấy 'mớm cho đấy', là 'vậy thì trong chương trình giáo dục phổ thông còn môn lịch sử không, hoặc có tên môn lịch sử không?'

"Thì đến chính ông Bộ trưởng Giáo dục & Đào tạo cũng không dám trả lời là còn, ông lại nói loanh quanh là sẽ báo cáo ban này, ban khác, tôi nói thật là sức ép của dư luận nó ghê gớm lắm. Thế nhưng tôi thấy là thực ra không phải.

"Anh Thêm đã nói rất đúng rồi, ở giáo dục Trung học Phổ thông, thì đây là bậc giáo dục định hướng nghề nghiệp, thế bây giờ các em đi học ngành y, sẽ học ngành cơ khí, thì mình không cần phải bắt các em học lịch sử sâu như là ở các em sẽ vào khối khoa học xã hội, nhân văn.

"Bộ Giáo dục người ta quy định thế này, ai đi học khối xã hội nhân văn thì phải chọn môn khoa học tự nhiên, đấy là bắt buộc, tự chọn nhưng bắt buộc và chọn thêm 2 môn cùng nhóm ngành với mình, thì đấy là lịch sử, địa lý, còn môn ngữ văn thì nó là bắt buộc rồi.

"Ai đi học khối khoa học tự nhiên, thì phải bắt buộc học môn khoa học xã hội, và tự chọn 2 môn khoa học tự nhiên, ví dụ lý, hóa, hay là hóa, sinh. Thế như thế thì chắc chắn là có học sử. Cái anh mà chuyên ngành khoa học xã hội, thì cả giáo dục Trung học Phổ thông là họ học tới 315 tiết sử, tôi xin nói là 315 tiết là nhiều lắm rồi chứ không phải là ít đâu, mà nếu dạy như kiểu hiện nay thì học sinh vái các vị, họ không thể học được.

"Thế thì tôi xin nói rằng như vậy tức là không có chuyện xóa môn lịch sử. Thứ hai là chuyện tích hợp nội dung kiến thức lịch sử, mà cũng chỉ là một số nội dung thôi, với một số nội dung giáo dục công dân và một số nội dung giáo dục quốc phòng, an ninh, thành ra một môn mới gọi là môn "Công dân với Tổ Quốc", thì tại sao người ta lại tích hợp như thế? "Tích hợp như thế là thêm một lần học sử. Chứ không phải để bớt đi môn sử," Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói thêm.

BBC cũng đã phỏng vấn một số chuyên gia, nhà nghiên cứu trong dịp này, mời quý vị theo dõi thêm tại đâytại đây.



11 nhận xét :

  1. Môn Lịch sử Dân tộc bị xoá lâu rồi.
    Từ 1954 cơ.
    Cái gọi là Lịch sử dạy trong trường phổ thông hiện nay,
    là Đảng sử
    chứ không phải là Lịch sử Dân tộc.
    Chính vì vậy mà học sinh quay lưng lại với nó.

    Trả lờiXóa
  2. Môn sử phải đứng độc lập,đừng tái cơ cấu lại kiểu Vinashin

    Trả lờiXóa
  3. Thấy giáo dục nước nhà đi xuống ai mà không mong cải cách.
    Nhưng khi nghe nói cải cách thì ai cũng phản đối dù trong đó có người chưa tìm hiểu cải cách ra sao nhưng những người phản đối này có lý lẽ của họ: - Bao nhiêu lần cải cách là bấy nhiêu lần thất bại và kéo lùi giáo dục.
    Cho nên chúng tôi rất sợ cải cách vì chúng tôi "quá sợ" năng lực của người đứng đầu cải cách. Nếu chúng ta có một đầu bếp tồi thì chúng ta chỉ mong ông ta nấu những món ăn đơn giản (như mì gói chẳng hạn) chứ nếu để ông ta chế biến những món ăn cao cấp hơn thì...

    Trả lờiXóa
  4. Lịch sử là một môn khoa học,phải được giáo dục đầy đủ ,khách quan như các môn khoa học khác ,không thể bóp méo theo một mưu đồ đê hèn xấu xa nào đó.Vì vậy phải đưa tất cả các sự kiện lịch sử đã diễn ra một cách khách quan.Nếu bị bóp méo đi thì không khác gì dạy trẻ làm toán lại nói 1+1=3.Nếu để tích hợp lại với các môn khác thì chắc chắn những sự kiện không có lợi cho chế độ này sẽ bị lược bỏ,đó là những âm mưu đê hèn cần phải vạch ra và lên án

    Trả lờiXóa
  5. "những người phê bình chưa hề đọc cái Chương trình Giáo dục Phổ thông Tổng thể của Bộ Giáo dục & Đào tạo". Nhận xét này của ông Thuyết và ông Thêm rất thú vị nhưng xin thưa hai ông cùng quí vị, nó không phải là mới mẻ gì. Có thể nói đây là một tính cách của rất nhiều GS, PGS ở Việt nam ta. Thậm chí họ không thèm giấu diếm. Tôi thỉnh thoảng có tham gia các "hội nghị khoa học", đặc biệt là các hội nghị có đòi hỏi phải đánh giá, nhận xét kiểu nghiệm thu đề tài, luận văn...vẫn nghe thấy các cây đa cây đề mở đầu bằng câu "tôi chưa đọc kỹ nhưng có ý kiến thế này". Và một lần đặc biệt, một chú đàn em bực mình quá mà văng tục "mẹ kiếp, chưa đọc thì ở nhà, ... cứ nói bừa". Vậy đấy!.

    Trả lờiXóa
  6. Tội nghiệp các em học sinh ở các trường Lê văn Tám.
    Không biết các em nghỉ sao khi biết LVT chỉ là nhân vật hư cấu một cách trơ trẻn, nhằm lường gạt các em nhỏ thơ ngây.

    Trả lờiXóa
  7. Quyết định tích hợp này do : Ban tư tưởng văn hóa TW, Hội đồng lý luận TW, Ủy ban giáo dục quốc gia. Nên ý đồ là gì mọi người đều hiểu, xóa môn sử, sau mất nước vài thế hệ, quốc gia không còn, chỉ còn quốc tế vô sản. Xóa môn sử bước đầu, xóa tên môn sử, thay bằng tên tích hợp, nội dung môn sử rút dần thành môn chính trị, cuối cùng mất môn sử.

    Trả lờiXóa
  8. CÓ TÍCH NHƯNG KHÔNG HỢP
    Nếu tích hợp thì môn Lịch sử tích hợp với Địa lý và Đức dục tích hợp với Công dân
    Lịch sử mà tích hợp với Quốc phòng thì quá Thô thiển. Còn Quốc phòng mà tích hợp với Đức dục là quá tàn Bạo - gọi nôm na là Thô Bạo
    Đây là Cắt - Dán chứ không phải là Tích Hợp. Vì, việc làm này có tích nhưng không có hợp

    Trả lờiXóa
  9. "Môn Lịch sử Dân tộc bị xoá lâu rồi.Từ 1954 cơ. Cái gọi là Lịch sử dạy trong trường phổ thông hiện nay, là Đảng sử chứ không phải là Lịch sử Dân tộc.
    Chính vì vậy mà học sinh quay lưng lại với nó"
    TÔI ĐI HỌC VÀO THỜI 'THUỘC PHÁP'. MÔN HỌC MÀ RIÊNG TÔI GHÉT NHẤT LÀ "HISTOIRE" BÀI HỌC SỐ 1: " NOS ANCÊTRES ÉTAIENT DES GAULOIS (Tổ tiên ta là người xứ Gaule), KHỔ NỖI QUÁ TRÌNH HỌC PHẢI QUA 3 KỲ THI, (DIPLÔME VÀ BAC 1, 2) MỖI KỲ CÓ HAI GIAI ĐOẠN, (PHẢI QUA THI VIẾT MỚI ĐƯỢC VÀO VẤN ĐÁP) NGOÀI RA, TRONG KỲ THI VIẾT TÚ TÀI 1 (BAC 1), BÀI LUẬN VĂN CHƯƠNG PHÁP CÓ RÀO CẢN, VÀ ĐƯỢC GIÁM KHẢO CHẤM TRƯỚC (HÌNH NHƯ ĐIỂM NHỎ NHỨT LÀ 8/20), DƯỚI ĐIỂM NẦY,KỂ NHƯ ĐÃ THI RỚT, CÁC MỘN KHÁC KHÔNG ĐƯỢC XÉT ĐẾN.
    KHI HỌC TIỂU HỌC CÁC QUÝ THẦY, DÙ PHẢI DẠY SỬ PHÁP, CŨNG DÀNH THÌ GIỜ GIẢNG SỬ VIỆT. KHUYẾN KHÍCH HỌC SINH ĐỌC SÁCH SỬ NƯỚC NHÀ, NHỜ VẬY MÀ KHI VÀO TRUNG HỌC PHẦN LỚN TRONG CHÚNG TÔI ĐỀU CÓ ÍT NHIỀU HIỂU BIẾT VỀ LỊCH SỬ NƯỚC NHÀ. THẬM CHÍ VÀO CUỐI NIÊN HỌC, TRONG BUỔI LỄ PHÁT THƯỞNG LONG TRONG, CÓ PHẦN GIÚP VUI, NĂM NÀO CŨNG CÓ VỞ KỊCH "HỘI NGHỊ DIÊN HỒNG" CÁC ANH LỚP NHỨT TRÌNH DIỄN, DO CÁC QUÝ THẦY ĐẠO DIỄN.
    NGÀY NAY CÁC CHÁU KHÔNG HỌC 'ĐẢNG SỬ' .CŨNG HỢP TÌNH HỢ LÝ. ÂU CŨNG LÀ ĐIỀU LÀNH CHO TƯƠNG LAI XỨ SỞ.
    LVD

    Trả lờiXóa
  10. Đây là ý đồ Hán hóa của Ban văn hóa tư tưởng TW. Lịch sử Đảng công sản, lịch sử chủ nghĩa Mác-Lê trong trường đại học thì vẫn còn và bắt buộc phải học, sinh viên rất khiếp môn này.

    Trả lờiXóa
  11. p.thường dân Nam Bộlúc 13:49 22 tháng 11, 2015

    Từ cái ngày chương trình học cả nước , hay thời kì VN bị chia cắt , Môn Lịch Sử chưa bao giờ bị đưa lên bàn mổ xem có hay không có nó trong chương trình học . Vậy mà bây giờ Môn Học Lịch Sử lại bị đưa lên bàn mổ như mổ tử thi , phanh thây nó ra ! Các nhà Lđ ngành GD & ĐT của nước CH XHCN VN làm chuyện lạ đời . Môn học Lịch Sử có phải là cái xác chết đâu . Cứ trả lại cho môn Lịch Sử đúng chỗ của nó là môn Lịch Sử . Còn viết sách GK và cách dậy Lich Sử thế nào cho HSSV ham học là nhiệm vụ của Bô GD&ĐT !

    Trả lờiXóa