Tác giả: Andrea Shalal và David Brunnstrom
Người dịch: Trần Văn Minh
26-10-2015
Chiến hạm USS Lassen (DDG 82), (bên phải) đang tuần tra theo đội hình với chiến hạm Sokcho của Hải quân Nam Triều Tiên (PCC 778) trong cuộc tập trận Foal Eagle năm 2015, ở vùng biển phía đông bán đảo Triều Tiên ngày 12-3-2015. Ảnh do Hải quân Mỹ cung cấp.
Hải quân Mỹ có kế hoạch đưa tàu khu trục USS Lassen vào khu vực 12 hải lý của các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây ở Biển Đông trong vòng 24 giờ tới, là đợt đầu tiên trong một loạt các thách đố đối với các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, một viên chức quốc phòng Mỹ cho biết hôm thứ Hai.
Chuyến tuần tra sẽ xảy ra gần Đá Xu Bi và Đá Vành Khăn ở quần đảo Trường Sa, là những thực thể bị ngập nước khi thủy triều cao trước khi Trung Quốc bắt đầu dự án nạo vét khổng lồ để biến chúng thành các hòn đảo vào năm 2014.
Tàu khu trục có lẽ sẽ được đi kèm với một máy bay giám sát P-8A của Hải quân Mỹ và một máy bay giám sát khác, có lẽ là, P-3, là máy bay từng thực hiện công việc giám sát thường xuyên trong khu vực, theo viên chức này, nói với điều kiện giấu tên.
Các cuộc tuần tra tiếp theo sẽ được thực hiện trong những tuần kế tiếp và cũng có thể được tiến hành quanh các thực thể do Việt Nam và Philippines xây dựng trong quần đảo Trường Sa, viên chức này nói thêm.
Viên chức này nói: “Việc [tuần tra] này sẽ thường xuyên hơn, chứ không phải một sự kiện duy nhất. Điều này không chỉ đặc biệt đối với Trung Quốc”.
Phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc, ông Josh Earnest đã dành các câu hỏi về chi tiết hoạt động cho Ngũ Giác Đài, nhưng nói rằng Hoa Kỳ đã làm rõ cho Trung Quốc biết tầm quan trọng của tự do thương mại trong khu vực Biển Đông.
Ông Earnest nói tại một buổi họp báo: “Hàng tỷ đô la thương mại đi qua khu vực này của thế giới. Bảo đảm luồng tự do thương mại đó … là quan trọng đối với kinh tế toàn cầu”.
Cau nhiều tháng cân nhắc, cuộc tuần tra sẽ là thách thức nghiêm trọng nhất của Mỹ từ trước đến nay đối với tuyên bố giới hạn lãnh hải 12 hải lý của Trung Quốc xung quanh các hòn đảo này.
Hành động này có nguy cơ làm xáo trộn đáng kể mối quan hệ vốn đã căng thẳng với Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trên thế giới, mà các doanh nghiệp và lợi ích kinh tế của Mỹ đã đan xen sâu sắc.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết vùng Biển Đông và vào ngày 9 tháng 10, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cảnh báo rằng, Bắc Kinh sẽ “không bao giờ cho phép bất cứ nước nào xâm phạm lãnh hải và không phận trong quần đảo Trường Sa, trên danh nghĩa bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”.
Đây sẽ là lần đầu tiên Hoa Kỳ đi vào bên trong vùng 12 hải lý của những thực thể biển kể từ khi Trung Quốc bắt đầu xây dựng trên các rạn san hô vào năm 2014. Lần cuối cùng Mỹ đi vào trong vùng 12 hải lý của lãnh thổ do Trung Quốc đòi chủ quyền ở quần đảo Trường Sa là vào năm 2012.
Các Tranh chấp chủ quyền
Cuộc tuần tra sẽ xảy ra chỉ vài tuần trước các hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự vào cuối tháng 11.
Hoa Kỳ cho rằng, theo luật pháp quốc tế, xây dựng đảo nhân tạo trên các rạn san hô ngập nước không cho phép một quốc gia tuyên bố giới hạn lãnh thổ và rằng điều rất quan trọng là phải duy trì tự do hàng hải trong vùng biển mà luồng thương mại thế giới 5 ngàn tỷ USD đi ngang qua hàng năm.
Washington lo ngại rằng, Trung Quốc xây dựng các hòn đảo với mục đích mở rộng tầm hoạt động quân sự tại Biển Đông.
Ông Tập đã gây ngạc nhiên cho các viên chức Mỹ sau cuộc họp với ông Obama tại Washington tháng trước, trong đó ông Tập nói rằng Trung Quốc “không có ý định quân sự hóa” các hòn đảo.
Tuy nhiên, ngay cả trước đó, các hình ảnh vệ tinh đã cho thấy Trung Quốc xây dựng 3 đường băng với tầm mức quân sự tại quần đảo Trường Sa, bao gồm một trên Đá Vành Khăn và một trên Đá Xu Bi.
Một số viên chức Mỹ cho biết rằng kế hoạch tiến hành cuộc tuần tra, một phần, nhằm mục đích thách thức tuyên bố của ông Tập về chuyện ‘không quân sự hóa’.
Trung Quốc có tuyên bố chủ quyền chồng lấn ở Biển Đông với Việt Nam, Malaysia, Brunei và Philippines, mà tất cả đều là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), cũng như với Đài Loan.
Vào tháng 5, hải quân Trung Quốc đã đưa ra 8 lời cảnh báo đối với phi hành đoàn của máy bay giám sát P8-A Poseidon của Mỹ, trong lúc bay gần các hòn đảo nhân tạo nhưng không vào bên trong giới hạn 12 hải lý, theo CNN, là những người có mặt trên máy bay.
Cũng trong tháng đó, chiến hạm USS Fort Worth, một tàu chiến duyên hải, “gặp phải nhiều” tàu chiến Trung Quốc trong một cuộc tuần tra ở quần đảo Trường Sa, Hải quân Mỹ cho biết vào thời điểm đó. [Tuy nhiên] Họ đã không cho biết chi tiết.
Vào năm 2013, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho 2 máy bay ném bom B-52 bay qua khu vực Nhận dạng Phòng không mà Trung Quốc thiết lập ở Biển Đông Á trong cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản.
Các viên chức Ngũ Giác Đài nói rằng Hoa Kỳ thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên toàn thế giới để thách thức các tuyên bố chủ quyền quá đáng.
Hồi đầu tháng 9, Trung Quốc đưa tàu hải quân vào khu vực 12 hải lý của quần đảo Aleutian ngoài khơi Alaska. Trung Quốc cho biết họ ở đó như là một cuộc thực tập thường lệ diễn ra sau cuộc tập trận với Nga.
Tường trình của Andrea Shalal và David Brunnstrom, được Sandra Maler và Cynthia Osterman chỉnh sửa.
Nguồn: Ba Sàm.
Coi cũng sướng mắt thiệt ! Tập tái mặt , Lý xanh mặt , Vương hậm hực, Thường Vạn Toàn nắm tay đấm mạnh xuống bàn ! Obama chơi đểu thật !
Trả lờiXóa