Thứ Năm, 29 tháng 10, 2015

RFA: CHÍNH PHỦ VN MẤT KHẢ NĂNG KIỂM SOÁT CHI TIÊU !

Chính phủ mất khả năng kiểm soát chi tiêu

Nam Nguyên, phóng viên RFA
RFA 28.10.2015

Mô hình của một dự án phát triển khu dân cư ven biển ở thành phố Hạ Long. 
Ảnh chụp hôm 20/9/2015.

Việt Nam có thể lâm vào khủng hoảng ngân sách vì tình trạng bội chi triền miên; chính phủ không đủ tiền chi tiêu chưa nói tới trả nợ nước ngoài và tìm cách vay thêm.
 
Chính phủ vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỉ đồng hồi gần đây để chi tiêu, kế tiếp dự kiến sử dụng 10.000 tỷ đồng từ tiền thoái vốn nhà nước ở các doanh nghiệp để bù đắp thiếu hụt ngân sách. Tuy vậy dư luận càng lo lắng hơn khi Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vào tuần cuối của tháng 10 đã đại diện Chính phủ trình Quốc hội kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ, thực tế không đủ tiền trả nợ nên vay nợ mới để trả nợ cũ đáo hạn.
Theo số liệu chính thức của Bộ Tài Chính được các Đại biểu Quốc hội trích dẫn, năm 2015 chính phủ chỉ trả nợ được 150.000 tỷ nhưng lại vay giải quyết bội chi ngân sách tới 226.000 tỷ đồng và vay trái phiếu chính phủ 85.000 tỷ đồng. Số liệu này cho thấy tổng các khoản vay lớn hơn gấp đôi tổng nợ đã trả, hoặc nói cách khác vay rất nhiều để trả một phần nợ, phần còn lại để chi tiêu.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, nguyên Vụ trưởng Vụ tài khoản thống kê Liên Hiệp Quốc, một chuyên gia am hiểu tình hình kinh tế tài chính Việt Nam từ New York nhận định:
“Tôi có cảm tưởng chính phủ càng ngày càng mất khả năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược lại chính phủ rất muốn chi tiêu. Chính phủ Trung ương đồng ý với các địa phương, xây nhà, xây đường xá, ông nào cũng đòi xây cái này xây cái kia. Và nhiều khi họ chưa có ngân sách mà đã bắt đầu xây rồi. Do làm việc thiếu hiệu quả nên hầu như công trình nào chi phí cũng vượt dự toán ban đầu, công trình nào cũng vậy cả. Thành ra với tình trạng này tôi thấy rất là khó, khả năng nợ ngày càng tăng nhanh và hiệu quả thì thấp. Khả năng trả nợ chắc chắn là sẽ khó khăn.”
Tại kỳ họp cuối cùng Quốc hội Khóa 13, diễn ra từ ngày 20/10 vừa qua, nhiều số liệu được công bố làm nóng dư luận báo chí. Tình hình ngân sách 2015 u tối như thế được giải thích là nguồn thu có vấn đề, như giá dầu thô xuất khẩu giảm một nửa, cộng thêm lộ trình cắt giảm thuế quan với hàng hóa ASEAN và một số thị trường khác mà Việt Nam hội nhập.
Tôi có cảm tưởng chính phủ càng ngày càng mất khả năng kiểm soát chi tiêu của mình, hoặc nói ngược lại chính phủ rất muốn chi tiêu. 
- Tiến sĩ Vũ Quang Việt
Đối với ngân sách 2016, các báo cáo tại Quốc hội cho thấy còn nguy cấp hơn nữa. Theo đó trả nợ theo kế hoạch năm 2016 là 155.000 tỷ đồng, nhưng trong đó đảo nợ hay vay nợ mới để trả nợ cũ lên tới 95.000 tỷ đồng và bội chi ngân sách tới 254.000 tỷ đồng. Trong bối cảnh như vậy, chính phủ lên kế hoạch rút 100% vốn nhà nước ở 10 đại công ty như Vinamilk, Bảo Minh, FPT…nếu làm tốt nhà nước có thể thu được 4 tỷ USD cho ngân sách. Nhưng điều làm dư luận lo ngại nhất, chính là đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để đảo nợ.
Đối với tình hình khủng hoảng ngân sách, TS kinh tế Phạm Chí Dũng, nhà hoạt động xã hội dân sự nằm ngoài sự kiểm soát của chính phủ, từ TP.HCM nhận định:
“Ngân sách bây giờ eo hẹp quá, yêu cầu thoái vốn từ hai năm rồi, đến giữa 2015 là phải thoái hết vốn, nhưng hiện nay chỉ mới thoái được 20%-25% vốn. Chẳng hạn Điện lực Việt Nam, Dầu khí trước kia đầu tư vào bất động sản, chứng khoán, tài chính ngân hàng khá nhiều nhưng cho tới nay chỉ thoái được từ 20-25% vốn còn lại vẫn bị chôn vốn. Như vậy tình hình ngân sách khó khăn làm cho nhà nước giật gấu vá vai, thoái vốn rồi xem bến cảng, đường xá chỗ nào bán được là bán hết để thu tiền cho ngân sách nhà nước, bù đắp những chỗ bị khuyết bội chi trầm trọng. Nhưng mà việc này hiện nay không còn toàn bộ nằm trong tay quyền hành của Chính phủ muốn quyết gì thì quyết, mà phải thông qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội.”
Giải pháp
Dư luận báo chí có nhiều ngày nổi sóng về vấn đề chính phủ đề xuất phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế để cứu ngân sách. Ngoài ra còn phát biểu của Bộ trưởng Bộ kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh tiết lộ Ngân sách chính phủ Trung ương 2016 chỉ còn một khoản tiền tươi thóc thật là 45.000 tỷ đồng, không thể điều tiết vào việc gì vì còn chưa trả nợ xây dựng cơ bản ở các địa phương.
SaigonTimes Online là tờ báo đưa tin này đầu tiên, sau đó đã giải thích là, chi ngân sách năm 2016 gần 1,3 triệu tỷ đồng nhưng phần lớn là chi thường xuyên và chỉ còn có 45.000 tỷ là Chính phủ có thể sử dụng cho mục đích đầu tư phát triển, số tiền này quá nhỏ bé khó thể tiến hành bất kỳ chương trình kích cầu nào.
Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.
- PGSTS Ngô Trí Long 
Về cơ cấu ngân sách của Chính phủ Việt Nam hiện nay, PGSTS Ngô Trí Long chuyên gia kinh tế ở Hà Nội từng nhận xét:
Trong thu ngân sách thì 75% là thu để chi còn lại là để trả nợ, như vậy thực chất không có đầu tư. Muốn đầu tư thì phải đi vay, trong bối cảnh làm không đủ ăn mà đầu tư lại đi vay thì nợ công là một gánh nặng. Nếu không có các giải pháp kiểm soát một cách chặt chẽ nghiêm túc, không nhìn nhận bản chất vấn đề thì hậu quả khó lường.”
Ngày 26/10/2015, hầu hết báo chí chính thức đưa tin về cuộc tiếp xúc báo chí của Thứ trưởng Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn. Theo đó, ông Tuấn khẳng định, kế hoạch phát hành 3 tỷ USD trái phiếu quốc tế nếu được Quốc hội cho phép, sẽ chỉ được thực hiện trên cơ sở bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và không làm thay đổi tổng nợ.
Theo lời giải thích của Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn thì đây gọi là tái cơ cấu nợ ngắn hạn trong nước bằng vay quốc tế dài hạn. Tổng nợ không thay đổi, chỉ thay đổi chủ nợ và lãi suất. Tuy báo chí không giải thích rõ hơn, nhưng có thể hiểu là nợ ngắn hạn trong nước tới lúc phải trả lãi hoặc đáo hạn mà không có tiền thanh toán, nên phải vay nợ mới ở nước ngoài bằng phát hành trái phiếu quốc tế dài hạn.
Như thế câu hỏi đặt ra ai là người phải trả nợ trái phiếu quốc tế dài hạn? rõ ràng là các chính phủ tương lai và thế hệ con cháu của nhân dân Việt Nam phải đóng thuế để trả món nợ 3 tỷ USD này.


11 nhận xét :

  1. BĐS vẫn chết dúi dụi!

    Trả lờiXóa
  2. Có biết kiểm soát đâu mà mất!

    Trả lờiXóa
  3. 3 tỉ đô thì thấm tháp gì với chi tiêu của CP . Nhưng con cháu phải gánh thêm nợ . chắc chắn con số này không dừng lại ở đó . Phải có kế hoạch giảm chi tỉ mỉ và cương quyết thi hành triệt để . Cũng phải có dũng cảm và quyết tâm nữa . VD cắt xe công là phải triệt đổ . Hay biên chế phình to quá . Làm chi có bộ tới 10 thứ trưởng. Rồi mai mốt hết NK nhiều Ô. Bà lớn về hưu . Về hưu mà vẫn quyền lợi lớn , vẫn cần vụ , vẫn công thự, vẫn xe công , vẫn lương đầy đủ trừ phụ cấp chức vụ , di chuyển xa vẫn ưu tiên máy bay hạng sang đủ cả tuỳ tùng ! Cả núi tiền CP không từ chối chi được !

    Trả lờiXóa
  4. Con nghiện, sắp đến cử thì cái gì cũng mang bán, ăn trộm để bán, ăn cướp để bán, ... và chỉ để mua một cử thuốc để trích.

    Thiết nghĩ lãnh đạo đảng ra nghị quyết in tiền thì tiêu thoải mái (in tiền theo nghị quyết chứ không phải theo khoa học về tài chính tiền tệ nhé), in đi mà tiêu còn tương lai thì mặc kệ tương lai.

    Trả lờiXóa
  5. Chi tiêu bừa bãi
    Lãng phí tràn lan
    Tham ô -trộm cắp
    Núi cũng phải lở
    Chỉ khổ dân thôi.

    Trả lờiXóa
  6. Các bác cứ tiêu thoải mái đi, Tàu và Mỹ rất nhiều tiền và cũng rất hào phóng, mấy trăm tỷ đôla chỉ là cái đinh rỉ của họ. Chỉ cần Ô-kê một trong hai thằng đó là tiêu nhòe. Đó chính là khả năng kiểm soát của các bác, mấy đại biểu không có tầm nhìn cứ lo bò trắng răng.

    Trả lờiXóa
  7. Nhà nước nên phát triển nông nghiệp chắc chắn sẽ có dư ngân sách để chi tiêu. Cụ thể là nên nuôi con cave và trồng cây thuốc phiện.

    Trả lờiXóa
  8. Các bác cứ lo bò trắng răng . mọi việc đã có Đảng và nhà nước lo ,mình là xứ thiên đường làm sao mà chết được

    Trả lờiXóa
  9. Lần này khả năng Tập Cận Bình do hiểu rõ tình hình tài chính Việt Nam hiện nay sẽ tuyên bố cho Việt Nam vay dài hạn nhiều tỷ USD (10 tỷ # 200.000 tỷ VNĐ?), lãi suất cực thấp (0,001%/năm ?), đổi lại Việt Nam phải "hủy hôn ước" với Mỹ và im lặng trong vấn đề biển đảo. Cháy túi rồi nhiều khi lãng đạo VN cũng "dám" okay chứ chẳng chơi!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thua bạc rồi muốn gỡ thì đk nào chẳng OK . Con cháu sau này cứ è cổ ra mà kéo ách nô lệ Tầu !

      Xóa
  10. Hết tiền đến mả tổ chúng nó cũng bán

    Trả lờiXóa