Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2015

QUẢNG NAM ĐI ĐÂU MÀ VỘI ?

BBC
2-9-2015



Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cho rằng tỉnh Quảng Nam đã ‘quá vội vàng’ trong vụ bổ nhiệm cán bộ mà theo ông lẽ ra có thể chờ cho đủ điều kiện hơn.

Tỉnh Quảng Nam của Việt Nam đã ‘quá vội vàng’ trong việc bổ nhiệm một cán bộ là con trai một quan chức lãnh đạo tỉnh ủy vào vị trí Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư ở tỉnh này, theo ý kiến của một cựu Đại biểu Quốc hội tại Bàn tròn thứ Năm tuần này của BBC Việt ngữ.

Vị tân giám đốc này đã thiếu ít nhất một trên bốn điều kiện để được bổ nhiệm làm quan chức ở vị trí được bổ nhiệm, trong khi có dấu hỏi đặt ra về tính công bằng trong việc ông được cử đi học bằng ngân sách của tỉnh từ vài năm trước khi còn là sinh viên mới tốt nghiệp, theo một ý khác tại Tọa đàm.


Vụ việc bổ nhiệm ở Quảng Nam lẽ ra sẽ không gây ra sự chú ý, kể cả trường hợp ‘con ông cháu cha’, nếu như việc thi tuyển công khai được tiến hành để mọi người thấy rõ năng lực, phẩm chất của người mới được bổ nhiệm, theo ý kiến một blogger từ thành phố Đà Nẵng tham dự Bàn tròn.

Sự việc ở Quảng Nam, tuy vậy, là dịp để xem lại các chuẩn mực, cách thức bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo các cấp ở Việt Nam, và có vẻ so với hiện nay, việc bổ nhiệm lãnh đạo nhiều thập niên về trước xem ra lại ‘rõ ràng hơn’, theo ý kiến của các khách mời của Tọa đàm hôm 01/10/2015.

Đi đâu mà vội?

Hôm thứ Năm, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Việt Nam, bình luận với BBC về trường hợp bổ nhiệm Giám đốc Sở của ông Lê Phước Hoài Bảo, là con trai của Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam mới từ nhiệm – ông Lê Phước Thanh, kiêm Trưởng đoàn đại biểu tỉnh này tại Quốc hội.

Ông Thuyết nói: “Trong trường hợp này tôi nói thật, nói một cách thật là các anh ở Quảng Nam, các anh vội vàng quá, không thể bổ nhiệm kiểu như thế được. Còn thiếu đi mấy tiêu chuẩn như vậy mà vẫn bổ nhiệm thì quá vội vàng. Đi đâu mà vội?”

Theo Giáo sư Thuyết, ông Lê Phước Hoài Bảo, người đang được Bộ Nội vụ của Việt Nam quyết định điều tra lại quy trình bổ nhiệm với ông vào chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư của tỉnh Quảng Nam, thì vị lãnh đạo 30 tuổi đời này còn ‘thiếu quá nhiều tiêu chuẩn’ dù là ‘hình thức thôi’.

Cựu Đại biểu Quốc hội nói: “Bởi vì nếu mà so với những tiêu chuẩn bổ nhiệm giám đốc (sở) mà Bộ Nội vụ ban hành năm 2004, thì thiếu quá nhiều tiêu chuẩn, chúng ta biết là những tiêu chuẩn hình thức thôi.

“Tức là thứ nhất phải là chuyên viên chính trở lên, thì ông ấy chưa phải là chuyên viên chính, bởi vì cũng mới ra công tác được một vài năm thôi. Thứ hai là phải tốt nghiệp đại học đúng lĩnh vực công tác, thì cái này đạt được yêu cầu.

“Thứ ba là phải hoàn thành chương trình lý luận chính trị cao cấp ở Học viện Chính trị thì chưa hoàn thành. Thứ tư là phải hoàn thành chương trình quản lý ở Học viện Chính trị Quốc gia thì cũng chưa kịp hoàn thành.

“Như vậy là mới đạt được một trên bốn tiêu chuẩn và mới có 30 tuổi, công tác được vài năm đã bổ nhiệm làm Giám đốc, thì có thể nói là ‘thần đồng’. Nhưng mà chỉ có điều là thần đồng này qua kiểm chứng, mặc dù rất hình thức thôi, thì thấy là chưa đạt tiêu chuẩn mà chính nhà nước Việt Nam đã đề ra.”

Chương trình hành động?

Theo nhà báo tự do Trần Tiến Đức, vụ bổ nhiệm ở tỉnh Quảng Nam cũng đặt ra một dấu hỏi về việc dường như nhiều người được bổ nhiệm vào các chức vụ lãnh đạo trong đảng và chính quyền các cấp ở Việt Nam lâu nay còn thiếu một nội dung quan trọng mà ông nhấn mạnh là ‘chương trình hành động’.

Cựu Vụ trưởng Truyền thông và Giáo dục, Ủy ban Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình Việt Nam (NCPFP), nói:

“Ở Việt Nam muốn bổ nhiệm gì cũng phải có một quy trình. Và lâu nay người ta vẫn đương nói rằng muốn ‘công khai, minh bạch’ và những người mà được bổ nhiệm vào một chức vụ nào đó thì phải có một chương trình hành động.

“Lâu nay, dư luận xã hội cũng muốn là mỗi một vị, dù được bổ nhiệm từ cấp thấp đến cấp cao là phải có một chương trình hành động rõ ràng, thì đấy là một điều qua việc bổ nhiệm này chúng tôi chưa thấy nó được thể hiện qua những văn bản nào đó.

“Cái thứ hai nữa là người ta cũng rất thắc mắc là bởi vì đây là con của một ông lãnh đạo của tỉnh. Ông ấy về, ông ấy xin nghỉ hưu trước thời hạn mấy tháng gì đó, và sau đó, trong quá trình đó, thì con trai ông ấy được bổ nhiệm làm, người ta cảm thấy có gì đó khuất tất.

So sánh với bổ nhiệm cán bộ, công chức, lãnh đạo trước đây ở miền Bắc Việt Nam, trong giai đoạn từ giữa thập niên 1960 trở đi khi cá nhân ông bắt đầu làm việc, cựu Vụ trưởng Trần Tiến Đức cho rằng mặc dù có những ‘nghịch lý’ và hạn chế, song thời kỳ đó lại có những quy định ‘rõ ràng’.

Ông nói: “Cái thời đó có những quy định rất rõ ràng là con không được làm trong cùng một cơ quan với bố, do bố trực tiếp quản lý. Tôi nghĩ rằng đấy cũng là ngăn chặn những chuyện mà lũng đoạn về mặt quyền lực. Và trong thực tế, tôi thấy có nhiều vị lãnh đạo rất cao, nhưng con cái không được tham gia một chức vụ lãnh đạo,” ông Đức nói với BBC.

Ai cho học bổng?

Hôm thứ Năm, cũng tại Bàn tròn trực tuyến, Tiến sỹ, blogger Nguyễn Xuân Diện nêu hai điểm mà ông cho là ‘khuất tất’, ‘nghi ngờ’ và đáng đặt dấu hỏi trong trường hợp vị Giám đốc sở 30 tuổi ở tỉnh Quảng Nam.

Ông Diện nói:

“Ngoài những vấn đề về chỉ số mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã nói, còn có một điểm tôi bổ sung nữa là người ta quy định phải có 5 năm công tác ở trong lĩnh vực này và trong đó có 3 năm phải làm quản lý ở trong lĩnh vực chuyên môn.

“Thế vậy thì không biết là ông Lê Phước Hoài Bảo này thì đã làm được điều đó chưa? Ngoài ra còn có một vấn đề nữa mà tôi được biết trong lịch trình học của ông ấy, là có một sự khuất tất và chưa rõ ràng.

“Đó là vào năm 2010 đến năm 2012, ông đã được đi học ở nước ngoài bằng kinh phí của nhà nước, kinh phí ngân sách của tỉnh, mà học từ năm 2010-2012 mới xong, nhưng mà học được một năm rồi, thì năm 2011 mới có ký giấy là cấp quyết định cho ông ấy đi học bằng ngân sách này.

“Và khi đi học như thế nó có vấn đề như vậy, vậy thì trong quá trình đi học như thế, có phải tất cả các sinh viên, mà lúc bấy giờ ông đi học không phải với tư cách là người công chức trong biên chế, hoặc là hợp đồng của tỉnh đó, mà ông đang là sinh viên.

“Vậy thì các sinh viên giỏi mà lúc bấy giờ ở trong tỉnh đó thì có phải ai cũng được như vậy không và bên cạnh ông ấy, nhiều sinh viên giỏi của tỉnh đó thì như thế nào,” Tiến sỹ Nguyễn Xuân Diện nói với Bàn tròn của BBC.

Không tin ngoại tộc?

Nhà báo tự do, blogger Trương Duy Nhất, từ Đà Nẵng, đặt vấn đề tại Tọa đàm về điều mà ông băn khoăn phải chẳng tình trạng và xu hướng ‘con ông cháu cha’, hay nói cách khác là lẫn lộn giữa quan hệ cá nhân với quan hệ công việc, tổ chức trong tuyển dụng công chức, bổ nhiệm lãnh đạo, có thể có nguyên nhân từ việc mà ông gọi là “người ta không tin vào những người ngoài dòng tộc”.

Trước tiên, ông Nhất nêu khái lược một vài hiện tượng được cho là ‘con ông cháu cha’ được dư luận và truyền thông quan tâm. Ông nói:

“Tôi nói như trường hợp con của Thủ tướng, ví dụ như trường hợp Nguyễn Thanh Nghị, Nguyễn Minh Triết, rồi Nguyễn Xuân Anh, Nguyễn Bá Cảnh, Tô Linh Huơng, Lê Trương Hải Hiếu, rồi Nông Quốc Tuấn, rất nhiều.

“Đó là trường hợp tôi có nói mà có thể ai cũng biết, còn nhiều trường hợp, ví dụ vừa rồi… em của ông Lê Trương Hải Hiếu, con của ông Lê Thanh Hải, chẳng hạn bây giờ cũng làm một cái gì đó chức cũng kha khá ở trong TP. Hồ Chí Minh.

“Tức là cái đó rất nhiều, đó chỉ là ở cấp mà cấp cực cao mà chúng ta có thể nhìn thấy, chứ còn ở cấp tỉnh và cấp bộ, thì cái đó rất nhiều, mà chúng ta không thể kể hết được.

“Cho nên tôi nói rằng cái đấy không chỉ dừng lại ở câu chuyện một ông Giám đốc 30 tuổi ở Quảng Nam, mà câu chuyện nó đến mức gần như mà người ta tưởng có cái gì đó bất ổn.

“Hay là bây giờ người ta không tin vào những người ngoài dòng tộc của họ?”, ông Nhất đặt dấu hỏi tại cuộc Tọa đàm.

4 nhận xét :

  1. Chuyện "5C", nói mãi rồi
    Nhưng mà... khổ lắm, nhiều nơi vẫn "làm"
    Nào đâu chỉ có Quảng Nam
    Sài Gòn, Bình Định, Kiên Giang... quá trời
    Cha con "bổ nhiệm", biết rồi
    Nếu cho thi tuyển, rạch ròi, khó vô!

    Trả lờiXóa
  2. Thưa GS Thuyết,đành phải"quá vội vàng"thôi chứ chờ"đủ điều kiện"thì thằng đệ nó cướp cơ hội đẩy con nó,em nó vào ghế ấy thì công sức bao nhiêu năm"cống hiến" đổ sông đổ biển sao?.Thời buổi nhiễu nhương này,lừa thầy phản chủ,giết huynh đoạt vợ là chuyện thường tình mất rồi,tin đứa nào được

    Trả lờiXóa
  3. Dự là sắp tới tỉnh Quảng Nam sẽ có vài dự án đầu tư và sẽ được rêu rao là do sếp trẻ bằng tài cao học rộng, ngoại giao xuất sắc đem về đấy.

    Trả lờiXóa
  4. Lĩnh Nam chích quáilúc 00:00 4 tháng 10, 2015

    QN chỉ là con chốt ! Đây là bước thăm dò , QN đi trước thành công , các nơi khác sẽ noi theo . Đúng là QN vụng về. Chọn đối tượng khác Hoài Bảo thì chắc đã thành công rồi ! Cái lo nhân sự có thể bị TQ gài , hay làm gián điệp là có cơ sở !

    Trả lờiXóa